khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Phỏng vấn nhạc sĩ Ngọc Chánh








Tôi tình cờ gặp ông trong một buổi triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Quận Cam. Lẫn lộn giữa các tác phẩm đen trắng là những ảnh chụp phong cảnh rõ nét với bố cục màu sắc hài hoà tuyệt đẹp. Ðó là những tấm ảnh trưng bày của nhiếp ảnh gia Ngọc Chánh. Hỏi ra, tôi mới biết đó là nhạc sĩ Ngọc Chánh của Sài Gòn hơn 40 năm xưa. Người đã từng thành công rực rỡ trong cả 2 lãnh vực song song, âm nhạc và thương mại.

Trịnh Thanh Thủy (TTT): Xin nói về ấu thời và kiến thức âm nhạc của chú, những nhạc cụ nào chú chơi được và thường chơi loại nào?

Ngọc Chánh (NC): Tôi sử dụng được guitar và piano. Ngày còn nhỏ, tôi học guitar, đến năm 13 tuổi, tôi bắt đầu học piano. Vì nhà nghèo không có tiền mua đàn, tôi phải đạp xe từ Chí Hòa qua Chợ Lớn, tới nhà bà chị dâu mượn piano để thực tập. Ngày 15 tuổi, tôi có viết một cuốn sách dạy đàn guitar và mang xuống tiệm đàn Mỹ Tín ngỏ ý bán.Ông chủ Mỹ Tín vốn là một giáo sư dạy nhạc kiêm kịch sĩ và có tên trong cuốn từ điển của Pháp là người sản xuất violon. Ông xem thấy thích và đồng ý mua lại với giá 24 nghìn đồng. Năm 1952, số tiền đó rất lớn, phải mất một tuần ông Mỹ Tín mới chạy được số tiền trả cho tôi. Nhưng khi có tiền, tôi đề nghị mua lại một chiếc piano của ông với giá 22 ngàn. Thế là tôi có đàn để thực tập. Khi 20 tuổi tôi bị gọi tổng động viên. Tuy nhiên, vì số phận đưa đẩy, 1 ngày trước khi nhập ngũ, tôi được ông Kiều Công Cung, Tổng Ủy Trưởng  Công Dân Vụ nhận vào ban văn nghệ nên tôi được hoãn dịch. Nhờ hai cái duyên trên, có được cây đàn và vào làm ban văn nghệ nên tôi được thoả nguyện hoạt động trong thế giới âm nhạc.

TTT:  Thật thú vị quá chú, một người mê âm nhạc bán tác phẩm lấy tiền mua đàn, một người thầy yêu âm nhạc hết lòng nâng đỡ một mầm non văn nghệ. Là một nhạc sĩ chú có những sáng tác và viết trong trường hợp nào?

NC: Tôi có viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy ba bản nhạc, Bao giờ biết tương tư, Vết thù trên lưng ngựa hoangTuổi biết buồn. Cả ba bài, tôi đều viết nhạc và nhờ Phạm Duy viết lời.
Nói thêm về bản nhạc Bao giờ biết tương tư, tôi được đạo diễn Lê Hoàng Hoa và Tổng giám đốc Liên Ảnh Công ty (đơn vị đầu tư sản xuất phim) là ông Quốc Phong (chủ nhiệm tạp chí Kịch Ảnh), mời tôi viết nhạc nền cho cuốn phim Ðiệu ru nước mắt, cũng là tác phẩm cùng tên của nhà văn Duyên Anh. Tôi dựa theo bố cục và tình tiết của cuốn phim mà viết thành bài Bao giờ biết tương tư làm nhạc nền cho toàn cuốn phim. Câu chuyện tình thơ mộng của một chàng trùm du đãng khét tiếng Sài Gòn Trần Ðại, cùng cô nữ sinh Trưng Vương Tường Vi, đã là nguồn cảm hứng cho tôi. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, tôi đưa nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim tôi viết và bản nhạc Bao giờ biết tương tư đã ra đời từ đó. Tôi chợt nghĩ tới ca sĩ Anh Khoa và để anh hát bài này. Anh Khoa hát bài Bao giờ biết tương tư rất đạt, sau này hễ nhắc tới Anh Khoa người ta nhớ tới Bao giờ biết tương tư và theo tôi chưa có ai hát bài này qua ca sĩ Anh Khoa. Cách đó không lâu, ông Quốc Phong và đạo diễn Lê Hoàng Hoa lại có ý muốn tôi viết nhạc nền cho cuốn phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, tôi cũng đưa Phạm Duy viết lời. Giọng ca sĩ Elvis Phương rất hợp và lừng danh với bài này.

Hàng năm tại Nhật Bản, hãng Yamaha có tổ chức một cuộc thi âm nhạc thế giới. Năm 1973, người đại diện Yamaha có mời Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy tham dự. Anh Phạm Duy gặp tôi và ngỏ ý muốn viết chung với tôi một bài để gởi dự thi. Tôi chọn Thanh Lan để hát, vì cô có dáng dấp của một sinh viên, lại đang là một sinh viên Văn Khoa của ban sinh ngữ. Chúng tôi ba người qua Nhật và Tuổi biết buồn được vào chung kết tại Ðại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo.

TTT: Năm 1966, chú tham gia Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương và hoạt động với ban Hoa Tình Thương. Xin chú cho biết chú làm gì và chủ trương cũng như hoạt động của ban Hoa Tình Thương thời đó .

NC: Năm ấy chính phủ lại gọi động viên, tôi sửa soạn đi trình diện thì có cơ duyên khác xảy đến. Khi ấy tôi đang chơi nhạc ở Mỹ Phụng, tình cờ gặp ông trưởng đoàn của Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Cục Tâm Lý Chiến và ông đã mời tôi gia nhập đoàn. Năm 68 vì vụ Mậu Thân, các binh sĩ chết và bị thương trong các bệnh viện rất đông. Hai phu nhân của tướng Cao Văn Viên và Nguyễn Văn Là đã có ý định thành lập một ban văn nghệ ủy lạo các thương bệnh binh và được ở trên chấp thuận. Ban Hoa Tình Thương ra đời. Ban nhạc quy tụ nhiều ca nhạc sĩ có tiếng, chúng tôi đi thăm các bệnh viện trong nước, giúp vui và ủy lạo các anh em binh sĩ. 

TTT: Trước 1975, tên tuổi chú gắn liền với ban nhạc The Shotguns, xin chú cho biết lý do tại sao ban nhạc lại được đặt tên là Shotguns. Xin cho biết những thành phần, hoạt động và chủ trương. Nếu có thể chú cho xin một vài kỷ niệm vui buồn của chú với các thành viên của The Shotguns.

NC: Năm 1968 vì chiến tranh, tất cả các phòng trà và vũ trường đều đóng cửa, nên chúng tôi thành lập một ban nhạc đi trình diễn ở các club Mỹ như các USO là hội binh sĩ của Mỹ. Ðây là nơi các quân nhân Hoa Kỳ tụ hội vào ngày cuối tuần được ăn, uống, giải trí đều free.
Ban nhạc The Shotguns, lúc mới thành lập gồm 4 nhạc sĩ là Hoàng Liêm (ghi ta), Ðức Hiếu (trống), Duy Khiêm (Bass), Ngọc Chánh (Keyboard), 3 ca sĩ có Pat Lâm, Elvis Phương và Ngọc Mỹ. Theo tôi, thì Pat Lâm và Ngọc Mỹ là cặp song ca hát nhạc Mỹ đạt nhất. Chính người Mỹ cũng không tưởng được là người Việt Nam lại có thể hát nhạc Mỹ hay đến vậy. Elvis Phương cũng hát nhạc Mỹ, nhưng anh hát nhạc Pháp khá hơn. Ban đầu tên ban nhạc của chúng tôi mang tên anh Pat Lâm, nhưng sau khi chúng tôi bàn bạc, tôi và Hoàng Liêm chọn Shotguns để đặt tên cho ban nhạc. Thực ra Shotguns chỉ là một cái tên một bài hát của Mỹ, nói về một cây súng Shotguns. Bài hát này hay, cái tên cũng hay, lại vào thời điểm chiến tranh nên với người quân nhân nó có ý nghĩa, do đó chúng tôi chọn. Tuy nhiên, sau 75 chúng tôi rất khổ vì cái tên Shotguns này. Chính quyền mới lại nghĩ nó là biểu tượng hiếu chiến hay có một ẩn ý hay ý nghĩa gì khác !!!

Kỷ niệm vui buồn với các anh em ban nhạc thì nhiều, nhưng đáng nhớ là lúc ban nhạc mới thành lập còn nghèo, chỉ có chiếc xe Van cũ đi thuê để chở người và nhạc cụ mang theo. Khổ nhất là có những nơi trình diễn rất xa như căn cứ Long Bình, trong khi chiếc xe cũ ấy, nó muốn hư lúc nào thì hư, nằm đường lúc nào thì nằm. Tất cả anh em đều phải xuống xe, hè nhau vào đẩy, đẩy một lát nó lại nằm đường tiếp. Nhất là mùa hè mồ hôi mồ kê, cứ tha hồ mà đổ.

TTT: Thưa chú Ngọc Chánh kỳ trước, T đã hỏi chú về một số câu hỏi dành cho một người nghệ sĩ, hôm nay xin chú cho T hỏi thêm về một số câu hỏi dành cho một nhà kinh doanh trong lãnh vực âm nhạc. Trước hết xin chú nói sơ qua về bối cảnh của thị trường băng nhạc khi chú bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.

NC: Thật ra, ngày xưa trước năm 1966, 67 chưa có trung tâm băng nhạc nào hết, chỉ có các hãng đĩa như Asia, Việt Nam, hay Continental của NS Nguyễn Văn Ðông. Sở dĩ có băng nhạc là do năm 68 mới bắt đầu có băng nhựa reel to reel (còn gọi là băng cối) du nhập vào VN. Tôi nghĩ có lẽ do nhu cầu của người Mỹ lúc đó.

TTT: T được biết vào thập niên 60, chú có mở ra một cơ sở chuyên sản xuất băng nhạc gọi là Nguồn Sống. Sau một lần thất bại, “Băng Vàng Shotguns” đột nhiên ra đời như một bứt phá và đã đưa sự nghiệp thương mại của chú đến thành công. Xin chú cho biết lý do tại sao?

NC: Nhắc đến băng nhạc, thuở ban đầu, có thể nói tôi là người thu băng đầu tiên, nhưng vì tôi và băng nhạc Shotguns vô danh nên chưa ai biết đến. Chỉ có một số ít người biết trong giới phòng trà, ngoài ra tên tuổi, mọi cái đều chưa có. Người ra băng nhạc sau tôi, nhưng lại phát hành trước tôi là anh Jo Marcel, anh lại có tiếng. Khi anh ra băng được 3 tháng thì tôi phát hành cuốn đầu tiên là băng nhạc Shotguns. Thị trường để phổ biến khi ấy rất hiếm hoi, lại chưa mấy người có máy để nghe. Phần lớn người có máy cư ngụ tại Sài Gòn, nhưng các tỉnh thì chưa. Ðó cũng là lý do khi phát hành không thể phổ biến rộng. Ðại lý bán băng cũng chưa có. Cuốn băng ấy, chủ đích tôi nhắm vào bài hát “100 Phần Trăm” với Hùng Cường hát. Bài hát này hồi đó được lính tráng hát nhiều nhất, nhưng trái với mong đợi, bài hát này đã kéo theo sự thất bại. Những thính giả âm thầm không thích nhưng họ không nói ra. Tôi nghĩ bài đó được ưa chuộng khắp mọi nơi nên tôi chọn. Tuy nhiên nó gặp phải sự chống đối ngầm, vì họ cho bài đó có điều không phải, chính nội dung bài hát đã làm giảm đi nhuệ khí chiến đấu của người lính Cộng Hoà. Giới có máy ngày đó là những người có tiền, họ chọn những bài hát hợp với họ như những bài hát Tiền Chiến, hơn là những bài nhạc dân dã của giới bình dân, trong khi tôi lại chú tâm vào giới thính giả trung lưu trở xuống. Sau thất bại, tôi mới ngỡ ngàng, và ngộ ra thời ấy, giới thính giả thầm lặng mới chính là những người nghe nhạc dễ thương và tốt nhưng cũng rất cẩn thận, thưởng thức nhạc nguy hiểm nhất. Tôi biết được nhờ những người bán băng cho tôi biết. Khó nhất là miền Trung nơi ảnh hưởng của chính trị rất cao. Hiểu ra, tôi ngừng phát hành cuốn số 2 và 3 dù đã thực hiện xong. Nghỉ một thời gian, sau khi suy nghĩ cặn kẽ con đường sẽ đi, tôi ra cuốn số 4. Tuy các bài hát hay, ca sĩ chọn lọc nổi tiếng, nhưng vì chúng tôi chưa có tên tuổi, cũng chưa đạt được niềm tin nơi người tiêu thụ. Tới số 5, khá hơn, nhưng đến cuốn Shotguns đặc biệt số 6 thì nó đã trở thành một trong những cuốn hay của Shotguns và các trung tâm băng nhạc Việt Nam thời ấy.

TTT: Xin chú cho biết thêm về cuốn số 6 đặc biệt này.

NC: Những bài hát đều hay và ca sĩ cũng được lựa chọn kỹ như, Kỷ Vật Cho Em-Thái Thanh, Suối Mơ-Lệ Thu, Con Thuyền Không Bến-Hà Thanh, Ðừng Xa Nhau-Sĩ Phú, Nước Mắt Mùa Thu-Khánh Ly, Tiếng Hát Trên Sông Lô-Elvis Phương v.v…

Phần lớn là nhạc Tiền Chiến với những bài hát đã nổi danh. Riêng Elvis Phương, trước đó anh hát tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng lúc này anh hát tiếng Việt đã hay lắm rồi.

TTT: Như vậy có phải chú thành công nhờ vào loại nhạc Tiền Chiến chọn lọc chứ không phải do nhạc Bình Dân, dễ hiểu?

NC: Khi ấy thính giả rất thích. Thật ra, nhạc nào cũng hay. Thí dụ loại nhạc về quê hương dễ nghe hơn. Theo tâm lý, người nghe muốn giải trí, họ tìm cái gì nó đi vào hồn đơn giản, không cần suy nghĩ nhiều, không cần sâu sắc. Còn loại nhạc cao siêu hơn, có những lời hát bắt người ta phải suy ngẫm, giả dụ như “Tình khúc thứ nhất” của Vũ Thành An, ca từ rất sâu sắc, nhiều khi còn cần có người phân tích mới hiểu thấu, thì ít người nghe và hiểu được. Trong khi nhạc Tiền Chiến dễ thành công nhất, vì mọi người lớn lên đã được biết và nghe.

Ðiểm thành công thứ hai là kỹ thuật thâu âm. Tôi không dám nói mình hay, thật ra không biết nói sao….(ông ngập ngừng, ngần ngại, nhưng nói tiếp.. ). Sau này ở Mỹ, tôi gặp nhiều người có những dàn máy hay và tối tân hỏi tôi “Tôi có nghe những băng nhạc sản xuất ở Mỹ với hệ thống âm thanh, phương pháp và kỹ thuật thâu âm tối tân, dĩ nhiên cái gì cũng phải tốt hơn ở VN ngày xưa chứ, thế mà tôi nghe vẫn không thích bằng những băng nhạc cũ trước 75”. Suy ngẫm hồi lâu, tôi mới nghĩ ra lý do. Ở VN ngày xưa, khi thu âm, ca sĩ, nhạc sĩ và ban nhạc thâu chung nhau. Khi ban nhạc đánh sai, hay ca sĩ hát không chuẩn, phải thâu lại từ đầu. Thành ra một bài hát trung bình phải mất 2 giờ mới thâu xong. Ngược lại, kỹ thuật thâu âm ở Mỹ rất đơn giản, nhạc keyboard thâu trước, ca sĩ hát sau. Lúc xong, kiểm lại thấy ca sĩ hát sai lời, chỗ nào ngân không vừa ý, họ chỉ thâu lại chỗ đó.  Họ canh, bấm, và thâu lại, nên bài hát được nối nhiều lần. Vì nối nhiều lần, nghe phải tốt hơn chứ nhưng cái hồn nhạc không có. Ngày trước, vì ca sĩ và ban nhạc làm việc chung, bị sai, toàn ban phải đánh nhạc hay hát lại, vì có người đàn nên có sự rung cảm. Ngày nay, chỉ một người thu âm, các nhạc khí đã có sẵn trên một cây đàn, lại ráp nối nên bản nhạc thiếu đi sự rung cảm.

TTT: Không những là chủ trung tâm thu băng, mà còn là một nhạc trưởng điều khiển ban nhạc, xin chú cho biết trách nhiệm và việc làm của chú trong một buổi thâu âm.

NC: Khi ban nhạc đàn một bài hát, tôi đàn chung với anh em, nhưng khi thâu xong một bài tôi phải ngồi nghe lại tất cả mọi thứ, từ âm thanh, ca sĩ, ban nhạc, xem có gì không chuẩn, phải thâu đi thâu lại, cho đến khi thật đạt mới thâu bài khác. Dĩ nhiên tôi là người chọn ca sĩ và bài hát. Bài hát thích hợp với người nào, tôi đưa cho người đó hát. Ca sĩ ngày xưa cẩn thận lắm, khi đưa bài họ tập ở nhà rất kỹ trước khi thâu, nên khi ra băng cũng ảnh hưởng tiếng tăm của họ, nếu họ hát không đạt. Nói đến bài hát, thôi cũng là một vấn đề. Chọn bài cho ca sĩ rất khó, vì không phải một bài hát người nào hát cũng hay, phải hợp với giọng của họ. Thí dụ ca sĩ Anh Khoa, tôi chưa từng mời thâu băng, lý do tôi đã có Sĩ Phú, Duy Trác, Elvis Phương, Thái Châu v.v… Giọng nam như thế đã đủ. Tuy nhiên tôi cảm thấy giọng hát Anh Khoa hợp với bài hát “Bao giờ biết tương tư” nên tôi mời anh hát, và chỉ một lần đó thôi. Sau này, Anh Khoa nổi danh với bài đó. Elvis Phương cũng vậy, giọng anh rất hợp với bài “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do tôi chọn.

TTT: Kỳ này bước qua lĩnh vực kinh doanh phòng trà và vũ trường, xin chú cho biết thêm hoạt động của chú trong lĩnh vực này, truớc và sau 75. Tên và địa điểm của những nơi chú kinh doanh, cùng ai cộng tác?

NC: Ðầu tiên, trước năm 1975, tôi làm nhạc trưởng ban Shotguns và có cộng tác với các phòng trà như Maxim’s của Hoàng Thi Thơ và Queen Bee của Khánh Ly. Sau một năm, Khánh Ly rời Queen Bee, tôi và Thanh Thúy tiếp quản và làm chủ phòng trà này. Thời gian sau nữa tìm được chỗ khác, Tôi và Thanh Thúy mua lại và mở vũ trường International Quốc Tế nằm ở mũi tàu Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Hai cái quan trọng để đi đến thành công trong việc kinh doanh phòng trà và vũ trường là ca sĩ hay và ban nhạc tốt. Tôi không dám nói nhiều, ngày đó ban nhạc Shotguns toàn những người hay của Sài Gòn. Một ban nhạc quy tụ toàn người hay thì dĩ nhiên nó phải hay. Anh Lê Văn Thiện đánh piano và hoà âm, Hoàng Liêm đàn guitar, Saxo thì Trần Vĩnh, Trumpet có Cao Phi Long, Violon là Ðan Thọ, bass Duy Khiêm, trống trước có Lưu Bình, sau có Hải. Một ban nhạc toàn người hay hợp lại, thường không ở được với nhau lâu dài. Có lẽ vì ai cũng nghĩ mình là số 1, nên khó lòng lắm. Tuy nhiên vì tôi cũng là 1 nhạc sĩ cùng anh em, tôi còn là chủ, thành ra mới giữ ban nhạc được lâu. Ngoài ra, tôi có cái nguyên tắc là, với anh em mình chịu thiệt thòi chút cũng không sao, do đó cái gì cũng xong. Trong khi hầu hết các phòng trà, vũ trường khác không giữ được các ban nhạc làm chung với nhau lâu, một thời gian ngắn anh em lại bất hoà, lủng củng rồi tan rã. Nếu không có biến cố năm 75 xảy ra, có lẽ anh em trong ban nhạc tôi còn ở mãi với nhau. Có thể vì do tôi điều hành nên giữ được hoà khí giữa các anh em. Còn về mức lương, tôi trả các anh em cao nhất so với các nơi khác. Ngoài ra, làm việc với tôi còn được vững vàng hơn. Năm 69, người mở phòng trà Queen Bee là cô Khánh Ly, phòng trà đã thành công nhất nhờ tiếng tăm sẵn có của cô Khánh Ly và nhờ ban nhạc của cô toàn người hay. Tuy nhiên, cô cũng không giữ được ban nhạc lâu, rồi bất hoà và tan rã.

Sau 75, tôi ở lại trong nước và sang định cư ở Hoa kỳ tháng 4 năm 79. Cùng năm, tôi mở vũ trường ở San Jose vào tháng 12, lấy tên là Maxim’s. Người chủ nhà hàng là Luật Sư Ðinh Thành Châu, ông cho tôi thuê lại một tuần hai đêm Thứ Bảy và Chủ Nhật làm vũ trường. Năm 1983, 84 tôi về Little Saigon, Nam Cali và mở vũ trường Ritz. Chỗ này lúc trước là phòng trà có cùng tên của nhạc sĩ Vô Thường, anh không thành công và tôi sang lại. Tôi giữ tên cũ và tiếp tục hoạt động cho tới năm 98, là 16 năm, tôi quyết định nghỉ hưu.

TTT: Xin chú cho biết thêm về thành phần đối tượng của phòng trà và vũ trường thời trước và sau 1975. Chú có phải đối mặt và chi tiền cho xã hội đen trong việc bảo hộ hay duy trì an ninh của việc kinh doanh này không?

NC: Trước 75, khách đến phần lớn là những thương gia và những người có tiền, họ làm việc mệt nhọc cần có nơi giải trí. Sau 75, bên Mỹ thì dễ dàng hơn, vì ai cũng có tiền. Họ đến vũ trường cuối tuần cũng chẳng tốn kém bao nhiêu nên họ đi để giải khuây.

Vấn đề an ninh, trước 75 ở VN, theo tôi, lúc ấy không có xã hội đen. Từ sau khi chính quyền giải quyết nạn du đãng lộng hành, Sài Gòn rất an ninh. Vũ trường của tôi không cần an ninh gác cửa, tôi không phải đối mặt với du đãng. Chẳng có gì xảy ra đối với vũ trường của tôi, chỉ có đôi ba lần xảy ra những vụ đánh ghen, mà đánh ghen thì có gì đâu, can xong thì thôi. Ở Mỹ, khoảng thời gian 1980-90 xã hội Mỹ cũng có nhiễu nhương, nhưng từ ngày mở vũ trường, tôi chưa từng bắt tay với ai, hoặc làm mích lòng người nào hết. Tôi chưa hề cho ai, bất cứ đồng bạc nào. Vì sao, vì ở Mỹ có luật pháp, tôi nhờ luật pháp tức người giữ an ninh (Security) bảo vệ, rất an ninh.

TTT: Nói đến vấn đề tài chánh, thì vũ trường hay phòng trà mang nhiều lợi nhuận hơn?

NC: Nói về lợi tức thì vũ trường có lời nhiều hơn, còn phòng trà chỉ có tiếng, nhưng thu nhập kém. Ðược cái nhờ hoạt động lâu, khách hàng biết tiếng thương mến, nên vũ trường ở VN tôi mở, đêm nào cũng hết chỗ, ở Mỹ cũng thế, mọi đêm bán hết, không còn vé.

TTT: Xin chú chia sẻ một vài trải nghiệm, vui buồn nghề nghiệp trong thế giới của phòng trà và vũ trường. 

NC: Thật tình vui là tôi làm được những chương trình theo ý mình như các chương trình tìm kiếm tài năng mới. Mình có phương tiện của vũ trường để tổ chức các cuộc thi để tìm người mới. Nhờ đó ra được một số tiếng hát như Quang Tuấn, Anh Dũng, Hoàng Nam v.v…

TTT: Trước 75, T nghe nói chú từng đào tạo một số ca sĩ, xin cho biết chú nâng đỡ và đào tạo họ thế nào?

NC: Ở VN cũng như Hoa Kỳ, có những cái mà người đầu đàn phải có hy sinh, dẫu chịu thiệt thòi cũng không sao. Ví dụ, tôi bỏ rất nhiều thời giờ để suy nghĩ làm sao cho một tiếng hát nổi tiếng. Không phải tự nhiên một người hát hay mà nổi tiếng đâu, ngày đó còn cần phải có ban nhạc. Ngoài ra bên báo chí giúp bài vở quảng cáo thêm. Anh em bên đó quý tôi, cũng phụ giúp tôi đưa một tiếng hát thành danh, nếu họ thấy người đó có tài. Hầu hết những người thành công nghĩ tôi hát hay sẽ tự nhiên thành công. Không đủ đâu, phải có sự nâng đỡ thêm vào. Ðưa một người thành danh phải mất nhiều mặt và thời gian chứ không phải dễ. Bây giờ dễ hơn nhờ có TV, video và các phương tiện quảng cáo khác, ngày xưa không có sự phổ biến nhiều chỉ trông vào báo chí giúp thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét