khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Nội Tâm của Tập Cận Bình- Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa







Tuần qua, Tập Cận Bình đã tự tay kéo màn trên một cái ngai lấp lánh. Người ta chẳng nên ngạc nhiên về động thái này vì ông dàn dựng việc đó từ đã lâu.

Nhưng vì sao Tập Hoàng Đế phải khổ công như vậy?

Sau Đại hội đảng của Khóa 19 vào cuối Tháng 10 năm ngoái, Điều lệ đảng rồi Hiến pháp đã xác nhận “Tư tưởng Tập Cận Bình” là chân lý. Ngang tầm “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, còn cao hơn “Lý luận Đặng Tiểu Bình”. Kết thúc Đại hội 19, ông chẳng đề cử người kế nhiệm làm Tổng bí thư sau hai nhiệm kỳ. Trước đó, từ năm 2016, dàn hợp xướng của đảng nói tới khái niệm “hạch tâm quyền lực”, quyền lực cốt lõi, trong tay của ông. Cuối năm 2012, trước và sau Đại Hội Khóa 18, hàng loạt đảng viên cao cấp nhất đã bị thanh trừng, và vào tù, về tội tham nhũng.

Tập Cận Bình hết đối thủ, sẽ là Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội của Đảng, Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội của Nhà nước và còn trực tiếp chỉ đạo Ủy ban An toàn Quốc gia về an ninh đối ngoại và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương về nội chính. Bây giờ, Tập Cận Bình chỉ xác nhận thêm mình sẽ giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối sau Đại hội Khóa 20, cho tới 2023, hoặc còn lâu hơn nữa…

Những ai cho là Tập Cận Bình mắc bệnh tham quyền cố vị có khi chưa hiểu rõ nỗi niềm của Hoàng Đế.

Từ khi lên lãnh đạo, họ Tập thấy ra bài toán của mình. Đảng và Nhà nước gặp nhiều mâu thuẫn cơ bản về chính trị và kinh tế khi Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp hơn các thập niên đầu của thời cải cách, từ quãng 1979 tới 2008. Rồi từ đó còn chồng chất thêm nhiều vấn đề: nạn lão hóa dân số, hủy hoại môi sinh, hệ thống quốc doanh sản nhập hơn sản xuất, hố sâu về lợi tức và nhận thức ngày càng mở rộng bên dưới một núi nợ ngút ngàn đang lung lay và sẽ sụp.

Ông phải chuyển hướng và cải cách đồng loạt để có nền móng kinh tế an toàn hơn cho quyền lãnh đạo chính đáng của đảng. Vì sau năm năm đầu, từ 2012 tới nay, việc cải cách đó chưa thành cho nên cần thêm năm hay mười năm nữa. Giới đảng viên cao cấp nhất có thể đồng ý với nhận định rằng đảng cần nhân vật có thực quyền để tiến hành cải cách.

Họ mời họ Tập bước lên ngai.

Bài học của đảng viên cấp lãnh đạo là hai thế hệ tiền nhiệm, Giang Trạch Dân (1993-2002) và Hồ Cẩm Đào (2003-2012) bị nguyên tắc đồng thuận ràng buộc nên không giải quyết mối nguy cho đảng, lại còn làm uy tín đảng sa sút vì nạn tham ô ăn sâu vào cơ chế kinh tế chính trị. Việc Tập Cận Bình giải trừ tham nhũng và nhân tiện thanh lọc hàng ngũ để một mình tiến hành cải cách là chấp nhận được. Nhưng phải thành công.

Và đấy mới là thanh kiếm thượng phương có hai lưỡi.

Mọi việc cải cách hoặc thay đổi đều dẫn tới chuyện được/thua. Có người được có người thua.

Sống sót sau nhiều đợt thanh trừng thời Mao, Đặng Tiểu Bình khéo tiến hành cải cách để qua từng bước, thành phần hưởng lợi chiếm đa số và hỗ trợ việc thay đổi, nhờ vậy mà sản lượng kinh tế tăng vọt và vượt qua nhiều cơn khủng hoảng, kể cả vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989 hay sự sụp đổ của Liên Xô sau đó. Hai thế hệ lãnh đạo kế tiếp là Giang và Hồ thừa hưởng di sản ấy, nhưng hệ thống kinh tế chính trị lại tích lũy nhiều vấn đề mới khi thế giới đã thay đổi. Trong sự thay đổi mới, quy luật được/thua vẫn sẽ vận hành.

Ngồi trên ngai, Tập Cận Bình đang tính nhẩm với hai bàn tay dù sao chỉ có 10 ngón và đồng hồ tiếp tục nhỏ giọt. Là người thực tiễn, ông biết Hoàng Đế không thể có phép lạ - mà còn dễ bị đứt ngón với thanh gươm báu trong tay.

Thế thì vì sao lại cố giữ vị trí Chủ tịch?

Đầy quyền uy trong tay, Đặng Tiểu Bình chỉ là Chủ tịch Câu lạc bộ đánh “bridge”. Sau ông, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều biết quyền lực thật nằm trong tay Tổng bí thư và Quân ủy Trung ương. Sau khi mãn nhiệm, họ duy trì quyền lực ấy thêm vài ba năm, và gài người của mình vào hệ thống lãnh đạo mới nhưng trao chức Chủ tịch cho người khác. Tập Cận Bình cũng có thể chọn người làm Chủ tịch với tính cách tượng trưng nhưng vẫn giữ thực quyền trong tay.

Tại sao lại lên ngôi Hoàng Đế trên cái ngai thếp vàng đó? Chúng ta có hai cách giải thích hiện tượng này.

Đối ngoại, Trung Quốc đã thay đổi và có cái thế tiếp cận quốc tế khác hẳn thời Mao, Đặng hay Giang, Hồ. Ngày nay, Chủ tịch Trung Quốc đứng ngang tầm các nguyên thủ thế giới, chứ không còn là hư vị cho nghi lễ ngoại giao. Rất hợp lý nếu ta nhìn vào chuyện đối nội.

Trong các thập niên đầu của cải cách, quyền lực đảng được duy trì nhờ đà tăng trưởng cao chưa từng thấy, của thế kỷ 20 và nhiều thế kỷ trước. Bước qua thế kỷ 21, sự tình đã thay đổi. Sinh hoạt kinh tế bên trong và bên ngoài tiến quá nhanh và quá xa, ăn sâu vào cơ cấu xã hội với nhiều bài toán mới: chuyển dịch dân số và động loạn xã hội, nạn đầu cơ và tín dụng dễ dãi, tình trạng sản xuất thừa hay sản nhập của thành phần quốc doanh, môi sinh bị hủy hoại tàn phá, v.v…

Cho nên từ sau vụ Tổng Suy Trầm 2008, Trung Quốc phải tìm ra một chiến lược khác.

Mâu thuẫn giữa thực tế kinh tế xã hội và hệ thống quyền lực chính trị dựa trên sự đồng thuận cố hữu giữa các phe nhóm không còn thích hợp. Và quan trọng hơn thế, ảnh hưởng mở rộng của bộ máy nhà nước làm quyền lực đảng bị thu hẹp. Chi bằng gồm thâu thiên hạ về một mối, đối ngoại cũng thuận lý mà đối nội lại an toàn hơn để cho một người sẽ cải cách cả đảng lẫn nhà nước?

Từ nay, Hoàng Đế và Tể Tướng sẽ ngồi chung một ngai với quan Trung Thư Lệnh!

Lãnh đạo Bắc Kinh mất 30 năm cải cách để ra khỏi thời Trung Cổ và lao vào thế kỷ 21 thì sẽ mất cả chục năm, là ít, để xây dựng một cơ chế chính trị khác. Trong khi kinh tế và thế giới lại không ngoan ngoãn chờ đợi.

Bây giờ ta mới đi vào nỗi niềm của Hoàng Đế.

Trước hết, bọn phương sinh trí thức của chế độ có vẻ hoài nghi tình trạng tập quyền đó. Không sao, trí thức của chế độ vốn hèn và biết sợ. Nhưng còn thực tế kinh tế?

Mà đấy cũng là thực tế chính trị.

Trong khi dư luận quốc tế bàng hoàng với quyền lực mới của Hoàng Đế, hôm 23 vừa qua tập đoàn Bảo hiểm An Bang, có tài sản trị giá hơn 300 tỷ đô la, bị sờ gáy và Chủ tịch Ngô Tiểu Huy bị kết tội về kinh tế. Hôm sau, Ủy viên Quốc Vụ Viện (Hội đồng Chính phủ) Dương Tinh bị cách chức, một tháng trước khi về hưu vì “toa rập với kẻ phạm pháp”, do nhận hối lộ của nguyên Chủ tịch Tập đoàn Tomorrow là Triệu Kiến Hoa.

Khi ấy người ta té ngửa vì họ Triệu bị mật vụ Bắc Kinh bắt cóc tại Hong Kong từ năm ngoái rồi. Còn Chủ tịch Ngô Tiểu Huy không là muỗi mòng vì lấy vợ là cháu ngoại của Đặng Tiểu Bình và tỷ phú Triệu Kiến Hoa thuộc Thái tử đảng, giao du với con cháu Tăng Khánh Hồng – tay chân của Giang Trạch Dân – và Chu Vĩnh Khang, người bị Tập Cận Bình lật đổ từ 2012. Nhân vật Dương Tinh là Bí thư Quốc Vụ Viện, kẻ thân tín của Thủ tướng Lý Khắc Cường, người bị Hoàng Đế cho ngồi chơi xơi nước nhưng vẫn còn vây cánh rất đông bên Đoàn phái.

Chiến dịch đả hổ đập ruồi của Tập Cận Bình chưa chấm dứt và nay nhắm vào các tài phiệt tư doanh có quan hệ với đảng viên thuộc thành phần lãnh đạo trên cùng.

Nhưng nỗi niềm Thiên Tử không chỉ có vậy.

Năm nay, Đảng phải đội đá vá trời vì cần giải trừ quá nhiều rủi ro tài chính, một bài toán về an ninh dưới con mắt họ Tập, vì kinh tế mắc nợ ngập đầu mà luật lệ thì lỏng lẻo trước hàng loạt hiểm tai như ngân hàng chui, nạn doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, khu vực tài chính ngân hàng bấp bênh, tư bản tẩu tán ra ngoài dưới dạng đầu tư, các đảng bộ và chính quyền địa phương kẹt nợ và thiếu ngân sách, v.v….

Hệ thống quốc doanh nổi tiếng sản nhập thay vì sản xuất vì nhập lượng ở đầu vào lại cao hơn xuất lượng ở đầu ra. Còn tư doanh thì thu vét tư bản bên trong để đầu tư ra ngoài, và tránh được cái búa đập ruồi của Hoàng Đế. Nhưng nếu họ vỡ nợ thì ai sẽ thanh toán cho giới đầu tư ở nhà? Đảng hay nhà nước?

Tập Cận Bình là người có chí lớn, dám nói và dám làm. Nhưng trên ngai Hoàng Đế ông sẽ biết thế nào là sự cô đơn.

Không thể tin vào ai khác, ông chẳng thể tự do giải quyết lấy mọi việc trong đảng và trong bộ máy nhà nước. Việc tập trung quyền lực suốt năm năm qua cũng có nghĩa là nhận lãnh trách nhiệm cho mươi năm tới. Ông sẽ tạo thêm kẻ thù và đối thủ, bên trong đảng lẫn bên ngoài, và suốt khoảng thời gian đó ông có thể tiêu hết vốn liếng chính trị đã xây dựng được trong năm năm qua.

Sau đấy, đảng sẽ đi về đâu?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét