khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Khúc ruột Mễ kiều --- Tác giả ĐỨC HÀ





ENSENADA, Mexico - Người Mỹ gốc Mễ hoặc người Mexicano Americano với trên 34 triệu chiếm 10.9% tổng dân số Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Việt đứng hàng thứ tư nhóm sắc dân thiểu số với khoảng 1.6 triệu. Tuy nhiên cả hai sắc dân này đều giống nhau ở điểm là cộng đồng đông dân hàng đầu ở hải ngoại sau quê nhà và cả hai đều cầy nhiều "gióp" để kiều hối về cho thân nhân ở trong nước.
 
Thật vậy, cứ thử ghé quan sát mấy dịch vụ gởi tiền của người gốc Mễ "Envío de Dinero" hay gốc Việt (Hoa Phát, Le, Kim Phú ...) sẽ thấy tấp nập nhứt là vào những dịp như Tết Tây Tết Ta chẳng hạn. Vấn đề ở đây là ngưởi Việt hải ngoại rất may mắn có Nghị Quyết 36 ban hành ngày 26 tháng Ba 2004 của Bộ Chính Trị khẳng định “Người Việt Nam ở Nước Ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn động lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ, hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước.” Năm ngoái 2013 cái bộ phận không tách rời đó đã chuyển về nước 11 tỉ đô - đứng hàng thứ chín thế giới, đó là chưa kể tiền Việt kiều đút túi mang về, hay tiền lẻ nhét trong va-li hai đáy. Kiều hối của người Mễ gấp đôi người Việt 22 tỉ và xếp hạng tư sau Ấn Độ, Trung Quốc và Phi. Thật rõ ràng "Nhiếu điều phủ lấy giá gương, người nước trong và người nước ngoài phải thương nhau cùng."
 
Thế nhưng người gốc Mễ ở Mỹ chắc chắn không được cái diễm phúc được nhà nước ở Mê-Hi-Cô ưu ái quan tâm như người gốc Việt. Chắc hẳn người lãnh đạo tối cao tại thủ đô Mexico City chẳng hề phát biểu đại loại như ..."tiềm năng trí thức của kiều bào được đánh giá là một thế mạnh, nhưng chưa được khai thác hiệu quả; tiềm lực kinh tế cộng đồng cũng rất lớn, nhưng chưa phát huy thật tương xứng và bày tỏ lòng mong muốn bà con Mễ kiều đoàn kết, phấn đấu học tập, thành đạt ở đất khách, thực hiện nghiêm pháp luật của nước sở tại, tích cực làm ăn học tập để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, kịp thời đấu tránh với những luận diệu tuyên truyền xuyên tác của các thế lực thù địch... và vv và vv."
Khúc ruột ngàn dặm dù Việt hay Mễ như thế chắc chắn là có và không thể đảo ngược được.
 
QUY MÃ
 
Người Việt từng vượt biên, đường bộ đường biển đi tìm tự do; người Mễ cũng thế nhưng để đi tìm miếng ăn - chữ nghĩa bây giờ gọi là để cải thiện cuộc sống, Cảnh Sát Biên Phòng Mỹ - CBP gọi là di dân bất hợp pháp, văn chương một chút mệnh danh là đi tìm Giấc Mơ Mỹ: đằng nào cũng đến La Mã - à quên đến Mỹ. Dạo sau này người Việt trong nước ra đi trật tự hơn, hiện đại hơn và tinh vi hơn bằng đường du lịch - nghĩa là chuyển vào tài khoản ngân hàng một số tiền nhất định theo quy định nhà nước, xin hộ chiếu, nạp đơn du lịch rất nghiêm túc rồi một khi bay đến được đến nước sở tại thì rủ nhau cùng ... biến. Tin cho biết hồi tháng 12 vừa qua, đoàn 15 người xuất phát từ phi trường Nội Bài, Hà Nội, quá cảnh tại Bangkok, Thái Lan trước khi bay đến Israel và bỗng dưng ... bốc hơi. Phẻ re. Người Mễ chưa đạt mức độ dám nghĩ dám làm đến như vậy và vẫn vượt biên theo phương cách truyền thống và chết người để qua Mỹ.
 
Ước tính có từ 8 đến 20 triệu người Mễ di dân bất hợp pháp đang sống ở Mỹ, báo chí truyền thông hay dùng con số trung dung: 12 triệu. Họ đến Mỹ bằng nhiều cách, vượt đường biên giới dài 1,954 miles giữa Mexico - Mỹ được xem là phổ biến nhứt nhưng họ cũng trốn bằng cách chui vào các công-te-nơ chứa hàng, toa xe lửa chở hàng hoặc dùng ghe vượt 90 miles đường biển để đổ bộ vào vùng Nam Florida mà thường là người Cuba. Nhóm buôn lậu ma túy còn sử dụng tàu lặn, máy bay hay cả đào hầm xuyên biên giới để chuyển hàng và di dân vào Mỹ. Một khi tới Mỹ hay lọt qua cửa khẩu an toàn họ lẩn vào sống chung với thân nhân hay bè bạn đang sống hợp pháp và đã có tịch hay thẻ xanh USA. Họ lao động cực nhọc, làm những việc người bản xứ chê, bị chủ nhân ép giá và thường xuyên bị Cảnh Sát Di Trú - ICE bố ráp, tù tội và rồi ra cũng bị trục xuất về nước. Nếu dành dụm được chút đỉnh lại mau mắn ra dịch vụ "Envío de Dinero" chuyển về nuớc giúp thân nhân để - như lời một ca khúc của cố nhạc sĩ Việt Dũng, "Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương, Em bán cho đời tìm đường vượt biên..."
 
Thống kê cho thấy cứ mỗi ngày có chừng 3,000 người Mexican tìm cách vào Mỹ không hợp pháp và chỉ vài trăm người thoát hiểm, còn hầu hết đều bị bắt, chết dọc đường và sau cùng trả về nguyên quán nếu còn nguyên vẹn. Không ít người lại quay vòng, tiếp tục gan lì trở vào Mỹ. Rất có thể có công mài sắt có ngày nên kim. Mài sắt ở đây có nghĩa là leo rào: Người Mỹ đã cho thiết kế khoảng 3,141 km hàng rào cao từ 2.5 đến 6 mét ở vùng biên giới - có nơi hàng rào hai lớp, phần lớn nằm sát các bang New Mexico, Arizona, và California. Thêm vào đó là một hệ thống hàng rào điện tử hiện đại và camera ghi hình kể cả ban đêm để ngăn những người thuộc nhóm Chúng Tôi Muốn Sống.
Thế nhưng một khi được khoan hồng lấy được quốc tịch Mỹ, có bằng lái xe, được phép làm việc, được đi bầu cử ... họ cũng có cơ may trở thành đại gia như người Việt. Và cũng hệt như người Việt thành công hay giả bộ thành công lại xum xoe áo gấm về làng: Nổ. (*)
 
Nếu ai có dịp du lịch Cancun, Cabo San Lucas, Ensenada ... đều thấy và gặp rất nhiều Mễ kiều về thăm quê hương với cung cách chẳng khác bao nhiêu với Việt kiều về thăm Hà Nội, Huế, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc ... Ăn to nói lớn, bạo mồm bạo phổi, nhậu nhẹt tới bến, bạn cũ bồ cũ gặp gỡ thay nhau nổ bể ống bô luôn chưa kể chuyện móc túi ra là giấy 100 xanh mới keng và khó mà không có chuyện dùng nhãn hiệu người nước ngoài để lừa đảo quỵt nợ, lấy vợ lấy chồng giả và mang vào Mỹ dạng hôn thê, hôn phu ... Liệu không biết có bao nhiêu người Mễ phải ca bài "Anh đã lầm đưa em sang đây ..." như các nạn nhân gốc Việt nhưng chuyện bảo lãnh thì 100% sắc dân nào cũng bảo lãnh thôi vì đất lành thì dứt khóat phải đưa thân nhân sang đậu chứ nhẩy.
 
Một Mễ kiều nhâm nhi chai Tecate tại bến cảng Ensenada, phía nam San Diego tâm sự rằng anh quá may mắn khi sinh ra đã là công dân Hoa Kỳ, bây giờ có gióp ổn định, có nhà có ô-tô sang trọng và có tiền đi tàu cruise về Mễ chơi thường xuyên. Tôi nghe sao thấy hơi quen quen. Anh nói ông bà nội vượt biên giới qua Mỹ lâu lắm rồi và chuyên đi hái dâu, hái cam trong các đồn điền. Thời gian qua đi, hai cụ sinh con đẻ cái, được nhập tịch và nay cả dòng họ đều là cư dân họp pháp ở rải rác nhiều bang ở Mỹ. Tôi hỏi thế trong gia đình có lập hồ sơ bảo lãnh thân nhân không; câu trả lời chắc nịch "có chứ." Càng nghe lại càng thấy quen quen. Đó là hình ảnh của một người Mễ thành công; hình ảnh người chưa hay sắp thành công đều rất dễ thấy tại phía trước các The Home Depot, Lowe's, Ace ... Họ tụ ba tụ năm đợi kiếm công ăn việc làm lấy miếng ăn độ nhật trong đó đa phần là người nhập cư lậu.
 
KHÚC RUỘT
 
Hai khúc ruột tuy giống mà lại không giống. Chẳng hạn như người Việt ở nước ngoài vài năm khi về nước đã quên (hay giả đò quên) tiếng Việt nên khi nói chuyện cứ phải chêm tiếng Anh cho nó sang trọng và bị ném đá cáo buộc tội chảnh không biên giới; con trẻ thì ngọng nghịu rặn mãi mới ra tiếng Việt không dấu. Người Mễ ở Mỹ hầu như chỉ nói tiếng Spanish với nhau - cả lớn lẫn bé. Mời vào thử Chợ Trời mà xem, nói chuyện với mình họ nói tiếng Anh giọng Mễ, trao đổi lẫn nhau họ xổ toàn tiếng mẹ đẻ. Ai mà biết họ nói gì với nhau nhưng chớ có bao giờ lớn tiếng chửi thề hay chê mắc chê rẻ bằng tiếng Việt nha, họ hiểu cả đấy.
 
Người Mễ chỉ xuống đường đòi cải tổ luật di trú. Hồi năm ngoái đạo luật được Thượng Viện thông qua nhưng hiện vẫn bị kẹt mô ở Hạ Viện - theo luật mới này hàng triệu di dân bất hợp pháp sẽ trải qua một tiến trình hội nhập từ hợp thức hóa tình trạng di trú đến cho nhập tịch Mỹ. Chuyện cải tổ rồi ra cũng sẽ thành hiện thực chỉ không biết là bao giờ, khi nào mà thôi. Nhưng ai cũng biết vấn đề này thường hay xảy ra vào năm có tổng tuyển cử. Chờ xem. Người gốc Việt không mấy bận tâm chuyện cải tổ luật di dân mà chỉ cần biết bảo lãnh hôn thê nhanh hơn bảo lãnh vợ chồng, bảo lãnh anh em phải mất 12 năm trở lên, bảo lãnh giả bây giờ căng lắm - thế là đủ. Người Việt có hoài bão to lớn hơn vĩ đại hơn nghĩa là quên thân mình để lo toan cho phúc lợi của trên 91 triệu dân bên kia bờ Thái Bình Dương bằng cách luôn luôn đòi hỏi thực thi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Nào là thỉnh nguyện thư, vận động các đại diện dân cử tại Quốc Hội Mỹ, tham gia các điều trần tại Văn Phòng Cao Ủy của Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền  - OHCHR, và không thể thiếu là biểu tình trước văn phòng các đại diện ngoại giao nhắc nhở những việc làm sai trái. Vì hoàn cảnh chính trị khác nhau, người gốc Mễ không thể hiểu nổi những bức xúc của người Việt.
 
Mã Đáo Thành Công không biết nhân quyền Việt Nam sẽ ra sao nhưng về phần 12 triệu người Mễ từng nhập cư bất hợp pháp cùng con cái của những người này thế nào cũng sẽ được hợp thức hóa thành công dân Mỹ. Trong khi chờ đợi dù Mễ hay Việt kiều cứ hãy gởi tiền giúp thân nhân sống qua năm Ngọ cái đã.[ĐH]

(*) Bởi mau quên nên NỔ? Đâu còn nhớ ngày nào ngồi trên cái ghe ọp ẹp và bé tí như chiếc lá giữa Biển Đông, đọc kinh cầu xin bất cứ Đấng Tối Cao nào đó gia ơn phù hộ cho cặp bến bờ tự do như lời bài hát Lời Kinh Đêm cũa ca nhạc sĩ Việt Dũng thay vì bị công an biên phòng chộp đầu để "má nuôi trong tù vì tội phản quốc" hay ghe chìm "làm mồi cho cá"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét