khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Nha Trang: Phát triển du lịch và những hậu quả nhãn tiền



Trong thời gian gần đây, báo giới quốc nội đồng loạt đưa tin về các dự án lấn biển, phá núi ở Nha Trang để thực hiện các hạng mục công trình phục vụ du lịch của các đơn vị du lịch tư nhân, tuy nhiên các dự án này phần đông đi ngược với Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Vịnh Nha Trang.

Một lần nữa, dư luận tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động kêu gọi cần phải gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên ở Vịnh Nha Trang trước khi quá muộn.

Những ngọn núi bị “băm nát”

Truyền thông trong nước, vào trung tuần tháng 7 đăng tải hình ảnh núi Chín Khúc ở thành phố Nha Trang bị san ủi nham nhở trên diện tích hàng trăm héc-ta mà người dân địa phương mô tả ngọn núi này đang bị “cạo trọc” và bị “xẻ thịt”.
Đơn vị “xẻ thịt” núi Chín Khúc bị báo chí phanh phui không ai khác là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa-PV) làm chủ đầu tư. Dự án này được cấp phép để thực hiện du lịch kết hợp tâm linh viếng cảnh “Chùa Cửu Long Sơn Tự” và xây dựng các căn biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Chín Khúc, cách trung tâm thành phố khỏang 6 km. Từ đây, khách tham quan du lịch có thể nhìn trọn vẹn thành phố và vịnh biển Nha Trang – còn được ghi nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
Công ty Khánh Hòa đã được Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa cấp tổng cộng 513 héc-ta đất trên núi Chín Khúc để làm dự án này và đang tiến hành đào đất, xẻ núi làm đường. Báo giới quốc nội ghi nhận việc thi công của Công ty Khánh Hòa làm thay đổi gần như toàn bộ hiện trạng của núi Chín Khúc.

Không chỉ mỗi núi Chín Khúc trở thành “nạn nhân” bị “băm nát” mà báo giới quốc nội còn đăng tải thông tin la liệt các dự án khác đã và đang manh nha làm thay đổi “diện mạo” của những ngọn núi có vị trí đẹp ở thành phố Nha Trang để kinh doanh du lịch và bất động sản như Dự án Haborizon Nha Trang, rộng hơn 13 héc-ta trên núi Hòn Rớ, Dự án Nhà ở cao cấp Hoàng Phú rộng gần 11,6 héc-ta trên núi Hòn Xện hay các dự án ở núi Cảnh Long (bao gồm Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang và Dự án Anh Nguyễn Ocean Front Villas).

Điều đáng chú ý mà dư luận đặc biệt quan tâm là khu di tích Bảo Đại nằm trên đồi Cảnh Long với 5 tòa biệt thự cấu trúc kiểu Pháp, được xây dựng hồi đầu thế kỷ 20, hiện nay đang bị phá tan hoang cũng như toàn bộ ngọn núi đang bị biến dạng sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch và giao gần 14 héc-ta đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà cải tạo khu di tích Bảo Đại và xây thêm khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị, bến du thuyền và biệt thự để bán.

Bờ biển bị xâm lấn


Bên cạnh những ngọn núi đang bị tàn phá, nhiều khu vực bờ biển Nha Trang cũng đang bị xâm lấn một cách nghiêm trọng. Nhiều dự án xây biệt thự, lấn biển trong hai thập niên qua không có xu hướng giảm dù một số dự án bị chính quyền tỉnh Khánh Hòa đình chỉ thi công. Một trường hợp điển hình là dự án tại khu di tích Bảo Đại, xây dựng công trình sai với giấy phép được cấp, và dù bị các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa ra quyết định đình chỉ nhưng chủ đầu tư Cổ phần Đầu tư Khánh Hà được nói là vẫn tiến hành thi công (?!).

Nhà báo tự do Võ Văn Tạo, chia sẻ với RFA rằng, một trong những hậu quả trước mắt mà bản thân ông là một cư dân ở Nha Trang cảm thấy rất đau lòng đến mức phải khóc, đó là bờ biển của Vịnh Nha Trang bị Tạp chí National Geographic xếp hạng ở một trong 10 vị trí cuối bảng của 99 bãi biển đẹp nhất thế giới hồi năm 2010. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:

“Năm 2010, Tạp chí địa lý du lịch có trụ sở chính ở Hoa Kỳ, theo kết quả bình chọn của hơn 340 chuyên gia du lịch và sinh thái uy tín trên thế giới đã xếp hạng Nha Trang vào trong nhóm 10 bãi biển tệ hại nhất trong danh sách 99 bãi biển nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây là một đòn rất nặng cho thành phố du lịch Nha Trang. Cảnh báo của Tạp chí địa lý du lịch Hoa Kỳ, nếu người nào làm trong lãnh vực du lịch có nghiên cứu nhiều thì sẽ nhận thấy cách thức quản lý như thế làm cho Nha Trang-Khánh Hòa đang tự sát và đến một ngày nào đó những khách du lịch có nhu cầu cao có thẩm mỹ sẽ không đến nữa.”

Lợi ích từ du lịch


Đài RFA ghi nhận không thể phủ nhận với sự phát triển quá nhanh tại vịnh Nha Trang, nhằm khai thác và phục vụ không chỉ cho ngành du lịch mà còn là nơi được xem như một “thiên đường” nghỉ dưỡng của công dân toàn cầu, tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều lợi ích như thu hút rất đông du khách nội địa và quốc tế cũng như đạt được doanh thu hàng năm từ du lịch rất lớn.

Số liệu mới nhất được công bố trên truyền thông, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết năm 2018 ngành du lịch Nha Trang-Khánh Hòa đón gần 6,3 triệu lượt khách và doanh thu đạt khoảng hơn 20,5 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017. Và, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỉnh này đã đón 1,6 triệu lượt khách, chủ yếu đến tham quan Nha Trang.

Trong đó, khách Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu danh sách du khách quốc tế và có xu hướng tăng với mức bình quân từ 200.000 đến 220.000 ngàn lượt khách mỗi tháng. Trong khi đó, dòng khách truyền thống đến từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…vẫn chiếm một con số khiêm tốn.

Ngành du lịch phát triển ở Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung trong vài năm trở lại đây được cho là quá tải. Giới chức địa phương nói với báo giới rằng dù có bước tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng và chất lượng nhưng việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng kịp với sự tăng đột biến của du khách.

Bên lề kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VI, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định với Báo mạng Zing.vn rằng quan điểm của tỉnh là cần thiết phát triển kinh tế nhưng không vì thế mà không giữ gìn những thắng cảnh sông, núi, biển hồ…

Nói là vậy nhưng theo ghi nhận của không chỉ riêng nhà báo Võ Văn Tạo –người con của đất Khánh Hòa mà còn của không ít người rằng môi trường thiên nhiên ở Vịnh Nha Trang đang bị phá hủy bởi làn sóng phát triển xây dựng vô tội vạ, dưới sự quản lý bị buông lỏng của chính quyền địa phương.

Nhà báo Võ Văn Tạo kể ông là người được tiếp xúc và tận tai nghe giới chuyên gia của Chính phủ nói về quy hoạch ở Nha Trang từ đầu năm 1980 và ông nhận xét đó là những quy hoạch rất tốt và rất hay. Nhưng ông lấy làm tiếc khi quy hoạch “chuẩn” đó không được áp dụng đúng trên thực tế. Nhà báo Võ Văn Tạo nói:

“Theo quy hoạch mà các chuyên gia ở Hà Nội nói là nên dành khoảng 40 đến 50 mét từ mặt đường Trần Phú lùi vào phía trong để làm sân đậu xe hoặc nhà hàng một tầng thôi. Và sau cự ly đó mới cho xây tòa nhà, khách sạn và bắt buộc các tòa nhà đó phải chạy theo hướng từ Đông sang Tây và các khối nhà được giản cách hợp lý để cho thông thoáng thành phố Nha Trang vì gió biển lùa từ phía Đông vào Nha Trang. Còn nếu như chạy theo hướng Bắc Nam thì sẽ chắn hết gió biển và khoảng cách quá hẹp cũng không được. Đấy là quy hoạch ban đầu. Nhưng theo thời gian gần 40 năm tính từ năm 1980, qua rất nhiều nhiệm kỳ của các giới chức địa phương và vì quyền lợi cá nhân, ‘tham bát bỏ mâm’…thì chủ đầu tư nào có tiền cứ chạy chọt, lo lót… kể cả Trung ương nữa chứ không chỉ địa phương đâu, chạy ra tận Chính phủ luôn. Cho nên xây cất rất bừa bãi, thiển cận, chỉ thấy trước mắt mà không thấy lâu dài.”

Hậu quả của phát triển “không theo quy hoạch”


Song song với những số liệu thống kê cho thấy ngành du lịch ở Nha Trang-Khánh Hòa đạt được đầy phấn khởi thì Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận vẫn chưa có một báo cáo hay nghiên cứu chính thức nào phản chiếu những hậu quả bởi ngành du lịch hái ra tiền gây ra ở Vịnh Nha Trang được công bố.

Báo giới nhiều năm qua thường xuyên nhắc đi nhắc lại điệp khúc của dân chúng ở Nha Trang kêu ca về tình trạng ô nhiễm rác thải và nước thải công nghiệp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường nhật không chỉ của cư dân mà cả khách du lịch.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về “lợi bất cập hại” của tình trạng xây cất tràn lan tại Nha Trang gây nhiều hệ lụy cho quy hoạch đô thị cũng như phá hủy môi trường thiên nhiên ở đây.

Báo mạng Zing.vn vào trung tuần tháng 4 năm 2019, dẫn lời của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cách phát triển hiện tại ở Nha Trang rất ngắn hạn và có hại cho thành phố. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh với Zing.vn rằng nếu chỉ tập trung xây nhà cao tầng dọc theo bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió và khu vực dọc bờ biển bị ô nhiễm bụi bẩn, khói xe.

Một số chuyên gia còn chỉ ra tình trạng khai phá núi để xây dựng các dự án dẫn đến hậu quả sạt lở khi mưa bão xảy đến, như trong trận mưa ngày 18/11/18 đã có 18 người tư vong và 3 người mất tích đều do sạt lở đất từ trên núi gây ra.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc được Báo mạng Zing.vn trích lời rằng nếu Nha Trang cứ nhắm vào phát triển theo giá trị bất động sản thì thành phố và nhất là cư dân sẽ trả giá.

Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa hồi năm 2014 từng phát động cuộc thi nhằm mục đích bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái ở Vịnh Nha Trang. Nhiều người tham dự cuộc thi này bày tỏ mối quan ngại nguồn tài nguyên thiên nhiên như các rạn san hô hay rừng ngập mặn bị suy giảm nhanh chóng bởi tình trạng xây dựng lấn biển ồ ạt, mặc cho giới chuyên gia cảnh báo là “cháy rừng dưới biển” hay các khẩu hiệu tuyên truyền “còn rừng là còn sự sống” của các cơ quan chức năng.

Thạc sĩ Lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật từng lên tiếng giải thích với RFA về chức năng của rừng ngập mặn là thanh lọc không khí và nước được quân bình, còn rừng cây là lá phổi xanh mà nếu như mất đi những nguồn thiên nhiên đó hậu quả rất nghiêm trọng. Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng không chỉ ở Nha Trang nói riêng, mà khắp nơi ở Việt Nam và trên cả toàn cầu cần phải nghiêm túc trong việc bảo vệ thiên nhiên:

“Chúng ta chia sẻ một bầu không khí chung. Chúng ta sống trong một mái nhà xanh chung của toàn thế giới chứ không phải của riêng ai. Cho nên chúng ta không thể làm những điều gì gây tổn hại đến cây rừng, đến muôn loài và đến đất mẹ. Bởi vì cây cối và núi rừng che chở chúng ta. Nếu chung ta làm tổn thương thiên nhiên, giết hại muôn loài thì chúng ta đang tự tử một cách từ từ khi làm như vậy.”

Trong một email gửi cho RFA vào tối ngày 11 tháng 7, Tiến sĩ Sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho biết ông lấy làm tiếc trước thông tin và hình ảnh Dinh Bảo Đại ở Nha Trang bị phá tan hoang do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Nhã kêu gọi cần có sự khẩn trương bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử này không bởi vì lý do lịch sử còn lưu lại dấu tích của Vua Bảo Đại mà còn rất lợi cho du lịch văn hóa lịch sử, một thắng cảnh đẹp của Việt Nam.

Giới chuyên gia, trong đó có Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc và Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề nghị tỉnh Khánh Hòa nên mạnh dạn điều chỉnh lại hiện trạng và tìm giải pháp, phương án cho quy hoạch đô thị thành phố Nha Trang, dựa theo những ý kiến đóng góp của các chuyên gia về xây dựng, quy hoạch đô thị hàng đầu trong nước và ngoài nước.
Thành phố Nha Trang được quy hoạch với mục đích để phục vụ cho ngành du lịch, thế nhưng sau bốn thập niên phát triển chỉ thu hút được nguồn lợi từ du lịch giá rẻ, còn giấc mộng “thiên đường nghỉ dưỡng của công dân toàn cầu” dường như không nằm trong danh sách được ưu tiên lựa chọn của những người ưa chuộng “sản phẩm cao” như đánh giá của nhà báo Võ Văn Tạo rằng “họ sẽ không đến nữa”.

Chúng tôi xin được kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này qua chia sẻ của ông Chánh Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt sau chuyến về thăm quê ở Nha Trang hồi tháng 5 vừa qua rằng:
“Trời đất ơi, toàn là khách sạn cao tầng, nó phát triển quá nhiều làm mình ngộp với sự tăng trưởng như vậy. Hòn Tre bây giờ thì bị cạo núi hết, mình nhìn thấy khủng khiếp luôn. Hồi xưa về xứ mình để đi biển, tham quan phong cảnh…Còn bây giờ các đảo (ở Nha Trang) toàn là du khách Trung Quốc. Không còn gì nữa rồi. Nếu có chuyện gì cần thiết phải về thì mình về. Còn như về để an dưỡng thì không muốn đi nữa.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét