khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Mời xem một trong những bài viết hay nhất nhân dịp 30/4/2015. ĐÁ BÁT BA MƯƠi THÁNG TƯ của nhà văn Hoàng Hải Thủy





40 năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, 14 năm sau ngày Người làm bài hát Triịnh Công Sơn qua đời, nhiều người Việt ở Kỳ Hoa lại nói, viết, ca tụng Trịnh Công Sơn. Mời quí vị đọc Bài thơ nhớ Trịnh Công Sơn của Đinh Cường phóng trên WEB ngày 1 tháng 4, 2015:

Bạn về bên phố xưa mười bốn năm rồi sao Sơn. Chiều nay tôi đi trên phố xưa Georgetown mà nhớ bạn

Tôi biết bạn không thể nào quên
những người bạn của thời chưa đầy
hai mươi tuổi. thời của Ướt mi, Thương
một người với Hà Thanh con chim sơn ca
Thanh Hải guitare, Đặng Nho clarinette
thời của những tiếng hát tiếng đàn
sao mà say đắm quyến rũ trên
đài phát thanh Huế. thời cứ chiều
chiều đi lên đi xuống hai con đường
chính Ngã Giữa – Trần Hưng Đạo
có lúc cùng nhau qua ngồi cà phê Lạc Sơn,
bên kia đường. nhớ lửa mồi là sợi giây
dừa cháy thường trực, thò đầu ra khỏi
miệng lon dùng cho khách mồi thuốc…
tôi biết bạn không thể nào quên
về trên phố cao nguyên ngồi
tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
ôi những trưa B’lao vắng vẻ, nơi căn nhà
có phòng bạn trọ, chim vào làm tổ
vỏ bao thuốc chất đống  đêm về ra chơi
billard ngoài con đuờng lộ. tiệm có ngọn đèn
manchon chao, hay những đêm Dran âm u
hai người bạn nằm trên hai chiếc
giường gỗ ván thông, ngọn nến trắng
thức khuya viết thư miên man
gởi Hướng Dương, tên hồn nhiên
bạn gọi Dao Ánh, thời của Còn tuổi nào
cho em: tuổi nào lang thang thành phố
tóc mây cài  thời của Tuổi đá buồn …
và thời của Sài Gòn. đêm khuya bạn hay gọi
Lữ Quỳnh, Sâm Thương đến dù giữa khuya.
ba bốn giờ sáng bạn đi băng qua con hẻm
nhỏ Hiền Vương. đập cửa cái studio nhỏ bé
của tôi trong xóm, ngồi chơi và chờ người
thiếu nữ xinh đẹp ra bán hàng ngoài phố sớm
thời bạn vẽ bao nhiêu là chân dung đẹp
nay những nụ môi hồng, ánh mắt ấy bay về đâu…
thời của chiều chiều ra khách sạn Bông Sen
do anh Muộn làm giám đốc. có để riêng cho
Nguyễn Quang Sáng và bạn một phòng ngồi uống rượu
trên lầu cao. nhìn những mái ngói nâu. trời chiều
Sài Gòn. nhìn đàn chim én lượn vòng này qua vòng khác
thời của: Chiều trên quê hương tôi.
Nắng phơi trên màu ngói non tươi. Gió mang tin một mùa sẽ tới.
Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài. 
cơn nắng dài từ những ngày thay đổi ấy
và làm sao quên một mùa tuyết phủ
chúng ta cùng lang thang trên những góc phố  Montréal
những ngày bạn qua thăm gia đình các em
đêm vào nghe blues jazz. nhớ mãi tiếng đại hồ cầm
chiều nay đọc tin sẽ ra cuốn sách viết về Mẹ
trong dịp tưởng niệm mười bốn năm ngày bạn mất
tôi lại nhớ đến cái tượng nhỏ Mẹ Con bằng đất nung
của Trương Đình Quế đổi tôi lấy bức tranh nhỏ
khi đi không mang theo vì nặng. tôi để lại tặng bạn
bạn đã cho gắn trên bục cao để ở mộ bác gái thật đúng và đẹp
bạn quá hạnh phúc khi nằm cạnh mộ mẹ ở Gò Dưa
mười bốn năm rồi sao Sơn. làm sao kể hết những kỷ niệm
tôi vẫn luôn giữ tận cùng trong lòng tôi một tình bạn
từ thời hai mươi tuổi. nhớ bạn đi đâu về cũng hỏi người làm
bà có nhà không. bạn thương yêu mẹ hết mực.
thương yêu các em hết mực. như vậy là bạn đã yên tâm nằm xuống.
và tôi vẫn biết. chúng ta cùng thích phố phường. những tháng cuối cùng
tôi về thăm bạn. mùa hè. chiều cùng nhau ra ngồi Givral
khi trở lại Virgina. mùa xuân bạn mất. đúng mùa hoa anh đào nở
năm nay trời băng giá nhiều. mùa hoa anh đào nở chậm Sơn ơi …
Để nhớ 14 năm ngày TCS mất (1 tháng 4. 2001 – 1 tháng 4. 2015)
Virginia, March  27, 2015
Đinh Cường
 
 
 
o O o
 
CTHĐ: Các anh chết xương tan, thịt nát.. Chúng nó trốn lính, chúng nó hỗn láo. Đau biết chừng nào
.
o O o
 
Mời quí vị đọc bài “Trịnh Đá Bát.” CTHĐ viết ngày 2 Tháng 11, 2008; đăng trên Tuần báo SaiGon Nhỏ và trên Blog “hoanghaithuy.com.”

Lúc 4 giờ chiều ngày 30/4/1975, Trịnh Công Sơn nhanh chân chạy tới Đài Phát Thanh VNCH tại Sài Gòn, cùng vài tên Cách Mạng Ba Mươi hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” chào đón bọn Lính Bắc Cộng cùng với xe tăng đang tiến vào Dinh Độc Lập!

Giờ đó, tôi, Công Tử Hà Đông, nghe bản nhạc đó, tôi chỉ thấy một người trong bọn tự giới thiệu anh ta là Huỳnh văn Tòng, không thấy nói gì đến Trịnh công Sơn. Những năm 2000, ở Kỳ Hoa Đất Trích, tôi đọc một tài liệu do một trong số mấy người chiều hôm đó đến Đài Phát Thanh hát bài Nối Vòng Tay Lớn kể bọn anh còn muốn hát thêm vài bài nữa thì bị một sĩ quan quân Bắc Cộng vào Đài, hầm hầm quát:

– Không có hát hò gì cả. Cút đi chỗ khác.

Bị đuổi, bọn Huỳnh văn Tòng cúp đuôi lỉnh mất. Rất có thể chuyện vừa kể là chuyện thật, người sĩ quan quân Bắc Cộng được lệnh đến “chiếm Đài, không cho bất cứ thằng nào nói gì hết.” Anh ta bực mình khi thấy bọn Ba Mươi lăng xăng đòi hát để “chào mừng Quân Giải Phóng dzô Sài Gòn”. Anh đuổi chúng đi là đúng.

Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của Trịnh Công Sơn, người bị công luận cho là một tay đao phủ của Thành phố Huế trong Biến cố Tết Mậu Thân 1968, — tên đao phủ ác ôn nhất là Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng là bạn rất thân của Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung và Đinh Cường, HP Ngọc Tường viết về Trịnh công Sơn như sau:

Từ sau ngày Trịnh Công Sơn qua đời, nhiều dư luận trong và ngoài nước có khuynh hướng “lôi anh về phía bên này” hoặc “đẩy anh về phía bên kia”. Với Trịnh Công Sơn ai lôi anh thì cứ lôi, ai đẩy anh thì cứ đẩy, “kệ”. Trịnh Công Sơn là Trịnh Công Sơn, ai muốn hiểu sao cứ hiểu. Tuy nhiên cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thuộc về lịch sử, mà đã là lịch sử thì ” bên này” hay ” bên kia” phải được chứng minh bằng tư liệu, tư liệu thành văn và tư liệu sống, nói có sách mách có chứng. Không thể phát ngôn về Trịnh Công Sơn theo cảm tính hay theo một định kiến nào….”

Trích từ “Trịnh Công Sơn, có một thời như thế” — Nguyễn Đắc Xuân — Nhà Xuất bản Văn Học.
Theo những “tư liệu thành văn và tư liệu sống”, Nguyễn Đắc Xuân trích lại những chuyện sau đây do chính Trịnh Công Sơn viết xuống trong quyển sách vừa dẫn:

Trịnh công Sơn kể về: Thời kỳ trốn lính

Tôi có được hai năm sống thong dong hợp pháp như tất cả mọi người đàng hoàng đứng đắn trên mặt đất. Muốn được thế, tôi đã phải đánh đổi bằng gần sáu mươi ngày nhịn đói tuyệt đối trong hai năm, mỗi năm 30 ngày nhịn đói liên tiếp trước khi trình diện khám sức khỏe để nhập ngũ, để đạt được cái mức độ không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để làm một người lính. Nhưng muốn xuống kí-lô nhanh còn phải không ngủ và uống thêm thuốc Diamox, một thứ thuốc rút nước trong các tế bào ra. Qua năm thứ ba tôi không ra trình diện nữa vì thấy không đủ sức khoẻ để nhịn đói nữa. Trốn lính gần như là một cái “nghề” đầy tính chất phiêu lưu của hàng triệu thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Thái độ phản kháng ấy, dù được nhìn dưới một góc độ nào đó còn mang tính thụ động, vẫn phải được nhắc đến như một nốt nhạc trong trẻo đã ngân lên trong một giai đoạn u ám, nhiễm độc, giữa những đô thị miền Nam.

Tôi đã sống lang thang như một kẻ vô gia cư, vô định trú thứ thiệt. Thời gian không lâu, chỉ kéo dài khoảng ba năm, đó là lúc tôi sống cùng một số sinh viên trốn lính khác trong những căn nhà tiền chế tồi tàn bỏ trống ở khu đất sau Trường Đại học Văn khoa. Ở đây có một lợi thế là rất hiếm bị cảnh sát khám xét. Vào thời điểm ấy, trên khoảng đất trống lại mọc thêm cái trụ sở Hội Hoạ Sĩ trẻ bằng gỗ. Đêm ngủ của tôi cứ thay đổi từ trên cái ghế bố trong túp lều này qua cái mặt nền xi măng của trụ sở hội nọ. Việc ăn uống đã có hàng quán dọc đường. Rửa mặt, đánh răng thì mỗi sáng vào phòng vệ sinh của những quán cà phê quen, chỉ có việc mang theo khăn, kem và bàn chải đánh răng.

Thế đấy, nhưng chính những năm này là những năm sôi động nhất của đời tôi. Sống trong tình trạng bấp bênh như thế tôi vẫn phải làm việc không ngừng để sống. Tôi vẫn viết đều tay và vẫn tiếp tục đi hát. Những ca khúc của tôi được in ra từng tờ rời và từng tuyển tập. Công việc in ấn và phát hành do người em ruột của tôi, cũng trốn lính, chăm lo. Việc in ấn càng lúc càng khó khăn, nhất là sau khi có lệnh tịch thu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của tôi. Cảnh sát lúc bấy giờ vào tận các nhà in để truy lùng. Thế là phải đổi kế hoạch. Thay vì in trong một nhà in, nay phải rải ra trong ba bốn nhà in khác nhau. Tịch thu nơi này còn nơi khác, và dĩ nhiên, chuyện đi đứng không phải dễ dàng. Đi từ một nhà in ở vùng Sài Gòn đến một nhà in ở vùng Chợ Lớn phải qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi.

Sau lệnh tịch thu, tất cả báo chí trong và ngoài nước đều đưa tin . Các hãng thông tấn và truyền hình truyền thanh nước ngoài ào ạt đổ xô về những nơi ăn chốn ở rất là ” híp-pi” đó của tôi càng lúc càng đông. Mỗi ngày trung bình ít lắm cũng phải ba lần phỏng vấn, thu hình, thu mặt. Tôi bỗng trở nên người nổi tiếng bất đắc dĩ. Ban đầu sự kiện này cũng mang đến cho tôi chút niềm vui nhưng càng về sau càng trở thành một tai nạn. Ký giả, chuyên viên TiVi ngoại quốc săn đuổi tôi đến những chỗ tôi lánh mặt xa nhất. Từ Sài Gòn tôi ra Huế, chỉ vài hôm sau đã thấy có mấy mạng người đủ các màu da, xứ sở khác nhau xuất hiện ở cửa nhà tôi ở. Đời sống bỗng chốc mất đi cái tự do được quyền không nói năng, được quyền ngồi yên tĩnh một mình mà suy ngẫm cho đến nơi đến chốn bao nhiêu điều mình chưa biết trong cõi đời rộng lớn này. Tôi phải sống những khoảnh khắc phù phiếm trên báo chí và trước ống kính ấy cho đến mười ngày trước ngày thành phố được hoàn toàn giải phóng. Giờ đây sau hai mươi năm thành phố đã mang tên Bác, thỉnh thoảng vẫn còn những cuộc phỏng vấn của người nước ngoài, nhưng việc đó không còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng nữa.

Nhẩm tính lại, tôi đã hùn hạp tất cả vốn liếng của mình vào cái đại gia đình trốn lính vừa tròn chẵn mười ba năm.

Đã qua hẳn rồi cái thời của “bèo giạt mây trôi”, của những giấc ngủ bị săn đuổi. ( sđd tr. 179-183 )
Nguyễn quang Sáng viết về: Anh Sáu Dân và Trịnh Công Sơn

Hơn hai mươi năm trước, đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt “rủ” Trịnh Công Sơn và tôi đi khảo sát đất Trị An. Từ chuyến đi ấy Trịnh Công Sơn và tôi cũng như một số bạn bè gọi đồng chí Bí thư là anh Sáu — anh Sáu Dân — rất thân mật.

Buổi chiều trên đường từ Trị An về mưa gió mịt mù. Sơn và tôi ngồi trên xe jeep. Về đến nhà anh Sáu, áo của Sơn đổi màu mưa bụi. Còn tôi, nhờ có chiếc áo gió, áo trong của tôi còn sạch. Anh Sáu bảo chúng tôi đi tắm, rồi anh Sáu lấy một chiếc áo của anh cho Sơn mặc. Chiếc áo ấy Sơn vẫn để trong tủ áo của mình, ít ai biết.

Với tôi, anh Sáu là một nghệ sĩ, nghệ sĩ với con người chiến sĩ của anh. Không có khoảng cách về tuổi tác, cương vị xã hội, hai người nghệ sĩ ấy gặp nhau, trở thành đôi bạn chia sẻ nhiều nỗi niềm. Trong những năm khó khăn, cơm độn bo bo, có lần anh Sáu gởi gạo đến cho gia đình Trịnh Công Sơn. Anh Sáu tâm sự với Sơn “Anh em trí thức ở thành phố mình bỏ đi nhiều quá. Chúng ta làm sao giữ anh em lại, cùng xây dựng đất nước.” Sau đó Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên“. Lần thứ hai, anh Sáu nói với Sơn “Trong lúc khó khăn này, làm sao mọi người đều có niềm tin, niềm vui, vượt lên khó khăn để xây dựng Thành phố…” Thế là Trịnh Công Sơn cho ra bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui“.

Anh Sáu về Trung Ương, làm Thủ Tướng, Cố Vấn BCH Trung Ương Đảng, mỗi lần về SàiGòn, anh hay gặp lại bạn bè. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, thường có Trịnh Công Sơn. Bao giờ Sơn cũng ngồi gần sát anh Sáu, như không thể cách xa nhau. Anh Sáu kể về những chuyến anh đi thăm dân. Rồi ai có sáng tác nào mới, hát cho anh nghe. Trần Long Ẩn chuyên hát lời hai, lời ba. Nguyễn Duy đọc thơ, Trịnh Công Sơn chưa có bài mới thì tùy hứng hát bài cũ. Chị Sáu, vợ anh Sáu, nói “Sao mà tôi thích cái câu — sỏi đá cũng cần có nhau — sâu xa quá!“. Thế là Trịnh Công Sơn cầm đàn hát “Diễm xưa“. Thật khó có người nào hát những bài hát của Sơn hay bằng Sơn.

Anh Sáu nói anh vừa nghe Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ lúc 5giờ30 sáng, bình luận về ba nhạc sĩ lớn của Việt Nam: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Đài Hoa Kỳ nói “Ca từ của Trịnh Công Sơn là lời của phù thủy“. Anh Sáu nói “Họ không hiểu nổi ý nghĩa nhiều tầng, nhiều góc ca từ của Trịnh Công Sơn, nên họ đành phải nói đó là lời của phù thủy”. Trịnh Công Sơn không ngạc nhiên về lời bình của Đài Hoa Kỳ mà ngạc nhiên: “Anh Sáu theo dõi kỹ vậy à? Thế mà anh em mình không ai biết“.

Một tối, anh Sáu rủ Sơn và tôi đến nhà. Anh lấy chai rượu Mao Đài đãi hai chúng tôi. Sơn uống và xỉn. Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu dạy Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm chánh trị.

– Anh đi Nhật mà không cho em cùng đi là yếu về chính trị. Người Nhật họ quý em lắm. Anh đi nước ngoài anh phải.., phải.., phải..

Anh Sáu và tôi cứ cười, Sơn thì cứ nói thao thao.

Một ngày cuối tháng Ba năm nay, tôi báo với anh Sáu là Sơn bịnh nhiều, Sơn đang nằm cấp cứu trong bịnh viện. Anh Sáu nói:

– Mai mình đi Hà Nội, sau Đại Hội Đảng mình về, mình sẽ đến thăm Sơn. Xem nước ngoài nào chữa được bệnh cho Sơn, mình tạo điều kiện để Sơn đi chữa bệnh

Nhưng không kịp nữa, chiều ngày 1/4/2001 tôi gọi điện thoại cho anh “Anh Sáu ơi! Sơn mất rồi…” Anh hỏi, anh nói nhưng tôi không nhớ gì, chỉ nhớ anh nói: “Đau lòng quá!” và chị Sáu kêu lên ” …. Buồn quá…”

Hoàng Nguyên Nhuận viết ngày 22 tháng 3, 2008: Nguyễn Du của Thế Kỷ 20

Trịnh công Sơn chết, anh chị em chúng tôi âm thầm chia buồn với nhau, lẳng lặng vỗ về nhau bằng những lời điếu tụng qua điện thoại, điện thư. Chúng tôi nói với chúng tôi hơn là nói với Trịnh công Sơn, bởi kẻ mất mát và đáng được an ủi là chúng tôi chứ không phải Trịnh công Sơn. Một trong những điện thư đầu tiên chúng tôi chia nhau đọc là: Yêu Bánh Nậm ơi,

Chắc YBN cũng đã nhận được cái @ của Nguyễn đắc Xuân về Trịnh công Sơn? @ nầy có một câu thật dễ thương. Nguyễn đắc Xuân bảo Trịnh công Sơn là “niềm tự hào của thế hệ chúng ta”. Niềm tự hào đó đã ra đi thật rồi, phải không? Xin mượn lại mấy câu nó viết cho Lưu Kim Cương ngày xưa để điếu tụng nó:

Anh nằm xuống sau một lần đã viễn du
Đã vui chơi trong cuộc đời này.
 
Ta buồn cho nó hay ta vui cho nó đều vô ích, phải không? Nó đến, nó đi, tụi mình rồi cũng rứa. Nhưng có lẽ nó hơn mình ở chỗ là nó đã thật sự viễn du, thật sự rong chơi… Chơi đẹp, đẹp tận láng cho đến phút cuối cùng

Quán đời rũ mộng tà huy
Gửi buồn vui lại, ra về tay không.
 
Đừng hỏi tôi ai viết câu đó. Tôi thật vong ân bội nghĩa, chỉ nhớ câu thơ mà không nhớ người viết. Cầu mong năm, ba trăm năm nữa, người Việt sẽ không có thái độ vong ân đó mỗi lần rung động vì âm thanh của ngót năm trăm bản nhạc nó để lại cho đời, như cô rung động vì Nhìn Những Mùa Thu Đi dạo nào, hay vẫn còn nói được như tôi sáu năm trước đây…

Trong bài Xếp Bút Nghiên Xuống Đường Giải Nghiệp viết nhân ngày kỵ Thầy Thiện Minh Tháng 10.1995, tôi viết: Hoàng tôi không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến Trịnh công Sơn khi xem cuốn video Xin Trả Nợ Đời và đọc mấy quyển sách về Huế như Huế Giữa Chúng Ta của Lê văn Hảo, Ngàn Năm Xứ Huế của Nguyễn Châu và Đoàn văn Thông và Tuyển Tập Nhớ Huế … Tất cả đều không có một lời về Trịnh công Sơn! Nếu Huế là thánh địa của Phật giáo và nếu bản nhạc Phật Giáo Việt Nam của Lê cao Phan là nhịp đạo hành của thanh niên Phật tử cho đến khi phong trào Phật giáo bùng nổ năm 1963 — và từ đó biến thành một phong trào rộng lớn nhân danh dân tộc mà đòi xét lại lịch sử, thì Trịnh công Sơn chính là nhịp đập con tim của phong trào thanh niên trên đường vận động hòa bình, độc lập và an lạc cho đồng bào đồng loại. Năm 1963 trong lúc anh chị em chúng tôi lận đận trong tù sau chiến dịch Nước Lũ thì Trịnh công Sơn vẫn còn mơ màng Nhìn Những Mùa Thu Đi. Đến năm 1964, sau khi ‘nhập’ Tuyệt Tình Cốc thì Trịnh công Sơn hầu như đã trở thành một người mới. Tài năng và tiếng tăm của Trịnh công Sơn từ lâu đã vượt khỏi những biên giới hạn hẹp của quốc gia và ý thức hệ. Thế nhưng chẳng có người Việt nào trong các phe đối kháng tả khuynh cũng như hữu khuynh muốn ‘chính thức’ biết Trịnh công Sơn là ai cả! Cho đến hôm nay Trịnh công Sơn vẫn còn là kẻ lưu đày trên quê nhà, một kẻ xa lạ giữa những đồng bào đã trầy da tróc vảy vì đánh đấm ý thức hệ nhưng vẫn chưa muốn chữa lành vết thương.

Nhìn Những Mùa Thu Đi … Mùa thu 1963 … YBN còn nhớ không, tụi mình kẹt trong Nha Cảnh Sát Trung Nguyên Trung Phần, nhờ HPNT mà YBN có bản nhạc đó để ê a âm ư mơ màng. Sướng hí?
Trịnh công Sơn, Vĩnh Kha, Phan đình Bính, Trần triệu Luật, Trần quang Long, Ngô Kha … Bây giờ thì tụi nó gặp lại nhau rồi đó phải không? Tha hồ mà hàn huyên, rong chơi. Khoái quá hí?

Chuyến nầy về nhà, YBN nhớ thay mặt anh chị em đến thăm mộ thắp cho Trịnh công Sơn nén hương và bảo nó rằng tụi mình cám ơn nó là cả đời nó, cả công trình âm nhạc của nó đã giúp cho anh em mình tin rằng có bầm dập te tua đến mấy thì dân tộc mình vẫn dư sức sản xuất những thiên tài. Xin YBN nói cho nó biết rằng Trịnh công Sơn không chỉ là nhịp đập con tim của phong trào thanh niên trên đường vận động hòa bình, độc lập và an lạc cho đồng bào đồng loại phát khởi từ những năm 1960 mà thôi. Trịnh công Sơn là Nguyễn Du của thế kỷ 20. Nhớ nói với Trịnh công Sơn vậy, nghe YBN.

* Nhiều @ thầm lặng trao qua gửi về giữa anh chị em chúng tôi. YBN hứa viết, Cao huy Thuần bảo đang viết, Nguyễn văn Hóa hứa viết. Nhưng Nguyễn xuân Thu là người viết đầu tiên, những lời chân chất quân tử Tàu ngất ngơ của người anh em thân thiết này:

@ Nguyễn Xuân Thu:

Từ hôm qua nghe tin Trịnh công Sơn đã không còn nữa mình buồn rũ rượi. Bạn bè dần dần kẻ trước người sau rồi sẽ đi hết. Mình thường nghĩ, nếu trước lúc nằm xuống mà có vài giờ suy nghĩ, thì mình sẽ nghe nhạc Trịnh công Sơn và nghe một số bài kinh. Mình rất thích nghe giọng tụng kinh của Thầy Thích Đôn Hậu. Trịnh công Sơn là một thiên tài, một người vượt lên trên tất cả. Mình không bao giờ quên tâm sự của anh qua bài Viết Trên Dòng Sông Loire cách đây trên mười năm khi Trịnh công Sơn đi Pháp lần đầu tiên sau năm 1975. Trái tim của Trịnh công Sơn lớn quá, vĩ đại quá. Anh nằm xuống là một mất mát lớn cho Việt Nam. Mình chưa bao giờ được may mắn là bạn của Trịnh công Sơn. Đêm nay mình sẽ nghe lại nhạc của anh.

Thăm Lệ Hằng. Mong gặp lại một ngày rất gần đây. Thân. NXT.3.4.2001.

@ của NVH viết:

Anh G. Ơi. Tối nay Chủ Nhật, ngày mồng Một Tháng Tư Tây lịch, cứ thao thức hoài không ngủ được. Tin Trịnh công Sơn vô nằm nhà thương trong cơn hấp hối trước đó hai hôm tôi đã đọc trên Internet, nên không thảng thốt lắm khi nghe tin anh ra đi. Nghe bệnh tình của anh thì cứ nhớ hoài lời của CHT trong cuốn băng chủ đề Trịnh Công Sơn do Thanh Hải hát ở Paris mấy năm trước cứ vang vọng trong người: “Sơn ơi, mày uống rượu nhiều quá, mày quên tau mất rồi.” Và như thế, cái thân xác phù du của kiếp người đến lúc nào đó cũng sẽ tan loãng với đất trời.

Hơn hai mươi năm Trịnh công Sơn bầm dập, tơi tả với quê hương, hai mươi năm đưa hồn, đưa xác, đưa tâm ra mà chống đỡ những ‘đòn thù’ cho quê hương đã được đền bù trở lại bằng hơn hai mươi năm sau ‘khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con mình’. Mẹ già Việt Nam đã toại nguyện và mẹ đã ra đi trong nụ cười khô lệ để nhìn ‘trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường’. Các em cũng đã toại nguyện, bởi lần đầu trong một trăm năm các em đã được ngẩng cao với trời đất để ca vang bài ca thống nhất sơn hà. Anh Trịnh công Sơn đã ra đi và trở về như một Kinh Kha thời đại đã giữ được lời thề với non sông và với cái âm hùng tráng của mình. Cho nên: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” Và thế là anh đã đi và về cùng một chỗ: chỗ quê hương! Tôi xin mượn lại lời của Tuệ Sĩ, và cùng với các anh chị thắp một nén hương cho anh Trịnh công Sơn, một người tôi chưa từng gặp mặt:

Không phiền trược cầu mong chi giải thoát
Cứ vui chơi nơi cõi Niết Bàn.
 
Anh G. anh đã làm tôi giật mình nhưng không ngạc nhiên khi thấy anh ví Trịnh công Sơn như một Nguyễn Du thời đại. Phải rồi, đấy là ý tưởng đầu tiên và có thể là duy nhất đã đặt cho đứa con Việt Nam tài hoa, yêu quê hương tha thiết này một vị trí minh bạch nhất của một lời ca tụng. Thân chúc an lạc. NVH.

Có những người không chịu trao đổi gì, và chỉ tự nguyện yên lặng mang hoa cho thiên hạ phúng viếng Trịnh công Sơn. Trần Tiễn Tiến là một. Trần Tiễn Tiến trở thành trạm truyền tin, cần cù chuyển cho anh chị em hàng chục hàng trăm tin tức nóng hổi từ khắp nơi trên thế giới. Những tin tức cho thấy cái chết của Trịnh công Sơn đã trở thành một biến cố, cũng lớn lao như chính cuộc đời và tác phẩm của Sơn. Một trong những @ phúc đáp và cám ơn Trần Tiễn Tiến có ghi:

T. ơi, Đã nhận được các @ về Trịnh công Sơn T. ân cần gửi cho anh. Thế cũng đủ thấy T. thương tiếc Trịnh công Sơn như thế nào. Trong các @ đó, có bài đọc được, có bài không. Mấy bài của K. chẳng hạn. K chỉ mượn hoa cúng Phật, dùng Trịnh công Sơn như phấn son tô điểm cho mình mà thôi phải không T.? K. chỉ dám nhận Trịnh công Sơn như một người thân nhưng chưa bao giờ dám công khai nói đồng ý với những tư tưởng của Trịnh công Sơn về dân tộc, về chiến tranh, hoà bình phải không T.? T. có thì giờ đọc nhiều, liên lạc nhiều, anh mong T. để ý xem những ý kiến hay bài viết nào về Trịnh công Sơn đặt những vấn đề như:
  1. Vinh danh Trịnh công Sơn như một thiên tài yêu nước, vượt trên mọi xung khắc chính trị.
  2. Lập đài kỷ niệm Trịnh công Sơn ở nơi nào đó trên quê hương.
  3. Làm một công trình gì đó để tưởng nhớ Trịnh công Sơn.
  4. Vận động đặt tên đường Trịnh công Sơn ở Huế và TP Hồ Chí Minh 5. Thực hiện một tuyển tập tưởng niệm Trịnh công Sơn của những người bạn, những người chấp nhận tư tưởng và lòng yêu nước, yêu hòa bình của Trịnh công Sơn.
Có những ý kiến như vậy thì ghi nhận, phổ biến, tham khảo, trao đổi… anh nghĩ là hay hơn nữa đó, phải không T.? Nếu được T. hỏi những người quen xem họ nghĩ sao về những điểm đó. Thăm T. thường an lạc, tinh tấn. Anh. 5.4.2001.

Đó là những nén hương đầu tiên anh chị em chúng tôi âm nguyện cắm lên mộ Trịnh công Sơn. Chúng tôi xin phép Thầy Thích Phước Ân Giám Viện chùa Phước Huệ tổ chức Kỵ 49 ngày cho Trịnh công Sơn. Ông Thầy này nhìn xa thấy rộng mà cũng chịu chơi nữa mới cho chúng tôi phép đó. Bởi không ai cấm được những kẻ ở trong cũng như ngoài chùa chỉ nhìn thấy cái chót mũi của mình nên vẫn không ưa Trịnh công Sơn vì lý do này hay lý do khác. Cặp Vọng-Tuyền được giao cho công việc nặng nhọc này. Cái khó là tìm cho được những người tự nguyện hát cho Trịnh công Sơn chứ không phải cho chính mình hay cho khán giả. Vọng-Tuyền đã làm được chuyện khó khăn đó.

Buổi lễ đông đảo nhưng âm thầm, lần đầu tiên một số ca nhạc sĩ Sydney đã thực sự cất tiếng hát với lời thì thầm từ đáy lòng: ‘Anh Sơn ơi, tôi thương tiếc quý trọng anh vì lời ca tiếng nhạc này đây… ‘ Những tiếng hát chân thật, xuất thần dành cho Sơn nghe, như lời ru một người vừa nằm xuống vĩnh viễn, như lời an ủi vỗ về người sống đang xót xa vì mất Sơn.

Nói là khóc Sơn nhưng có lẽ là để khóc cho những người đang ở lại là chúng tôi nhiều hơn. Sơn nó đâu cần những giọt nước mắt này khi Sơn đã biết hai năm rõ mười sống chết chỉ là ‘hạt bụi hóa kiếp thành … cát bụi‘.

Trong khi kẻ chiến bại loay hoay gậm nhấm tiếc hận, kẻ chiến thắng say sưa độc quyền vinh quang thì Trịnh công Sơn đã đi qua cầu tuyệt vọng để tìm lại chính mình, để tìm lại yêu thương bình thường. Tiếng súng im, máu xương thôi đổ, Sơn mới tìm được từ tâm hỉ xả đó chứ khi đất nước đang còn chìm trong khói lửa thì hình như không. Từ tâm của Sơn dấy động, Sơn tìm được sức mạnh để tha thứ cho đời khi Sơn thực sự cheo leo bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng. Đã hẳn là tuyệt vọng với đời. Thực ra thì những kẻ chiến đấu hăng say, kẻ chết ngoài mặt trận thực sự là kẻ yêu hòa bình và chia sẻ những tâm tư của Trịnh công Sơn, chia sẻ niềm tuyệt vọng đầy hi vọng của Trịnh công Sơn. Chiến tranh khủng khiếp, nhưng chưa phải là tuyệt vọng, bởi người ta vẫn còn hi vọng chiến tranh chấm dứt, vẫn còn mong hòa bình sẽ chấm dứt khổ đau. Nhưng hòa bình rồi mà còn những nỗi khổ đã gây ra chiến tranh thì đúng là hết thuốc chữa! Nỗi niềm tuyệt vọng của Sơn là tuyệt vọng hậu chiến, nỗi tuyệt vọng nẩy sinh từ chiến thắng như những chùm gai nhọn trái cựa. Nhưng đụng đáy rồi thì chỉ còn nước hoặc chìm lỉm hoặc trồi lên. Trịnh công Sơn đã trồi lên, với từ tâm bao la vô lượng: ‘những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau … ‘

‘Trịnh công Sơn là hiện thân thơ ca của phong trào đấu tranh của thanh niên sinh viên học sinh Huế bùng nổ từ Mùa Hạ 1963. Phong trào đó đã đẻ ra Trịnh công Sơn và Trịnh công Sơn đã nuôi dưỡng phong trào đó cho đến ngày anh nằm xuống.

Năm 1964, chiến tranh leo thang, phong trào phản chiến của thanh niên sinh viên học sinh thành thị cũng leo thang với biểu tình, bãi khóa, hội thảo, đêm không ngủ… Phong trào này đã sản xuất cả ngàn bài thơ, bài văn. Nhưng ca nhạc thì chỉ có một. Trịnh công Sơn!

Trịnh công Sơn đã lặp lại quyết tâm chân thật của Phùng Quán:

Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét
 
để trở thành người đầu tiên ghi lại mối hận chiến tranh và ước vọng hòa bình của người Việt qua bài Ca Dao Mẹ:

Mấy cụm từ ‘gia tài của mẹ, một ngàn năm nô lệ, một trăm năm đô hộ‘ đã được lặp đi lặp lại như những tiếng búa oán than nện vào đầu những người lầm lạc. Ý thức phản chiến của Trịnh công Sơn thật đơn sơ, đó là người Việt không thể làm theo ngoại nhân để chém giết người Việt. Hai bên đương chiến người Việt đều có phần lỗi trong khi dùng lý thuyết và súng đạn ngoại nhập để tìm hòa bình bằng chiến tranh, tìm chiến thắng bằng máu xương của đồng bào anh em. Sơn nặng lời gọi họ là ‘lai căng’‘bội tình’. Đây là lần đầu tiên — và có lẽ là lần duy nhất, Sơn nổi tam bành lục tặc trên dòng thơ nhạc.

Trịnh công Sơn là Nguyễn Du Thế kỷ 20. Nhưng khác với Nguyễn Du Sơn không băn khoăn chuyện 300 năm sau còn ai nhớ để nhỏ cho mình giọt lệ?

Cũng có thể Trịnh công Sơn không màng đến giọt lệ của người đời sau bởi vì nhạc của Trịnh công Sơn chỉ toàn là nước mắt. Mấy trăm bản nhạc của Trịnh công Sơn có bản nào vui đâu? Hình như là không. Những bản tưởng như vui nhất cũng thoáng những nét sầu. Như trong cõi đời này, không một loài hoa màu xanh nào mà không phả chút tím buồn man mác!

Nhớ lại lời mắng của Trịnh công Sơn:

Gia tài của mẹ một bọn lai căng
Gia tài của mẹ một lũ bội tình
 
rồi đọc mấy lời phúng điếu của những nhân viên Bộ Chính Trị như Nguyễn Minh Triết, Mai Chí Thọ, Hữu Thọ, Nguyễn Khoa Điềm xưng tụng Trịnh công Sơn là: ‘một nhạc sĩ, một nghệ sĩ lớn tài ba, độc đáo… nhà sư phạm về tình yêu bao la, rộng lớn đối với đất nước, đối với nhân loại, đối với vạn vật… để lại mãi mãi cho đời những cống hiến cho đất nước, cho đồng bào và bè bạn… Anh đã bỏ rơi chúng ta trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI … ‘ và so sánh những lời ca ngợi đó với những băn hăn cay đắng lầm bầm bùa chú của những người tự nhận là quốc gia chiến bại rằng Trịnh công Sơn phản chiến, thiên Cộng, là đâm sau lưng chiến sĩ, là cộng sản, là Việt cộng, là cách mạng 30… Hoàng tôi không khỏi than thầm rằng: Tội nghiệp những người anh em này thua những người anh em kia là phải!

Đối diện với những khổ đau mất mát phung phí của chiến tranh, có những người quá giận hờn mà quên hổ thẹn. Hoàng tôi là một. Trịnh công Sơn giận ít hơn thẹn, buồn nhiều hơn bực. Do đó mà Trịnh công Sơn khoan dung hơn Hoàng tôi mỗi khi nghĩ về cuộc chiến, hát về chuyện nhân gian chưa từng độ lượng. Sơn phải cao cả lắm mới nghĩ được rằng ‘Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt… Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm’.

Đất nước cần những người biết khoan dung và hổ thẹn như Trịnh công Sơn. Hoà bình dân tộc và nhân loại cần những người biết khoan dung và hổ thẹn như Trịnh công Sơn. Đó là bài học Trịnh công Sơn đã dạy cho Hoàng tôi.

Phong Trang Tháng 8.2001.

o O o

CTHĐ: Tin rằng quí vị đọc những lời trên quí vị dư thấy nhầy nhụa, ghê tởm, tôi chỉ viết thêm vài dòng:

Trịnh Đá Bát Phét Lác khoe: một ngày các chuyên viên Thông Tấn Mỹ, Pháp tìm đến phỏng vấn, thu hình Đá Bát đến hai, ba lần. Đá Bát trốn khỏi Sài Gòn, ẩn mình tỉnh xa, chỉ sáng hôm sau là thấy năm, bẩy người đủ các mầu da lố nhố ở cửa nhà, chầu chực để được phỏng vấn, thu hình Đá Bát. Dzóc.

Những người có trách nhiệm trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà coi thường mấy bản nhạc sướt mướt của Trịnh Đá Bát, vì coi thường Y nên không bắt Y. Nếu Trịnh Đá Bát bị cảnh sát bắt giữ dù chỉ nửa tháng, những năm 1985 Y, và bọn bạn Y, còn khoe khoang thành tích đến đâu.

Những bài ca của Trịnh Đá Bát có tính cách phản chiến không? Tôi thấy chúng không đáng được gọi là “Nhạc Phản Chiến.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét