khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Miễn nhiễm và Chiến tranh chống Ung thư- Tác giả Việt Nguyên



Trung tâm y khoa Texas ở Houston là một hãnh diện cho thành phố, nổi tiếng là trung tâm y khoa lớn nhất thế giới với hai chuyên khoa đứng hàng đầu, giải phẩu tim và khoa ung thư với bệnh viện M. D. Anderson. Năm 2018 tên của bệnh viện lại nổi danh trên toàn thế giới khi Giáo sư James Allison đoạt giải Nobel về y khoa hay sinh lý học. Hai giáo sư tiến sĩ chuyên về ngành miễn nhiễm, James Allison của M. D. Anderson đại học Texas Hoa Kỳ và Tasuku Honjo đại học Kyoto Nhật Bản, cùng chia nhau giải Nobel y học, hai ông có công trình thiết lập nguyên tắc hoàn toàn mới về trị liệu ung thư. Cả hai ông với công trình riêng rẽ đã khám phá hệ thống miễn nhiễm của con người chống đở tấn công của bướu ung thư bằng các phân tử hoạt động như những “cái thắng”, tháo lỏng những cái thắng này giúp cơ thể chống đỡ mạnh mẽ ung thư.
Ý tưởng cơ thể con người chống đỡ bệnh ung thư đến từ BS William Coley năm 1890 khi ông chữa bướu độc xương (loại Sarcoma) trên bàn tay bà bệnh nhân Elizabeth Dushsell. Chữa trị thất bại, ông nghiên cứu các hồ sơ bệnh nhân bị ung thư xương và tìm thấy hồ sơ ông Fred Stein một bệnh nhân bị ung thư xương được mổ nhiều lần nhưng ung thư chạy lên đến cổ không còn hy vọng chữa trị bằng phẫu thuật và ông Stein lại bị nhiễm độc vi trùng gây nhọt áp xe quanh ung thư ở cổ. Trong thời gian này trụ sinh Penicillin chưa được khám phá bởi BS Alexander Fleming (năm 1928). Ông Stein lại hết bệnh ung thư nhờ nhiểm độc, các bạch huyết cầu gây áp xe quanh bướu đã giết hết vi trùng đồng thời ung thư nhỏ lại và biết mất!
BS Coley sau đó tìm cách đánh các tế bào ung thư bằng cách lấy mủ từ các nhọt (áp xe) cấy vào các bướu ung thư, ông ghi nhận vài trường hợp ung thư nhỏ lại nhưng ông không tìm ra cách thức chữa ung thư bằng cách kích thích sức kháng tự nhiên của cơ thể bệnh nhân.
Sinh học hiện đại đã chứng tỏ các tế bào bạch cầu giữ nhiệm vụ chống đỡ vi trùng và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm. Ba loại tế bào quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm là bạch huyết bào (Lymphocytes) loại T, đại thực bào (Macrophage) và tế bào đuôi gai (Dendritic cell) các tế bào này bắt kẻ địch xâm nhập và phản ứng phòng thủ lại. Một bạch huyết bào khác loại B tạo ra chất kháng thể (Antigen). Các vi trùng trong ruột cộng tác với hệ thống miễn nhiễm. Các sinh vật vô cùng nhỏ này sống trong ruột chỉ huy con người, tâm tình vui buồn cũng bị ảnh hưởng bởi vi trùng. Vi trùng làm chủ con người. Các tế bào giữ vai trò quan trọng trong chiến tranh chống ung thư nhưng ký giả Matt Richtel đoat giải Putlizer về khoa học đã có một nhận xét đặc biệt, gọi chiến tranh là ngộ nhận vì hệ thống miễn nhiễm giống như đội quân giữ gìn hòa bình Liên hiệp Quốc hơn là đoàn quân chiến đấu. Đội quân này nhằm mục đích tạo ra sự hài hòa trong cơ thể không hại đến các tế bào khác vì chúng ta cũng cần đồng minh như cả tỷ vi trùng trong ruột cần thiết cho tiêu hóa, dinh dưỡng, mập, ôm, tạo năng lực sinh lực từ thực phẩm. Giết hết những vi trùng này một cách không cần thiết bằng trụ sinh hay bằng xà phòng khử trùng là giết các vi trùng cần cho hệ thống miễn nhiễm.
Thời chiến tranh Việt Nam các giáo sư Mỹ trong phái bộ AMA đến Việt Nam đã nhận xét “bệnh nhân Việt Nam bị hàng trăm vết thương nhưng ít bị nhiễm độc trong khi lính Mỹ đến Việt Nam bị một hai vết đạn đã thấy bị nhiễm trùng ngay” câu trả lời “vì người Mỹ không quen ở bẩn”. Người Việt hay đùa “sống lâu hơn ở sạch”. Câu nói đó bây giờ đúng với thuyết vệ sinh mới của Mỹ (Hygiene hypothesis). Tổ tiên con người qua hàng triệu năm sống sót với thay đổi môi sinh với những thách đố như thiếu thực phẩm hay thực phẩm thiếu vệ sinh, nước uống không khí ô nhiễm vẫn sống sót còn ở trong thời đại văn minh này vì có quá nhiều trụ sinh dùng trụ sinh và xà phòng sát trùng bừa bãi nên hệ thống miễn nhiễm yếu đi. BS Meg Lemon chuyên về bệnh ngoài da và dị ứng khuyên bệnh nhân “khi đánh rơi đồ ăn xuống đất hãy cúi xuống nhặt lên ăn!” lời khuyên nghe trái với y khoa! Bà khuyên phải chích ngừa để hệ thống miễn nhiễm mạnh giết vi trùng và siêu vi trùng nhưng không dùng xà phòng sát trùng. Hệ thống miễn nhiễm có thể bị ngưng hoạt động nếu không tiếp xúc thường trực với thế giới thiên nhiên bên ngoài, ở quá sạch hệ thống miễn nhiễm không quen hoạt động bệnh dị ứng gia tăng. Các bác sĩ về miễn nhiễm cũng đồng ý với BS Meg Lemon, những người có học, có nhiều tiền ở giai cấp cao theo thống kê bị bệnh dị ứng nhiều hơn. Vào thế kỷ thứ 19 sách y khoa Anh cũng ghi nhận bệnh dị ứng mũi vào mùa xuân thường xảy ra ở giai cấp thượng lưu sạch sẽ quá!
Tuy ký giả Matt Richtel gọi các tế bào miễn nhiễm là đội quân gìn giữ hòa bình nhưng có lúc cơ thể con người cũng giống như chiến trường khi bị vi trùng hay tế bào ung thư tấn công một số tế bào miễn nhiễm T phồng lên, các tế bào đuôi gai vây lại, các đại thực bào cắn vào tế bào ung thư hay nhiễm trùng tóm cổ chúng đưa đến trung tâm phòng thủ là các hạch bạch huyết (Lymph node) tại đây các tế bào miễn nhiễm T và B hai tế bào mạnh nhận ra kẻ thù, giết kẻ thù bằng cách tiết ra các chất kháng thể (Antigen). Lại cũng giống như chiến tranh, có khi các tế bào miễn nhiễm B và T bị địch thủ là các tế bào ung thư và các tế bào viêm đánh lừa, các ông lính này sao lãng không nghĩ địch thủ độc hại để chúng lan tràn tấn công khắp nơi. Một ví dụ điển hình là bệnh ung thư bạch huyết bào Hodgkin’s, các tế bào ung thư lừa tế báo T bằng cách chuyển dấu hiệu đánh lạc hướng, các tế bào T cho rằng các tế bào ung thư Hodgkin’s này không phải là kẻ thù mà là bạn cho nên chẳng những không giết địch mà còn xông đến bao quanh che chở cho các tế bào ung thư! Ví dụ này là nhận xét của các bác sĩ chuyên về ung thư (Oncologist). Các tế bào miễn nhiễm có khi đánh đồng đội gây ra bệnh tự miễn nhiễm như Lupus và bệnh viêm khớp xương.
Hiện nay chữa trị ung thư căn bản vẫn là giải phẫu, xạ trị (radiation) và hóa trị (chemotherapy), nói như thầy tôi GS Đào Đức Hoành trưởng khoa ung thư đại học y khoa Sàigòn trước năm 1975, cắt, đốt, cho uống thuốc độc.
Khoa trị liệu miễn nhiễm phát triển trong những thập niên gần đây. Các nhà nghiên cứu hệ thống miễn nhiễm khám phá hai phân tử Interferon và Interleukin-2 làm giảm tế bào ung thư trên chuột nhưng không hiệu quả trên người.
Ông James Allison khoa học gia trẻ tuổi ở làng nhỏ Alice tiểu bang Texas thích nghiên cứu về tương quan giữa hệ thông miễn nhiễm và ung thư, không được các thầy khuyến khích trái lại còn bị ngăn cản nhưng ông vẫn nhất định theo con đường nghiên cứu miễn nhiễm. Ông tò mò tìm kiếm về chất CTLA-4 được xem là chất kích thích hệ thống miễn nhiễm sau một thời gian ông lại có quan điểm ngược lại với các khoa học gia khác, ông thấy chất này là “cái thắng” hơn là “bàn đạp ga”. Qua nhiều thí nghiệm trên chuột ông đã cho thấy ngưng cái thắng CTLA-4 sẽ giúp hệ thống miễn nhiễm của chuột tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Ở Nhật giáo sư Tasuku Honjo nghiên cứu riêng không biết đến nghiên cứu của giáo sư Allison ở Mỹ, tìm ra phân tử PD-1 chứng minh chất này cũng là cái thắng trên hệ thống tế bào miễn nhiễm.
Năm 2004, chữa trị thí nghiệm đầu tiên trên người bị xem là thất bại. Bệnh nhân bị ung thư sắc tố đen (Melanoma) chữa trị bằng hóa trị hay xạ trị trong vòng vài tuần đến vài tháng có kết quả trong khi chữa bằng phương pháp miễn nhiễm với chất chặn CTLA-4 sau nhiều tháng không thấy kết quả. Hãng thuốc Pfizer bảo trợ cho cuộc nghiên cứu bỏ cuộc không chế chất chặn CTLA-4 để làm thử nghiệm vì cho rằng đây là bằng chứng cụ thể cho thấy hệ thống miễn nhiễm của người và chuột khác nhau. Nhưng tình cờ các bác sĩ trong cuộc nghiên cứu vài tháng sau khi cuộc chữa thử nghiệm ngừng, các tế bào ung thư trên các bệnh nhân nhỏ lại hay không phát triển. Các cuộc nghiên cứu lại được tiếp tục nhưng thay vì thời gian thử nghiệm vài tháng nay được kéo dài vài năm, kết quả đem đến giải thưởng Nobel cho giáo sư James Allison.
Một trường hợp thành công lớn là trường hợp T. T. Jimmy Carter mùa hè năm 2015 ông bị định bệnh ung thư sắc tố đen (Melanoma), các tế bào ung thư đã lan vào gan và óc. Với xạ trị và hóa trị các bác sĩ cho biết dự hậu rất xấu chỉ sống được vài tuần đến vài tháng. Sau đó được chữa trị bằng chất chặn PD-1, T. T. Carter sống đến ngày nay, ung thư biến mất, đầu óc vẫn minh mẫn như dân Mỹ đã nhìn thấy ông ngày đám tang T. T. George H. W. Bush vào cuối tháng 11 năm 2018. Năm 2010 kết quả cuộc nghiên cứu về các chất chặn PD-1 và CTLA-4 được trình bày ở hội nghị ung thư sắc tố đen đã di căn khắp nơi sống được hơn hai năm khác với dự đoán vài tháng. Ung thư sắc tố đen là loại ung thư đáp ứng tốt với miễn nhiễm trị liệu mặc dù được xem là một trong những ung thư tối độc. Các thử nghiệm trên ung thư phổi, ung thư hệ thống bạch huyết (Hodgkin’s lymphoma) ung thư bọng đái, ung thư tế bào Merkel, đã cho thấy miễn nhiễm trị liệu hữu hiệu. Nói chung từ ¼ đến 1/3 bệnh nhân có kết quả tốt.
Miễn nhiễm trị liệu tuy vậy cũng giống như hóa trị cũng có những phản ứng phụ độc, các chất chặn PD-1 và CTLA-4 tấn công tế bào ung thư cũng tấn công tế bào lành (giống như chiến tranh giết thường dân vô tội) phản ứng thuốc thường thấy là viêm da, ruột, tuyến giáp trạng ở cổ và tuyến thượng thận (tuyến nội tiết trên hai quả thận). Trở ngại lớn vẫn là giá thuốc mắc phí tổn lên đến 100,000 Mỹ Kim mỗi năm vì vậy hãng bảo hiểm sức khoẻ phải ưng thuận trước khi chữa.
Hiện nay các bác sĩ chuyên môn ung thư vẫn chưa biết chắc loại tế bào ung thư nào đáp ứng nhất với miễn nhiễm trị liệu và chữa bệnh cũng tùy trường hợp từng người, chữa ung thư cuối cùng vẫn là nghệ thuật như chiến thuật lùng địch diệt địch nhưng không giết thường dân vô tội.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét