Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói nhiều về các vấn đề an ninh đang là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh.
Vào ngày cuối cùng của diễn đàn hợp tác an ninh-quốc phòng châu Á lần thứ 18, được tổ chức tại Singapore từ 31/5 đến 2/6, ông Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu trong đó ông nói tới vấn đề Biển Đông.Bắc Kinh "có quan điểm khác với Mỹ trong một số vấn đề", ông nói, và "mạnh mẽ phản đối những lời lẽ cùng những hành động sai trái của họ liên quan tới Đài Loan và Biển Nam Trung Hoa (là tên gọi là Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông)".
Cho rằng trong những năm gần đây, "học thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc" đã được một số đối tượng phóng đại lên, ông bộ trưởng nhấn mạnh rằng sự cường điệu hóa đó chính là hậu quả của việc thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa và chính trị Trung Quốc, và "do hiểu lầm, thành kiến, thậm chí do có nghị trình ẩn giấu" của những đối tượng đó.
Trung Quốc 'không bao giờ chiếm một tấc đất của nước khác'
Phát biểu rằng Trung Quốc "nghiêm cẩn cam kết với nhân dân Trung Quốc và thế giới" trong việc theo đuổi con đường phát triển hòa bình, điều mà ông nói là "đã được viết trong Điều lệ Đảng Cộng sản và trong Hiến pháp Trung Quốc", ông Ngụy nói rằng Trung Quốc "không bao giờ khiêu chiến hoặc khơi ngòi xung đột, cũng không bao giờ xâm lăng hay chiếm một tấc đất nào của nước khác".
Tuy nhiên, ông nói Trung Quốc áp dụng chiến lược chủ động phòng thủ quân sự, với nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng đáp trả nếu bị tấn công, mà cụ thể là "chúng tôi sẽ không tấn công trừ phi bị tấn công, nhưng chúng tôi chắc chắc sẽ đánh trả nếu bị tấn công".
"Chúng tôi chưa bao giờ bắt nạt hay nhòm ngó ai, và chúng tôi sẽ không để ai bắt nạt hoặc nhòm ngó chúng tôi."
Liên quan tới Biển Đông, ông Ngụy Phượng Hòa phát biểu nguyên văn như sau:
"Tình hình hiện thời tại Biển Nam Trung Hoa đang được cải thiện, tiến tới ổn định hơn. Điều này đạt được là nhờ vào nỗ lực chung của các nước trong khu vực."
"Tuy nhiên, luôn có những kẻ tìm cách trục lợi bằng cách gây sự trong khu vực. Trước khi có Đối thoại [Shangri-La], tôi đã tới thăm Việt Nam và Singapore, và đạt được sự đồng thuận chung với Tướng Ngô Xuân Lịch và Tiến sỹ Ng. Eng Hen trong việc duy trì sự ổn định ở Biển Nam Trung Hoa."
"Tôi có một số câu hỏi muốn thảo luận với quý vị."
"Trước tiên, ai là người đang đe dọa an ninh và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa? Trên 100 ngàn tàu thuyền qua lại ở Biển Nam Trung Hoa mỗi năm. Không chiếc nào bị đe dọa."
"Tuy nhiên, vấn đề là trong những năm gần đây, một số quốc gia bên ngoài khu vực đã tới khoe cơ bắp với danh nghĩa thực thi quyền tự do đi lại. Việc phô trương lực lượng ở quy mô lớn và tiến hành các chiến dịch tấn công trong khu vực là những yếu tố nguy hại nhất gây mất ổn định và bất ổn ở Biển Nam Trung Hoa."
"Thứ hai, ai sẽ hưởng lợi và ai sẽ phải chịu thiệt thòi nếu xảy ra hỗn loạn ở Biển Nam Trung Hoa? Trong trường hợp có hỗn loạn, chúng ta, các quốc gia trong khu vực, là những người phải gánh chịu. Mục tiêu của một số nước khi gửi tàu quân sự và phi cơ quân sự từ xa tới khu vực này là gì?
Không phải là đã có đủ những ví dụ cho thấy một số nước lớn đang can thiệp vào các mối quan hệ trong khu vực, gây rắc rối rồi bỏ đi, để lại hậu quả hay sao?"
"Thứ ba, sự ổn định ở Biển Nam Trung Hoa nên được các nước trong khu vực hay ngoài khu vực duy trì? Trung Quốc và các nước ASEAN đã có những tiến bộ tích cực trong việc đàm phán COC (bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông). Chúng tôi hy vọng rằng các nước liên quan sẽ không đánh giá thấp sự khôn khéo và khả năng duy trì ổn định của các nước trong khu vực trong việc xử lý thích hợp những khác biệt và duy trì hòa bình. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh các gợi ý mang tính tích cực từ tất cả các nước."
"Thứ tư, việc Trung Quốc xây dựng trên các đảo, các rặng đá ở Biển Nam Trung Hoa có phải là hành vi quân sự hóa hay không? Việc xây dựng trên phần lãnh thổ của mình chính là thực thin quyền hợp pháp thuộc chủ quyền quốc gia."
"Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quốc phòng hạn chế trên các đảo và các rặng đá là nhằm tự vệ. Ở đâu có đe dọa, ở đó có hành động tự vệ. Đối diện với các tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nặng và các máy bay quân sự, làm sao chúng tôi có thể đứng yên chịu trận mà không xây dựng một số cơ sở phòng vệ?"
Tuy không trực tiếp nhắc tới Hoa Kỳ, nhưng lời phát biểu của ông Ngụy rõ ràng nhắm tới Washington cùng quan điểm của nước này tại Biển Đông.
Hoa Kỳ liên tiếp cho tàu hải quân tới gần các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhằm thực thi điều mà Washington gọi là "tự do đi lại".
Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần có lời qua tiếng lại về những động thái của Bắc Kinh mà Washington nói là quân sự hóa Biển Đông.
Phía Trung Quốc nói hành động xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo và bãi đá nhân tạo là 'tự vệ'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét