khktmd 2015
Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018
Đường Vào Hán Học - Tác giả Bs Trần Văn Tích
Đậu được bằng ri-me (1) thời Pháp thuộc, tôi thi tuyển vào Lycée Khai Dinh và trúng tuyển. Đang học hành ngon trớn thì xảy ra vụ neuf mars (2).Tôi phải tản cư về làng. Không còn trường không còn lớp, gia đình đành cho tôi sang làng bên cạnh học chữ Pháp vào buổi sáng với hai anh em ruột có bằng đíp-lôm còn buổi chiều thì lại giao tôi cho ông nội dạy chữ Hán. Tôi học chữ Hán với bút lông, mực xạ, giấy bản hẳn hoi nhưng không có cuốn sách chữ Hán nào cả, ông tôi nhớ chữ nào dạy chữ đó.
Khi vào y khoa tôi chú ý đến đông y nên lại có dịp tiếp xúc càng ngày càng mật thiết với Hán ngữ Hán tự. Thế rồi tôi vào tù cộng sản và ở tù ba năm. Long Giao, Suối Máu là những ngôi trường hậu đại học cung cấp kiến thức của dân tộc Trung Hoa cho tôi qua vai trò giảng dạy của các sĩ quan tâm lý chiến cấp tá người gốc Đài Loan. Sang Đức lúc đã quá ngũ tuần, tôi chỉ đi làm trong các bệnh viện Đức được mười một năm thì phải về hưu theo luật định. Muốn tiếp tục hành nghề y sĩ, tôi chuyển sang lĩnh vực TCM (3). Tôi gặp lại cố ngữ và cũng làm việc hằng ngày với những đồng nghiệp
gốc Trung Hoa lục địa. Tôi càng “lậm“ sâu vào chữ Hán. Hơn nữa, Bonn là một thành phố đại học lại còn là cựu thủ đô của Cộng hoà Liên bang Đức nên Viện Đại học Bonn có một phân khoa Hán học rất bề thế và có một thư viện Hán học rất đồ sộ. Tôi mặc sức tra cứu một số tài liệu chữ Hán mà tôi thấy cần tham khảo.
Học chữ Hán theo cách riêng
Tôi học chữ Hán chỉ để đọc, không bao giờ để viết (ngoại trừ thuở ban đầu, khi học với ông tôi). Thét rồi tôi thiên về thói quen chăm nhớ mặt chữ nhưng lười nhớ viết chữ. Tôi giống những người chơi cờ tướng. Họ cầm quân cờ thì biết đó là con tượng con tốt nhưng yêu cầu họ viết chữ tượng chữ tốt thì họ không viết được. Lại nữa tôi học chữ Hán để đi sâu vào những vấn đề vô cùng gai góc thuộc văn tự, từ nguyên, từ vựng, ngữ nghĩa, điển tích, chính tả v.v.. Riết rồi tôi đâm ra nghiện.
Tôi ham thích đến mức thành mắc thói quen không bỏ được là nghiên cứu về một số khía cạnh thuộc nền học thuật Trung Hoa thời cổ, trước hết và chủ yếu là về các khía cạnh thuộc văn bản cổ chữ Hán. Đó là đam mê của tôi.
Tìm cách thoả mãn đam mê đó, tôi dựa vào sự trợ thủ rất đắc lực của vốn liếng Pháp ngữ, Anh ngữ và sau này, cả Đức ngữ. Khi bắt đầu nghiên cứu đông y, tôi nghiền ngẫm các sách tiếng Pháp tiếng Anh về lý luận, về bệnh lý, về điều trị, về châm thuật trước khi đọc sách Nội kinh Tố vấn hay Bản thảo Cương mục. Những tài liệu nghiên cứu về từ (4) viết bằng Anh ngữ là sách gối đầu giường của tôi khi tôi đặt chân vào một lĩnh vực chuyên biệt thuộc văn học đời Tống.
Có những điều tôi học hỏi được mà tôi tin chắc là Trường Đại học Văn khoa Sài gòn dưới hai chế độ Cộng hoà không bao giờ có trong chương trình đào tạo cử nhân giáo khoa Hán văn hay Việt văn.
Có những phạm vi tôi tìm hiểu sâu đến nỗi nếu Miền Nam không mất thì có thể được đề xuất và hướng dẫn biên soạn luận án tiến sĩ văn chương quốc gia hay tiến sĩ văn chương đệ tam cấp.
Truy tầm văn học
Đào sâu bới kỹ, phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông, nên tôi đã tìm được đáp số cho một vài trường hợp liên quan đến từ vựng Việt-Hán.
Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, bài Hoàng hà trở lạo (Mắc lụt bên Hoàng hà) thi bá đề cập đến một món ăn tên gọi thổ cẩu. Nhóm Lê Thước-Trương Chính, Chi Điền Hoàng Duy Từ, Bùi Hạnh Cẩn, nhóm Mai Quốc Liên-Nguyễn Quảng Tuân, Ngô Linh Ngọc, Lê Thu Yên vì chẳng biết thổ cẩu là con gì thứ gì nên tránh né không dịch hoặc dịch thổ cẩu là con dê (không dấu), con dế (dấu sắc) đất, con chó đất! Tôi khẳng định thổ cẩu là con dế dũi, dế nhủi, dế trũi. Nhà văn Tô Hoài trong Dế mèn phiêu lưu ký cũng giới thiệu dế trũi bên cạnh “nhân vật“ chính dế mèn.
Nguyễn Trãi làm thơ chữ Hán - bài Ký hữu (Gửi bạn) - đề cập đến một loài thảo mộc tên gọi là mục túc. Chư vị nghiên cứu văn học ở trong nước vì không biết đích xác mục túc là cây gì nên chú thích huê dạng, đọc rất vui. Chỉ xin đan cử vị tiền bối Đào Duy Anh mà thôi. Học giả họ Đào giảng “Mục túc là một thứ rau đậu tầm thường, người ta dùng để ăn chay hay là dùng cho gia súc ăn, cũng dùng làm phân xanh (...)“.
Đối chiếu với thư tịch về thực vật chí Trung Hoa, tôi chỉ rõ mục túc là cây Medicago denticulata Willd., vốn có gốc nguồn từ Đại Uyển, vốn có tên gọi là buksuk và do Trương Khiên đi sứ mang về trồng trên đất Tàu. Nơi vùng Detmold, chỗ tôi làm việc cả chục năm trời, có nhiều khu ruộng cạn trồng mục túc mà người Đức gọi là ewiger Klee và người Pháp thì gọi là Luzerne (5).
Nguyễn Khuyến chỉ sống có bảy mươi bốn năm thiếu mười ngày nhưng lại mở đầu bài thơ chữ Hán Di chúc bằng câu Ngã niên trị bát bát (Tuổi ta vừa tám mươi tám). Từ Trần Trung Viên thời tiền chiến qua Huỳnh Lý, Bùi Văn Bảo, Nguyễn Văn Huyền, người thì thản nhiên chấp nhận Nguyễn Khuyến thọ tám mươi tám tuổi, người thì bí quá nên đành giả lơ rằng “có lẽ xưa, các cụ thường tăng tuổi thọ.“ Vận dụng chủ yếu các kiến thức về y học, sinh lý học trong đông y, tôi giải thích rằng bát bát không phải là tám mươi tám mà là sáu mươi tư (8 x 8 = 64) (6).
Giới thiệu từ, phổ biến phiên thiết
Tại quốc ngoại - và có lẽ cả tại quốc nội - tôi là người đầu tiên giới thiệu thể thơ pha nhạc của Trung Hoa gọi là từ (7).
Tôi liệt kê các từ gia Việt Nam và kiểm kê các bài từ do người Việt sáng tác, kể từ bài từ đầu tiên còn truyền lại do tổ tiên chúng ta điền từ là bài Nguyễn lang quy được Đại sư Khuông Việt sáng tác để tiễn tống sứ thần Lý Giác vào thế kỷ thứ mười đến bài từ cuối cùng là bài của Tản Đà, đó là bài Tống biệt viết theo điệu Hoa phong lạc năm 1917.
Giữa hai thời điểm đó, thỉnh thoảng cũng có tác gia vận dụng thể từ. Về phái nữ có Liễu Hạnh tiên chúa với các bài theo điệu Bộ bộ thiềm, Xuân quang hảo, Cách phố liên, Nhất tiễn mai; Trương Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang với hai điệu Tây giang nguyệt và Nhất tiễn mai; Hồ Xuân Hương với điệu Xuân đình lan. Về nam giới có thể kể chúa Trịnh Cương với điệu Kiều dương cách; Ngô Thì Sĩ với điệu Tô mộ già; Tùng Thiện Vương với rất nhiều điệu tập hợp trong từ tập Cổ duệ từ như Hoãn khê sa, Thanh bình lạc, Dương châu mạn, Mô ngư nhi, Giải bội lệnh, Lưỡng đồng tâm, Kim nhân bổng ngọc bàn, Pháp khúc hiến tiên âm; Đào Tấn với gần hai mươi điệu trong Mộng Mai từ tập : Mãn giang hồng, Bồ tát man, Nhất lạc sách, Ngư phủ từ, Lâm giang tiên, Trường tương tư, Giá cô thiên, Ức Vương tôn, Ức Giang nam, Hậu đình hoa, Ỷ la hương, Ngu mỹ nhân, Tiểu trùng sơn, Như mộng lệnh, Điệp luyến hoa, Chuyển ứng khúc, Bốc toán tử v.v..
Thi hào Nguyễn Du cũng có ít nhất một bài theo điệu Hành lạc từ và mười lăm bài theo điệu Trúc chi từ (mà tác giả Truyện Kiều gọi là Trúc chi ca). Ngoài ra, các nhân vật hư cấu truyện Nôm như Vương Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tô Hữu Bạch trong Ngọc Kiều Lê tân truyện của Lý Văn Phức cũng có điền từ.
Tôi vốn nhất mực chủ trương phải viết sử dụng mà không thể viết xử dụng vì viết xử dụng theo tôi là sai chính tả Việt ngữ, đúng hơn, là sai chính tả từ vựng Việt-Hán. Nhiều nhân vật có uy vọng ở hải ngoại đồng ý với tôi nhưng có điều hết sức đặc biệt là quí vị chỉ trình bày kiến giải rằng sử dụng là đúng, xử dụng là sai mà không cho hay tại sao sử dụng là đúng còn xử dụngthì sai. Một mình tôi giải thích rõ rằng vì sử dụng là một từ Hán-Việt nên phải áp dụng phép phiên thiết nhằm phiên âm chữ đó và theo phép phiên thiết thì chữ sử trong sử dụng phải viết với “ét“ (s) chứ không phải viết với “ít-xì“ (x).
Hán học chống cộng
Cùng với ngày bỏ nước ra đi, tôi thay đổi đường lối ký thác tâm sự vào văn chương. Các suy tư cá nhân dưới vỏ bọc ngoài văn học hầu như luôn luôn mang tính chống cộng. Liệt kê những sai sót trong ba tập Thơ văn Lý Trần đồ sộ, tôi muốn nhắn cùng nhóm các nhà nghiên cứu quốc nội Nguyễn Huệ Chi-Đỗ Văn Hỷ-Trần thị Băng Thanh-Phạm Tú Châu rằng thư tịch Hán văn còn có nhiều lĩnh vực quí vị ấy chưa biết đến. Cũng chọn đối tượng là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tôi bàn bạc cùng Ông về những sai lầm khi Ông chấp bút cuốn Hý trường Tùy bút của Đào Tấn và Ông đồng ý với tôi là mình nhầm đồng thời Ông hứa sẽ điều chỉnh lại khi tái bản sách kèm theo lời chú thích liên quan đến đóng góp của bản thân tôi. Bộ Tây du ký với người dịch là Thụy Đình và người hiệu đính là Chu Thiên xuyên tạc cả một đoạn văn chữ khối vuông chỉ vì kỵ huý họ của già Hồ, tôi vạch trần ra như vậy cho giới thưởng ngoạn thấy rõ.
Với tôi, nghiên cứu Hán học không phải để đọc Kim Dung từ nguyên tác mà để phủ nhận cộng sản, kể từ ngày ly hương.
-------------------------
(1) Bằng ri-me là bằng tiểu học, bằng đíp-lôm là bằng trung học.
(2) Ngày neuf mars là ngày 09.03.1945, ngày Nhật đảo chính Pháp.
(3) TCM : Traditionelle Chinesische Medizn, Y học cổ truyền Trung Hoa.
(4) Từ là một thể thơ chữ Hán, thịnh hành vào đời Tống (Hán có phú, Đường có thi, Tống có từ, Minh Thanh có khúc).
(5) Trần Văn Tích.- Thổ cẩu và mục túc. Nguyệt san Làng văn, số 240, tháng 08.2003, Toronto, Canada, trang 40-45.
(6) Trần Văn Tích.- Hai chữ bát bát của Nguyễn Khuyến. Nguyệt san Văn Học, số 191, tháng 03.2002, Garden Grove, California, trang 20-32.
(7) Trần Văn Tích.- Từ. Nguyệt san Làng văn, số 86, tháng 10.1991, Toronto, Canada, trang 28-32.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét