khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

MÙA THU…LÁ VÀNG…TIẾNG GỌI…-- nhà văn Hoàng Hải Thủy



 

Trên vỉa hè Hà Nội, Lộc Vàng bật lửa cho Toán Xồm châm thuốc. Ảnh Lộc Vàng.
Trên vỉa hè Hà Nội, Lộc Vàng bật lửa cho Toán Xồm châm thuốc. Ảnh Lộc Vàng.
 
Tôi thấy nữ văn sĩ Quỳnh Dao của Đài Loan là nhà văn nữ Á châu viết nhiều tác phẩm nhất Á châu. Tiểu thuyết của bà tái bản ở Hoa Kỳ đến cả năm, sáu mươi  quyển. Tôi – CTHĐ – không đọc một trang truyện nào của Quỳnh Dao. Nhưng tôi – không muốn, không tìm – trong nhiều năm tôi vẫn nghe tiếng hát bài “Muà Thu Lá Bay”, bản nhạc lấy ý từ tiểu thuyết “Mùa Thu Lá Bay” của Quỳnh Dao. Trong những năm 1970, nhiều người Sài Gòn trẻ ưa thích, hay hát bản nhạc này. Bốn mươi mùa thu qua, tôi nhớ một lời ca:
 
Mùa thu lá bay…Hẹn nhau kiếp sau ăn gà xé phay…
 
Để nhớ những mùa thu xưa ở quê nhà, mời đọc lại lời ca:
 
Một ngày sống bên Em sẽ muôn đời
Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm
Lạy Trời được yêu mãi nhau người ơi
Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi
Thế gian ơi sao nhiều cay đắng
Tình vẫn đắm say, người cũng xa ta rồi
Ngồi ôm vết thương lòng đớn đau
Nghe tình rên xiết trong tim sầu
Mùa thu lá bay Em đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mông lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn nhau kiếp sau ta nhìn thấy nhau.
 
Tôi không biết ai là tác giả lời ca Việt. Nghe được quá.
 
Nhiều lần tôi xúc động vì lời ca:
 
Có phải Em là Mùa Thu Hà NộiTuổi phong sương anh vẫn gắng quay về..
 
Người viết Trần Trung Sáng kể:
 
Những ngày đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, trong những khúc hát hân hoan vang lừng trên phố phường Hà Nội, hẳn rằng không thể thiếu những câu hát:
 
“Có nhớ mùa thu lá rơi vàng tiếng gọiLệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầmCó phải em là mùa thu Hà NộiNghìn năm sau ta níu bóng quay về…”.
 
Thế nhưng, mấy ai biết: người viết nên những lời thơ của bài ca ấy, nhà thơ Tô Như Châu trước khi qua đời cách đây gần 10 năm, vẫn chưa một lần được đặt chân đến Hà Nội.
 
Muà Thu Hà Nội
Muà Thu Hà Nội
 
Vào khoảng năm 1995, một buổi sáng, xuất hiện trước cửa văn phòng nơi tôi làm việc, một người đàn ông dựng chiếc xe đạp cũ, cà tàng, bước vào. Anh bận áo thun, quần jean, gương mặt rắn rỏi, phong trần, khó đoán tuổi. Sau mấy lời chào hỏi, anh ngỏ lời, muốn được làm một chân bỏ báo (một dịch vụ phát báo tới từng nhà  trực thuộc cơ quan báo do tôi đang làm đại diện.) Hỏi chuyện một hồi, được biết: anh là Tô Như Châu, nguyên công nhân điện lực – tác giả bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thành ca khúc nhiều người yêu chuộng lâu nay. Ngờ đâu, từ đó định mệnh đã gắn liền nhà thơ Tô Như Châu với công việc đi phát báo, đưa báo từng nhà đến phút cuối cùng..
 
Trên thực tế, ca khúc “Có phải Em Mùa Thu Hà Nội” từng có tiếng trong một băng nhạc tại miền Nam trước 1975, từ 1990 bài ca được phổ biến trở lại với giọng hát Hồng Nhung, rồi Thu Phương… khiến nhiều người ngỡ đó là bài hát mới. Đáng nói hơn, ngay thời điểm anh Tô Như Châu bắt đầu nhận công việc đi bỏ báo thì bài hát này bỗng dưng rộ lên trở thành ca khúc Top 10 về Hà Nội. Hầu như mọi lúc mọi nơi, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thường xuyên vang lên những lời ca: “Có phải Em là Mùa Thu Hà Nội? Tuổi phong sương Anh  vẫn gắng đi tìm…” .
 
Tô Như Châu tên thật là Đặng Hữu Có,  sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng. Theo anh, bài thơ nói trên được anh làm từ thời anh còn rất trẻ. Cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, anh rất mê những cô gái Bắc di cư, và anh đã mơ mộng về mùa thu Hà Nội qua hình ảnh một cô gái Bắc xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Bài thơ được Trần Quang Lộc, một nhạc sĩ trong nhóm thân hữu thường gặp anh thời đó đã đồng cảm phổ thành ca khúc hát chơi với bạn hữu. Cả hai người mơ ước ngày thống nhất cùng về Thăng Long, nhưng khi hòa bình đến thì mỗi người thất tán mỗi nơi…
 
Từ nỗi khát vọng chưa thành tựu ấy, có lần khi đi vòng quanh bỏ báo trên mọi ngã phố trở về, sau khi nghe lại tác phẩm của mình, trán còn lấm tâm mồ hôi, Tô Như Châu đã bày tỏ hạnh phúc không kiềm được qua bài thơ “Đi bỏ báo nghe tthơ phổ Nhạc”:
 
 “Anh con ngựa già chưa mỏi vó
Vẫn thênh thang bước nhẹ quanh đời
Đi tung bờm tóc gió
Quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời…”
 
Đây là một bài thơ hay, xúc động thứ hai, sau “Mùa Thu Hà Nội” của anh. Trong đó, nhiều đoạn anh viết :
 
“Nghe em hát mùa thu vàng rực rỡ
Bỗng xôn xao nghiêng ngả đường chiều
Răng khểnh, soi Hồ Gươm yêu dấu
Đà Nẵng tung hê một trời thương yêu”
 
Hoặc:
 
“Có phải Em Mùa Thu Hà Nội
Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời
Sống đẹp âm thầm và khát vọng
Bỏ báo, đọc thơ, nghe nhạc đã đời”
 
Thế nhưng, niềm vui ấy chắng được bao lâu, thì Tô Như Châu phát hiện ra: trên tất cả các phương tiện đem ca khúc “Có phải Em Mùa Thu Hà Nội” đến với công chúng, hầu như chỉ có tên người viết nhạc, mà không có tên tác giả lời thơ. Nỗi bức xúc chính đáng của anh dần dà được bạn bè thân hữu thấu hiểu, sẻ chia và phản ánh trên một số tờ báo cả nước. Đầu tiên, nhạc sĩ Trần Quang Lộc giải trình lấp liếm, đại khái:
“Chưa hề biết Tô Như Châu là ai, chỉ nhớ thời trai trẻ ở Đà Nẵng gặp một người tên là Có đem đến một bài thơ dài, tôi phải sửa chữa lại nhiều đoạn rồi mới phổ thành bài hát như bấy giờ…”
Dù vậy, trước những chứng cứ rõ ràng về tình bạn giữa hai người – giữa Tô Như Châu và Trần Quang Lộc –  nhất là việc bài bài hát đã được phổ biến ghi rõ tác giả lời và nhạc từ trước 1975, nên một thời gian sau, vị trí của Tô Như Châu được trả lại đúng chỗ trên tác phẩm. Các đơn vị phát hành ca khúc cũng hứa sẽ giải quyết nhuận bút bản quyền cho Tô Như Châu theo quy định (Dù vậy, lời hứa đó vẫn chỉ là lời hứa…cho đến ngày nhà thơ vĩnh viễn ra đi).
 
Năm 1998, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tập thơ “Có phải Em Mùa Thu Hà Nội”, gồm 36 thi phẩm, kể cả bài thơ đầu tiên và bài mới nhất của Tô Như Châu. Được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc, bạn hữu, không lâu sau đó, Tô Như Châu dự định ấn hành một tác phẩm mới gồm một số bài thơ tươi trẻ về Đà Nẵng, Bà Nà, bóng đá…Và nhân đó, sẽ một lần thực hiện chuyến thăm “Hà Nội …Mùa Thu của Ước Mơ.”
 
Thế nhưng, khoảng giữa năm 2002, khi những niềm hưng phấn  đang dâng tràn, một cơn bạo bệnh ập xuống cắt đứt mọi hoài bão của Tô Như Châu – từ khát vọng “mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi” đến những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi “là hạnh phúc quán vỉa hè chút rượu”, và kể cả “bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”… Song với những người yêu thơ, những người yêu Hà Nội, cái tên Tô Như Châu sẽ chẳng bao giờ bị lãng quên.
 
Ngưng trích.
 
CTHĐ: Những năm 1976, 1977, tôi nghe nhiều người Hà Nội vào Sài Gòn kể chuyện ở Hà Nội những năm 1960 có những người lén nghe thứ nhạc trước 1954 – gọi là “Nhạc Vàng’ – bị bắt, ra toà, bị ở tù nhiều năm.
 
Nghe chuyện, tôi không tin lắm. Chỉ vì nghe mấy bản nhạc tình xưa mà bị tù sao?
 
Mùa Thu 2014, tôi tìm được chuyện Nhạc Vàng Hà Nội trên Internet:
 
Với nhiều người Hà Nội, vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại chính sách, pháp luật của Nhà Nước, họ vẫn chưa quên được.
 
Ông Nguyễn Văn Lộc, người bị coi là chủ chốt. trong vụ án Nhạc Vàng Hà Nội năm xưa  nay là chủ quán cà phê Lộc Vàng tại ven đường Hồ Tây. Hồi đó anh Lộc và một số người bạn của anh vì yêu mê Nhạc Tiền Chiến nên đã thành lập một nhóm bạn nhạc để tụ tập đàn hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong…và các nhạc sỹ miền Nam như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…Ngày 27/3/1968, nhóm nhạc anh Lộc bị bắt, bị  giam ở Nhà Tù Hỏa Lò 3 năm. Ba ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971 Tòa Án Nhân Dân Hà Nội mở phiên toà xét xử những người bị coi là phạm tội vì hát loại nhạc gọi là Nhạc Vàng. Tòa tuyên án Toán “xổm” 15 năm tù, Nguyễn văn Đắc 12 năm tù, anh Lộc 10 năm tù…Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, anh Lộc được giảm án xuống còn 8 năm tù. Năm 1976 anh ra tù
 
Thương tâm nhất là anh Toán “xổm.” Khi mãn án ra tù, anh mất hết tất cả, không nhà, không vợ con, không việc làm, anh sống nhờ  các bạn anh, sau cùng anh nằm chết ở vệ đường vào năm 1994.
 
Ra tù anh Lộc  đi làm thợ hồ, nhưng tình yêu nhạc vàng, nhạc tiền chiến trong tim anh không nguội lạnh. Anh quyết định mở quán Lộc Vàng để có nơi, có người nghe anh  hát những bản Nhạc một thời bị coi là “nhạc phản động.” Nhiều người Hà Nội coi những nhạc phẩm Vàng  đó quý hơn vàng y. Bây giờ Quán Lộc Vàng  luôn đông khách. Những đêm thứ ba, đêm thứ năm, đêm thứ bẩy trong tuần tiếng hát Nhạc Vàng vang lên trong quán
 
Khi nhắc đến người vợ của anh, anh Lộc thường ưá nước mắt, vợ anh qua đời năm 2002, để lại cho anh 2 đứa con. Người vợ đã yêu anh trước khi anh bị bắt, chị chờ đợi anh qua 8 năm anh ngồi tù để làm vợ anh. Anh Lộc nói năm đầu ra tù anh phải đi vào Quy Nhơn  làm thuê để dành tiền về cưới vợ. Anh nói không bao giờ anh quên chị, chị đã hy sinh cả cuộc đời cho  anh vì yêu anh.
 
Anh kể chị vợ anh  thích nghe anh hát bài “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên. Từ ngày chị ra khỏi cõi đới, anh không thể hát được bài hát đó nữa, vì khi anh vừa cất tiếng  lên thì anh lại nghẹn lời muốn khóc vì thương cảm.
 
Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin Phan Thắng Toán và đồng bọn bị bắt, bị toà án xét xử về “tội: truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại chính sách pháp luật của Nhà Nước.”
 
Tôi chưa nghe người nào hát nhạc phẩm “Gửi người em gái “của Đoàn Chuẩn- Từ Linh hay bằng anh Lộc Vàng. Một giọng hát  trữ tình và sâu lắng. Anh hát đúng bản gốc của tác phẩm này, anh cho biết nhạc phẩm “Gửi người em gái “được thu âm và hát bây giờ đã bị thay lời quá nhiều, nhất cả khi các ca sỹ hải ngoại hát nó.
 
Tôi tự hỏi trong đám văn nghệ tào lao và khoe mẽ trên truyền thông hôm nay, có mấy ai có được phẩm giá và đam mê âm nhạc như anh Lộc
 
Tôi được ngồi uống cafe cùng bác Lộc Vàng trong một buổi chiều rét buốt của mùa đông Hà Nội. Nhâm nhi ly cafe và nghe bác kể chuyện ngày xưa, nhiều lúc tôi muốn rớt nước mắt, tôi thương cho một người dành tất cả cho đam mê của mình. Tiếc là lúc đó tôi không có ghi chép lại, may đọc được bài viết của bạn Nguyễn Tuấn Ngọc, xin phép tác giả được đăng bài lên website này!

Chuyện xưa, kể lại…

Báo Công Thương – 09/02/2013
 
Đầu năm 1968,  tôi đang là thiếu sinh quân, sang học tập tại nước bạn, tôi nhận được thư nhà gửi sang, thư của bố tôi. Ông là một sĩ quan quân đội, bận chuyện quân ngũ, chiến trường, ông lấy đâu ra thời gian mà viết thư dài cho tôi.
 
Đọc thư ông, tôi được biết ở nhà đang có chuyện động trời: Một vụ án sắp đưa ra xét xử- vụ “Toán Xồm.” Trong thư, ông bố tôi khuyên tôi chú tâm vào việc học, tiếp thu tinh hoa nước bạn, để về phụng sự Tổ quốc. Chứ ở trong nước, một số thanh niên đang sa đà vào lối sống “đồi trụy,” lối sống đầu độc tinh thần lớp trẻ thành thị, làm suy sụp ý chí chiến đấu của thanh niên…
 
Rất nhiều tội lỗi tày trời mà trong lá thư “ông già” viết có đề cập tới thú chơi “tàn bạo” của nhóm “Toán Xồm” rằng: họ  uống rượu Tây, hút thuốc lá ba số ( Thuốc 555, hồi đó chúng tôi thường gọi thuốc lá có cán, có chuôi), uống bia thì đổ bia lên người phụ nữ rồi mút, liếm… Nếu những năm đó, ai được xem phim “Nổi Gió” có một tiểu cảnh ca nhạc ở miền Nam, đoàn làm phim phải thuê nhóm Toán Xồm biểu diễn, có thế thấy họ trong phim đó. Còn nếu đúng như thư bố tôi kể thì quả thật là kinh khủng, mức sống của họ quá cao so với một xã hội tem phiếu.
 
Sau này khi về nước, tôi hỏi lại ông bố tôi, thì được biết ông cũng chỉ được nghe người ta nói lại. Nhưng ấn tượng xấu về vụ án đó đã khiến gia đình tôi quyết tâm khuyên chúng tôi phải vào Trường Đại học Quân sự, ở đó môi trường an toàn, xứng đáng với truyền thống gia đình, phải xông lên tuyến đầu chống Mỹ, tô thắm thêm lá cờ cách mạng. Chứ ở hậu phương, trước sau gì cũng bước theo nhóm “Toán Xồm”. Nghe ông nói, máu tôi sôi lên, quyết tâm mang tấm thân “cường tráng” thời bao cấp, cầm gậy tre, vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ. Nhưng, tình thế chiến trường đã thay đổi, đoàn chúng tôi lại được đào tạo ngoại ngữ để đi học nước ngoài, chuẩn bị cho lớp “kế cận”, cách mạng còn lâu dài gian khổ…
 
Bây giờ, thời đại công dân toàn cầu, thế giới phẳng, thời gian đã có khoảng lùi xa để nhìn lại… những buồn vui ngày xưa!
 
Một buổi chiều, se lạnh, mưa phùn, một góc hồ Tây bảng lảng sương thu, anh bạn thời thiếu sinh quân rủ tôi đi nhâm nhi cốc cà phê đắng (thiếu sữa, không đường) như thời bao cấp, nghe ông chủ quán hát nhạc tiền chiến: Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tình nghệ sĩ...
 
Bạn tôi nói:
 
“Ông Lộc hát đấy.” “Lộc nào?”- tôi  hỏi lại.
 
“Lộc Vàng chứ Lộc nào nữa! Ông này nổi tiếng lắm, ông là một nhân vật trong vụ “trọng án văn hóa” năm 1968 ở Hà Nội.” – bạn tôi nói.
 
Chúng tôi nghe ông “Lộc Vàng” kể lchuyện ngày xưa:
 
Những năm 1960, những người dân Hà Nội yêu nhạc tiền chiến phải nghe nhạc chui: nghe lén trong nhà mình. Ông Lộc có người bạn là Phan Thắng Toán chơi ghi ta, ông Toán ít cạo râu, vì thiếu lưỡi dao cạo (nên có hỗn danh “Toán Xồm”). Toán Xồm và Nguyễn Văn Thành (“Thành Tai Voi” đệm accordion), Nguyễn Văn Đắc (“Đắc Sọ” đánh trống), thường tụ tập tại nhà ông Thành, hát các bản tình ca của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh…
 
Thời điểm đó, hai miền Bắc- Nam rền vang  bom đạn. Nhà Toán Xồm ở phố Tô Hiến Thành. Những năm 1960, Toán Xồm đã có đĩa nhạc Steréo, khi mà các gia đình có người đi Liên Xô về mới có Electrophonemono. Ông còn tự chế ghi ta điện từ một ghi ta gỗ, amply cũng tự chế từ hộp bánh bích quy cũ với hai bóng điện tử  dẫn tới hai thùng loa cũng tự đóng. Nghe cũng có Bass có Treffle, tạo nên âm thanh lạ. Thế là một dàn nhạc tư nhân ra đời và… bị bắt.
 
Ra tù, ông Lộc lấy vợ. Thuở ông 19, cô ấy 17 tuổi, cô mê tiếng hát của ông nhưng đôi người chưa kịp ngỏ lời yêu, thì ông bị bắt, đi tù. Tám năm ông ở sau song sắt, bên ngoài có một người con gái xinh đẹp, mòn mỏi chờ đợi ông.
 
Ông Lộc ra tù, lý lịch “đen,” không ai dám gần, trừ người con gái ở Đoàn Ca Kịch Trung Ương, cô  da trắng, tóc dài, cô vẫn yêu ông. Ông Lộc ra tù nghèo rớt, người đen, gầy đét, không nghề nghiệp, thế mà vẫn có người yêu xinh đẹp. Ông hãnh diện, tự hào trên đời ông không thể tìm được người đàn bà nào như thế.
 
Khi cấp trên gọi lên văn phòng khuyên bảo:
 
“Sao lại chịu làm vợ thằng phản động đi tù về?”
 
Cô gái không trả lời, hôm sau cô bỏ ngay Đoàn Ca Kịch, cô ra ngồi vỉa hè bán đậu phụ.
Buồn thay, vợ ông bị bệnh. Khi bà mất, ông thức hàng đêm khóc nhớ thương, ân hận. Ông nói, mất mát lớn nhất của đời ông là bây giờ, khi ông đã mở được quán cà phê để sống với niềm đam mê nhạc tiền chiến thì vợ ông đã là người thiên cổ.
 
Tôi mở quán là để thỏa lòng được hát, thế thôi!”- ông tâm sự.
 
Đời là vậy, một câu chuyện cảm động, đầy tình nghĩa, cũng rất nhân văn. Một mối tình tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết. Vậy mà, nó hiện hữu ngay ở quán cà phê “Lộc Vàng,” quán cà phê trên con đường quanh Hồ Tây  thơ mộng.
 
Trích trong nhật báo Hà Nội, đăng trên “Tây Bụi.com.”:
 
Trong ba ngày 6, 7, 8 tháng 1, 1971, Toà án Nhân dân Thành phố Hà-nội đã xử sơ thẩm các bị cáo Phan Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc, Hà Trung Tân, Trần Văn Thành, Lý Long Hoa, Phạm Văn Ngọ và Lê Văn Trung can tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Phan Thắng Toán, 37 tuổi, hồi giặc Pháp tạm chiếm Hà-nội, đi lính ngụy, làm ở bộ phận mật mã của cơ quan nghiên cứu quân sự của địch.  Toán thú nhận khi ở lại miền Bắc, y đã có tư tưởng không ưa thích chế độ ta, y tán thành quan điểm phản động của bọn “Nhân văn Giai phẩm” và luôn mơ ước có cuộc sống “tự do,” trụy lạc như ở Mỹ và Sài Gòn.
 
Toán đã tập hợp một số phần tử xấu như: Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc ( tài xế lái ô-tô cho công ty hàng hóa Hà-nội, can tội lấy cắp xăng bị sa thải ); Hà Trung Tân (không nghề nghiệp); Trần Văn Thành (thợ cơ khí bỏ việc, sống du dãng); Phạm Văn Ngọ (thợ nguôi bỏ việc, sống du đãng); Lý Long Hoa, v.v.. thành một ban nhạc nghiệp dư tụ tập chơi nhạc vàng.  Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách trình diễn xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của đám thanh niên.  Chúng đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được miền Bắc, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cũ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài-gòn.  Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá, lôi kéo thanh niên.  Chúng tự tâng bốc lẫn nhau tên này, tên nọ là “ca sĩ số 1″, là “cây đàn số 1″, v.v…
 
Do các thủ đoạn nói trên, bọn này đã rủ rê được một số nam nữ thanh niên ham thích âm nhạc, nhưng non nớt về nghệ thuật, tụ tập theo bọn chúng.  Chúng thường xuyên tổ chức những buổi chơi nhạc, với lối trang trí “huyền ảo”, kếp hợp cả lời lẽ phỉnh phờ, với câu chuyện kể, về cuộc sống đồi bại, các lối dâm ô trác táng điên loạn của giai cấp tư sản, chúng kích thích, dẫn dắt nam nữ thanh niên đi vào con đường dâm ô, trụy lạc.
 
Số thanh niên khi đã bị nhiễm độc nhạc vàng thì sinh ra lười biếng, bỏ việc, bỏ học, bỏ nhà đi theo chúng.  Gia đình, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp, bạn bè có khuyên răn và ngăn cấm thì chúng bực dọc; lúc đó, bọn Toán lại tiêm thêm cho họ cái nọc độc bất mãn, bằng triết lý cuộc sống “tự do” kiểu Mỹ, bằng triết lý phản động “nghệ thuật vị nghệ thuật”, rồi vu khống xã hội ta không có đất cho tinh thần con người phát triển, v.v…, bọn Toán gợi lên cho lứa tuổi thanh niên những ước mơ kỳ quặc, hoang đường, xa vời, trừu tượng với nội dung cực kỳ phản động và cuối cùng chúng hướng cho lứa tuổi thanh niên ước mơ lối sống Mỹ và Sài Gòn, chống đối lại chế độ ta, trốn tránh nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự, v.v…
 
Những hành vi và thủ đoạn phạm tội nói trên của bọn chúng rất thâm độc và xảo quyệt, có ý thức phản cách mạng rõ ràng, đánh trực diện vào các mầm non của đất nước.  Một số nam nữ thanh niên đã bị thấm độc loại văn hóa trụy lạc này và đi vào con đường ăn chơi sa đọa dâm ô trụy lạc.  Một số khác đang có công ăn việc làm hoặc đi học, đã bỏ việc, bỏ học để ăn chơi sao đọa du đãng, cuối cùng phạm tội lưu manh, trộm cắp, hiếp dâm, “làm tiền”, hoặc tuyên truyền phản cách mạng.
 
Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tư trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà Nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
 
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân; Hà Trung Tân, 8 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân; Lý Long Hoa, 6 năm tù giam và 3 năm bị tước quyền công dân; Trần Văn Thành, 5 năm tù giam và 3 năm bị tước quyền công dân; Phạm Văn Ngọ, 4 năm tù giam, và Lê Văn Trung, 18 tháng tù giam.
 
Toà tịch thu các tang vật và tiêu hủy tất cả các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động của các bị can và của những người có liên quan đến vụ án.
 
Qua vụ án chính trị phản động này, các bậc cha mẹ, các thầy, cô giáo, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và các đồng chí phụ trách chính quyền các cấp càng thấy rõ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục lứa tuổi thanh thiếu niên, kịp thời ngăn chặn và phê phán nghiêm khắc đối với số thanh thiếu niên thích đàn đúm, ham chơi, nhác học, bỏ việc, bỏ nhà, lại có hiện tượng ăn mặc lố lăng, có hành động càn quấy.  Việc giáo dục này cần phải nhẫn nại kiên trì, nhưng cũng phải kiên quyết, triệt để trừ tận gốc, vạch mặt các phần tử xấu còn tiếp tục gây độc cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.
 
Đây là một tư liệu tôi đã tìm ra gần 10 năm trước, nay mới cho phổ biến.  Thêm vài nhận xét -
  1. Những người bị xét xử là người từng sống ở Hà Nội thời trước 1954, đa số là dân Hà Nội gốc.
  2. Tính toàn bộ những người ca hát Nhạc Vàng phải hơn vài trăm người, ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
  3. Rất hiếm có những đối tượng phạm tội chính trị phản động bị đưa ra trước toà án và bị xét xử công khai như trường hợp này.
  4. Theo tôi  không bao giờ có cái gì “sa đọa dâm ô trụy lạc” xảy ra vì Nhạc Vàng.
 
 
CTHĐ: Chuyện người Hà Nội bị bọn Cộng sản giam tù vì lén trình diễn, lén nghe những bản Nhạc Tình cho tôi thấy tôi đã sung sướng đến chừng nào khi tôi được sống những năm tôi trẻ: từ năm 1954 đến năm 1975 – ở Sài Gòn.

Tuy phải sống trong gông cùm Cộng sản đến 20 năm, tôi vẫn không thể ngờ bọn Bắc Cộng lại tàn ác với người Hà Nội đến như thế: chỉ vì nghe nhạc mà bị tù khổ sai 15 năm, 12 năm..

Trước năm 1975 tôi không một lần nghe lời ca “Có phải Em là Mùa Thu Hà Nội?” Sau 1975 tôi nghe lời ca đó trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi, tôi nghe lời ca trong Nhà Tù Chí Hòa, tôi nghe lời ca ấy ở Virginia.

“Có phải Em là Mùa Thu Hà Nội:
Tuổi phong sương Anh vẫn gắng đi tìm..”
 
Câu hát này của anh H2T:

“Em có nhớ những đêm trăng xa lộ?
Thưở yêu nhau Anh lót áo Em nằm.”
 
Áo paraverse xanh của Không Quân Mỹ.

Cảm khái cách gì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét