Lá thư từ nhà tù
Đây là lá thư số 115 ông Trần Huỳnh Duy Thức viết gửi cho gia đình kể từ khi bị giam cầm với án tù 16 năm vì bị kết tội ''hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.''
Lá thư từ trại giam số 6, Bộ Công an ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, dài khoảng 3,500 chữ, viết ngày 26/6/2018 của ông Thức được gia đình công bố hôm 30/7 và được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức dường như đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để phân tích về vận mệnh đất nước thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thư có đoạn viết: "Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là cái cớ và công cụ để Mỹ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thực tế đến đâu, để Mỹ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình..."
"Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc chính phủ Trung Quốc mà Mỹ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi."
"Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của Trung Quốc, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do."
"Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại... Mỹ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội này để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của Trung Quốc, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới..."
"Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang nổ ra. Trung Quốc có rất ít cơ hội để thắng. Khi Mỹ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm với thế giới thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi."
"Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng Trung Quốc cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng.
"Trong thời kỳ Mỹ rung lắc Trung Quốc, thế giới cũng sẽ bị rung lắc và ảnh hưởng lớn. Không chỉ về kinh tế đâu, mà toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Như con đã viết hồi đầu năm 2016, các chính phủ độc tài sẽ bị rung rụng, các quốc gia thực sự dân chủ hoặc chân thành hướng đến dân chủ bằng pháp quyền, tôn trọng quyền con người mới phát triển tốt mà không sụp đổ."
"Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo dòng chảy của thời đại."
'Nói về dân chủ ở Việt Nam'
"Đây là lá thư chi tiết nhất từ trước tới nay của anh Thức về tình hình cá nhân của anh ấy," ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, nói với BBC ngày 1/8.
Theo ông Tân, ông Thức đã viết lá thư trên và đưa ra các phân tích về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung dựa trên lượng thông tin rất hạn chế do gia đình cung cấp.
"Gia đình chỉ được gửi báo chí, sách tiếng Việt xuất bản trong nước và bị trại giam kiểm soát rất gắt gao. Chủ yếu chỉ được gửi báo Nhân Dân, Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Hoặc xem tin từ tivi của trại giam. Ngay cả tài liệu của luật sư Ngô Ngọc Trai gửi vừa qua cũng không được trại giam chấp nhận,"
"Qua bài phân tích này, anh Thức về cốt lõi muốn nói về tình hình dân chủ ở Việt Nam. Trung Quốc không có tự do tư tưởng, nên không phải là một nước mạnh thực sự. Trong khi những nước khác như Mỹ, Nhật, Đức, sau thế chiến thứ hai, phát triển được cũng nhờ dựa trên dân chủ, nhân quyền."
"Tình hình tương tự như vậy ở Việt Nam. Vấn đề là phải tôn trọng quy luật của tạo hóa. Con người phải được tự do, pháp luật phải được thượng tôn thì xã hội mới có thể phát triển thực sự. Đó là điều mà anh Thức ấp ủ trong lá thư này," ông Tân nói với BBC.
Lá thư được công bố sau khi có thông tin về việc ông Thức cùng gia đình và luật sư gửi đơn tới các cơ quan chức năng để nghị thả tự do cho ông, căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi.
"Đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức nào từ giới chức. Nhưng gia đình tin là anh Thức sẽ sớm được ân xá vì anh ấy không làm gì sai. Và với kiến thức của mình, nếu được tư do, anh Thức có thể đóng góp được nhiều cho sự phát triển của đất nước," em trai ông Thức nói từ Sài Gòn.
Ở lại để đấu tranh
Ông cũng viết: "Và con biết, dân tộc cần con vào thời khắc quan trọng này. Vì vậy con sẽ ở lại trên mảnh đất này. Dù chỉ là một thường dân hay một tù nhân, con vẫn luôn nỗ lực không tiếc sức bằng mọi cách để dân tộc hoàn thành kịp sứ mệnh lịch sử nói trên. Đó chính là mục tiêu tối thượng của con bao nhiêu năm nay."
Ông Trần Huỳnh Duy Tân khẳng định thông tin ông Thức từ chối đi tỵ nạn nước ngoài.
"Anh Thức cho gia đình biết là trong lần vào thăm mới đây, phái đoàn của Liên minh Châu Âu và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam có hỏi nguyện vọng của anh là gì. Anh Thức cho biết muốn ở lại Việt Nam, tiếp tục đấu tranh cho dân chủ."
Cũng theo ông Tân, gia đình hoàn toàn ủng hộ quyết định này và tin đó là lựa chọn 'đúng đắn' dù 'không nguôi lo lắng'.
'Suốt chín năm qua, gia đình tôi luôn có nỗi buồn lớn nhất là tự do của anh Thức. Nhưng chúng tôi tin đấu tranh cho dân chủ là sứ mệnh mà anh ấy đã lựa chọn. Ở lại sẽ tốt hơn đi tỵ nạn, vì sẽ làm được nhiều hơn cho Việt Nam. Nhất là tạo được niềm tin cho những người cũng đang đấu tranh dân chủ trong nước," ông Tân cho hay.
Bình luận về quyết định 'ở lại', cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu viết trên Facebook cá nhân rằng khi còn trong trại giam Xuyên Mộc, ông Thức đã nhiều lần nói về mong mỏi này nhưng đây là lần đầu ông 'tiết lộ'.
"Mong mọi người thay vì thuyết phục anh Thức ra đi, xin ủng hộ quyết định ở lại của anh ấy và hơn thế nữa, hành động cho anh ấy sớm ra tù tại Việt Nam. Bởi mỗi người có một mục tiêu cho công cuộc đấu tranh và mục đích cho đời mình," ông Diệu viết.
Gia đình ông Thức cũng bày tỏ mong mỏi 'trong và ngoài nước' ủng hộ quyết định của ông.
Những ý kiến khác, như cây bút Huỳnh Thục Vi, lại cho rằng ông Thức nên đi.
"Nếu mình có thể nhắn với anh Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, mình sẽ nói: Anh ơi, đồng ý ra đi đi. Ở tù lúc này không ích gì cả. Những người cần sự bền chí của anh làm nguồn cảm hứng thì đã được truyền cảm hứng rồi. Số còn lại, họ không thấy ở anh nguồn động lực nào cho cuộc sống và ý chí của họ cả. Anh ở bên ngoài vẫn còn làm được nhiều việc hơn. Xin nhắn gởi đến gia đình anh..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét