khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Bố thí vô điều kiện: Tại sao bạn nên cho tiền người vô gia cư?




Bạn sẽ cho một người ăn xin 5 đô la mà không quan tâm họ sẽ làm gì với số tiền đó chứ?
Bà Donna Stolzenberg, người sáng lập đồng thời là giám đốc cơ quan “Tập hợp những người vô gia cư Melbourne” luôn nghe thấy lời bình luận như sau:

“Tôi sẽ cho họ một cái bánh sandwich nhưng sẽ không cho tiền bởi vì họ sẽ dùng nó để hút chích mà thôi.”

Bà Stolzenberg nói hầu hết người Úc tin rằng ma túy và rượu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô gia cư, tuy nhiên nhận định này không đúng với tình hình thực tế. Bà ước đoán trung bình chỉ một trong mười người vô gia cư lâm vào sự cùng khổ vì nguyên nhân nghiện ngập. Bà nói:

“Liệu quý vị đã từng cho con mình tiền vào ngày sinh nhật lần thứ 21 của nó và nói nó hãy đi mua một cái gì đó thật đẹp cho bản thân. Và khi thấy đứa con quay về với chai rượu mà nó ưa thích thì liệu quý vị có từng tước đoạt chai rượu ra khỏi tay nó và nói là cha mẹ cho con tiền là để con đi mua cái gì có ý nghĩa một chút chứ?”

Những người vô gia cư cũng đáng được tôn trọng. Nhưng bởi vì một vài người trong số chúng ta nghĩ rằng họ không biết kiểm soát tiền bạc, thế là chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm phải thay họ chăm sóc số tiền mình đã cho họ. Bà Stolzenberg nói:

“Quý vị xem người vô gia cư như những đứa con nít.”

Cảm giác về trách nhiệm đã khiến nhiều người trong chúng ta quyết định thay cho những người vô gia cư, mà không quan tâm đến người đó cần gì nhất. Chúng ta luôn suy nghĩ về những điều kiện kiêng cử của bản thân, chẳng hạn bị dị ứng các loại đậu, ăn kiêng để khỏi béo phì hay ăn đồ ăn halal. Nhưng có bao giờ quý vị nghĩ đến những món đồ quý vị ban phát cho người vô gia cư, liệu họ có thật sự cần chúng không? Thay vào đó, chúng ta điềm nhiên mua thức ăn và mang tới cho họ mà không mảy may nghĩ rằng “liệu họ có ăn được thịt heo không?” chẳng hạn.

Niềm tin rằng “đã ăn xin thì đừng có đòi hỏi” đã trở thành một định kiến trong tâm lý một vài người đi bố thí. Bà Stolzenberg cho rằng câu nói đó không thể tồn tại trong xã hội Úc. Những người cùng khổ cũng có quyền kén cá chọn canh chứ. Đó là lý do tại sao cơ quan do bà sáng lập đã tung ra dự án cung cấp băng vệ sinh cho phụ nữ vô gia cư “Melbourne Period Project” có tới sáu loại khác nhau. Bởi vì có nhiều phụ nữ không quen với tampons cũng như nhiều người nam chuyển giới thích chọn những món đồ dùng vệ sinh mà họ quen dùng.

Có chăng sự kỳ thị khi bố thí?

Có bao giờ sau khi đã cẩn thận tìm hiểu về người bạn sẽ bố thí, thì bạn mới bố thí cho họ không?

Cựu biên tập viên của The Big Issue, Alan Attwood, cho hay phần lớn người Úc đều là người thích cho đi, nghĩa là những người có tấm lòng nhân đạo.

“Vấn đề là ở chổ ngày nay có quá nhiều đòi hỏi đối với tấm lòng bố thí này, và người ta không thể biết chắc họ nên cho bằng cách nào và cho ai.”

Những điều kiện chúng ta đòi hỏi để có thể bố thí cho người vô gia cư đặt lên vai những cơ quan từ thiện, cũng như ảnh hưởng đến việc họ tổ chức quyên góp như thế nào.  Ông Attwood nói:

“Điều này cũng có mặt tích cực, đó là bạn luôn luôn có sự hỗ trợ của các cơ quan từ thiện và bạn được tùy nghi lựa chọn để sử dụng món tiền bố thí của mình một cách tốt nhất.”

Chưa kể, nhiều người Úc khi đi bố thí còn hy vọng rằng những người vô gia cư được nhận bố thí đã được các cơ quan từ thiện chọn lọc rồi. Họ thích kiểm soát một chút lên những người nhận được sự ban phát của mình, khiến những người vô gia cư trở thành những người nhận thụ động. Ông Attwood nói:

“Ai có thể phán xét người khác là có đủ phẩm chất hay không, có xứng đáng hay không? Điều quý giá nhất là hãy cho những người cùng khổ đó một cơ hội để họ cải thiện tình cảnh hiện tại của chính họ. Điều này sẽ làm họ cảm thấy cuộc sống đẹp hơn vì họ đã đạt được một thứ gì đó.”

Còn cô Jenny Smith CEO của Hội đồng vì người vô gia cư Úc cho hay người Úc thích nhận mình là một nền văn hóa thích làm từ thiện, nhưng có lẽ Úc có văn hóa về sự công bằng nhiều hơn. Nhiều dịch vụ nhân đạo và y tế của Úc dựa theo hệ thống Anh, nhưng trong những năm gần đây, Úc ngày càng học theo mô hình của Mỹ. Tấm lưới cứu mạng những người cùng khổ của Úc đã bị rách, cô Jenny Smith nhận xét:

“Chúng ta nghĩ rằng nước Úc có tấm lưới cứu sinh chắc chắn vì vậy chúng ta nghĩ rằng những người vô gia cư đã than nghèo kể khổ thay vì tự mình tập trung giải quyết tình trạng kinh tế khó khăn của chính mình.”

Những cuộc quyên góp cho dịch vụ xã hội và các cơ quan phi lợi nhuận là rất cần thiết, để giúp những tổ chức này phát huy nhiều ý tưởng mới trong cách thức làm từ thiện, tuy nhiên bà Smith nói các cơ quan và dịch vụ từ thiện luôn bị quá tải. Bà tin rằng trách nhiệm thuộc về chính phủ, nhằm cung cấp một tấm lưới an sinh thật bền để cứu vớt những người cùng khổ trong những lúc cấp bách nhất. Bà nói:

“Luôn luôn cần đến sự hỗ trợ mỗi khi khủng hoảng, tuy nhiên đa số sự hồi đáp lại đến khi cơn khủng hoảng đã gần chấm dứt. Chúng ta dường như suy nghĩ quá nhiều về từng tình huống dẫn tới sự vô gia cư nhưng lại không đưa ra được những quyết định cần thiết, thẳng thắn và cấp bách về thị trường nhà ở”.
Còn bà Stolzenberg cảnh báo nếu chúng ta tiếp tục bố thí cho những người vô gia cư với một số điều kiện đi kèm, thì điều này có khả năng ngăn cản những người cùng khổ nhất, cần đến sự bố thí nhất có thể với tới được sự giúp đỡ của chúng ta. Bà kết luận:

“Đầu tiên chúng ta đã bỏ qua những nguyên nhân chủ chốt có thể dẫn tới sự vô gia cư – đó là sự tàn tật, bệnh tâm thần và tình trạng không đủ tiền thuê nhà. Sau đó, chúng ta mong đợi những người nằm bên ngoài các nguyên nhân này mới nhận được sự giúp đỡ. Chính điều này đã khiến vòng tròn vô gia cưu bị lặp đi lặp lại mãi. Chúng ta mới chính là những người đã khiến cho người vô gia cư không thể thoát ra khỏi cảnh cùng khổ.”





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét