khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Một Tháng Chà Láng Quân Trường- Tác giả Phan Ni Tấn




Sống ở Xứ Tuyết gần 40 năm trời, thỉnh thoảng ra đường gặp vài chiếc xe nhà binh và mấy anh lính rằn ri Cà-na-điên là tôi trố mắt dòm theo không chớp mắt. Con mắt nhỏ của tôi mở lớn. Trái tim tôi đập bồi hồi. Máu của tôi... đỏ thêm và tận đáy lòng tôi dâng lên một mối cảm hoài.

Những người lính này sao mà trời ơi trẻ, trẻ đến nỗi tôi tưởng chừng họ chưa từng dính hột bụi trần nào. Vậy mà anh hùng đó nghe. Ở một đất nước hòa bình mà dấn thân vào con đường binh nghiệp qua tận Trung Đông chiến đấu cho một đất nước thiếu tự do dân chủ và nhân quyền thì là anh hùng chớ còn gì. Tôi nhìn họ rồi tôi nhin lại mình, sao mà nhớ! Gần 50 năm trước tôi cũng từng là họ bây giờ.

Những năm dài đi lính ai mà không nhớ. Nhưng tôi nhớ nhất vẫn là chuyện học Quân sự học đường ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung mà thắc cười. Tôi nói thắc cười vì lần đầu tiên trong đời tôi khoác vào người bộ đồ nhà binh, chân mang giày bốt-đờ-sô (Botte De Sault), tay cầm khẩu Carbine. Tôi nhìn tôi thiệt kỹ rồi tôi đố... tôi nhận ra "thằng ma" nào trong gương.

Sau trận Mậu Thân 1968, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành một sắc luật Quân Sự áp dụng vào học đường, trong đó sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn phải tham dự một khóa huấn luyện quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong vòng một tháng.

Giữa năm 1969, tôi và anh em sinh viên các trường Đại học Sài Gòn theo chân những khóa trước tập làm quen với súng ống và ngửi mùi nhà binh. Ngay từ ngày đầu bước chân vào quân trường tôi có cảm tưởng như bị thảy vào một thế giới không có... tình người. Những hàng cây bã đậu xù xì, gai góc trồng dọc hai bên đường càng tăng thêm vẻ khô khan, lạnh lùng, thiếu sinh khí.

Quen sách vở nhà trường, quen lăn lộn giữa cuộc sống bộn bề, nhà cao cửa rộng, ngựa xe như nước, dập dìu ngược xuôi, ngày đầu tiên bước chân vô quân trường vác súng ra bãi, tôi tưởng mình đi lạc vào một thế giới khác. Con đường đất trải dài dưới chân sao mà khô khan khô khốc, gió mái hiu hiu, cỏ cây thiu thỉu. Khác với Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ, Sài Gòn hoa lệ đơm hương. ở đây không có nhà dân, không một bóng người ( trừ chúng tôi), không cả một cánh chim vụt bay lên hay xà xuống phía chân trời hiu quạnh. Nghĩa là cái giống gì cũng lạ hoắc lạ huơ, lạnh lùng ra mặt. Sống ngoài đời phè phỡn bao nhiêu thì trong quân trường nó ngược lại bấy nhiêu. Đành rằng kỷ luật sắt chỉ dành cho các tân binh thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nhưng những anh chàng sinh viên đa sầu đa cảm, lè pkè lẹt phẹt như chúng tôi, khi vào đây cũng phải nhận thức được thế nào là lính mới tò te dù chỉ trong vòng một tháng, và thế nào là kỷ luật quân trường.

Sài Gòn nằm trên đường xích đạo, quanh năm nắng cháy da người Vậy mà 6, 7giờ sáng ở quân trường nó lạnh phải biết. Đi đánh răng rửa mặt, cái lạnh trong ruột trong gan nó cứ lạnh ra.

Tùy theo thời khóa biểu. Có ngày chúng tôi tới nhà tiền chế học lý thuyết quân sự, học tháo ráp, lau chùi súng ống. Có ngày vác súng Carbine theo Cán bộ ra bãi học bày binh bố trận, tập bắn, tập ném lựu đạn, đọc bản đồ, đi địa hình, bò lê bò càng qua các đoạn đường chiến binh. Tất cả những bài học kể trên đều giản lược thôi. Nhưng cái vụ "chà láng" thì ai cũng ngán tới bảng họng. Ngày nào mấy ổng cũng bắt chúng tôi ra các con mương và giao thông hào quanh trại chà láng.mệt nghỉ. Thật ra nó đã láng sẵn từ khuya, nhưng - lệnh là lệnh - chúng tôi vẫn cứ phải bò ra đó mà chà cho... láng hơn. Lúc đó có ai cắc cớ hỏi cái gì... láng nhất thế giới tôi không ngần ngại nói ngay: bờ mương. Cũng cái vụ chà láng quá xá quà xa này mới lòi ra cái câu "Chà làng sáng ăn cá mối chiều nuốt dây thun". Hềhề.

Cũng may, tuy học chỉ một tháng nhưng mỗi chiều thứ bảy chúng tôi được về phép rong chơi thỏa thích cho tới xế chiều chủ nhật mới lọt tọt bưng đâu vô.

Là lính hầu hết ai cũng biết hút thuốc và ăn nhậu. Hồi đó, lần đầu tiên bước chân vào quân trường, anh sinh viên "còn non mùi sữa" như tôi cũng sanh tật tập hút thuốc lá. Ngay cú rít đầu tiên khói thuốc ập vào phổi là tôi gập người ho sặc sụa, ho tới mật xanh mật vàng gì cũng thốc tháo ra ngoài. Nhưng riết rồi cũng quen. Từ đó tôi hút thuốc vàng cả ngón tay, hút đến 28 năm sau mới dứt bỏ được cái thứ gây nghiện ác ôn này..

Nhân nói đến thuốc lá, miền Nam nước ta có hàng chục nhãn hiệu khác nhau. Từ thuốc lá Quân Tiếp Vụ như Ruby Queens, đến các nhãn hiệu khác được sản xuất ở Sài Gòn như Cotab, Mélia Vàng, Cigares Mélia, Bastos Luke, Juan Bastos trắng, xanh, đỏ, Mic ... Ngoài ra còn có thuốc lá ngoại nhập rất được giới nghiện ưa chuộng như Pall Mall, Salem, Camel, Lucky Stike, Phillip Moris, Marlboro, Dunhill, Winston, Craven A, 555 v.v...

Thời kỳ đó, hút thuốc lá là cái "mốt" của giới đàn ông. Ở ngoài đường hoặc trong các quán ăn, tiệm nước như Brodard, La Pagode, Givral, Thanh Thế, Thanh Bạch... thấy mấy ổng hút thuốc lá, uống café - nhất là giới văn nghệ sĩ, nhà báo, quân nhân, thương gia bàn chuyện văn chương, thế sự, chuyện nghề nghiệp làm ăn thì biết đó là dân điệu nghệ rồi. Cũng từ đó mới sanh ra thơ thẩn đặt từ tên của bao thuốc lá. Điển hình như Bastos Luke:

Hỡi ai đi sớm về trưa
Kiu Bát Tốt Lát đón đưa gọi mời
Hương thơm khói đậm tuyệt vời
Hút vào một điếu cho đời thơm tươi
Pall Mall đọc xuôi đọc ngược gì cũng hấp dẫn:
Phải Anh Là Lính. Mời Anh Lên Lầu.
Hoặc: Phòng Anh Lạnh Lẽo. Màn Anh Lạnh Lùng
Salem: Sao Anh Làm Em Mệt. Mà Em Làm Anh Sướng
Đặc biệt "anh chàng" Capstan, nhờ giới sành đìệu thường tiêu thụ mới "lòi" ra trọn bài thơ dài sọc:
Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng
Nợ Ân Tình Sao Phụ Anh Chi
Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nghĩa
Nợ Áo Thư Sinh Phụ Áo Chàng
Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu
(quên câu này)
Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát
Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn

Cuối cùng, một tháng quân trường rồi cũng qua mau. Sau lễ mãn khóa, tất cả những khóa sinh (kể cả những phần tử lè phè, bất mãn) đều cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp khóa Quân Sự Học Đường.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét