"Khái quát lên, tôi thấy xã hội đang rất lo lắng. Lo lắng cho bà con rất nhiều, lo lắng về sự quá khích, lo lắng về cách giải quyết vấn đề của chính quyền - liệu có thấu tình đạt lý, có thể giải quyết mâu thuẫn hiện đang căng thẳng như thế này không."
Việc ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về huyện Mỹ Đức cho thấy "dường như chính quyền cũng đang mong muốn giải quyết cái câu chuyện này", ông Hoàng Ngọc Giao nói, tuy nhiên nếu chính quyền thực sự muốn giải quyết vấn đề và đối thoại thực sự với dân, họ phải "xuống tận nơi gặp gỡ người dân ngay tại thôn, tại xã".
Lập luận 'đất đai là sở hữu toàn dân' là 'nguy hiểm'
Theo đánh giá cá nhân của ông, "đây là vấn đề có ảnh hưởng đến sự tồn vong", khi mà nguồn gốc tham nhũng "đã từng được nhận diện,... được xác định là vấn đề đất đai".
Với việc để tình trạng tranh chấp đất đai như đang xảy ra tại Đồng Tâm, theo ông Hoàng Ngọc Giao, chính là tạo cơ sở để tham nhũng phá hoại mạnh hơn.
"Thứ nhất là tham nhũng phá hoại nhà nước, thứ hai nó phá hoại niềm tin của người dân với chính quyền, và thứ ba là tham nhũng làm đói nghèo hóa người dân."
Đề cập đến các vụ việc tranh chấp đất đai khác, như câu chuyện ở Tiên Lãng, Nam Vụ Bản v.v..., ông nói: "Bây giờ điểm nóng [Đồng Tâm] đã lên tới đỉnh điểm. Người dân biết là vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn sống chết vì đất đai.
"Có một ý kiến trên mạng xã hội tôi xin chia sẻ: Quốc gia thì có đất đai, quốc gia có lãnh thổ, và lãnh thổ là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm thì đối với người dân, đất đai với họ cũng là thiêng liêng, và người ta sẵn sàng sống chết vì mảnh đất đó.
"Điều này chính quyền nên lưu ý để nhận diện vấn đề một cách rộng hơn, sâu sắc hơn để thấy những nguy cơ về đất đai mà căn nguyên của nó là do chính quyền đưa ra lập luận cho rằng đất đai là sở hữu toàn dân. Mà đã là sở hữu toàn dân thì không phải là của ai cả, mà chỉ thuộc về những người có quyền, cái điều đó là rất nguy hiểm. Những người có quyền có thể ra văn bản ABCD để có lợi cho mình ở tất cả các cấp."
Ông cũng nhắc đến vụ tranh chấp đất đai ở Tiên Lãng, nơi chính quyền huyện đã ban hành những văn bản về đất đai sai với luật. Ông cho rằng điều đó xảy ra "nếu chúng ta còn để lại cái luận điểm này - đất đai là sở hữu của toàn dân."
'Đừng lạm dụng khái niệm đất quốc phòng'
"Đất đai của bà con thì bị thu hồi với giá rẻ mạt. Sau khi giao cho doanh nghiệp, đất đai đó giá trị có thể tăng lên hàng ngàn lần. Điều đó là hoàn toàn bất công, không chỉ riêng câu chuyện về Đồng Tâm."
"Quay lại chuyện Đồng Tâm, tôi thấy một vấn đề thế này: chúng ta đừng nên lạm dụng khái niệm đất quốc phòng. Sân bay Tân Sơn Nhất - mới có vụ Bộ Quốc Phòng trao trả 27 ha trong đó có cả diện tích ở sân bay Tân Sơn Nhất, trao trả để quy hoạch lại sân bay. Đấy được gọi là đất quốc phòng nhưng lại được dùng làm sân golf.
"Chúng ta nên đặt câu chuyện là đất quốc phòng làm sân golf ở Mỹ Đức, trước đây không làm sân bay nữa mà lại giao lại cho Viettel. Viettel thực ra là doanh nghiệp thôi. Đất đó có được dùng để xây dựng nhà máy sản xuất xe tăng, sản xuất vũ khí hay là dùng vào mục đích kinh doanh của Viettel hay không? Không thể lạm dụng khái niệm đất quốc phòng để tùy tiện làm ảnh hưởng đến quyền đất đai của người nông dân được.
"Người nông dân đi theo cách mạng với khẩu hiệu 'người cày có ruộng'. Tôi mong muốn chính quyền nhớ lại khẩu hiệu này khi kêu gọi người nông dân theo cách mạng. Còn nếu không, rõ ràng là càng ngày càng nóng, càng ảnh hưởng đến vị trí này," ông Hoàng Ngọc Giao nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét