khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Ở Mỹ, không cần phải học trường danh giá mới giàu (Source: Washington Post)



Đối với các học sinh lo lắng không biết làm sao để có thể vào các trường đại học danh giá thuộc Ivy League ở Mỹ, các kinh tế gia mới đây đã có tin vui cho họ: Đó là được nhận vào học một trường được coi là danh giá cũng có thể sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến mức thu nhập của họ trong tương lai.

Hai tác giả của một cuộc nghiên cứu được coi là giá trị nhất về đề tài này từ trước tới nay, Stacy Dale và Alan Krueger, cho thấy việc chọn trường để học không thật sự ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền của người học sinh trong tương lai.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, các dữ kiện được Dale và Krueger phân tích cho thấy có lợi điểm rõ ràng cho các sinh viên theo học những trường đại học hàng đầu như Yale hay Williams. Giữa các học sinh có cùng điểm số SAT hay điểm trung bình GPA, những học sinh vào các trường có sự chọn lựa gay go hơn thường kiếm được nhiều tiền hơn sau khi ra trường.

Nhưng đây chỉ vì các điểm số SAT hay GPA không cho được đầy đủ chi tiết về khả năng của người học sinh. Vì lẽ rất khó mà đo lường được những điều như khả năng sáng tạo hay sự thông minh vượt bực của một cá nhân.

Giữa rừng ứng viên sáng giá, đều có những chứng chỉ học bạ quá cao, các đại học danh giá hàng đầu này sẽ phải dựa trên các dữ kiện khác để quyết định có nhận vào hay không - như thư giới thiệu của giáo sư, các bài luận văn cá nhân, và sự tham dự vào những hoạt động khác ngoài lớp học của người học sinh.

Nhận biết điều này, hai tác giả Dale và Krueger nhìn các dữ kiện có được từ một góc cạnh khác. Họ nhìn vào trường hợp của các học sinh được nhận vào các đại học hàng đầu ở Mỹ, nhưng không đến học. Những học sinh này có vẻ không bị thiệt hại gì khi đến học tại những trường đại học ít nổi tiếng hơn.

Nhưng đào sâu hơn nữa, Dale và Krueger thấy rằng chẳng có sự khác biệt gì về trường nào mà các học sinh này vào học. Nghĩa là, chỉ cần biết là các học sinh này theo học ngành nào, là cũng đủ để tiên đoán mức thu nhập của họ trong tương lai, dựa trên điểm số GPA, SAT và các dữ kiện về dân số.

Từ cuộc nghiên cứu của Dale và Krueger, người ta đã có được hai kết luận. Một là con người thường đi theo các hướng đã được tiên đoán trước và có thể nhận biết qua những gì họ có được cho tới cuối năm trung học. Hai là không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy theo học một đại học danh giá sẽ thay đổi nhiều khả năng kiếm tiền khi ra trường.

Mới đây, một nhà tâm lý học ở đại học Duke University, người chuyên nghiên cứu về những kẻ thành công rực rỡ trong xã hội Mỹ, đã đưa ra một số kết quả trong tạp chí “Intelligence” làm người ta liên tưởng đến các dữ kiện mà Dale và Krueger đưa ra trước đây.

Giáo Sư Wai đặc biệt chú ý tới những người theo học các chương trình cử nhân cũng như các chương trình hậu cử nhân ở các đại học danh giá và tỉ số của thành phần này trong số những người thành công vượt bực.

Cho cuộc nghiên cứu, Wai định nghĩa “đại học danh giá” là những trường mà các sinh viên được nhận vào có số điểm SAT, LSAT hay GMAT cao nhất.

Danh sách của giáo sư Wai có 29 chương trình cử nhân, 12 trường luật, 12 trường thương mại. Các trường này gồm cả CalTech, Princeton, Yale, Carleton, Johns Hopskin và Cornell.

Điều không làm ai ngạc nhiên là những người có bằng cấp từ các trường danh giá này thấy xuất hiện nhan nhản trong giới “xã hội quý tộc.” Trong số các tỉ phú Mỹ, các tổng giám đốc của các công ty hàng đầu và các thẩm phán tòa liên bang Mỹ, cứ năm người thì hết hai người có bằng cử nhân, MBA hay bằng luật từ một trường danh giá.

Nhưng số người này chỉ tập trung vào một số nhóm riêng biệt chứ không phân bổ đều ra các lãnh vực của xã hội Mỹ. Bên cạnh đó, các dữ kiện Giáo Sư Wai đưa ra có thể cũng cho thấy hình ảnh của tinh thần bao che lẫn nhau trong các trường đại học danh giá. Việc giáo dục ở các trường này có thể không khá hơn nhiều so với các trường khác, nhưng các sinh viên học ở đây có được sự quen biết với thành phần giàu có, quyền thế trong xã hội. Các bậc phụ huynh gửi con đến các trường Ivy League trông đợi là chúng sẽ ở cùng phòng với các thượng nghị sĩ, thẩm phán, doanh gia hàng đầu trong tương lai. Và họ cũng trông đợi là việc học các trường này cho con họ một nhãn hiệu giúp cạnh tranh dễ dàng hơn khi ra đời.

Do đó, cũng cần nhắc lại là cuộc nghiên cứu của Dale và Krueger chỉ nhìn về lãnh vực kiếm tiền, chứ không về những lãnh vực khác của sự thành đạt. Thí dụ, có thể là rất danh giá cho một người được bổ nhiệm vào chức vụ thẩm phán liên bang, nhưng mức lương của người này có thể không cao bằng những người hành nghề luật khác. Cũng cùng sự nhận xét này có thể đặt ra cho những người chọn sự nghiệp trong lãnh vực giảng dạy đại học hay làm công chức. Có được bằng cấp từ các trường danh giá kia có thể giúp họ dễ dàng được thu nhận và leo thang danh vọng nhanh hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét