Với nhiều triệu đồng bào phải vượt biên, với trăm ngàn đồng bào bị mất tích, tử nạn ngoài biển khơi, sau một cuộc nội chiến tàn khốc, mà kẻ thắng trận đã tạo nhiều bối cảnh, nhiều công đoạn, nhiều diễn biến để cái ác xuất hiện liên tục trong đời sống hằng ngày của miền Nam sau ngày thống nhất, mà kẻ thắng là ĐCSVN gọi là: giải phóng. Tại đây, phải vận dụng nhiều chuyên môn của tội phạm học để hiểu từ quy trình tới quá trình diễn biến của tội ác, nơi mà cái ác tạo điều kiện thuận lợi cho cái tội xuất hiện, với cường độ bất nhân của nó trước sinh mạng của đồng bào, với mức độ thất đức của nó trước đạo lý của Việt tộc:
1. Tội phạm học thượng tầng, phân tích kẻ thắng là ĐCSVN với các lãnh đạo mang tâm lý thanh trừng để thanh lọc, trong một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn 1954-1975, với bản chất thâm, độc, ác, hiểm song hành cùng các thủ đoạn điêu, ngoa, lừa, dối để thắng bằng bạo lực và tà tri, mà không hề thắng bằng nhân tâm và nhân tri.
3.Tội phạm học bạo hành, một sớm một chiều sau ngày chiến thắng 30/04/1975, ĐCSVN đã dựng lên và nhốt vào các trại học tập, với tên gọi nữa là trại cải tạo nhiều trăm ngàn người. Các nạn nhân là những sĩ quan, quân lính, công chức, trí thức, văn nghệ sĩ… trong nhiều năm, mà những kẻ lãnh đạo ĐCSVN đã gian dối với họ và với gia đình họ là chỉ đi học tập vài ngày, vài tuần rồi về lại về nhà. Thực chất các trại học tập, hay trại cải tạo này là những nhà tù, xa thành phố, xa dân cư, trong các vùng mà tù nhân gọi là rừng thiêng nước độc, với quy chế tổ chức của các nhà tù hà khắc, coi mạng người như cỏ rác.
4.Tội phạm học định chế, hàng triệu gia đình của đồng bào miền Nam rơi vào đường cùng với các định chế độc tài trong toàn trị: có người thân là tù cải tạo, phải có hộ khẩu mới được cư trú, lại bị xếp vào các loại lý lịch có dính líu tới ngụy quân, ngụy quyền… Và tội ác đã mở một cánh cửa mới là:
5.Chính sách kinh tế mới, gửi bao đồng bào, bao gia đình vào vùng rừng thiêng nước độc, không một chuẩn bị gì về hạ tầng, để rồi bệnh tật, chết chóc xuất hiện… Tội ác của độc quyền toàn trị dẫn kẻ có quyền lực đi từ tội lỗi này tới tội lỗi khác. Các đồng bào là nạn nhân của chính sách kinh tế mới, họ về lại thành phố, nơi họ đã từng sinh sống trước 1975, để trở thành những kẻ sống trên lề đường, đầu đường xó chợ, với cảnh màn trời chiếu đất, nhận kiếp bụi đời, sống như các oan hồn, ngay trong thành phố, ngay trên quê hương họ!
6.Tội phạm học lý lịch, khi bị xếp vào các loại lý lịch có dính líu tới ngụy quân, ngụy quyền của chính quyền miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa, thì họ coi như mất quyền công dân, họ không được vào cơ chế của công chức, lại liên tục bị tra hỏi khi tìm được các công việc mới. Mà tồi tệ nhất là con em của họ không được học hành bình thường, không được thi vào nhiều trường đại học. Từ chồng tới vợ, từ cá nhân tới gia đình không có một lối thoát bình thường từ hành chính tới định chế.
7.Tội phạm học kỳ thị, nơi mà con quan của ĐCSVN thì được làm quan, con ngụy thì phải nhận kiếp ngụy, không sao thăng tiến được qua nghề nghiệp, không sao thành tựu trong xã hội. Chính sách kỳ thị từ cái ác của thượng tầng lãnh đạo đã tạo ra định chế, làm ra biên chế bạo hành qua trại học tập, qua kinh tế mới, có luôn lý lịch và kỳ thị, như khai trừ các con dân miền Nam ra khỏi chính đất nước của họ.
Khi liên kết các chuyên môn này trong tội phạm học, thì sẽ thấy hiện tượng học về hệ quả Thuyền nhân (1975-1995) là hậu quả với bao hệ lụy của một chuỗi dài nơi mà cái ác đã làm ra bao cái tội trong nhiều năm:
a. Không có lối ra trong cuộc sống, nên phải vượt biên, bỏ quê hương, bỏ nhà cửa… để tìm đường sống trên một quê hương mới, với sự hy sinh lớn ngay trên tài sản của chính mình để hối lộ qua tham nhũng khi đi qua đường vượt biên.
b. Khi ra khơi thì sóng, gió, bão, giông ngoài khơi quyết định số phận của mình, mà thống kê của các hội đoàn quốc tế thông báo là nhiều ngàn đồng bào đã mất mạng trên biển.
c.Khi ra biển, thì tính mạng vẫn không an toàn, với bọn hải tặc, phần lớn gốc Thái Lan đã xâm phạm nhiều phụ nữ Việt, giết chóc đồng bào thuyền nhân để cướp của, cướp tiền, cướp vàng.
d.Khi chưa ra biển, hoặc đã tới biển rồi vẫn có thể bị công an bắt, và cảnh tù đày bắt đầu. Khi trong tù, thì các thuyền nhân lại rơi vào quy trình hối lộ, quy luật tham nhũng của công an để được phóng thích, rồi trở về thành phố, địa phương của chính mình như những hồn ma. Bao tội ác của công an đã trắng trợn lộ diện trong một chế độ tàn ác, mà cái ác luôn được công an đại diện, có nơi chúng đã giết người để cướp của, cướp tiền, cướp vàng của các thuyền nhân.
Thảm trạng thuyền nhân không chỉ có ở miền Nam sau 1975, nó lan tràn ra Bắc với dòng người Việt gốc Hoa, trong quy trình bị quy chụp là nội gián cho Trung Quốc khi đang có chiến tranh với Việt Nam năm 1979- ngay sau chiến tranh biên giới với Campuchia từ 1977 tới 1979. Rồi cái ác lại tái diễn với bạo hành của bạo lực, với cái tội tới từ cái tham qua các chặng đường: chuẩn bị vượt biên, trên đường đi bị công an biên phòng trấn lột, tù đày, ra biển không gặp giông bão, lại gặp hải tặc.
Hiện tượng học thuyền nhân cho xuất hiện một chuyên nghành: tội phạm học tổng quan, trong đó tội phạm học thượng tầng, tội phạm học chính thể, tội phạm học bạo hành, tội phạm học định chế, tội phạm học lý lịch, tội phạm học kỳ thị tương tác để bổ sung cho nhau làm rõ nét Việt sử cận đại dưới bạo quyền độc đảng-toàn trị. Nơi mà ĐCSVN độc trị trong độc tài với các tội ở các mức độ, mật độ, cường độ ở mức, ở tầng, ở dạng bất nhân quá cao.
Một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn (1954-1975) với nhiều triệu nạn nhân, với thảm trạng thuyền nhân lên tới hằng trăm ngàn nạn nhân, với một hình tượng tuyệt vọng tuyệt đối của một Việt tộc sống cạnh biển, với nửa quê hương là biển, lại không phải là một dân tộc với kinh nghiệm đường thủy cao, đã vô tình biến Biển Đông của mình thành nghĩa trang mênh mang chôn vùi bao đồng bào thuyền nhân. Đây là hậu quả của hậu quả về một chính sách nơi mà bạo quyền độc đảng-toàn trị luôn cầm dao, cầm súng để trừ, để khử, để vất ra khơi, đưa đồng bào vào lối chết: tội ác của bạo chính bằng tử lộ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét