khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Nói với người bạn trẻ Bình Định - Tác giả Tạ chí đại Trường



Trong một buổi chuyện vãn tào lào, một người bạn đùa bỡn: "Có người nói: lịch sử là cái gì của ông sử gia viết ra." Ðiều này kể cũng không lạ. Trong đời sống bình thường vốn đã có câu: chín người mười ý rồi. Thế mà chuyện lịch sử không phải chỉ có chín hay mười người tham dự - chỉ mới nói riêng sự tham dự với tay không miệng hả chưa kể đến dao găm, súng ống trong tay, chưa kể đến quần chúng "hàng hàng lớp lớp" và ngón tay ấn nút điện tử. Rồi lịch sử lại là chuyện đã qua, tha hồ bốc phét - nếu hiểu quá đà câu nói trên.

Tuy nhiên nhân loại lại đòi hỏi ở kiến thức một cái gì nghiêm chỉnh hơn là những toan tính riêng tư và những sai sót cá nhân. biết rằng đời người chỉ có 100 năm - nói theo kiểu cổ điển - nhưng người ta còn muốn biết những gì xảy ra ngoài giới hạn thời gian đó; nhìn quanh chỉ thấy được cái nhà mình và của các ông hàng xóm nhưng người ta lại muốn trí óc ghép thêm vào tầm mắt để "thấy" được cộng đồng, dân tộc, trái đất với đồng loại, người yêu thương, kèn cựa, lao đao, hưởng thụ... Và muốn hiểu nghiêm chỉnh. Lịch sử trở nên không phải chỉ là kết quả từ chuyện kể mà là của khoa học, sử học. Tất nhiên ở đây cũng còn có chuyện chín người mười ý, nhưng cái "ý" này cũng phải chịu một sự kềm thúc nhặt nhiệm của phương pháp đào tạo, của chuyên môn. Người ngoài ngành phải hiểu điều đó, giản dị như anh (ở Việt nam) có cái Dream II hư không thể giao cho ông thợ vá xe đạp mó máy vào đó mà nhất định phải tin anh thợ lấm lem dầu mỡ trong tiệm có đăng bảng hiệu.

Tinh thần khoa học vốn không phải là cái gì quen thuộc với người Việt. Người ta quen với cái làng nhàng của tinh thần Tam giáo Việt rồi bào chữa bằng sự dụng hòa, khoan thứ, chín bỏ làm mười (xóa cái 9 người 10 ý kia) dẫn đến sự "vầy vậy" của kiến thức lười nhác mà mấy mươi năm qua lại bị bức bách nhận chìm xuống ngang bằng với lối suy nghĩ của "quần chúng" khiến cho kiến thức khoa học không có cơ hội phát triển rồi thảng hoặc có chuyên viên nào đó được sự ưu ái của Ðảng, của tập nhóm thì lại được đẩy đưa, tôn sùng trong khi thực tế tầm mức ấy cũng không lấy gì làm cao. Ðiều ấy cũng thấy được ở cách nhìn, công trình viết về quá khứ Việt nam, về người Việt mà chúng tôi đã đưa ra khía cạnh tiêu cực trong bài "Gresham trong sử học" (Văn Học, số 125, 9/96, tt12-19).

Có lẽ không nên nói mãi về sự thấp thỏi trong ngành Việt học (của người Việt) do bởi sự nghèo nàn của đất nước, vì không khí chính trị chung hoặc đã ăn sâu vào quá khứ hoặc còn lởn vởn đe dọa trong hiện tại đối với người nghiên cứu. Thói quen suy nghĩ đến những chuyện vá trời khiến có người cho rằng con đường thoát của sử học Việt nam phải đặt căn bản trên sự đổi thay chế độ, sự tiến bước vào lãnh vực kỹ nghệ, vân vân. Không phải vậy, bao giờ cũng có và lúc nào cũng nên làm những bứt phá nhỏ, tuy rằng càng nhìn ra càng dấn thân vào thì lại càng thấy không phải là nhỏ. Ví dụ ở đây có thể mở đường bằng sự "khi sư diệt tổ" trong chữ nghĩa để khỏi động, hoặc động chạm ít đến quyền bính.
Tài liệu về lịch sử Việt nam (hiểu theo nghĩa rộng, đúng) thật quá ít. Các sử quan trong quá khứ theo truyền thống sử ký của Trung quốc đã làm việc quá ít, lại làm việc theo lệnh triều đình hơn là theo tinh thần cầu vọng kiến thức. Thảng hoặc có người như Lê Quý Ðôn, Phan Huy Chú thì đó chỉ là "lá mùa thu", lá của cuối mùa (thế kỷ XVIII,XIX). Ấy vậy mà người thời nay căn cứ trên vài quyển sách cũ đó chỉ làm việc tán rộng hoặc chắp thêm chữ, hoặc vá thêm thần học triết học mông lung cho ra vẻ uyên bác.

Viên chức Pháp đã đem lại một mớ sách vở dồi dào hơn, nhưng chuyện của ông Tây làm cho nước Việt không khỏi có điều thất thố. Ví dụ trong việc thu góp tài liệu cũ vào lúc chữ nho suy tàn đem giấy bản ra bồi lồng đèn quạt giấy, có người đã chép sách giả bán cho Trường Viễn Ðông Bác Cổ trong đó có quyển Lĩnh Nam dật sự được cho là của triều Trần để trước 75 Phủ Quốc vụ khanh văn hóa cho người dịch in và ngày nay có người Việt di tản tán thêm trên sách in lại. Ta không phủ nhận công trình của các học giả trường VÐBC, hay hội Ðô Thành Hiếu cổ nhưng cũng phải công nhận như ông Hoàng Xuân Hãn là trong đó có người viết với kiến thức không cao. Không nên lấy làm lạ. Các ông quan Tây thuộc địa kiến thức không cao là chuyện dĩ nhiên, lại làm việc dò hỏi trong những dịp kinh lý, hòi các thầy đề, chánh tổng, lý trưởng trong lúc những người này bụng run lập cập, thưa bẩm theo lời quan, chuyện này xen chuyện khác, lan qua chuyện khác. Chưa kể các ông nào tiếp theo trên tờ Réalité vietnamienne 1966 thấy tờ "Thính chấp bằng" viết chữ thảo ngoáy ngoáy bèn cho đó là chữ ký của Nguyễn Nhạc, y như khi ta làm ở cuối tờ check ngày nay!

Dù sao thì sự khi sư diệt tổ chỉ có ý nghĩa khi kẻ hậu sinh hỗn láo có bồi đắp, chỉnh đốn công việc của người trước. Từ trong một tập họp quan sử còn sót đến nay, hãy "đọc lại" ý nghĩa của thời đại trong đó chớ đừng tán rộng, lảng tránh. Chớ chê Dương Tam Kha phản bội, khen Dương Hậu trung trinh (hay chê loạn dâm như ông quan thế kỷ XV), mà nên ghi nhận tính chất quan trọng của dòng mẹ ở thời ấy (hay nói như các sử gia ngoại quốc ngày nay: tính chất gia đình hai dòng của Ðông Nam Á). Chớ quên Lí, Trần, Hồ là gốc Trung quốc để hiểu tại sao các ông đại khoa thường là ở vùng di dân Trung quốc như ông tiến sĩ họ Vũ ở Hải Dương, để hiểu tác động ngược của đám dân bản thổ lên đến tận cung đình và lôi kéo các vọng tộc ấy xa nguồn gốc của họ.

Trong một ý nghĩa khác có thể xét lại trận chiến thắng Nguyên Mông của họ Trần theo khía cạnh chiến lược chiến thuật thăng trầm theo thời gian chứ không phải thuần tuý bằng tinh thần dân tộc được cho là của lúc ấy chứ không phải của nửa sau thế kỷ XX. Căm tức thời Minh thuộc ngắn ngủi mà tàn bạo nhưng chớ quên chính sách tịch thu sách vở, Hoa hóa của Minh Thành Tổ đã là tiền đề và cơ sở ổn định cho nhà Hậu Lê khi đám lang đạo Lam Sơn loay hoay trong hơn một thế hệ cắt cổ nhau mới tìm được lối thoát khỏi lối sống chúa vùng ra đến kỷ cương chúa nước với ông vua Lê Thánh Tông thông kinh sử Trung Quốc, với đám nho thần được đào tạo trong thời Minh thuộc và đà tiếp diễn sau đó.

Ðọc lịch sử Nam tiến viết trong các sách xưa (và rơi rớt đến tận ngày nay) chớ chỉ nên tụng câu: "Quân ta chặt đầu vua Chàm chạy ngựa về Thăng Long báo tiệp" mà bo bo co rút trong vùng đất sông Hồng, Thanh Nghệ như trung tâm của một kiểu mẫu vương hóa mới học lóm của Thiên triều. Hãy chú ý rằng Bà Chúa Xứ Thiên Y A Na (Thiên: Yan, Dàng) đã là chủ trì ở đàn Viên Khâu của Lí - cái đàn theo Nho giáo chính thống chỉ là nơi ngự trị của ông Trời, Cha Vua; nên biết đến đền Bà Banh dâm uế cũng được nội cung Mạc góp tiền xây dựng, thờ cúng; còn truyền thuyết con vua Thủy làm học trò của Chu An là hơi hướng của con cá voi được thờ cúng ngay trên đồng bằng sông Hồng, nơi đền cửa Cồn ở Nghệ An với dạng hình ẩn giấu qua các đời... Trong dòng quan sử cũ được quan sử mới kế tục và chắp nối, người ta chuyển sự khác biệt của Tây Sơn và Lê (và Nguyễn một chừng mực) vào tính chất đối kháng nông dân - lãnh chúa, nôm - Hán mà không thấy sự hùng mạnh của Tây sơn có căn cứ khởi đầu nơi danh hiệu vua Trời của quan niệm deva-rajah Chàm Miên lẫn lộn với tính chất thần quyền hội kín của đám di dân Trung quốc cấp thấp. Quá khứ của dân Việt dồi dào như thế không cần phải tìm đâu xa, toàn là ở trong một hai quyển sách xưa còn lại. Miễn là biết cách đọc.
Và phải tìm thêm. Nên nhớ bao nhiêu cũng không vừa, huống chi là còn thiếu sót. Rất nhiều. Chớ bi quan rằng chiến tranh, đảo lộn đã làm thất tán tài liệu cũ. Chuyện này xưa như trái đất. Tất nhiên người nghiên cứu phải nhanh tay giật tài liệu từ trong chiến tranh. Bắn chậm thì chết. Năm 1962 khi đi tìm tài liệu về Tây Sơn, chúng tôi không đến được một làng cách quê nội tôi vài cây số nhưng sau 75, ông Phan Huy Lê đã vào đó và được người ta cho biết trước năm 1945 (?) gia đình còn giữ quyển Hình Thư triều Tây Sơn, công trình của một người trong họ làm quan ở Bắc Hà, nhưng sau đó đã lấy ra quấn thuốc lá hút sạch. (Lại một đề tài có thể dùng làm luận cứ chống các hãng thuốc lá!) cũng phải dè chừng loại mạo hóa kiểu Lĩnh Nam dật sự xưa.

Sau thời kỳ con cháu Nguyễn Nhạc trốn tận buôn Thượng cũng bị lùng bắt trong lúc đầu lâu 3 anh em Tây Sơn bị xiềng trong ngục, thì lại đến lúc Tây Sơn được đề cao thành phong trào nông dân khởi nghĩa chống phong kiến tàn bạo bại vong, thời kỳ hình ảnh ông Quang Trung áo bào đẫm thuốc súng oai hùng rực rỡ tiến vào Thăng Long không thèm chấp cú móc của ông Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp gì đó cho vị anh hùng dân tộc bóp vú Ngọc Hân tưng bừng! Chính vì sự đảo lộn đó mà nảy nòi ra ở Bình Ðịnh những quyển gia phả gợi nhớ những truyền thuyết về mồ mả vợ, thứ phi của Trung ương Hoàng đế, của Quang Trung (tội nghiệp cho Nguyễn Lữ!). Chuyện này thật ra cũng bình thường như ông Giáo sư Ðại học sau ngày 30-4-75 ra bưu điện Gài Gòn chúc mừng ông chú PVÐ ở phe chiến thắng vậy. Và phong trào làm gia phả vốn có đầu têu (xin lỗi!) là ông Nguyễn Ðức Dụ khiến nảy sinh một nghề làm ăn khấm khá ở Miền Ðông Nam Bộ giành tư tác kiếm tiền ở các gia đình, tránh nơi chốn công tác của các anh viết thuê tiểu sử đảng bộ các tỉnh huyện xã ấp ở các vùng giải phóng mới chiếm được.


Lại không phải chỉ tò mò moi móc các ông hoàng bà chúa, anh hùng dân tộc. Ngày xưa cũng có vài quyển địa phương chí. Và nhà Nguyễn với tính cách chủ nước đã tập họp thành quyển Ðại Nam nhất thống chí khá dày. Nhưng như đã nói, chưa đủ, lúc nào cũng vẫn chưa đủ. Mỗi lần phát giác thêm một chi tiết sự kiện nhỏ là một lần có thể xây dựng một nhận định lớn. Như khi thấy Ðại Nam Nhất Thống Chí cho rằng việc thờ cá voi chỉ có từ Ðàng Trong trở vào rồi tìm ra được rằng cá Ông không những đã được thờ ở bờ biển Nghệ An tận thời Lí Trần mà còn leo lên bờ tiến đến gần Thăng Long, thấy Bà Tím ("rùa da", một loại rùa biển thờ chung trong Lăng Ông) trở thành nữ tướng của Hai Bà Trưng thì các điều ấy mở ra kiến giải về một hướng xâm nhập văn hóa bị lãng quên và đi xa hơn đến nhận định về sự hình thành các "anh hùng dân tộc" được thêu dệt với thời gian đã trở thành truyền thống, kiến thức khó lay chuyển. Hành trạng của con người, sự kiện văn hóa vốn không đơn độc nên không có sự phát hiện dù nhỏ nhoi nào là vô ích, là không điểm thêm dồi dào màu sắc cho bức tranh toàn thể.

Và đôi lúc có thể xoay đổi một nhận định lớn. Lúc sơ khởi, các học giả Pháp khi quan sát sinh hoạt làng xã quanh cái đình đã từ tính chất riêng biệt của đối tượng nghiên cứu mà gợi ý hoặc dẫn ra tính chất độc lập, đối kháng của đơn vị nhỏ bé này đối với chính quyền trung ương. Rồi các học giả tiếp theo cứ nghĩ rằng cái đình phải đương nhiên đi theo cái làng từ khởi thủy nên tán tụng tiếp về tính chất đối kháng làng nước, về tính chất dân chủ của xã hội Việt nam thời xưa... Nhưng thật ra tuy nói "Phép vua thua lệ làng" nhưng ai cũng biết chức quyền tổng xã chỉ được gọi bằng "thầy", còn ở huyện phủ mới có "quan" và lý trưởng chánh tổng sợ quan huyện như sợ cọp, nói gì đến khi làm loạn thì triều đình có thể cho cày ủi từ đầu làng, xóa sạch dấu vết! Và cái đình của làng chỉ mới có từ cuối thế kì XV! Ðiều đó tuy do chúng tôi thấy ra, nhưng đã có trong các bản văn về hình luật đời Hậu Lê dịch hẳn hòi bằng Pháp ngữ hoặc quốc ngữ, nghĩa là bằng một thứ chữ dễ đọc đối với thời nay. Vậy cái đình chỉ là sản phẩm Việt của một giai đoạn lịch sử thâu nhận mẫu hình Trung Hoa cao độ, thế thôi. Vấn đề tương quan làng nước như đã được ca tụng đến nay đã bị đảo lộn, ít ra cũng phải đặt lại một cách tương đối hơn. Và chớ nên nói đến tính chất dân chủ truyền thống của xã hội Việt Nam.
Vậy, nhắc lại, phải đi tìm thêm cái cụ thể để có khả năng tổng hợp cao hơn, chính xác hơn. Và đất nước dù nhỏ bé hay to rộng cũng không thể hiểu rõ chỉ từ một trung ương. Bắt đầu từ các địa phương.
Bây giờ trông thấy đầm Thị Nại có một phần bị lấp làm đường Bạch Ðằng xây nhà cửa, phần còn lại cạn queo lúc nước triều xuống, thấy con sông Côn lên thành Ðồ Bàn có nhánh phải kéo cái sõng (thuyền nhỏ) mới đi được, người ta phải ngẩn ngơ tự hỏi: Làm sao mà thủy quân Tây Sơn 1801 tập trung được dày đặc trong đó hùng mạnh đến nỗi khi Nguyễn Ánh thắng trận đã cho người báo tiệp đến tận Xiêm La! Nào đâu là thương cảng nổi tiếng của Chiêm Thành? Nước Mặn đâu chỉ được biết là một trung tâm Công giáo trong lúc đáng lẽ phải nên hiểu ngược lại? Thắc mắc giải tỏa một phần khi ông Ðỗ Bang thấy được nơi sông Côn đổ ra biển, giải thích được tại sao có tên cửa Cách Thử / Khách Thử mà nay chỉ có cát mênh mông, khiến ta liên hệ đến truyền thuyết về tên Khách Thử: nơi có thuyền ma đến lẫn lộn với người, mua hàng trả tiền âm phủ nên người bán phải bỏ tiền vào chậu nước, tiền chìm là của người, tiền nổi là của ma! Nhưng vẫn chưa đủ về chuyện sông cạn nước. Có phải đây là vấn đề của môi sinh: người đến ở đông đúc phá rừng nên không giữ được nước do đó ruộng lấn sông đến nghẹt thở? Cũng là chuyện tác động của người khi các ông chủ mới học được lối làm việc có kĩ thuật, có mĩ thuật ở Miền Bắc đã đào sông thẳng băng khiến nước trôi tuột đi không kịp nhảy lên bờ!

Dùng sông tưới ruộng bằng xe nước (noria) ở Quảng Ngãi, Bồng Sơn không phải là kĩ thuật thủy lợi của Trung Hoa. Ðã có bài của viên Công sứ Quảng Ngãi về vấn đề này đăng ở BAVH. Bây giờ có thể làm kĩ hơn không? (Giả định rằng máy bơm nước chưa thay thế quang cảnh hùng vĩ đối với tuổi trẻ của chúng tôi ở Bồng Sơn năm 1950). Không phải chỉ có vấn đề kĩ thuật nhưng còn vấn đề tác động của kĩ thuật trên sự hợp tác liên vùng (trên mức độ xã, huyện) như thế nào, hiệu ứng công trình so với thu nhập chung ra sao..., bao nhiêu vấn đề cứ từ từ nảy sinh khi đặt câu hỏi, khi không coi vấn đề là hiển nhiên, đã giải quyết xong để giữ mức độ thờ ơ với sự lười biếng cố hữu. Ở phía nam Bình Ðịnh không có xe nước nhưng có đập nước có lẽ vì chênh mực ruộng và sông không lớn, cánh đồng tương đối rộng rãi. Hồi nhỏ chúng tôi từng thấy sau mùa lụt tháng 9, 10 ta dân làng góp tiền, góp bổi, tre cây... đi đắp đập đâu đó trên nguồn. Chủ ruộng ăn nước của một đập phải trả tiền nước đã đành, nhưng còn chủ ruộng ở lằn ranh nước của hai đập tràn về thì sao? Hệ thống điều hành ra sao? Các trích lục địa bộ dù là mới lập từ thời Bảo Ðại nhưng vẫn còn để các tên xưa cũ như xứ Nước Mặn, xứ Gò Ông... bao trùm lên các tên làng xã mới. Có ảnh hưởng Chàm nào trong hệ thống thủy lợi này không? Có ai so sánh hệ thống đập Nam Bình Ðịnh chẳng hạn - nơi có thành Chà Bàn của vương triều Vijaya cũ, với hệ thống đập Nha Trinh ở Phan Thiết của ông vua Po Romé với cây tháp thế kỉ XVII còn lại, với con sông Cà Ti chảy ra cửa Phan Thiết mà phần trên được dùng như con mương chính để người Việt xưa gọi là Mương Mán - rồi theo thời gian chưa mất tiềm thức khinh miệt, được lệch dần thành tên Mường Mán, đeo đẳng theo bút hiệu của một nhà văn hiện vẫn còn sáng tác ở Việt Nam?

Trên tờ Giáp Ngọ Bình nam đồ (1774) chụp in lại trong Hồng Ðức bản đồ (Viện Khảo Cổ,Saigon 1962) có lạch nước chảy vào đầm Thi Nại ghi tên hán là Tích Kinh Giản (Lạch nước qua vùng mồ mả xưa), có phải đó là sông Gò Chàm? Cũng trên vùng Bình Ðịnh này có ghi 3 thuộc: Thì Ðôn, Thì Lượng, Thì Ngạn, không có ý nghĩa gì hết nếu dò tìm ở chữ Việt, chữ Hán. Có thể đó chỉ là một phiên âm tên đất Chàm, vì chữ "thì" là từ âm Cri (đất, xứ) mà ra, cũng như Thi Nại được đoán từ Cri Banoi. Do đó đây là 3 địa danh gốc Chàm xưa nhất ở vùng này còn thấy vào 1/4 cuối thế kỷ XVIII. Một số địa bộ gia phả tìm ra bây giờ cho biết đó là các vùng Ðập Ðá, Bình Ðịnh (thành), vùng ven đầm Thi Nại. Ngay cả chữ "nại" không còn ý nghĩa Chàm nào cũng phát sinh một địa danh lạ tai: nại muối. Ðể chỉ ruộng muối, ở đây có một thôn gọi là Diêm Ðiền, chữ hán chỉ vùng có ruộng muối. Chẳng có chữ hán nào là nại có nghĩa là muối, ruộng muối cả. Có lẽ vùng ruộng muối quanh đầm Thi Nại đã phát sinh danh xưng này khi người dân xa bờ nói: "Xuống (đầm Thi) Nại, xuống vùng ruộng muối". Bộ môn lịch sử địa danh còn chờ người góp phần.

Ở đỉnh đầm Thi Nại có địa điểm Nước Mặn ghi trên các bản đồ, du kí của các giáo sĩ từ xưa. Hình như sự kín đáo riêng của các giáo phận ở Việt Nam không thuận tiện cho một sự tò mò (nếu có) đối với các liên can đến giáo phận, giáo dân. Hình như sự cách biệt đó cũng khiến người nghiên cứu không quan tâm đến các tài liệu này, coi như của một cộng đồng riêng không đem lại lợi ích gì cho viếc tìm hiểu cộng đồng lớn Việt nam. Tuy nhiên ví dụ như ở Pháp, khi muốn tìm hiểu vấn đề dân số ở các thế kỉ xa xưa, người ta đã tìm được tài liệu khai sinh (cần thiết cho tên thánh, lễ rửa tội đứa trẻ) trong các nhà thờ xưa. Nhà thờ Việt Nam (ví dụ ở Nước Mặn) có tài liệu gì còn giữ lại không? Không chắc, nhưng chưa có thể quả quyết khi chưa đi tìm. Nhà thờ là nơi in sách chữ quốc ngữ sớm nhất. Không phải chỉ có kinh cho bổn đạo mà còn có sách truyện, sử, báo chí với phần ngoài mục vụ nghĩa là sinh hoạt từ giáo phận lan ra đến ngoài đời, của các tập đoàn khác.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã lưu ý đến phần quảng cáo trên tờ Nam Kỳ địa phận. Hồi còn nhỏ, trước 1945, chúng tôi đã từng đọc truyện Chùa Ông Ðá (một loại truyện Chàm - Việt nhiều gợi ý hơn truyện Hòn vọng Phu) in khoảng những năm 20, nhiều chi tiết hơn phần giản lược trong quyển Ðịa dư mông học tỉnh Bình Ðịnh (1936?) của ông Bùi Văn Lăng. Bây giờ những tài liệu tương tự có còn cất trong Nhà thờ Chính Toà Quy Nhơn không?

Ðất Nam Kì đã được các sĩ quan Hải quân Pháp và các chuyên viên cai trị thời chiếm đóng tra hỏi, ghi chép. Nhưng Thất Sơn của ÐNNTC không giống với của dân thường. Có bao nhiêu giả thiết về chỉ danh riêng của Bảy Núi để trở thành Thất Sơn? Các khác biệt về sự xác quyết là tên núi này mới đúng hơn núi nọ trong sự sắp xếp Thất Sơn có phản ảnh được một tâm trạng, một sự kiện văn hóa nào không? Hà Tiên nổi tiếng một thời lại không được dò hỏi kĩ hơn Hội An dù là đặt trong tầm mức so sánh tương đối. Ngoài Hà Tiên Mạc thị sử, ngoài Thực lục, Liệt truyện, các du kí của người Tây phương, sử Xiêm La, còn gì có thể tìm được bên trong các căn nhà ngói thấp đóng cửa bằng chấn song gỗ, bằng các tấm ván cài ngang, còn gì bên bức tường thành cũ đổ nát rêu phong? Hà Tiên hẳn không chỉ liên lạc với biển Ðông bằng vịnh Thái Lan mà còn xuyên qua các sông rạch của bán đảo Cà Mau, theo triển vọng khảo sát đó, có thể xem nó như một Óc Eo của thời cận đại không?

Một sai lầm sử học căn bản nảy sinh từ quan niệm cho rằng lịch sử phải là cái gì dính dấp với một thời rất xưa. Và vì vậy chỉ riệng về mặt văn bản, người ta cố đi tìm các tài liệu chữ Hán, chữ Nôm. Danh tiếng "xưa" của chúng lại được yểm trợ không phải vì độ dài thời gian mà vì sự cách biệt với quá khứ từ khi chữ quốc ngữ ngự tri. Và ở đây nổi lên vấn đề phải xét lại những lời tán dương thứ chữ la tinh hóa về mặt ghi âm này đã giúp cho VN đi sâu vào khuôn khổ thế giới hóa, như một phương tiện tiếp cận sát với văn minh Tây phương hơn các nước Ðông Á, Ðông Nam Á khác. (Chúng tôi đã nghe lời tán dương này lần đầu tiên từ Giáo sư Marie Dufeil ở Ðại học Văn khoa Sài Gòn niên khóa 1958-59, ông giáo sư chắc không ngờ rằng chỉ một câu vỏn vẹn đã mở lối cho chúng tôi đi vào con đường nghiên cứu. Phải nhắc lại ở đây để nói lên được một lời cảm ơn đối với người thầy không biết còn hay mất). Thực tế cuối thế kỉ này đã chứng thực khác đi. Thái Lan viết chữ ngòng ngoèo, Ðại Hàn đóng khung hình vuông cho âm vận của mình vẫn bỏ xa Việt Nam đừng nói đến Trung Hoa, Nhật Bản. Bỏ chữ Hán - theo đó là chữ Nôm - đã làm cho người Việt gần như đoạn tuyệt với quá khứ đến nỗi trên tấm bảng giới thiệu đi vào cụm lăng họ Mạc Hà Tiên người ta đã viết sai cả chữ Hán (con cháu dân Trung Hoa lưu vong đấy!) và tâm lí đi tìm đồ xưa dẫn đến sự coi thường tài liệu chữ quốc ngữ.

Bây giờ nếu có sinh viên nào ví dụ muốn làm chuyên khảo về một làng ở Nam Kì hồi đầu thế kỉ này chẳng hạn, anh ta sẽ tìm nơi đâu? Ðã có một Văn khố Sài Gòn nhưng đó là chuyện "lớn lao", vậy mà cũng mất lần. Báo chí Nam Kì dồi dào là thế, vậy mà trước năm 1975, ví dụ như Lục Tỉnh tân văn chỉ còn được các số khoảng 1924, 25 gì đó. Biến cố 1975 làm tan rã thêm các thư viện gia đình như thư viện nhà họ Trần mà Phạm Quỳnh đã đến thăm và khen ngợi. Giấy tờ lưu giữ trong nhà chạy ra ngoài theo nhu cầu gói hàng, "tái sinh", một phần vì nghèo đói, phần lớn vì sợ hãi như lệnh của Phường bắt nộp sách cũ làm chúng tôi mất một số sách học thời thi chữ nho, sợ hãi như có người ở Hóc Môn đã than rằng không dám giữ một toa thuốc tây. Tuy nhiên trước 1975, khi làm luận án, một người bạn trẻ Cai Lậy đã giúp tìm được một mớ tài liệu của làng X. ở Mĩ Tho, nơi ông nội bạn ấy làm Hương Cả và lưu giữ trong một vò đất gửi đâu đó trong một làng mất an ninh.

Và có lẽ cũng nên nói ngoài đề đến một vùng trống trong quyển sử VN: vùng Tây nguyên. Ở đây không phải là vấn đề tìm tài liệu mà là sự công chính cần phải có trong một quốc gia đa dân tộc. VNDCCH đã chú tâm đào tạo được một lớp người nghiên cứu các dân tộc Miền Bắc, và sau 1975 theo đà đó đã có đủ cán bộ khảo sát các dân tộc ở Tây Nguyên với các công trình in ấn đầy đủ, khá dày. Nhưng nếu mục đích tìm hiểu các dân tộc ít người là để chính quyền có cơ sở điều hành đất nước một cách công bằng, tôn trọng các thành phần yếu kém thì rõ ràng điều ấy đã không đạt được. Chưa kể là người ta đã không quan tâm đến những điều đã được khảo sát, trình bày khiến các quyển sách kia trở thành một thứ trò chơi kiến thức, một phương tiện để có mảnh bằng. Người ta vẫn cứ dồn dân định canh định cư, tạo ra một thứ nghèo khó cùng cực mới mà không có gì bù đắp được sự thoải mái trong khung trời to rộng xưa. (Vậy mà cứ bắt các ông văn sĩ đi thực tế để viết bài ca tụng khiến ông Vũ Hạnh nay không thấy ra "mùa xuân trên đỉnh non cao" nên đành cắn bút ngậm miệng). Quan điểm dân tộc lớn (không riêng gì ở người cộng sản) khiến hơn một triệu người ở đấy không có chỗ đứng nào trong quyển lịch sử VN ngày nay cả trong lúc các dân tộc thiểu số ở Miền Bắc ít ra cũng được nhắc tới vai trò phù trợ, chia xẻ quyền hành trong tranh chấp với các chính quyền Thăng Long. Ấy vậy mà các ông Pơ Tao của Hỏa Xá, Thủy Xá đã được nhắc trong sử sách của họ Nguyễn, nhà Nguyễn và tài liệu du kí của người Pháp ví dụ như của Le Maitre đã cho thấy những cộng đồng có thật nhiều biến chuyển hồi cuối thế kỉ trước, đầu thế kỉ này.

Quá khứ xa, quá khứ gần khiến ta hiểu được cái này mà không thể không liên tưởng, không hiểu cái kia. Ðọc một tờ báo xuất hiện tại Hà Nội phê bình về một làng (một hợp tác xã) chận dân làng khác không cho cày cấy khu ruộng rủi ro nằm sâu vào trong khu vực của mình khiến ta nhớ tới các lệnh của thế kỉ XV cấm làng xã không được ngăn chận dân xã khác đến làm ruộng trong khu vực của tập hợp ngăn chận. Vào thời kì "sáng tạo" ra chính sách huyện tỉnh tự trị ngân sách, phát triển gì đó, người ta ghép các tỉnh cũ thành một tỉnh lớn không kể đến thực tế quá khứ, khả năng hiện tại khiến phát sinh ra những tập họp khu vực què quặt, ủng oẳng nhau đến mức độ thù hận nhỏ mọn không tưởng tượng nổi. Ví dụ tỉnh Nghĩa Bình dài xòng xọc khiến người dân gần Quảng Nam chẳng hạn nếu cần kêu van gì với ông trời nhỏ ở tỉnh lị Quy Nhơn thì phải cơm đùm cơm vắt đi trên 200 cây số, còn Quy Nhơn vốn của Bình Ðịnh cũ lại chịu đựng các ông trưởng đủ ngành gốc dân Quảng Ngãi ít nhiều gì cũng như người ở đất địch, hung hăng mà không an tâm. Thế là chia tỉnh. Giống như anh em chia phần điền sản cha mẹ, chia từng cái bàn cái ghế, gấu ó, đánh nhau, thưa kiện lên quan. Ðây không phải là chuyện dụ ngôn. Phú Yên và Khánh Hoà giành nhau Vũng Rô đến mang vũ khí ra suýt đánh nhau thật sự rồi khi Quốc hội xử Vũng Rô về Phú Yên thì Khánh Hòa đã dỡ mất cái cầu tàu! Rồi các tỉnh Miền Bắc họp nhau trong hơn 30 năm cũng theo đà mà tan rã, chia lại. Không thấy tiết lộ chuyện thụi nhau nhưng chắc cũng theo truyền thống "bằng mặt chẳng bằng lòng".

Từ đó ta có một hướng suy nghĩ mới về người CSVN: một chủ thuyết ngoại lai đem về áp dụng trong nước với thật nhiều nhiệt tình, phần nào là của tổ quốc lớn XHCN, phần nào là của người anh em lớn Thiên triều thời "Ðông phương hồng", phần nào là phản ứng của người trong nước, của từng thành phần địa phương trong nước mang nặng tính chất thuần phục, cam chịu hay ương bướng xỉa xói, luồn lách qua thời? Stalin bỏ tù Hồng quân cựu tù binh Ðức, Lê Ðức Thọ hành hạ những đồng chí trung kiên với Ðảng nhưng rủi ro là cựu tù VNCH, các điều ấy giống nhau, khác nhau chỗ nào? Có người so sánh chuyện chơi gái cò con của Hồ Chí Minh thật tội nghiệp so với Mao Trạch Ðông ngang nhiên tuyển lựa cung tần. Và chuyện Lê Ðức Thọ bắt tù binh VNCH làm giả nhà cửa cục R có phần nào giống với chuyện các đảng phái chống cộng làm giả hiện trường lừa Ủy Hội Quốc Tế năm 1956? Ðất nước đâu có giản dị như những lời tung hô thần thánh hay chống đối ngược ngạo? Có như vậy mới có chuyện sau 75 du kích về lùng diệt bằn bỏ nghĩa quân rồi sau đó dân ngụy vào làm hội đồng xã, chỉ cần đổi ngôn từ là tha hồ ăn trên ngồi trước.

Bạn trẻ lưu vong - hay con nhà lưu vong - sẽ thắc mắc: "Nói làm gì điều ấy với chúng tôi?" Trong thực tế cơm áo ở xứ người, khó có ai chú ý ngay đến các vấn đề xã hội, nhân văn. Ngay trong nước người ta cũng đã than vãn về tình trạng già cỗi, buông bỏ trong giới nghiên cứu xã hội nhân văn trước đà làm ăn đổi mới huống hồ gì người ở nước ngoài. Danh vị kĩ sư, bác sĩ của lớp người trước vẫn còn đeo đẳng họ khi lưu vong. Ðến một xứ kĩ nghệ hóa cao độ hẳn nhiên mảnh bằng kĩ sư, technician được người ta đổ xô chọn lựa tới nỗi lớp Việt kiều tiên phong về nước cứ khoác cho mình danh hiệu kĩ sư dù là kĩ sư ăn oen-phe! Ngoài lí do khó tìm job ra, các ngành xã hội, nhân văn lại đòi hỏi môt sự uyên áo, khúc mắc của ngôn ngữ xứ tạm dung mà những người của thế hệ thứ nhất mới bước chân đến khó bề thâu thái nổi - trừ phi đã được du học một lần ở nơi này rồi chẳng hạn. Thế hệ thứ 2 "nhận nơi này làm quê hương" tương đối thoải mái hơn nhưng càng chịu sự thúc bách của sự hòa nhập mà bỏ ngoài tai những lời kêu gào gần như thống thiết của cha anh.

Người ta nghĩ đến các thế hệ sau nữa sẽ có những người lại quay đầu về đất cũ, lần này không phải vì có hiếu với cha ông mà vì mặc cảm vẫn thấy mình mũi tẹt da vàng trên đất da trắng da đen. Cuộc thí nghiệm lá rụng về cội như của một nhóm người Nhật đã thất bại, nhưng ý tưởng hồi đầu đó hẳn do bởi lí do quan trọng: nước Nhật trong hiện tại đủ cho đám con cháu xa đời hãnh diện. Chẳng thấy đám con cháu nô lệ da đen nào có ý tưởng về tận rừng già Phi Châu để không đeo cà vạt mà đóng khố, bỏ điện thoại cầm tay để gõ trống thông tin cho nhau. Họ chỉ tìm bản tính da đen theo một vẽ vời cao vọng nào đó để làm người da đen sống tranh giành tước đoạt trên nước Mĩ da trắng mà thôi!
Cho nên một ước vọng cho đám con cháu VN xa đời trên đất Mĩ tìm về cố quốc của cha ông phải đặt trên căn bản tự phụ vì một nước Việt hiện đại, văn minh. Ðiều đó thì còn phải hỏi lại những người trong nước, những người nắm vận mệnh dân tộc ở đó. Huyênh hoang mãi về con Rồng cháu Tiên, về 4000 năm văn hiến mà bước ra nước ngoài chê hàng không (nội địa) Mĩ dọn ăn không ngon, còn thắc mắc làm sao người ta đọc hết mấy chục tờ báo, mỗi tờ 2, 300 trang thì chỉ là một loại sứ bộ Phan Thanh Giản ở cuối thế kỉ XX mà thôi. Ðã thiếu sự nhũn nhặn, khiêm cung của người xưa, lại chỉ tự phụ với nhau thì hẳn không gây một hứng khởi nào cho đám con cháu tìm về cố quốc cả. Một số ít người nay về làm đại diện hãng xưởng ngoại quốc, cơ quan quốc tế, cả đến mở cơ sở làm ăn riêng, cảm thấy thoải mái chính vì nhờ cái hơi hướng ngoại quốc còn mang trong mình để hưởng tiện nghi, có sự nể trọng của quyền chức trong nước khác với sự khinh miệt, hận thù đối với họ (hay cha anh họ) lúc ra đi.

Thôi hãy trở lại với nước tạm dung của lớp di tản thế hệ đầu. Nước Mĩ vẫn còn là nước nhận di dân. Ngoài một nếp sống ổn định, một khuôn khổ luật pháp rộng rãi mà chắt chẽ để đẩy đưa kềm thúc người mới tới, người ta còn uyển chuyển đi tìm hiểu đám di dân trong quá khứ của họ, tìm hiểu tiến trình sinh sống hòa nhập trên đất mới như thế nào để dễ bề thu hút, đối phó. Chúng ta đã thấy các nhà nghiên cứu như thế đối với di dân Việt do các chính phủ, hội đoàn bỏ tiền ra làm, trong đó thoáng thấy có những người Việt phụ tá. Nhưng từ những người Việt này hình như hiếm có người tự mình đảm đương việc tìm hiểu đồng bào mình trên đất lạ - không phải như kết quả của một đơn đặt hàng ở đó cộng đồng được coi như một tập thể nhỏ nhằm phục vụ cho tổng thể lớn là đất nước dung chứa nó. Hãy tìm hiểu cộng đồng như tự thân nó - tất nhiên không tránh khỏi phải nói đến những ảnh hưởng chung quanh khuyến dụ hoặc lôi cuốn dồn ép nó.

Một buổi xế trưa trời nắng gắt, chúng tôi thấy một phụ nữ Việt đi trên đường Brookhurst giữa cây cỏ nước Mĩ, khung trời Mĩ rộng thênh thang năm sáu lằn xe chạy vun vút, nhưng dáng đi ấy, bộ đồ bà ba vải hoa ấy vẫn như có một cái gì đương cự với xung quanh, có phần độc lập của nó. Cộng đồng Việt cũng có thể được nhìn xét như vậy, ít ra là ở một thời điểm, trong một khoảng thời gian ngắn hạn. (Ðối tượng khảo sát nào lại không phải được đóng khung trước?) Những người thu nhận kiến thức ở các trường Ðại học Mĩ , đi theo phụ tá hoặc được các nhà nghiên cứu mướn làm việc cho họ, hẳn đã biết mình phải làm thế nào rồi. Vấn đề là thực hiện nghiên cứu cho riêng mình.

Tìm hiểu cộng đồng hẳn có thể bằng được vào nhiều chứng cứ. Nhưng chứng cứ đưa đến tận tay, dí vào tận mắt, chọc vào lỗ tai là báo chí, truyền thanh truyền hình lềnh khênh do bởi người Việt đi ra khỏi nước vào lúc các kĩ thuật này phát triển cao độ, phổ thông hóa hết mực. Quả thực với múc độ sinh hoạt thấp kém, ở VN không có báo biếu không. Ở Mĩ một người cũng có thể làm một tờ báo, không phải như các tòa soạn vĩ đại của Sài gòn giải phóng ở Thành phố Hồ chí Minh. Báo chợ như một sinh hoạt gắn liền với đất mới mà không xa cộng đồng. Cộng đồng Oaklahoma nghe nói có đến 30,000 (?) người nhưng chỉ có một tờ báo chợ trên mươi trang giấy đen điu, chữ nhoè, sắp xếp thô kệch chỉ vì phần rất lớn là dân làm mướn, công chức, khó ăn oen-phe, tuy ở thủ đô tiểu bang cũng có một khoảnh đất dựng bảng Little Saigon, cũng cố vận động đổi tên con đường Military chạy ngang trước đó thành đường SàiGòn. Nhưng chỉ đi về phía nam, đến Dallas của Texas là thấy báo giấy trắng, nhãn hiệu quảng cáo phồn tạp hơn. Nói gì đến báo Quận Cam. Tất nhiên tôi không đủ khả năng để nhìn xét được mọi vấn đề, lôi ra những khía cạnh nảy sinh từ sinh hoạt này, kể cả khía cạnh luật pháp đôi co nếu có ai đặt vấn đề tìm hiểu để thỏa mãn trí tò mò. Cộng đồng nhỏ thường được chính phủ nước dung chứa bỏ lơ ở nhiều khía cạnh nên công cuộc điều tra xã hội này hẳn là khó khăn gấp bội. Rồi ngoài báo chợ lại còn báo nửa bán nửa cho, báo bán như một sinh hoạt thường kì. Và còn truyền thanh, truyền hình...

Báo chợ sống được là nhờ quảng cáo. Những vấn đề nào nảy sinh từ đây? Có làm được một bản chiết tính thu nhập cho một số báo của một tờ báo tiêu biểu không? Có thể nào so sánh với các báo chợ (nếu có) của cộng đồng thiểu số khác không? Hẳn nhiên là với cộng đồng Ðại Hàn chẳng hạn, chắc ta có thể thấy quảng cáo cho Huyndai (Hiện Ðại), Sam Sung (Ðại Phong)... nhưng trên báo của ta thì rõ ràng quảng cáo dịch vụ, chợ, quán ăn... là nhiều nhất - tóm lại mức độ cò con của cộng đồng thật rõ rệt. Tờ Việt báo kinh tế với tên đó cũng chỉ có dáng "kinh tế" mà thôi.

Báo chợ có phần lấy ở báo chí Mĩ, Hong Kong, có cả từ các tạp chí văn học Việt hải ngoại hay truyện dài cũ loại Chú Tư Cầu. Người viết này đã có lần thấy bài Tiền cổ của mình với các hình in nhòe nhoẹt, loại bài viết đáng lẽ ở các nước người ta cho vào các tạp chí chuyên ngành để chui vào bảo tàng thư viện mà thôi. Nhắc chuyện in lại này không phải là để đòi nhuận bút vì chính khi đăng ở Văn học tác giả cũng chỉ vào nhà một ông chủ lục tủ lạnh tìm cái gì ăn uống vì tình quen biết hơn là vì muốn xiết nợ. Nhắc chuyện "in lại" chỉ vì muốn nêu lên câu hỏi: "Tâm tính nào ở đây đã bắt nguồn từ bên nhà và phát triển to lớn hơn?" (Ở bên nhà, dù sao người ta cũng bắt đầu có kỷ cương rồi đấy!) Ðến Quận Cam, người ta ngạc nhiên không phải chỉ vì thấy chợ có bán ba-khía mà còn vì nghe quảng cáo các lớp dạy-kèm Huỳnh Ngọc Tiếu, Trần Văn Ân của SàiGòn cũ.

Trên mức độ báo chợ có các tạp chí văn học. Ở đây không chỉ bàn đến sự trồi sụt chuyển biến của dòng văn học hải ngoại - các người liên hệ đã phân tích mổ xẻ quá nhiều rồi. Ở đây ta nhìn nó trong mức độ liên hệ đến cộng đồng theo những khía cạnh "tầm thường" hơn. Tất nhiên cũng nhờ phương tiện kĩ thuật, sách hải ngoại trông đẹp và sang hơn sách in trong nước. Ấn bản so với số độc giả cư dân cũng nhiều hơn. (Ví dụ 1000 bản của 2 triệu người lưu vong so với 1000 bản của gần 80 triệu dân trong nước). Giá cả so với sách Mĩ đắt hơn, nhưng vẫn không bằng giá sách nội địa so với thu nhập của người trong nước. Ông Sơn Nam trong một cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi trẻ có than phiền rằng bây giờ ông không thể mua sách nổi trong khi trước 75, hàng tháng ông có thể mua được một hai quyển Livre de poche hay loại nghiên cứu cỡ mỏng Que sais-je? Một nhà phát hành, xuất bản như Văn Nghệ có đủ dữ kiện để làm một tổng kết về tình hình in ấn, tiêu thụ những sách qua tay mình không?

Vào đầu những năm 60, chúng tôi biết có người in thơ mình bằng tiền của bà mẹ già (Miền Trung) góp nhóp từ từng nhúm rau răm, rau húng trên mảnh vườn còi cọc của mình. Ở hải ngoại, tiền oen-phe, tiền con cháu góp nhóp, lương assembler so ra dễ biến thành sách hơn để nhà văn nhà thơ mới kí tặng bà con, thân hữu. Số lượng sách loại này do đó cũng nhiều hơn trong nước nhưng lại cùng một đòi hỏi hiện diện tuy có phức tạp hơn. Những buổi lễ ra mắt sách có tác dụng như thế nào về mặt tài chính ngoài lí do giới thiệu tác giả hơn là sách? Cái tâm lí "thân hữu" trong những cuộc hội họp theo loại này có khác với tâm lí cùng giới ở bên nhà không? Có phần nào xa hơn, sâu kín hơn từ những buổi chè chén chốn đình trung không? Một số đám cưới ở hải ngoại nhờ tiền bạc tạm gọi là dồi dào đã trở về với "truyền thống" bằng cách bắt chước phim ảnh Hong Kong, Ðài Loan có một ý nghĩa lệch lạc đáng quan tâm ngoài sự dè bĩu, chê bai hay ghen ghét. Các bản nhạc tưởng phải chết đi nếu không có biến cố 30-4, những bản nhạc được đào mồ sống dậy tiếp nhau đổi ca sĩ , lồng hình ảnh mới xuất hiện trong hơn 20 năm qua có tác dụng níu kéo nào cho sự bình an trong tâm thần người lưu vong không? Nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc tương tự có thể dắt dẫn ta qua nhiều lãnh vực khác.
Ví dụ hiện tượng Thanh Hải Vô Thượng Sư. Ai có phương tiện, có khả năng thì có thể không chỉ đặt dấu hỏi mà còn tìm hiểu thế lực ngoài VN nào đã đẩy người đàn bà này lên tầm mức danh vọng vượt ngoài khả năng của một cộng đồng nhỏ - y như vai trò của một ông bầu đào kép, võ sĩ, của một tập đoàn quân sư làm ra một tổng thống. Nhưng dù là gì đi nữa thì vấn đề vẫn phải có một ca sĩ đặc biệt, một võ sĩ vượt quá nhiều trên sức lực trói gà, một chuẩn tổng thống đủ khả năng đối đáp một mình không thể để quần chúng khán giả thấy có người bên cánh gà nhắc tuồng. Cộng đồng TH thật to lớn, ở đất Mĩ thật lâu đời sao tập đoàn Ðài Loan, Hồng Kông không tìm ra được một Vô Thượng Sư mày liễu hài sen, nhảy lambada? Vậy trước tiên, hiện tượng THVTS phải là một hiện tượng VN - VN di tản. Nghĩa là đủ để ta xét đoán với tính cách độc lập của nó. Nghe nói bà ta cũng là dân Bình Ðịnh đấy - hay ít ra cũng từng học ở Quy Nhơn theo lời một người cháu chúng tôi.

Nhưng với một tập hợp tôn giáo, giáo phái, quần chúng thì không phải chỉ nhìn vào giáo chủ mà phải chú ý đến cả tín đồ, đảng viên. Nếu trên báo chí có những trang quảng cáo dưới hình thức có trả tiền công khai hay dưới hình thức bài viết khen tặng (trả tiền kín đáo) thì cũng có những bài viết, trang quảng cáo "phản diện" cho ta biết được có người mê Thanh Hải Vô Thượng Sư đến mức tán gia bại sản, bỏ bê gia đình trong đó có những nhân vật của tôn giáo khác chuyển hướng hay lệch hướng. Ðó là những tín đồ thật dù còn đang mải mê tin tưởng hay chỉ một thời, chê trách hay hoan hô là chuyện của người khác. Các tôn giáo, giáo phái khởi đầu (và cả trong tiến trình phát triển) cũng không tránh khỏi những dè bĩu, chê bai, sai phạm (Jésus mà còn có Juda!) Bám víu vào một nhân vật lí tưởng hợp với tâm hồn mình trên đất mới mà không phải băn khoăn đánh mất cái cũ, bỡ ngỡ bàng hoàng với cái mới, điều đó tạo nên một thế quân bình có thể là tạm thời nhưng đủ để các "tín đồ" đó say mê, bị lôi cuốn theo Vô Thượng Sư. Tất nhiên đi sâu vào chi tiết lại là chuyện phải bỏ công hơn.

Các giáo phái, hội đoàn tôn giáo VN cũng đã tập họp trên đất mới nhưng sự thích ứng - vấn đề đặt ra cũng như đối với các tập họp xã hội khác - lại tùy thuộc vào mức độ cách biệt giữa nơi đến và chốn đi. Tín đồ công giáo gần như không có vấn đề xáo trộn tín lí và hành đạo vì ngay trong nước họ đã được huấn luyện theo một dòng tín ngưỡng quốc tế với một số nghi thức mà một khi bỏ nước họ vẫn còn thấy quen thuộc. Một chừng mực nào đó các dòng Phật giáo chính thống tuy gặp khó khăn hơn Công giáo, họ vẫn tiếp tục xây, mua chùa, giảng đạo. Cái khó khăn vô vàn nằm ở các giáo phái mới nổi ở VN: Phật giáo Hoà Hảo và Cao Ðài. Không cần bàn sâu, sự tuyệt diệt đối với thế hệ sau, tính chất lay lắt ở thế hệ này đã thấy rõ. Tính chất bám sâu vào địa phương, khu vực nhỏ vốn là ý nghĩa, nguyên nhân xuất hiện của các giáo phái này ở Nam Kì nay trở thành một cản trở gần như không thể vượt qua ở một thế giới to rộng với những sinh hoạt tân kì gây mặc cảm tự ti, tê liệt. cũng có thể thay đổi, nhưng phải là với một hình ảnh mới: Thanh Hải (và tập đoàn quân sư của bà).

Cũng là một cách trở lại bước đầu của các giáo phái trước kia. Ðạo Phật của lưu dân Việt Nam trong nước không thể có chùa chiền bề thế, kinh kệ uyên áo nên giới cư sĩ lấn át tăng sĩ, nên mới có vô số các ông đạo vụt hiện vụt tắt lang thang truyền giảng "đạo pháp" theo cách hiểu của mình thâu nhận từ tin tưởng của quần chúng chung quanh và mớ giáo lí đơn giản của các ý thức hệ chính thống xưa cũ. Các giáo chủ, những người truyền pháp ấy chỉ làm việc trong vô thức là hệ thống hóa, nối kết các dữ kiện tôn giáo tiềm tàng của quần chúng để quần chúng thấy mình có trong ấy mà ồ ạt đi theo. Bây giờ qua đất mới, sự nhũn nhặn riêng biệt co vào nội tâm làm sao hấp dẫn được bằng các hình ảnh nhảy múa trên ti vi, làm sao vụt chạy bay theo xe cộ, phi cơ không phải như một sinh hoạt đặc biệt mà là hàng ngày, liên tục? Cho nên mới có một phụ nữ y phục diêm dúa , mặc áo đầm, khiêu vũ, họp báo, thâu băng CD phổ biến thơ nhạc để cho tín đồ ngưỡng vọng trong lúc niệm "Nam mô Thanh Hải Vô Thượng Sư". Người đó nói đến "đạo tràng", "minh sư"... là các từ đột phá của những ông đạo xưa kia, rồi cũng như xưa kia, cũng khai thác ngôn từ Phật giáo chính thống theo một cách quy tụ về mình: Thanh Hải thay thế các vị Phật Di Ðà, Thích Ca, Di Lặc và quan trọng nhất: Quan Thế Âm Bồ Tát, nghĩa là một chừng mực nào đó cũng như Ðức Cao Ðài đẩy Thích Ca, Jésus vào hàng thứ yếu! Và thế là một khoảng trống tâm tư được lấp đầy của những người bớt mặc cảm với cái mới, đi theo hình thức mới mà không thấy tự phản bội vì còn cả một tâm tình cũ níu kéo, bộc lộ. Sự trộn lẫn ấy cũng thấy rõ khi đạo Thanh Hải truyền về trong nước: Những tín đồ mới ở đây nghe theo một âm vang của người nước ngoài mà như gần cận mình, từ một Thất Sơn xa hơn, rồi có người lại thấy "sốc" với các hình ảnh sinh hoạt của giáo chủ mới.

Ghép Thanh Hải Vô Thượng Sư gốc Miền Trung với các ông đạo Nam Kì có cưỡng ép không? Không. Từ thập niên20, đã có một người truyền pháp đạo Phật đường gốc Bình Ðịnh. Trước Thế chiến II, trên núi Kì sơn ở Tuy Phước (Bình Ðịnh) đã có một người tự thiêu kiểu siêu thoát tiểu thừa theo cách hiểu của người ấy. Hẳn rằng Thanh Hải Vô Thượng Sư xuất thân từ một địa phương bên lề của trung tâm các giáo phái Nam Kì, một khi gặp gỡ hoàn cảnh khác vừa dễ dàng thay đổi mà cũng vừa còn đủ bản chất cũ để lôi cuốn những người Việt lưu vong trước khi bỏ chạy đã là tín đồ hay là những người tin tưởng nơi các ông đạo xưa.

Ðến đây có bạn trẻ sẽ vụt hỏi: "Ủa, sao ông sử gia lại nhảy qua lãnh vực điều tra xã hội?" Không phải lấn sân đâu, chúng tôi tự biết giới hạn khả năng của mình. Chuyện quá khứ là ở trên mảnh đất chữ S mà chúng ta ít người với tới được. Còn chuyện hiện tại là ở ngay trước mắt, một đối tượng gần để tìm hiểu tránh cho cuộc đời khỏi trở nên một chuỗi dài đuổi bắt ảo ảnh, thất vọng than van. Vả lại hiện tại cũng là quá khứ gần, nghĩa là chuyện lịch sử nếu có thêm một chút thời gian để nhìn ngắm, tò mò và thắc mắc. Hình như ở Brazil hiện nay có một cộng đồng của đám người bại trận trong nội chiến 1861-1865 của Mĩ. Họ đã không nói tiếng Anh nữa nhưng còn bám víu một số truyền thống của phe Liên Hiệp cũ, phân biệt rõ với các cộng đồng đa số, thiểu số chung quanh. Qua thế kỉ tới, sau nữa, có gì để ta tìm hiểu cộng đồng lưu vong Việt sau 1975?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét