khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Tái Kiến 1968?




Kim Nhung (KN): Kim Nhung xin kính chào quý KTG trong tiết mục Thời Sự Ngày Mai trên Kim Nhung Show với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về các chủ đề vượt qua thời sự trước mắt. Kim Nhung xin kính chào tái ngộ ông Nghĩa cho buổi phát hình thường lệ trên hệ thống SBTN.

KN: Kính thưa quý vị, vào dịp đầu năm, chúng ta lại “ôn cố tri tân”, hoặc là ăn cơm mới mà nói chuyện cũ. Trong chương trình tuần trước, ông Nghĩa bày ra tám món bát bửu trên chiếc mâm tròn 360 độ. Kỳ này Kim Nhung xin yêu cầu ông Nghĩa ôn lại một chuyện cũ mà đối chiếu với hiện tại để từ đó dự phóng ra tương lai, xem Thời Sự Ngày Mai có thể là gì. Ông Nghĩa nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa (NXN): - Chúng ta ưa lấy một mốc thời gian tròn, như 10 năm, 50 năm hay trăm, để nói chuyện cũ. Kỳ này, trước khi bà con ta mừng Tết Mậu Tuất, tôi xin lấy mốc thời gian là 50 năm, để nhớ đến 1968, không vì vụ Mậu Thân tang thương của chúng ta vào năm đó mà vì cục diện chung của thế giới, khởi sự từ Hoa Kỳ.

- Nửa thế kỷ trước, hình như Hoa Kỳ đang trên bờ khủng hoảng. Từ đầu năm, 1968 chiến thắng quân sự trong cuộc chiến tại Việt Nam lại chuyển thành đại bại chính trị ở nhà làm Tổng thống Lyndon B. Johnson nhợt nhạc thần sắc! Cuối năm là cuộc tranh cử tổng thống khít khao với Đại hội đảng Dân Chủ tại Chicago là đại loạn trong ẩu đả. Ở giữa là các vụ ám sát Robert Kennedy và Martin Luther King Jr. làm thiên hạ thất kinh. Chìm sâu bên dưới là phong trào ngụy hòa giả danh phản chiến và nạn khủng bố lẫn suy trầm kinh tế khiến xứ sở tách làm đôi. Một bên là thiểu số cực tả ồn ào tràn vào các đại học, bên kia là đa số thầm lặng của phe bảo thủ đang cố giữ gìn trật tự cũ.

- Nhìn ra ngoài thì Âu Châu cũng bị rúng động với lớp trẻ đòi làm “cách mạng” khiến Paris bốc khói. Tổng thống Charles de Gaulle phải bí mật bay qua hỏi ý Thống tướng Jacques Massu, Tư lệnh Lực lượng Pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đảo chánh rồi chăng? Sau cùng là Tướng de Gaulle đành thoái vị vào năm 1969. Một bậc anh hùng dân tộc mà bị đám trẻ ranh đuổi về nhà? Quái lạ thật.

KN: Kim Nhung giật mình hồi tưởng các biến cố gây chấn động như vậy vì làm dư luận thế giới không thấy ra chiến thắng quân sự của miền Nam Tự Do sau khi bị Cộng sản bất ngờ tấn công trong dịp hưu chiến để mừng Xuân đón Tết. Nhưng ông Nghĩa nhắc lại bối cảnh sâu xa của các biến động quái lạ 50 năm trước khiến chúng ta phần nào hiểu ra hậu quả sau này. Xin đề nghị ông trình bày tiếp.

NXN: - Quái lạ không kém là thế giới ít thấy năm 1968 cũng có biến động tại Ba Lan và ý chí độc lập chống cộng sản không hề nguôi ngoai trong dân tộc này. Khi ấy, cái trật tự thành hình từ sau Thế chiến II có vẻ rạn nứt và nước Mỹ tự hỏi là ta đang đi về đâu… Ngày nay, 50 năm sau, dân Mỹ cũng nêu câu hỏi tương tự.

- Sau cuộc bầu cử tổng thống đầy bất ngờ trong suốt năm 2016 và hàng chuỗi thiên tai với thảm sát trong năm 2017, người ta nghi Tổng thống Donald Trump gặp vận xui và chẳng biết giữ mồm sau khi thắng cử. Việc ông thắng trong đảng Cộng Hòa rồi trên toàn quốc là sự kiện trái ngược với hầu hết mọi dự đoán của bậc đạo cao đức trọng. Hóa ra, sau tám năm “cải tạo” của Tổng thống Barack Obama, xã hội Mỹ không tạo nhịp cầu thông cảm mà còn xung khắc với nhau nhiều hơn. Đại bại trong cuộc bầu cử ở mọi cấp, đảng Dân Chủ cay cú khai thác nỗi xung khắc đó làm xã hội Mỹ vỡ đôi, từ trong đảng Dân Chủ ra tới bên ngoài. Nhưng nếu so với tình huống 1968, lần này tính chất phân cực lại trầm trọng hơn.

KN: Nhờ ông Nghĩa nhắc lại không khí nhiễu nhương của nước Mỹ vào năm 1968, chúng ta có thể thấy ra vài chuyển động tại Hoa Kỳ trong năm 2018 này. Thưa ông Nghĩa, có phải như vậy không?

NXN: - Nói về sự phân cực, ta nhớ rằng về địa dư, các tiểu bang duyên hải lại xanh màu thiên tả, thậm chí cực tả của đảng Dân Chủ. Nằm kẹt ở giữa là các địa phương khốn đốn ngả theo Cộng Hòa màu đỏ. Chuyện xanh đỏ ấy dẫn tới việc lá phiếu cử tri đoàn ở các tiểu bang nằm giữa lại chiếm đa số khiến ông Trump đắc cử năm 2016. Không tương nhượng, cánh tả đầy “tiến bộ” còn đòi xét lại lịch sử, đạp đổ thần linh lẫn tượng đài. Ít ai nêu câu hỏi rằng nếu phủ nhận Thượng Đế, giật tượng của Tướng Robert Lee hay cả Thomas Jefferson thì có cải thiện được cuộc sống cho dân Mỹ không? Vấn đề thuộc về ý thức hệ, có những lý do mà lý trí không hiểu nổi.

- Vì thế, với phần tử xưng danh tiến bộ, lá quốc kỳ cũng bị khinh thường, hát quốc ca là lạc hậu. Căn bệnh kỳ lạ đột phát từ thế giới thể thao, với các cầu thủ ăn lương chục triệu lại quỳ gối phản đối quốc thiều! Nhưng nào chỉ có chính trị trong thể thao? Nạn sách nhiễu tình dục trong thế giới điện ảnh tại Hollywood lại thành tin lớn vì lan vào chính trường với tai tiếng của các chính khách thuộc cả hai đảng. Hàng ngày, truyền thông Mỹ rượt bắt loại tin giật gân ấy như biến cố trọng đại nhất trong một siêu cường toàn cầu. Và thế giới giật mình khi thấy người Mỹ kết tội nhau là kỳ thị củng tộc, phát xít, là cực quyền của bọn da trắng, chẳng khác gì người Mỹ tố nhau tội thân cộng thời Nghị sĩ Joseph McCarthy vào các năm 50 của thế kỷ 20! Nhưng ít ra thời đó, người ta còn có quyền tự do ngôn luận trong các đại học. Thời nay hết rồi: đại học là nơi các phần tử ưu tú kiểm duyệt tư tưởng, đả kích tôn giáo và quần chúng cực tả độc chiếm diễn đàn bằng bạo động. Họ cho rằng đề cao Thượng Đế hay Hoa Kỳ là sự phản động….

KN: Đấy là chuyện của nước Mỹ vào năm 1968 với rủi ro tái diễn vào năm 2018, nhưng thưa ông Nghĩa, còn thế giới bên ngoài thì sao?

NXN: - Thưa là bên kia đại dương về hướng Đông, tình hình coi bộ cũng chẳng khá hơn! Sau khi Liên bang Xô viết tan rã rồi sụp đổ, các nước Âu Châu tìm ra giải pháp thần kỳ là hội nhập vào một thế giới hết biên cương cho nền hòa bình và thịnh vượng chung. Thế rồi lý tưởng kết tụ vào Liên Hiệp Âu Châu bỗng rã rời. Về kinh tế, các nước ven bờ Địa Trung Hải chết ngộp và vỡ nợ vì quy định của khối tiền tệ thống nhất. Về chính trị, không chỉ có Vương quốc Anh Thống Nhất quyết định rút khỏi Liên Âu qua biến cố Brexit động trời, xứ Catalunya của Vương quốc Tây Ban Nha cũng đòi vậy. Nhiều địa phương khác trong các nước Âu Châu cũng thế. Nhân danh chủ quyền quốc gia hay nguyên tắc dân chủ, quần chúng từng nước hay từng vùng đang đòi xét lại quy ước chung được thành hình từ năm 1992 với Thỏa ước Maastricht. Mà nào Âu Châu đã có hòa bình? Từ Trung Đông tới Trung Á, khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo đẩy làn sóng nạn dân vào Âu Châu, và nạn khủng bố Hồi giáo reo rắc cái chết trong các thành phố hoa lệ của Âu Châu.

KN: Thưa quý KTG, Kim Nhung nhớ là ông Nghĩa có nhắc tới biến động năm 2008 khiến xu hướng quốc gia dân tộc đều thắng thế tại Âu Châu làm các đảng truyền thống lúng túng với giải pháp cổ điển và suy yếu dần sau mỗi kỳ bầu cử cho tới ngày nay. Xin quý vị đừng rời máy, sau phần thông tin thương mại, chúng ta sẽ trở lại với Thời Sự Ngày Mai….

KN: Kim Nhung xin cảm tạ sự theo dõi của quý vị. Chúng ta tiến dần vào thời sự ngày mai của năm 2018 đang mở ra trước mắt cùng với tấm lịch và cái bản đồ.

KN: Kim Nhung xin đi ngay vào đề tài hấp dẫn của kỳ này là so sánh tình hình năm 1968 với những việc có thể xảy ra trong năn 2018. Thưa ông Nghĩa, ông còn thấy ra những gì nữa?

NXN: - Nếu từ Hoa Kỳ nhìn qua, có cái gì không ổn ở bên kia Đại Tây Dương. Mà bên kia Thái Bình Dương cũng vậy! Thứ nhất, quốc gia nghèo nhất Châu Á bỗng thủ vai đứa trẻ bất trị với võ khí tuyệt đối có thể gắn lên đầu hỏa tiễn liên lục địa để tấn công miền Tây Hoa Kỳ. Phép tống tiền bằng bom hạch tâm mà Bắc Hàn Cộng sản học được từ Cộng hòa Hồi giáo Iran có vẻ công hiệu nhờ sự toa tập của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và Liên bang Nga. Việc đó lại khiến hai phe tả hữu của Mỹ cãi cọ liên hồi về lẽ chiến hòa, trước sự ngẩn ngơ của các đồng minh. Donald Trump mà mạnh tay trả đũa thì mang tội gây chiến trên bán đảo Triều Tiên, nếu tìm giải pháp ngoại giao để tránh chiến tranh thì lại bị Nga Tầu ngáng cửa! Đâm ra hai nước cứ hè nhau châm lửa cho Mỹ làm tư lệnh lực lượng cứu hỏa toàn cầu.

KN: Thưa ông Nghĩa, thế còn tình hình Trung Cộng thì sao?

NXN: - Thế giới mù loà cứ ca tụng giải pháp quản lý kinh tế của Trung Cộng dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Tập Cận Bình, khi chính họ Tập lại mất ngủ vì có quá nhiều bài toán nan giải bên trong, kể cả núi nợ sẽ sụp và nền sản xuất hết tăng như xưa. “Tư tưởng Tập Cận Bình” và quyền bính độc tôn không xoay nổi thực tế đầy mâu thuẫn của kinh tế, xã hội và chính trị trong nội bộ, dù Bắc Kinh không ngừng uy hiếp các lân bang, làm Hoa Kỳ lại phải bận tâm đối phó và trấn an. Dường như các phần tử ưu tú Tây phương không thấy ra điều ấy, hoặc cố đề cao họ Tập để đả kích Donald Trump… cho bõ ghét thôi! Trò chơi rất lạ.

- Tình hình Liên bang Nga cũng chẳng khá hơn! Hạ viện Duma vừa biểu quyết ngân sách 2018-2020 với dự báo u ám về kinh tế, trong cảnh ngân hàng khủng hoảng vừa mất trăm tỷ đô la chuộc nợ, ngân sách của nhiều địa phương rách nát với khoản nợ trăm tỷ khác. Nước Nga lại có hai cuộc bầu cử vào Tháng Ba và Tháng Chín trong năm 2018. Đã bành trướng ảnh hưởng ngoại giao, chính trị và quân sự tại nhiều nơi, Tổng thống Vladimir Putin lại giấu biến các khoản dự chi quốc phòng mà ai cũng đoán ra sự èo uột. Đâm ra lực bất tòng tâm!

- Hàng loạt quốc gia theo xã hội chủ nghĩa tại Nam Mỹ cũng theo nhau sụp đổ, bị vỡ nợ như Venezuela hoặc sẽ bị biến động như Cuba, Honduras, Bolivia. Cái vòng kim cô của ách độc tài đang bung từng mảnh, và hứa hẹn nhiều năm hỗn loạn. Đâm ra không chỉ có nước Mỹ đảo điên mà cả thế giới này cũng điên đảo!

KN: Chân trời 2018 có vẻ u ám như vậy, nhưng thưa ông Nghĩa, người ta có thể biết là tại sao không?

NXN: - Nhìn từ Hoa Kỳ ra các nước, ta có thể thấy được sự đối chọi dữ dội giữa hai thế lực. Một bên là thành phần tinh hoa ưu tú của xã hội, trên chính trường, doanh trường, trong đại học và truyền thông báo chí. Họ nghiêng dần về cánh tả và cực tả. Họ cố kiểm soát tất cả và cưỡng chống đòi hỏi thay đổi của thế lực kia, là quần chúng bất mãn tuyệt vọng và đòi giành lại chủ quyền theo nguyên tắc dân chủ. Một số chính khách hiểu ra sự thể và khai thác sự bất mãn qua chủ trương mị dân. Nhưng không phải ai cũng mị dân. Chỉ vì nhiều người muốn vận động sự thay đổi nhờ quần chúng và coi các thế lực ưu tú ở trên là lực cản trở. Xã hội vỡ đôi không qua lằn ranh tả hữu như trước đây, mà theo chiều học. Đáy tháp ở dưới đang lùng bùng nổi dậy đòi lật đổ cái đỉnh tháp xơ cứng ở trên, của những kẻ nắm tiền bạc, quyền hành và kiến thức. Hãy nghĩ tới hỏa diệm sơn im lìm trong mấy chục năm, nay đang chuyển mình… Và sẽ gây ra động đất.

KN: Kim Nhung xin nêu một câu hỏi, rằng người ta có thể tranh luận là nước Mỹ bị khủng hoảng vì quá dân chủ nên chẳng ai nghe ai, và phe nào cũng hò hét phá phách. Nhưng phải chăng, nước Mỹ đang thiếu dân chủ khi quần chúng nổi dậy đòi phá vỡ cái trật tự đầy những bao che toa rập về tiền bạc và cả tội dâm ô của thiểu số ở trên? Ông thấy lời giải thích nào là thỏa đáng hơn cả?

NXN: - Tôi e là các phần tử ưu tú của hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều không có giải đáp cho câu hỏi vì bên trong cũng có ạn nứt. Đảng nào cũng bị nội bộ đòi xét lại trước sự ngạc nhiên lúng túng của truyền thông lẫn giới khoa bảng! Trong hơn 200 năm lịch sử, Hoa Kỳ từng bị nhiều nguy cơ sụp đổ, từ Nội chiến tới Đại chiến, Tổng khủng hoảng, đấu tranh cho dân quyền, v.v…. Nhưng sau mỗi lần, Hoa Kỳ lại vượt qua khủng hoảng để tạo ra mọt thế mạnh khác. Nước Mỹ còn nhiều lần cả thắng ách độc tài và giúp các nước có thêm tự do thịnh vượng từ Âu sang Á. Thế giới gọi đó là Trật tự Hoa Kỳ, Pax Americana. Y như vào năm 1968, ta tự hỏi là cái trật tự đó bị suy sụp và báo hiệu cơn địa chấn toàn cầu?

- Đã nói tới đỉnh tháp xơ cứng bị rạn nứt thì ta cần nhìn vào thực tế của Hoa Kỳ ở dưới. Trong các nền kinh tế hậu công nghiệp, Mỹ vẫn có tiềm lực phát triển cao nhất. Đà tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ là giấc mơ cho khối Tây phương. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đang gia tốc tại Hoa Kỳ và sẽ còn đảo lộn phương thức tổ chức, sản xuất, thông tin, giao dịch của thế giới. Đi trước thiên hạ, nước Mỹ đang đối phó và thích ứng với những đảo lộn muôn mặt đó….

- Về chính trị, truyền thông báo chí thiên lệch cho rằng Hoa Kỳ hóa điên khi đòi xóa bỏ các nguyên lý đã tạo ra hòa bình và thịnh vượng trong mấy thập niên - như toàn cầu hóa, như các nước hội nhập vào một thế giới hết còn biên cương và phân biệt bản sắc. Sự thật có khi lại khác: nhân danh quyền dân chủ, nhiều người Mỹ chỉ muốn xóa bỏ ưu thế của thiểu số trên chính trường và doanh trường đã trục lợi nhờ các nguyên lý cao đẹp ấy. Họ đòi thành phần ưu tú sống trên tháp ngà phải nhìn xuống dưới và dám lấy quyết định thanh tẩy về tâm lý, phải dám trục độc ngay trong tâm trí. Đó là một tâm lý cách mạng khá phổ biến tại Hoa Kỳ.

KN: Thưa quý vị, như ông Nghĩa vừa trình bày, có lẽ dân Mỹ muốn trục độc mà tranh cãi xem cái gì độc hơn cái gì! Quán tính ù lỳ với những đặc lợi đã qua của thiểu số là mầm độc cần thanh lọc, hay phương thuốc tự xét lại của quần chúng có vẻ ô hợp mới là mối nguy? Chúng ta sẽ có lời giải đáp trong năm 2018 này. Kim Nhung cùng kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa xin hẹn tái ngộ trong kỳ tới, cũng vào ngày giờ này trên đài truyền hình SBTN.
 
Mất công yết lại bài này khi Donald Trump vừa ký sắc lệnh chọn ngày 15 Tháng Giêng hàng năm là ngày tưởng niệm mục sư Martin Luther King Jr., bị ám sát vào Tháng Tư 1968....


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét