khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Lizzie Velasquez: Một tấm gương can đảm - Tác giả Bác sĩ Nguyễn đức Tuệ



Tôi đến Austin, Texas, vào những ngày cuối tuần giữa tháng 3, thủ phủ Austin thức dậy sau giấc ngủ mùa Đông, cây cỏ hoa lá nở rộ lại đầu Xuân, Austin với khung cảnh quen thuộc trong hơn ba mươi năm tôi đến.




Áp phích giới thiệu phim “A Brave Heart.” (Hình: Internet)

Austin với bạn tôi Võ Thái Phú một người bạn từ thời tiểu học lên đến y khoa và ra đời nay thành một người bạn vong niên. Austin với người đàn anh trong gia đình y khoa, Bác Sĩ Bùi Thiều. Austin với những kỷ niệm vui buồn bao năm tháng được nhắc lại bên những cành đào hoa mới nở trong sân nhà bạn.

Austin với tiệm sách Bookpeople đông người ngồi đọc sách, những người vẫn say mê sách vở trong thời đại thông tin mạng lưới với những cuốn sách thơm mùi giấy mực gợi tôi một nhà sách Khai Trí những năm còn trẻ, sách vở đã quyến rũ tôi đến nhà sách mỗi lần ghé đến Austin.

Cái không khí ấy cùng những con đường đông người qua lại trong trung tâm thành phố mỗi tháng ba đã làm Austin thêm sống động trong tuần lễ đại hội điện ảnh âm nhạc South by Southwest (SXSW), đại hội SXSW, càng ngày càng phổ thông đối với nền điện ảnh Hollywood, đưa Austin ngang hàng với đại hội điện ảnh nổi tiếng Sundane ở Utah.

Chương trình điện ảnh gồm nhiều phim trình chiếu trong đó có một phim tài liệu duy nhất về cuộc đời của cô Lizzie Valasquez tại rạp Paramount. Cuốn phim đầu tay của đạo diễn Sarah Bordo với các nhà sản xuất trẻ tuổi trong đó có hai người Mỹ gốc Á Châu Jessica Chou và Ngọc Nguyễn mang nhiều ý nghĩa. Phim “A Brave Heart” trong ngày kết thúc được giải “Audience Award 2015.”



“A Brave Heart” kể lại cuộc đời thật của Lizzie Velasquez năm nay 26 tuổi, cuộc đời với nhiều bài học cho khán giả từ y khoa đến bài học tranh đấu trong đời đầy nghị lực và tình thương.

Cuốn phim với cuộc đời đau khổ vì bệnh tật đầy nước mắt của nhân vật chính nhưng cũng nhiều tiếng cười từ cái nhìn lạc quan yêu đời đầy tính khôi hài của Lizzie và cha cô.

Đời người như cuốn phim có vui có buồn, tiếng khóc tiếng cười lẫn lộn. “Một trái tim can đảm” ra mắt đúng ngày sinh nhật của Lizzie, 13 tháng 3. Hai mươi sáu năm trước bố mẹ Lizzie vui mừng đợi ngày cô sinh ra đời. Siêu âm trong khi bà Rita Velasquez mang thai không cho thấy triệu chứng lạ bất thường của thai nhi chỉ thấy nước đầu ối trong tử cung rất ít. Sinh non 8 tuần, Elizabeth Ann Velasquez nặng 2 lbs 100oz (1 kilo 2), da trong suốt khác với các trẻ sơ sinh khác.

Trên thế giới chỉ có 2 người khác có cùng một thứ bệnh như Lizzie. Cô có hai người em không ai bị bệnh giống cô. Hội chứng hiếm, một loại bệnh biến dưỡng mỡ (lipodystrophy) trong 20,000 di thể (zene) nhưng cả cha mẹ cô đều không mang di thể bệnh. Năm 25 tuổi cô mới được bác sĩ cô cho biết thêm chi tiết về di thể. Hội chứng đang được nghiên cứu, chưa có cách điều trị. Vì sự biến loạn về tiêu hóa chất mỡ nên cô không thể giữ mỡ trong cơ thể và không thể lên cân mặc dù phải ăn rất nhiều bữa trong ngày, có khi ăn mỗi 15 phút kể cả những bữa ăn chính.

Mỗi ngày Lizzie cần 5 đến 8 ngàn Calories trong thức ăn nhưng cũng không cân nặng hơn 64 lbs (29 kg) trong khi người bình thường chỉ cần 3,700 calories mỗi ngày. Người bệnh tiểu đường ăn kiêng 1,800 calories một ngày. Bác sĩ của Lizzie không hiểu về hội chứng của Lizzie đã nói với ông Lupe (Guadalupe) và bà Rita là “cô con gái của ông bà sẽ không bao giờ nói hay đi được.” Đến 4 tuổi, mắt phải của cô bị đóng màng làm mù mắt, mắt trái cũng bị kém.

Hệ thống miễn nhiễm kém nên cô dễ bị nhiễm trùng. Các cơ quan da, xương và hệ thống tuần hoàn cũng bị ảnh hưởng. Bố mẹ đem cô ra vào bệnh viện thường trực. Thiếu năng lực nên cô dễ bị viêm cuống phổi, mổ mắt, tai, xương hai bàn chân, cắt ruột dư, bộ tiêu hóa kém, tháng 11 năm ngoái cô phải nhập viện vì thực quản không hoạt động không nuốt thức ăn được. Đi đứng khó khăn vì xương bàn chân dễ gẫy thêm vào gương mặt da nhăn nhó nên nhìn Lizzie lúc nào cũng như người muốn khóc. Da mặt nhăn nheo như bà già vì không có mỡ dưới da. Dáng điệu của Lizzie giống như những người bị hội chứng lão hóa sớm (progeroid syndrome) có thể là một hình thức lão hóa sơ sinh (neonatal progeroid) không bị ảnh hưởng đến các xương dài, răng, ngoại trừ động mạch chủ (aorta).

Khác với hội chứng lão hóa sơ sinh, đầu của Lizzie không lớn, đầu bình thường nhưng mũi lớn dài nhọn như mũi két. Hội chứng biến loạn mỡ (lipodystrophy) do thiếu chất leptin gây ra bệnh xương xốp (ostroporosis), thiếu mỡ trong người các chất mỡ từ từ mất đi ở dưới da và trong các cơ quan ảnh hưởng đến mặt và phần trên thân thể. Nhưng các bác sĩ ở Austin (Lizzie Velasquez dân Austin) nghiên cứu trường hợp của Lizzie đã thấy cô khác với bệnh nhân đầu tiên năm 1886. Cao 1.52m nặng 29 kg nhưng nhờ phổi, tim gan hoạt động bình thường nên bác sĩ thấy “cô mạnh không thể chết sớm” như bác sĩ sơ nhi nói với bố mẹ cô ngày cô ra đời.




Gia đình tác giả (trái) cùng Lizzie Velasquez. (Hình: Tác giả cung cấp)

Lizzie có dị dạng giống những bệnh nhân với hội chứng Marfan, một bệnh di truyền ảnh hưởng đến các tế bào sợi nối giữa các tế bào và các cơ quan quan trọng trong việc tăng trưởng và phát triển. Người bình thường sợ biến chứng bệnh tim mạch vì lượng mỡ trong máu cao trong khi đó Bác Sĩ Atul Chopra trong buổi tiếp tân nói cho tôi biết tỉ lệ lượng mỡ trong người của Lizzie là 0% (trung bình ở đàn ông tỉ lệ là 3.5%, đàn bà từ 8-12%) lượng mỡ cần thiết để sinh năng lượng, cần thiết cho cơ quan và kích thích tố sinh dục. Mỡ không có nên Lizzie không sợ bị biến chứng nghẹt tắc động mạch vành cơ tim nhưng bác sĩ lại sợ cô chết vì vỡ động mạch chủ (dissecting Aorta) ở lồng ngực như những người với hội chứng Marfan (Thổng Thống Abraham Lincohn một bệnh nhân Marfan nổi tiếng, nếu ông không chết vì bị ám sát thì cũng chết sớm vì biến chứng vỡ động mạch).

Ngày xưa bên Trung Hoa Chung Vô Diệm nổi tiếng xấu, (tên thật Chung Lệ Xuân, làng Vô Diệm tỉnh Sơn Đông) sau lại thành hoàng hậu vợ Tề Tuyên Vương. Sắc đẹp của bà khác hẳn Lizzie: “trán cao, mắt sâu, chân thô, mũi hếch, xương cổ lồi ra, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen.” Nhưng nhan sắc của bà không thể so với sự dị dạng của Lizzie.

Đẹp như Thúy Kiều thì đời gian nan, Nguyễn Du than:

“Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”


Nói gì những người xấu như Lizzie không thể sửa sắc đẹp bằng các phương pháp căng da mặt, bơm botox, nên từ nhỏ khi bắt đầu đến trường mẫu giáo cô đã bị chọc phá, bắt nạt. Lizzie về thăm trường mẫu giáo, nhớ lại ngày đầu tiên bạn học đã chạy trốn bỏ cô đứng một mình ở sân trường, vào lớp bạn bè hét lên sợ không nhìn không nói chuyện. Năm đầu học mẫu giáo cô bé Lizzie chỉ biết trốn trong góc khóc một mình

Năm 1995 phim “a Brave Heart” do Mel Gibson đóng vai William Wallace, con người can đảm đứng dậy làm kháng chiến chống Anh giành độc lập trong thế kỷ thứ 13. Phim đoạt giải Oscar. Con người can đảm Wallace chiến thắng địch còn “A Brave Heart” con người can đảm Lizzie chiến thắng chính mình, chiến thắng ấy khó gấp mười lần chiến thắng quân địch.

Lên trung học Lizzie bị chọc phá bắt nạt ở trường bởi các bạn cùng lớp. Bắt nạt là một vấn đề lớn ở các trường trung học Hoa Kỳ. Những năm gần đây nhiều trường hợp học sinh tự vẫn vì bị chọc phá bắt nạt trong trường đã gây ra sự chú ý của giới có trách nhiệm trong khi nhiều phụ huynh vẫn xem chọc phá bắt nạt là một phần đời học sinh. 30% học sinh là nạn nhân của nạn bắt nạt và có hơn 160,000 học sinh không đi học vì sợ bắt nạt. Hơn 14% số sinh viên trung học nghĩ đến chuyện tự vẫn, 7% đã tự vẫn. Nạn bắt nạt ở trường học đẩy học sinh vào đường băng đảng. Người có tật khác thường dễ bị chọc phá bắt nạt.

Hồi nhỏ ngày tôi 5 tuổi, cha tôi dẫn tôi vào bệnh viện để cắt ngón tay cái dư, phần vì 6 ngón tay bàn tay phải làm vướng víu khi viết, phần vì bạn bè trong xóm chọc ghẹo. Muốn không bị bắt nạt phải đi học judo để tự vệ. Lizzie chọn con đường khác, không có cách tự vệ? Người nhỏ con ốm yếu, cô đến trường nghe lời cha khuyên: “Đến trường con đi ngước mặt, giữ nụ cười, tử tế với mọi người đừng để ý đến bọn chọc ghẹo bắt nạt.” Bắt nạt người yếu thế là hèn nhát. Gần ngày 30 tháng 4, xem phim “A Brave Heart” tôi nhớ đến những người lính VNCH thua trận vì thời thế đi vẫn ngẩng cao đầu không chịu nhục với kẻ chiến thắng không xứng đáng.

Năm 17 tuổi Lizzie bị một cú “shock” choáng váng, một ngày lên mạng xem YouTube, cô thấy tựa đề “Người đàn bà xấu nhất thế giới.” Xem hết video cô mới nhận ra video quay về cô! Lời phê bình cay độc nhất là, “ Tại sao mày không bắn vào đầu tự sát để làm ơn cho mọi người không thấy bộ mặt gớm ghiếc trong cõi đời này!”

Đáp lại những lời phê bình cay độc, những chữ như những vết dao đâm được Lizzie biến thành con đường đưa đến yên tĩnh trong tâm hồn, Lizzie không giận hiểu rằng, “Tôi biết các bạn phản ứng vì họ có lẽ đã đi qua những con đường còn khó khăn hơn tôi.” Lấy tình yêu thắng hận thù (Lizzie theo đạo Công Giáo) theo lời Chúa dạy, “lấy nhân nghĩa thắng cường bạo” thay vì đi theo con đường tiêu cực cô thay đổi trở thành một người tích cực với cái đẹp trong tâm hồn. YouTube của Lizzie được hơn 4 triệu người xem. Muốn thay đổi tệ nạn bắt nạt của học sinh sinh viên Lizzie đi đến Quốc Hội vận động cho đạo luật cải thiện trường học an toàn hơn, đạo luật liên bang đầu tiên (một số các tiểu bang như Utah đã có đạo luật này nhưng liên bang chưa có.)

Tại Quốc Hội Mễ Tây Cơ ở Mexico City ngày 5 tháng 9, 2014, bài diễn văn đọc trong Quốc Hội được hơn 7 triệu 200 ngàn người xem trên YouTube. Lizzie đã làm hàng triệu khán giả cảm động cũng như các khán giả ngồi chật rạp Paramount ở Austin khi cô nói “những triệu chứng bệnh của tôi đã giúp tôi thay đổi thành một người tốt hơn và ảnh hưởng tốt đến những người khác.” “Nếu ngã xuống, bạn hãy đứng lên.” Giống như những lời khuyên trong buổi nói chuyện hội thảo TED (buổi hội thảo nhằm đưa những ý kiến, quan điểm làm thay đổi xã hội) Austin năm 2013, “Tôi không muốn ai tội nghiệp cho tôi.” Thái độ lạc quan yêu đời đã khiến Sarah Bordo ngày hôm đó gặp Lizzie Velasquez muốn làm một phim tài liệu về cuộc đời cô.

Lizzie Velasquez đã viết hai cuốn sách: Lizzie Beautiful và Be beautiful be you (Lizzie đẹp và tự mình đẹp). Qua hai cuốn sách Lizzie đã đưa ra hai mươi bài học tự cô đã học được trong hơn mười năm từ thời trung học qua cha mẹ, qua những đụng chạm trong đời trong đó có những bài học rất hiển nhiên như những người tốt những người làm lành gặp toàn chuyện xấu, không dùng lửa để đốt lại lửa, không bao giờ để những chỉ trích xấu làm mình xuống tinh thần, thực hiện được những thành quả là cách trả thù hay nhất, những khó khăn phải vượt qua trong đời là những cần thiết để trưởng thành, đừng bao giờ sợ mơ mộng để thực hiện những việc muốn làm, chỉ trích dáng điệu bên ngoài của người khác làm người ta đau khổ, luôn luôn cám ơn đời, luôn luôn vui vẻ, biết trọng giá trị của cuộc đời v.v...

Đời người như bản án tử hình, con người sinh ra mang bản án dù người ấy sống đến 80 tuổi hay chỉ sống đến 20 tuổi như cái nhìn triết học của Pascal: tưởng tượng con người bị trói dẫn đi trong đoàn tử tù, một số sẽ bị xử tử sớm số còn lại nhìn bạn biết được số phận sắp đến mọi người đợi đến lượt của mình, đó là kiếp người. Lizzie có cái nhìn tôn giáo: Trời cho mỗi người mỗi sứ mạng

Mọi sự xảy ra trên đời đều có lý do vì vậy qua bao nhiêu khổ vì dáng xấu bên ngoài cô không bao giờ nghĩ đến tự kết liễu đời mình. Sứ mạng cô nhìn ra là trời sinh cô ra để thay đổi thành kiến, thay đổi nạn bắt nạt ở trường học. Đạo luật chưa được thông qua ở Quốc Hội nhưng với phim “A Brave Heart” quan niệm của đa số khán giả sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu của các vị dân biểu, thượng nghị sĩ. Có được một cô con gái tính nết đẹp như Lizzie Velasquez, bố mẹ của cô đã hãnh diện đi qua con đường khổ nạn cùng cô và “nếu bắt đầu lại chúng tôi vẫn tiếp tục từ đầu.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét