khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Chú Bẩy - Tác giả Nguyễn Tường Thiết



Quẳng chiếc xe đạp lên một toa chở hàng của chuyến tàu đêm chàng thanh niên họ Lý phóng mình lên toa trước khi con tàu hụ còi rời bánh chạy về hướng biên giới.

Đó là khung cảnh nhà ga Hàng Cỏ Hà Nội vào buổi chiều một ngày tháng năm năm 1978, khung cảnh tuyền một màu xám, nhà ga trông ảm đạm và hoang tàn với những toa tàu cũ han rỉ nằm ngổn ngang trên các tuyến đường sắt.

Chàng thanh niên nom còn trẻ lắm. Anh ta mới 25 tuổi đáp chuyến tàu đi Lào Kay để rồi từ đó sẽ vượt biên giới sang Trung Quốc.

Lúc ấy anh không thể ngờ rằng chuyến đi đầu tiên của đời mình mở màn cho một cuộc hành trình dài nửa vòng trái đất mà nơi đến sau cùng là miền nắng ấm của quận Cam thuộc tiểu bang California đất Hoa Kỳ.

Trên toa chở hàng kín bưng và tối, khi quen mắt, anh lờ mờ thấy ngoài anh ra còn có một số hành khách đi tàu lậu như anh. Cũng như anh họ phần lớn là các thanh niên độc thân. Tất cả đều im lặng. Cả anh lẫn họ đều là người Việt gốc Hoa đang tìm đường về cố hương, một quê hương mà họ chỉ nghe nói tới chưa bao giờ từng đặt chân đến trong đời. 

Cuộc phiêu lưu của anh thật ra không phải do anh tự chọn mà do thời cuộc đưa đẩy. Anh phải đi để trốn bầu không khí ngột ngạt đang đè nặng lên tất cả những người Hoa kiều ở Hà Nội. Vào thời điểm anh ra đi thì cuộc chiến tranh biên giới Hoa-Việt chưa bùng nổ, nó chỉ xẩy ra 9 tháng sau khi anh rời nước, vào tháng 2 năm 1979, nhưng sự thù nghịch giữa hai quốc gia đã lên tới cao điểm và có nhiều áp lực của nhà cầm quyền muốn tống khứ tất cả những Hoa kiều sinh sống ở Việt Nam về Trung Quốc.

Anh sinh ở Hà Nội năm 1953 trong một gia đình khá gỉa. Bố của anh ta là một bác sĩ vào Nam lập nghiệp rất sớm, trong khi mẹ anh vẫn ở Hà Nội. Năm 1954 khi đất nước chia đôi, mẹ anh vào Sài Gòn để anh ở lại Hà Nội cho ông ngoại trông nom nuôi dưỡng. Lúc ấy anh chưa đầy một tuổi.

Chàng thanh niên họ Lý lớn lên và trưởng thành ở đất Bắc. Đất nước chia đôi khiến anh bặt tin bố mẹ. Mãi sau này do nhiều nguồn khác nhau anh dần dà được tin ở trong Nam bố mẹ anh đã ly dị nhau. Anh nghe nói bố anh là một bác sĩ chuyên bệnh phổi khá nổi tiếng ở Sài Gòn, còn mẹ anh đi làm sở Mỹ và lấy một người Mỹ làm chung sở. Khoảng cuối thập niên 1960 mẹ anh theo người chồng mới về Mỹ và định cư ở thủ đô Washington, D.C. Họ có với nhau ba người con gái. Còn bố anh trong biến cố tháng Tư 1975 di tản qua Pháp. Năm 1979 ông sang Mỹ định cư ở California và mất tại đó năm 2003. Những năm cuối đời ông sống với một người đàn bà rất trẻ như vợ chồng nhưng hai nguời không có con với nhau.

Khi chuyến tàu ngừng ở Lào Kay, anh và một số người khác đến biên giới, vượt qua một cây cầu sắt sang đất Trung Hoa. Hồi đó làn sóng tị nạn của người Hoa kiều đang dâng cao, anh không gặp khó khăn gì về giấy tờ khi đi qua biên giới. Bên kia cầu là một tỉnh nhỏ có tên Hà Khẩu, anh tá túc ở đó ba tháng trước khi lên đường đi Côn Minh.

Nhưng anh không ở Côn Minh lâu mà tìm đường về thành phố Quảng Châu. Có hai lý do khiến anh chọn Quảng Châu: một là nơi đó ấm áp không lạnh lẽo như Côn Minh, hai là nơi đó tập trung nhiều người Hoa kiều từ Việt Nam sang, lại có trại tị nạn dành cho những người mới qua. Còn một yếu tố khác khiến anh quyết định về Quảng Châu sinh sống: anh quen biết một gia đình người Việt sống rất lâu năm ở một thành phố nhỏ tên là Phật Sơn nằm cách Quảng Châu 20 cây số. Đó là gia đình một bác sĩ họ Nguyễn. Hơn ba mươi năm trước ông ta là một nhà cách mạng mà vì công cuộc chống Pháp phải sống lưu vong bên Tàu rồi bị kẹt lại sau khi Mao Trạch Đông tiến chiếm toàn thể Hoa Lục vào tháng 10 năm 1949. Trong thời gian ở Hà Nội anh thanh niên họ Lý có một người mẹ nuôi họ Hứa, người mẹ nuôi ấy là họ hàng rất gần – con chú con bác – với vợ của vị bác sĩ họ Nguyễn kia.

Do sự liên hệ ấy mà mới năm trước anh thanh niên họ Lý đã có dịp gặp bác sĩ Nguyễn ở Hà Nội. Năm 1977, hai năm sau khi đất nước thông thương hai miền, bác sĩ Nguyễn cùng với người con trai út của ông trở về Việt Nam lần đầu tiên sau 30 năm sống lưu vong ở bên Tàu. Ông ở Hà Nội hai tháng, cư ngụ nhà một người bạn ở phố Hàng Bè. Có một lần ông ta rủ anh thanh niên họ Lý đi dạo thuyền ở Hồ Tây. Và trong cuộc hội ngộ này anh thanh niên  được biết là bố của anh ta, tức bác sĩ Lý cùng học trường thuốc ở Hà Nội với bác sĩ Nguyễn.

Trong lúc đi dạo thuyền ở Hồ Tây cố nhiên anh ta không thể biết được những gì sẽ xẩy ra trong tương lai, anh cũng không thể nào ngờ rằng người ngồi đối diện với mình trên thuyền hai năm sau là bố vợ của mình.

Chính cái quyết định của anh rời Côn Minh về Quảng Châu sinh sống mà anh gặp lại bác sĩ Nguyễn và tá túc ở Phật Sơn hai năm trời. Khi anh đến Quảng Châu thì trại tị nạn dành cho Việt kiều đã quá tải, không nhận thêm người mới, anh đành đến Phật Sơn và được gia đình bác sĩ Nguyễn đón nhận như một người thân trong gia đình, để rồi một mối tình nẩy nở giữa anh và cô gái thứ tư 23 tuổi của bác sĩ Nguyễn, đưa anh trở thành rể của gia đình này.

 Kỳ diệu thay kết quả của mối tình này là hai tấm giấy thông hành sang Mỹ của cặp vợ chồng mới cưới khi người mẹ của chàng thanh niên họ Lý từ thủ đô Washington D.C làm giấy bảo lãnh cho đứa con ruột của mình, đứa con mà bà đã để lại ở Hà Nội hai mươi lăm năm trước khi nó chưa đầy một tuổi đầu. Cuối năm 1980 chàng rể họ Lý được giấy di dân sang Mỹ, rồi độ một tháng sau đến lượt vợ.

Năm năm ở Mỹ cô con gái thứ tư ấy được vào công dân Hoa Kỳ và bảo lãnh cho bố mẹ qua Mỹ. Vợ chồng bác sĩ Nguyễn vào tháng 3 năm 1988 đặt chân lên đất Hoa Kỳ sau 42 năm lưu vong bên Trung Quốc.

Bác sĩ họ Nguyễn chính là chú Bẩy của chúng tôi.

Chú Bẩy của chúng tôi qua đời đã hơn một năm nay ở thành phố Westminster, miền Nam tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Hôm nọ nhân soạn lại một cái tủ sách tôi tình cờ tìm thấy một bức thư của chú nằm kẹp giữa một quyển sách cũ. Tôi nhận ra ngay tuồng chữ thân quen của chú và bồi hồi đọc lại bức thư:

Trung Quốc, Quảng Đông, Phật Sơn ngày 20-8-79

Anh Thiết thân mến,

Gần đây được anh Việt cho địa chỉ của anh ở bên Mỹ và cho biết rằng anh đã định cư ở bên ấy, gia đình có công ăn việc làm và sinh hoạt cũng tạm là đầy đủ. Nay nhân có ông bạn thân là ông Ly Hong Cheong, bác sĩ, trước cũng ở Sài Gòn, vẫn có thư từ luôn luôn với chúng tôi, nên nhờ ông chuyển hộ thư này cho anh vì gửi thẳng có khi thất lạc thư từ. Mong anh nhận được thư này trả lời ngay cho tôi biết để khỏi mong đợi và sẽ viết dài sau.

Chúng tôi ở bên này hơn 30 năm, chắc anh đã rõ. Tuy ở xa nhưng không lúc nào tôi quên các anh chị trong gia đình, nhất là từ năm 1975 trở đi, tôi càng nghĩ nhớ đến những người thân mỗi người mỗi nẻo. Vậy anh cho biết ngay về sinh hoạt của anh ở bên ấy, làm nghề gì, có viết lách gì không? có in sách không? Hai quyển “Xóm Cầu Mới” tôi đã nhận được từ lâu và rất quý. Nếu có sách gì tiếng Việt cũ hay viết ở bên Mỹ, hay viết về V.N bằng tiếng Anh, Pháp cũng được, anh nên gửi cho tôi xem vì tôi ước mong lắm. Và anh cũng cho biết là sách về V.N có thể ra đời ở bên ấy không – thí dụ như là một cuốn về V.N trong thời đại Pháp thuộc và trước ngày 8/45 theo thể thức hồi ức?

Thôi tạm viết đến đây đợi thư sau. Và rất mong thư anh trả lời đồng thời cho biết địa chỉ và tình hình những anh chị khác ở Mỹ như Nguyệt, Giang... hiện tôi không có liên lạc. Chúc toàn gia vui mạnh.

Địa chỉ: The People’s Republic of China

(Địa chỉ ghi bằng chữ Tàu)

Thân mến,

Chú Bẩy

Tôi gấp bức thư lại, lòng bâng khuâng. Ba mươi lăm năm đã trôi qua... kể từ năm 1979 lúc chú viết bức thư này cho đến nay.

Bức thư ký tên Chú Bẩy. Chú luôn luôn xưng tên với chúng tôi như thế, như thể chú muốn nhắc nhở chúng tôi rằng chú là người em út trong gia đình Nguyễn Tường bẩy người.

Thật ra cách gọi theo thứ tự ấy chúng tôi vẫn quen dùng từ ngày còn bé. Tôi gọi bác Thụy, người anh đầu đàn, là bác Cả; bác Cẩm là bác Hai. Các anh chị em họ của tôi gọi cha tôi (Nhất Linh) là chú (hay bác) Ba. Tôi gọi chú Long (Hoàng Đạo) là chú Tư, cô Thế là cô Năm, chú Lân (Thạch Lam) là chú Sáu, và người cuối cùng chú Bách là chú Bẩy.

Trong tất cả các người bác người chú của chúng tôi, chú Bẩy là người xa lạ nhất đối với chúng tôi khi chúng tôi sinh sống ở Việt Nam, lại là người thân cận với chúng tôi nhất khi chúng tôi sống ở nước ngoài.

Suốt một phần tư thế kỷ, từ năm 1988 (9 năm sau khi chú viết cho tôi lá thư nói trên) khi chú Bẩy rời Trung Quốc định cư ở Hoa Kỳ cho đến năm 2013 chú vĩnh viễn ra đi, trong khi thế hệ trước với những tên tuổi Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam chỉ còn là bóng vang trong ký ức chúng tôi, thì chú Bẩy là hiện thân của thế hệ đó bằng xương bằng thịt, nhắc nhở chúng tôi rằng thế hệ đó vẫn tồn tại trên thế gian, rằng ngọn lửa của thế hệ đó vẫn còn đang cháy.

Vào tháng 7 năm ngoái tại Nam California, Hoa Kỳ, báo Diễn Đàn Thế Kỷ có tổ chức cuộc Triển Lãm và Hội Thảo vể báo Phong Hoá & Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013, trùng vào ngày giỗ thứ 50 của nhà văn Nhất Linh, người khai sáng Tự Lực Văn Đoàn. Anh Phạm Phú Minh, trưởng ban tổ chức, từ rất lâu trước đó đã có dự tính sẽ mời Cụ Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, tức chú Bẩy của chúng tôi, làm khách danh dự để cắt băng khai mạc cuộc Triển Lãm và Hội thảo. Anh Minh nói với tôi sự hiện diện của Chú là niềm hãnh diện lớn nhất cho Ban Tổ Chức vì chú là người anh em họ Nguyễn Tường duy nhất còn lại của thời kỳ Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, là người đã làm báo, điều khiển nhà xuất bản Đời Nay và về sau đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị của nhóm. Thế nhưng chẳng may trước ngày khai mạc hai tháng chú Bẩy qua đời vào ngày 11 tháng 5 năm 2013, thọ 97 tuổi.

Chú Bẩy có tuổi thọ cao nhất so với tất cả các anh chị của chú, gấp 3 lần tuổi thọ 32 của chú Sáu (Thạch Lam), người anh kế cận của chú.

Bức thư của chú Bẩy gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm xưa giữa hai chú cháu.

Trong bức thư chú Bẩy có viết: “Hai quyển Xóm Cầu Mới tôi đã nhận được từ lâu và rất quý”. Hai chữ “từ lâu” có nghĩa là từ sáu năm trước – bây giờ tôi có thể nói rõ như vậy – vì chính tôi là người đã gửi chú hai quyển sách đó vào năm 1973. Năm đó ở Sài Gòn, 10 năm sau khi cha tôi qua đời, tôi tìm được bản thảo cuốn trường giang tiểu thuyết của cha tôi và quyết định xuất bản cuốn truyện, mặc dầu đây là tác phẩm chưa hoàn tất và khi còn sống cha tôi không có ý định xuất bản cuốn truyện này. Ngay khi sách in xong, người đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện tặng cuốn sách này là chú Bẩy. Tôi gửi cuốn sách cho chú qua trung gian anh Việt tôi hồi ấy sinh sống ở Paris, Pháp quốc. Tôi biết là chú “rất quý” hai quyển sách đó, như chú đã viết trong thư, bởi lẽ bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới được cha tôi viết vào năm 1949 ở bên Trung Hoa, và thời gian đó chú Bẩy cũng lưu lạc ở bên Tàu như cha tôi, hẳn là chính chú đã mục kích cảnh cha tôi ngồi viết tác phẩm này. Năm 1949 cũng là năm cuối cùng chú Bẩy sống với cha tôi ở bên Trung Quốc trong cuộc đời  lưu vong làm cách mạng của hai người. Năm ấy Mao Trạch Đông tiến chiếm toàn thể Hoa Lục buộc cha tôi và chú Bẩy phải xa nhau trong một sự lựa chọn có tính cách lịch sử: cha tôi về nước vì không muốn sống với chế độ Cộng Sản nếu ở lại Trung Hoa, chú Bẩy không muốn về Việt Nam vì không muốn sống dưới sự cai trị của người Pháp nếu về nước.

Đối với những người quốc gia lưu vong hồi ấy sự lựa chọn giữa ở hay về là một sự lựa chọn bi đát, bởi nó buộc họ phải lựa chọn hoặc là sống dưới chế độ Cộng Sản hoặc là sống dưới chế độ Pháp thuộc, trong khi mục tiêu chống Pháp và chống Cộng của họ đều là những mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Sự chia tay giữa cha tôi và chú Bẩy vào năm đó ở Hương Cảng không ngờ lại là sự chia tay vĩnh viễn.

Có nhiều huyền thoại về sự chia tay ấy. Người ta đồn là đã có một cuộc tranh luận xẩy ra giữa cha tôi và chú Bẩy trước quyết định về nước. Cuộc tranh luận được xem là gay gắt, thậm chí được mô tả là “không còn tình anh em nữa”. Chúng tôi cũng nghe tin đồn thím Bẩy là người đã thuyết phục chú ở lại Trung Quốc.

Có một lần thăm chú Bẩy tôi đặt thẳng câu hỏi tại sao chú không theo cha tôi về nước năm 1950 và có phải thím là người đã thuyết phục chú ở lại? Chú không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, chỉ với tay đưa cho tôi xem một tờ báo có đăng bài phỏng vấn chú của luật sư Lâm Lễ Trinh. Cuộc phỏng vấn thực hiện vào ngày 24.9.2005. Trước câu hỏi của luật sư Trinh: “Một dư luận cho rằng chị Bách đã thuyết phục anh ở lại Trung Quốc. Đúng hay không? Lý do nào khiến anh không trở về tranh đấu ở Việt Nam? Sống 40 năm dưới chế độ Tàu Đỏ có phải là một sự phí phạm hay không?”. Chú Bẩy trả lời: “Chuyện ở lại Trung Hoa là quyết định cá nhân tôi, tôi không chấp nhận về nước sống trong khu Pháp kiểm soát. Nhà tôi nhiệt tình san sẻ kiếp lưu vong của chồng. Tôi không nghĩ đã phí phạm cuộc đời ở Trung Hoa. Anh em đồng chí chúng tôi rút kinh nghiệm để nghiên cứu tại chỗ một con đường đấu tranh mới trong thế bí của các phái quốc gia. Tháng 3.1949 chúng tôi thoát ly Quốc Dân Đảng và thành lập nhóm “Cách Mệnh Xã Hội” với chủ trương chống chuyên chính vô sản và tư bản bóc lột; thực hiện một chế độ “xã hội chủ nghĩa” nhưng không độc tài theo lối Bắc Âu. Tờ báo Cách Mệnh Xã Hội ra được vài số rồi ngưng xuất bản”.

Đọc bài phỏng vấn này, do chính lời tiết lộ của chú Bẩy, lần đầu tiên tôi được biết là chú đã từ bỏ Quốc Dân Đảng vào tháng 3 năm 1949.

Năm 1950 cha tôi từ Hương Cảng về nước tuyên bố với báo chí ở Hà Nội là ông không làm chính trị nữa. Trong bản thảo cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới cha tôi có viết lời tặng mẹ tôi như sau: “Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi từ bỏ chính trị trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời. Hương Cảng, trên núi, ngày 16-10-1949”

Tôi tin rằng đằng sau lời khuyên của mẹ tôi, quyết định của cha tôi từ bỏ cuộc đời  chính trị còn đến từ một nguyên nhân khác. Cha tôi – nhà chính khách Nguyễn Tường Tam mang trái tim của người nghệ sĩ Nhất Linh – trái tim ấy đã thực sự tan nát. Hai biến cố dồn dập xẩy đến khiến cha tôi cực kỳ chán nản về con đường chính trị: cái chết của chú Tư Hoàng Đạo (7/1948) và sự ly khai Quốc Dân Đảng của chú Bẩy (3/1949).

Thím Bẩy có lần nói với tôi là thím rất tiếc là để mất một bức ảnh chụp năm 1947 tại Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu, Trung Hoa. Bức ảnh chụp ba anh em nhà Nguyễn Tường. Đó là cha tôi, chú Tư và chú Bẩy, ba chính khách lưu vong đến đây để viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã ném tạc đạn định giết tên toàn quyền Merlin nhưng không thành đã phải nhẩy suống sông Châu Giang tự vẫn, xác được chôn cất trước xế cổng Hoàng Hoa Cương. Ba người cắm nén hương trên mộ và đứng lặng rất lâu lòng bùi ngùi tưởng niệm vị anh hùng dân tộc. Còn hơn tình anh em ruột thịt họ gắn bó nhau trong lý tưởng tranh đấu giành độc lập cho nước nhà; họ sát cánh nhau như những bộ phận trong cùng một cơ thể. Có người ví cha tôi là trái tim, chú Tư là bộ óc và chú Bẩy là cánh tay.
Ví chú Tư là bộ óc vì chú là “lý thuyết gia” của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ví chú Bẩy là cánh tay càng đúng hơn nữa vì chú là người duy nhất trong ba người đã thực sự cầm súng chiến đấu. Trong bài phỏng vấn của LS Lâm Lễ Trinh chú Bẩy, hồi ấy với tư cách Chỉ huy trưởng Đệ Tam chiến khu của Quốc Dân Đảng, đã nói về giai đoạn chiến đấu này như sau: “Tháng 8.1945, Việt Minh cướp chính quyền. Cùng với VN Cách Mệnh Đồng Minh Hội, VN Quốc Dân Đảng xuất hiện đấu tranh công khai. Tôi là Uỷ viên Trung ương, phụ trách tờ Việt Nam để tuyên truyền chống Cộng Sản. Mặt khác tôi tổ chức Quốc gia Thanh niên Đoàn. Tháng 6.1946, Việt Minh tăng cường áp lực. Sau khi cầm cự lối nửa năm, đảng trưởng Vũ Hồng Khanh, tôi và Lê Khang trong bộ chỉ huy, phải rút lên Việt Trì, rồi Yên Báy và Lào Kay. Lực lượng Đệ tam khu lúc đó gồm có lối một nghìn người; hai ba trăm chí nguyện quân từ Trung Hoa về, cộng với một số cựu lính khố xanh của Pháp, võ trang khá thô sơ... Một ngày cuối tháng 7.1946 toán anh em chúng tôi gồm có 8 người vượt qua cầu sắt Lào Kay-Hà Khẩu để sang Trung Hoa. Khi ấy anh Tam đã có mặt ở Côn Minh. Cũng như Nam Ninh và Quảng Châu, Côn Minh là nơi ẩn thân của nhiều nhà đấu tranh Việt Nam. Hội nghị đảng viên bầu một Hải Ngoại Bộ để tiến hành công tác ngoại vận và gây lại các cơ sở địa phương. Thành phần lãnh đạo gồm có anh Nguyễn Tường Tam (chủ nhiệm), Nguyễn Tường Long (ngoại vụ) và Xuân Tùng (kinh tài)”.

Tiết lộ trên cho thấy vào tháng 7 năm 1946 chú Bẩy, 30 tuổi, vượt qua cây cầu sắt nối liền Lào Kay-Hà Khẩu mở đầu cuộc đời lưu vong của chú.

Ba mươi hai năm sau, vào tháng 5 năm 1978 chàng thanh niên họ Lý, 25 tuổi, cũng vượt qua cây cầu này, cây cầu biên giới nối liền Lào Kay-Hà Khẩu mở đầu cuộc đời lưu vong của anh.

Cuộc “vượt biên” sang Trung Quốc của hai người, ở hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, với những lý do khác nhau, nhưng số trời xui khiến họ gặp nhau, để người đi trước trở thành bố vợ của người đi sau, để người đi sau cuốn người đi trước “vượt biên” một lần thứ hai sang bên trời Mỹ. Âu tất cả cũng là định mệnh!

Trong những năm chúng tôi ở miền Nam giữa hai cuộc di cư, từ cuôc di cư Bắc, Nam năm 1954 và cuộc di tản Đông, Tây năm 1975, hình ảnh người chú thử Bẩy hầu như hoàn toàn mờ đi trong ký ức chúng tôi. Thậm chí tôi quên mất là còn có một người chú hiện diện ở trên cõi đời. Thoảng hoặc mẹ tôi hay cô Năm (tức bà Nguyễn thị Thế) trong câu chuyện có nhắc đến tên chú, thì hình ảnh người chú tôi chưa từng gặp ở một nơi xa xôi bên Tàu hiện lên hư ảo như trong một câu chuyện thần thoại.

Cha tôi vốn kín tiếng. Ông không bao giờ nhắc đến chú Bẩy. Và vì vậy chúng tôi không dám hỏi ông về những tin đồn liên quan đến quyết định của chú Bẩy ở lại Trung Quốc.

Vào tháng 7 năm 1963 tin cha tôi tự vẫn loan đi khắp thế giới qua làn sóng Việt ngữ của đài BBC và VOA. Chúng tôi hy vọng rằng qua làn sóng ấy chú Bẩy bắt được tin này. Và quả nhiên là tin đó đã đến tai chú Bẩy. Sau này trong thiên hồi ký “Tưởng nhớ anh Nhất Linh” chú có viết những dòng thắm thiết sau đây: “Mãi tới năm 1963, tôi đột nhiên được tin anh từ bỏ cuộc đời. Âm dương đôi ngả. Vĩnh biệt người anh mà tôi hằng yêu quý. Những đêm khuya vắng, tại nơi quê người, tôi đã hằng khóc – khóc người anh thân yêu, một người đi tiên phong trong làng văn Việt Nam, một nhà văn lỗi lạc, một người lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những lúc khó khăn gian khổ nhất, một người không màng danh lợi, chỉ biết mình có gì để cống hiến cho đất nước, cho đồng bào” (Nhất Linh, người nghệ sĩ người chiến sĩ – trang 66).

Vào khoảng năm 1968 lần đầu tiên chúng tôi nhận được một lá thư của chú Bẩy gửi từ Phật Sơn, Trung Quốc. Lá thư bay nửa vòng trái đất đến tay anh Việt tôi ở Paris, trước khi lá thư được anh tôi chuyển ngược về Sài Gòn đến tay mẹ tôi. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc. Với bức thư ấy người chú xa lạ đột nhiên xuất hiện như thể chú vừa chui ra từ trong một cuốn truyện hoang đường. Với giọng thiết tha chú hỏi thăm mẹ tôi cùng tất cả mọi người trong họ. Chú tiết lộ sơ qua cuộc sống của chú ở bên Tàu, theo đó chúng tôi được biết đời sống của chú thím và các em chúng tôi ở bên ấy không đến nỗi nào. Tôi nhớ một câu trong bức thư ấy chú khoe là “trong nhà lúc nào cũng có đủ trứng để ăn”. Trong thư có kèm một bức ảnh nhỏ, đen trắng, chụp toàn thể gia đình chú.

Bức ảnh chụp năm 1967 ở Phật Sơn, Quảng Đông, gia đình chú đang hoà nhạc trên sân thượng. Đặc biệt là cả sáu người con của chú thím Bẩy, năm cô con gái và một cậu con trai, mỗi người đều chơi một nhạc cụ khác nhau: violon, accordéon, flute, banjo, guitare.

Nội dung bức thư chú viết và bức ảnh chụp cho thấy đời sống của gia đình chú tương đối đầy đủ. Nó tương phản với bối cảnh chung của toàn dân Trung Hoa vào thời điểm ấy. Năm 1968 là năm xẩy ra chiến dịch Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc gây kinh hoàng cho cả triệu người dân Hoa Lục. Sau này đọc hồi ký chú viết về giai đoạn ghê gớm này tôi có cảm tưởng chú viết như một khách bàng quan chứ không phải như một nạn nhân của chế độ.

Chú Bẩy kể với chúng tôi sở dĩ chú có được một cuộc sống tương đối yên ổn trong suốt hơn 40 năm ở Hoa Lục, vì gia đình chú được hưởng quy chế đặc biệt dành cho ngoại kiều; hơn nữa chú lại là bác sĩ, ngay từ tháng 2 năm 1950 chú đã được nhận làm việc tại một bệnh viện cấp tỉnh, với số lương là ba tạ gạo một tháng, gấp đôi số lương giáo viên của thím. Thím Bẩy còn cho biết chú là một bác sĩ tận tâm, tính tình lại giản dị cởi mở, được các đồng sự trong bệnh viện và dân địa phương rất mến mộ. Trong một xã hội toàn trị và khắc nghiệt như xã hội Trung Cộng, sự kiện chú sống khiêm tốn và gây được cảm tình của dân địa phương là một yếu tố không nhỏ giúp gia đình chú có một đời sống dễ thở hơn.
Tháng 3 năm 1988 chú thím Bẩy qua Mỹ. Năm ấy chú Bẩy đã 72 tuổi, hai năm trên  tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng chú vẫn còn đầy tràn sinh lực. Ở cái tuổi ấy đa số chúng tôi đã nghĩ đến chuyện nghỉ hưu toàn diện, nhưng chú thì khác hẳn. Vừa qua Mỹ là chú lập ngay chương trình hoạt động. Hình như là chú muốn bù lại thời gian 40 năm đã mất dưới chế độ Tầu cộng khiến chú không thực hiện được hoài bão của mình. Đất Hoa Kỳ là môi trường lý tưởng để chú hoạt động và sức làm việc trong suốt cuộc đời còn lại của chú làm chúng tôi kinh ngạc.

Trong khi có nhiều người an phận xem đất Mỹ là chặng đường cuối với sự thành đạt của đời mình, thì chú Bẩy xem đất Mỹ là nơi khởi đầu cho cuộc đấu tranh của chú, cuộc đấu tranh mà 40 năm phải sống dưới chế bạo tàn của Trung Quốc chú đã đúc kết bao kinh nghiệm quý báu để phủ nhận và kết án chế độ Cộng Sản dù nấp dưới bất cứ một hình thức nào.

Trong cuốn hồi ký nhan đề “Việt Nam một thế kỷ qua, phần II”, trang 468, chú xác nhận vị thế của mình khi đến Mỹ là vị thế của một người lưu vong. Chú viết: “Có nhiều người coi sự được cư trú tại Hoa Kỳ như một mục đích, một tâm nguyện đã đạt tới. Được sinh sống yên ổn, làm ăn khá, con cái đỗ đạt thành người, và tự mình có chút địa vị xã hội nào đó, là mãn nguyện và tự hào. Song, tôi không thể không ngậm ngùi vì thân phận lưu vong của mình, mà những bọn bạo quân vẫn còn ngoan cố nắm quyền lực, khủng bố nhân dân và tước đoạt mọi quyền tự do tối thiểu của người dân”.

Ngay từ ngày đầu đặt chân lên đất Hoa Kỳ cho đến khi nhắm mắt 26 năm sau, bằng ngòi bút, bằng hành động, chú là người tranh đấu không mệt mỏi cho nhân quyền, cho tự do dân chủ và cho tương lai của một nước Việt Nam tươi sáng.

*

Tôi đọc kỹ một lần thứ hai thư chú Bẩy. Có hai sự kiện trong thư làm tôi chú ý: thứ nhất là thời điểm chú viết bức thư năm 1979 (năm xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới Hoa-Việt), thứ hai là tên người bạn thân của chú, bác sĩ Ly Hong Cheong (Lý Hồng Chương). Hai sự kiện này làm tôi liên tưởng đến lần thăm chú hơn mười năm trước.

Đó là buổi trưa một ngày cuối năm. Tôi đến thăm chú trong khu vực nhà tiền chế ở đường Bolsa thành phố Westminster. Hôm đó thím Bẩy không có nhà, chú nói thím đi khám bác sĩ, và chú một mình tiếp tôi ở phòng khách. Tôi đến thăm chú với chủ đích hỏi chú một vài thắc mắc của tôi về cuộc đời của chú. Tôi đã biên sẵn những câu tôi định hỏi nhưng khi tôi mở lời thì không hiểu sao một câu hỏi bật lên không định trước:

– Chú sống ở bên Tàu hơn 40 năm. Năm 1988 chú và gia đình sang định cư ở hẳn bên Mỹ. Cháu thắc mắc là tại sao chú có thể qua Mỹ định cư được. Luật di trú của Mỹ không dễ dàng, và nhất là chú lại không thuộc “diện” nào cả?

– Chuyện dài dòng. Nhưng có thể tóm tắt thế này: chú được nhận di dân qua Mỹ là do kết quả của một biến cố chính trị và một câu chuyện tình.

Tôi còn đang suy nghĩ chưa hiểu câu nói của chú Bẩy thì chú lại hỏi tôi:

– Cháu ở Sài Gòn có nghe nói đến bác sĩ Lý Hồng Chương không?

Tôi đáp:

– Bác sĩ Chương thì ở Sài Gòn ai mà chả biết. Ông ta là bác sĩ nổi tiếng chuyên về quang tuyến X, có phòng chụp X-Ray ở đường Phan Đình Phùng. Chính cháu đã có lần đến phòng mạch ông ta chụp hình phổi để bổ túc hồ sơ sức khỏe xin du học nước ngoài.

– Thủa xưa ông ta học trường thuốc với chú ở Hà Nội.

Rồi chú kể cho tôi nghe về cuộc hành trình của chú từ Trung Quốc sang đến đất Hoa Kỳ.

Chú Bẩy không phải là người thích kể chuyện. Nếu tôi thuật lại những lời chú kể thì chắc chỉ độ năm dòng là hết. Do đấy khi viết bài này tôi điện thoại nói chuyện với anh Lý Trung Nhân, con của bác sĩ Lý Hồng Chương, rể của chú Bẩy, về cuộc hành trình của anh từ Hà Nội qua Trung Hoa rồi qua Mỹ. Đúc kết những điều anh kể, “tiểu thuyết hoá” một chút xíu (xin lỗi anh Nhân), tôi viết nên mẩu truyện đời anh và thuật lại trong phần đầu của bài viết này thay cho lời kể của chú Bẩy, vì tôi thấy câu chuyện của anh chàng thanh niên họ Lý này có nhiều tình tiết hấp dẫn hơn.

Những gì chú Bẩy kể tôi nghe hồi đó nay tôi không nhớ rõ, nhưng những gì chú nói với tôi sau đó thì tôi lại không bao giờ quên.

Kể xong câu chuyện chú Bẩy đan hai bàn tay đặt vòng sau gáy ngả lưng vào chiếc ghế bành.

Trước mặt chúng tôi treo trên vách tường là bức ảnh phóng lớn chụp toàn gia đình chú tại Phật Sơn năm 1967 đang hòa nhạc trên sân thượng, bức ảnh mà chúng tôi đã nhận được ba mươi lăm năm trước ở Sài Gòn.

Chú Bẩy nhìn lên bức ảnh ấy, trầm ngâm.

Lát sau chú nói: “Trên đời có nhiều chuyện kỳ lạ. Chẳng hạn như hồi ấy nếu đảng cộng sản Việt Nam không có chính sách đuổi người Hoa về nước thì rất có thể là bây giờ chú thím và các em vẫn còn đang ở bên Trung Quốc”.

Rồi tiếp sau đó chú kết thúc câu chuyện về cuộc hành trình qua Mỹ của chú bằng một lời “cám ơn” mà tôi cố ý để hai chữ này trong dấu ngoặc kép, vì tôi ngợ rằng nó hàm chứa một sự mỉa mai, mặc dù giọng nói phản ánh con người chân thật của chú không hề để lộ ra cái ý mỉa mai ấy:

– Cảm ơn ông Lê Duẩn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét