khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Xung quanh vụ trường George Washington International School (GWIS) 'bám rễ ở Việt Nam'




‎Ý kiến lý giải vì sao một trường 'ma' ở Mỹ có thể liên kết với hàng loạt trường Việt Nam để giăng bẫy các học sinh.
 
Đầu năm nay, ông Nick Võ - hiệu trưởng một trường tư thục ở Sài Gòn, đã rất bất ngờ khi sang Hoa Kỳ thăm và gặp gỡ một trường đối tác liên kết giáo dục nhưng không thấy bất cứ ngôi trường nào tại địa chỉ của trường ở tiểu bang California. Thay vào đó là một trung tâm chuyên cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện.

Trước đó, ông đã nhờ người thân tới địa chỉ trước kia của trường ở tiểu bang Florida để tìm hiểu, nhưng cũng chỉ thấy một đại lý Mail&More cung cấp dịch vụ cho thuê hộp thư.

Ông Nick Võ chỉ là một trong rất nhiều người làm giáo dục ở Việt Nam đã được Trường Quốc tế George Washington (GWIS) tiếp cận chào mời hợp tác. GWIS tự xưng là một trường phổ thông "đang phát triển tốt" ở Hoa Kỳ muốn mở rộng liên kết để cung cấp các môn học bằng tiếng Anh có thể tích hợp với chương trình giáo dục phổ thông của các nước khác.

Các học sinh theo học chương trình GWIS được hứa hẹn "song bằng": một bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam và một bằng của Hoa Kỳ "được các trường đại học Mỹ công nhận". Bắt đầu triển khai hợp tác với Trường Phổ thông Quốc tế Newton tại Hà Nội vào năm 2012, tới nay GWIS đã vươn rộng ra 14 tỉnh và thành phố, tập trung nhiều ở khu vực phía nam.

"Sau chuyến đi, tôi tin chắc 90 phần trăm là trường GWIS này không tồn tại nên đã quyết định ngừng toàn bộ chương trình liên kết này," ông Nick Võ cho tôi biết.

Ông Nick Võ cũng gửi email cho các trường đối tác khác của GWIS ở Việt Nam để cảnh báo về những thông tin mà mình vừa tìm được. Tuy nhiên, ông quyết định không công bố rộng rãi những thông tin này ra trước dư luận, để đồng nghiệp của mình tại các trường khác có thời gian tìm kiếm và triển khai một chương trình học mới, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các em học sinh.
Nhưng đầu tháng này, một người báo tin ẩn danh đã tung những thông tin về sự đáng ngờ của GWIS lên mạng xã hội.

Câu chuyện "trường ma" nhanh chóng lan ra khắp mạng xã hội và xuất hiện trên các mặt báo.

"Không thể tìm thấy GWIS"

 
Theo tra cứu trên danh mục trường tư thục của cả hai tiểu bang Florida và California, Trường Quốc tế George Washington không có mặt trong bất cứ danh sách nào.

GWIS cũng không có mặt trong danh sách các trường học đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định có trong hệ thống của Bộ Giáo dục liên bang (USDE) và Hội đồng đánh giá chuẩn giáo dục phổ thông và đại học Mỹ (CHEA). Không được kiểm định cấp quốc gia, trường GWIS cũng không có mặt trong danh sách các tổ chức kiểm định vùng ở Florida và California.

Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong một cuộc họp báo ngày 12/4, GWIS đã nộp lên sở một chứng chỉ kiểm định do một tổ chức có tên là Công ty Hội đồng Thẩm định vùng Florida (FRACC) cấp tháng 8 năm 2011.

Tuy nhiên, theo biên bản số L12-3-1075 lưu tại Văn phòng Tổng chưởng lý tiểu bang Florida, vào tháng 9 năm 2012, Sở Tư pháp tiểu bang Florida đã điều tra và phát hiện FRACC có hành vi gian lận trong việc cung cấp dịch vụ thẩm định chất lượng trường học cũng như không đặt ra tiêu chuẩn hợp lý trong thẩm định. Tổ chức này đã bị buộc phải giải thể và phải trả 10.000 USD là chi phí điều tra cho Sở Tư pháp.

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, GWIS không có mặt trong danh sách trường tư thục các tiểu bang và cũng không được các tổ chức kiểm định có uy tín công nhận - điều này trùng hợp với tuyên bố của bà Karen Tang, trợ lý Tùy viên Văn hóa thuộc Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.
"Chúng tôi không thể tìm thấy GWIS tại những nguồn thông tin mà thông thường lẽ ra người ta phải tìm thấy," đại diện ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

 

Những lỗ hổng chết người


GWIS không có trường sở, giáo viên, học sinh ở Hoa Kỳ, không được thẩm định chất lượng mà vẫn dễ dàng "xuất khẩu" chương trình của mình sang Việt Nam có một phần nhiều nguyên do là sự khác biệt quá lớn giữa cách thức quản lý giáo dục của hai nước.

Nếu như ở Việt Nam, trường tư thục nằm dưới sự giám sát khá chặt chẽ của cơ quan quản lý, thì tại rất nhiều tiểu bang Hoa Kỳ trong đó có Florida và California là hai nơi GWIS đăng ký hoạt động, Sở Giáo dục tiểu bang gần như thả nổi hoạt động của những trường này.

Sở Giáo dục không quản lý, kiểm định chất lượng hay phê chuẩn các trường tư thục mà để các trường này chịu trách nhiệm trực tiếp với học sinh của mình. Không nắm được khác biệt này, nhiều trường học đã ký hợp đồng liên kết bởi mặc định rằng trường được phép hoạt động nghĩa là đã chịu sự giám sát, kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý Hoa Kỳ.

Bộ hồ sơ pháp lý mà GWIS cung cấp cho ông Nick Võ chỉ gồm có một đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có tên George Washington International School Inc. và một thư biên nhận của Sở giáo dục Tiểu bang California gửi cho GWIS, trong đó xác nhận đã tiếp nhận và nhập vào hệ thống đơn đăng ký tư cách trường tư thục của GWIS. Chỉ với những giấy tờ sơ sài này, GWIS đã "qua mặt" nhiều đối tác cũng như cơ quan quản lý để cung cấp chương trình giáo dục ở Việt Nam.

Trả lời trước báo giới ngày 12/4, bà Bùi Thị Minh Nga - Phó phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết ngay sau khi nghi vấn "trường ma" xuất hiện trong dư luận, chủ tịch GWIS Phillip Nguyễn đã về Việt Nam làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như Đại sứ quán Hoa Kỳ và cung cấp giấy tờ, thông tin cần thiết để chứng minh tính pháp lý và thực tế của GWIS.

"Ông Phillip Nguyen đã làm việc với Đại sứ quán Mỹ và đã được Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do Trường Quốc tế George Washington cấp cho những học sinh học chương trình GWIS," bà Nga cho biết.

Đó là những học sinh của trường Phổ thông Quốc tế Newton - một đối tác liên kết của GWIS tại Hà Nội. Những học sinh này đã hân hoan nhận lại tấm bằng của mình, lần này có thêm chữ ký xác nhận của nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một lần nữa Đại sứ quán Hoa Kỳ đã phủ nhận các thông tin mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra. "Chính phủ Mỹ chỉ có thẩm quyền và khả năng giám sát những trường được thành lập và hoạt động trên đất Mỹ chứ không được quyền giám sát các trường Mỹ hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ," bà Tang nói.

"Mặc dù Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội vẫn có dịch vụ công chứng giấy tờ, song việc chứng nhận giấy tờ có tính chất bằng cấp, bảng điểm thì phải tuân thủ một quy tắc rất khác, yêu cầu phải có quá trình xác minh được thực hiện tại Mỹ."

Theo bà Karen Tang, văn bản mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho là chứng thực của Đại sứ quán Hoa Kỳ về "tính hợp pháp" của bằng GWIS thực chất chỉ là một bản xác nhận tuyên thệ. Văn bản này không có ý nghĩa là Đại sứ quán Mỹ chứng thực bằng cấp của GWIS, mà chỉ có ý nghĩa chứng thực việc ông Phillip Nguyen đã tuyên thệ rằng bằng GWIS là bằng thật.

Sự cố "Sở Giáo dục nói có - Đại sứ quán nói không" này một lần nữa cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật của Hoa Kỳ đã tạo ra những lỗ hổng chết người trong quy trình thẩm định của cơ quan quản lý ở Việt Nam, khiến GWIS vươn ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Một kịch bản được chờ đợi


Sau sự lên tiếng của đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, dư luận cũng như phụ huynh và học sinh của hệ GWIS đã rút ra được kết luận của riêng mình. Trên mạng xã hội, một số phụ huynh tuyên bố sẽ tiếp tục cho con theo học hệ GWIS do hài lòng với chất lượng giảng dạy của chương trình.
Một số khác, phần nhiều sử dụng các tài khoản Facebook ảo, bày tỏ sự phẫn nộ và ý định sẽ chuyển trường cho con ngay khi điều kiện cho phép.

Ngày 13/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo Trường Phổ thông Quốc tế Newton phải dừng hợp đồng hợp tác với GWIS, đồng thời đề nghị các Sở Giáo dục của chín tỉnh và thành phố khác khẩn trương báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương, dừng hợp tác với GWIS theo quy định của pháp luật.

Phương án này cần một lộ trình hợp lý và một chương trình thay thế mang tính quốc tế cao. Kịch bản này phù hợp với nguyện vọng của ông Nick Võ, cũng như rất nhiều phụ huynh có con đang theo học hệ GWIS.

"Theo tôi, các nơi lỡ ký hợp tác với GWIS thì giờ đây nên cùng nhau đi tìm một trường khác để thay thế cho GWIS," ông Nick Võ nói.

"Như vậy, các em đã lỡ theo học sẽ không uổng phí, các trường học không phá sản và mất uy tín. Bộ Giáo dục cần phát huy vai trò đứng ra trợ giúp các trường học tìm kiếm một đối tác mới đáng tin cậy."

 

Đại sứ quán Mỹ nói gì?


Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định, họ không tìm thấy tên trường Quốc tế George Washington (GWIS - Mỹ) trong danh sách trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế ở Mỹ hay trường ở California, Florida.

Website của Cục An ninh Nội địa Mỹ là cơ quan quản lý danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế tại Mỹ theo thị thực F-1 và M-1.

Mỗi tiểu bang duy trì danh sách các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên mạng.
Nhân viên đại sứ quán đã kiểm tra và không tìm thấy tên GWIS trong các danh sách này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét