khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Vietnam War: 'Cuộc chiến day dứt tất cả chúng tôi' - Tác giả Khải Đơn




Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick: “Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam? - Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không?”
Khán phòng im lặng chờ đợi.

Nhưng đó không phải người đầu tiên đặt câu hỏi đó trong buổi chiếu giới thiệu phim “The Vietnam War” - bộ phim tài liệu 10 tập do Ken Burns và Lynn Novick thực hiện trong 10 năm về cuộc chiến tranh Việt Nam - sắp được công chiếu.
Câu hỏi đại diện cho rất nhiều vết nứt hồ nghi và đầy ngờ vực của những khán giả trẻ đã có mặt tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn ngày hôm ấy, muốn tìm kiếm một diện mạo khác của cuộc chiến đã đóng vẩy trên thân thể mình suốt hàng chục năm dài.

Một cuộc chiến luôn được viết và giới thiệu bằng cái nhìn hằn học và rạn vỡ từ cả hai phe, nơi chúng tôi học trong sách giáo khoa về một miền Nam “bù nhìn”, dơ dáy, bẩn thỉu, đàng điếm; hoặc đọc trên mạng về một miền Bắc đói kém, sĩ diện, ngu xuẩn và tàn bạo.

Phần trích được chiếu trong Tổng Lãnh sự Mỹ mở đầu bằng mái đầu bạc của Bảo Ninh với một câu nhận định hùng hồn: “Chiến tranh không ai thắng hay thua hết. Những ông không bao giờ đánh nhau mới bàn luận ai thắng thua.”… Và tiếp sau đó, là những câu chuyện mở ra từ những cánh cửa tinh thần đóng chặt lại sau hàng chục năm dài tham chiến. Bảo Ninh thú nhận khi ông trở về nhà sau trận mạc, mẹ ông im lặng không dám vui mừng vì chợt nhớ ra người hàng xóm cũng có đứa con trai đi bộ đội - và bên ấy chưa có người về.

Một đoạn phỏng vấn mà một cựu binh Mỹ tên Bill Erhart nhớ lại khi ở Huế 1968. “Mỗi ngôi nhà là một chiến trường. Đó là một trận đánh xấu xí. Chúng tôi phải cho nổ từng bức tường, từng nhà…”….”thật là một nỗi xấu hổ khi phá hủy một thành phố đẹp như thế…”

Đoạn trả lời khác của người lính Mỹ, thú nhận về một điều tàn bạo đã xảy ra: “… nhưng tôi 19 tuổi, tôi đã chứng minh được mình can đảm như thế nào…. Nhưng lẽ ra tôi phải nói mình không được làm như thế. Tôi nghĩ về nó như một sự hổ thẹn. Mẹ tôi là một phụ nữ. Vợ tôi, con gái tôi cũng là phụ nữ. Tôi có mọi cơ hội để nói không.”

Một người lính Việt Nam nói: “Thế hệ của họ hi sinh cho cái gì chứ? - Trong nhà tôi có sáu ông đàn ông đi lính, chỉ có mình tôi về thôi.”

Nhiều đoạn phim rời rạc cùng câu chuyện của bộ đội Việt Nam, Hoa Kỳ trôi qua suốt hai giờ chiếu trích dẫn. Trong đó, hiếm hoi xuất hiện hình ảnh người lính nào của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Câu hỏi đó của cô gái trẻ bật lên, như biểu tượng chất vấn cho sự công bằng của một lịch sử thoi thóp đã nằm im hơn nửa thế kỷ. Lynn Novick mỉm cười nói: “Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS.”

Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác: Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng. Như mọi khi, có những kẻ vẫn tìm cách che mắt lịch sử, dù dưới nhân danh hay ngọn cờ nào. Lịch sử không dễ chịu, chúng tàn bạo khi ta cố nhìn vào đáy mắt người từng trải - hỏi về điều xảy ra- và bắt gặp một tia bối rối - bởi họ không đủ can đảm cúi đầu trước những người đã gục đổ thây mình vì một lý tưởng hùng hồn ngu ngốc nào đó.

Một người đàn ông khác giơ tay hỏi trong buổi chiếu: “Tôi nghĩ bộ phim phải tên là American War mới đúng, chứ sao lại là Vietnam War?” - Tôi không còn nhớ câu trả lời của ekip làm phim về câu hỏi hằn học đó. Nhưng gần cuối buổi trả lời khán giả, nữ đạo diễn Lynn Novick nói - có lẽ phù hợp để trả lời cho câu hỏi đó:

“Trước khi làm bộ phim, tôi đã xem và thấy những khó khăn, nhưng chúng tôi muốn biết CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA Ở ĐÂY. Chúng tôi phải tìm ra câu trả lời trước khi bắt đầu làm phim, với những tiêu chí: mô tả hiện thực chiến tranh, chiến trường, sự chết chóc, sự hi sinh. Chúng tôi không bọc đường cuộc chiến. Chúng tôi cố gắng không phán xét. Chúng tôi nói về những trải nghiệm tối tăm nhất trong cuộc đời của nhân vật. Chúng tôi cố gắng trung thực với những bi kịch, kể câu chuyện từ nhiều phía, và tìm cách thể hiện rất nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến.”

Và những hình ảnh trong phần chiếu trích dẫn tôi coi, đó không phải là một cuộc chiến với tên gọi đầy biểu tượng là “Vietnam War” hay “American War”, đó là những khung hình im lặng, nơi tiếng nói của những người Việt Nam thật, những người Mỹ thật, những ai ở đâu đó đã mất từng mảnh thân thể, tinh thần và trái tim sau nhiều chục năm dài gục ngã và đứng dậy trong cuộc chiến tàn bạo đó.

Những nhân vật con người đó không cố gắng gồng mình để thể hiện biểu tượng thời đại hay chính trị nào, đã gần nửa thế kỷ kết thúc, giờ là lúc họ bình tĩnh kể lại trong sự nghẹn ngào, cay đắng, trong lòng hàm ơn, trong nước mắt về cách mình đã chiến đấu cho một phe nào đó.

Lynn Novick nói về lòng biết ơn những nhân vật đã chịu trả lời phỏng vấn bà: “Họ nói họ sẽ kể lại câu chuyện của mình. Nếu chuyện của họ không được kể lại, nó sẽ không được truyền cho thế hệ kế tiếp. Họ muốn câu chuyện của họ được kể cho thế hệ kế tiếp.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét