|
Tượng Vua Quang Trung ở Sài Gòn. |
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương…
Bà Huyện Thanh Quan
Ðọc “Thơ Chữ Hán” của Nguyễn Du tôi có một thắc mắc:
Nhà thơ lớn của chúng ta chứng kiến trận chiến thắng Ðống Ða vang
danh trong lịch sử. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ thống lĩnh quân dân ta
đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh năm Kỷ Dậu — 1789 Dương lịch. Thi sĩ Tố
Như ra đời năm 1765, ông 23 tuổi năm 1788. Ông là một chứng nhân của
trận chiến thắng oanh liệt này. Nhưng ông không làm qua một bài thơ nào
về trận chiến thắng của dân tộc, ông không nhắc một lời về Vua Quang
Trung tuy ông làm thật nhiều thơ, những bài thơ thật Hay, thật Thơ, thật
cảm động về những nhân vật lịch sử Trung Quốc: Khổng Minh Gia Cát
Lượng, Mã Viện, Nhạc Phi, Tần Cối, Văn Thiên Tường, Ðỗ Phủ.. vv…
Không chỉ riêng Nguyễn Du, những nhà thơ sống cùng thời với thi sĩ,
những người cùng chứng kiến trận đánh Ðống Ða lịch sử với ông, cùng sống
qua thời kỳ cầm quyền ngắn ngủi rồi suy bại thảm thê của Nhà Tây Sơn,
những thi sĩ thời ấy như Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhiệm .. cũng không một
ông nào làm một bài thơ nhỏ về Vua Quang Trung, về chiến thắng Ðống Ða.
Văn học ta thời Vua Quang Trung và những năm sau đó không có một bài thơ
— chỉ một bài thôi — ca tụng chiến thắng Ðống Ða, ta không có một bài
thơ nào ca tụng Vua Quang Trung Nguyễn Huệ!
Ta có thể giải thích nguyên nhân sự không lên tiếng, thái độ của giới
nhân sĩ Bắc Hà cố tình không biết, không nhắc đến Vua Quang Trung cùng
chiến thắng lịch sử Ðống Ða là vì nhân sĩ Bắc Hà vẫn trung thành với
Nhà Lê — trung thành với Nhà Lê gần như đồng nghĩa trung thành với Nhà
Trịnh — Nhà Tây Sơn diệt Nhà Lê, Nhà Trịnh nên Nhà Tây Sơn bị nhân sĩ
Bắc Hà coi như kẻ thù. Nhà Tây Sơn là Vua Quang Trung, thù hận nhà Tây
Sơn là thù hận Vua Quang Trung.
Nhưng không phải tất cả những nhân sĩ Bắc Hà đều như các ông Nguyễn
Du, Phan huy Ích, Ngô thời Nhiệm, chừng ba mươi năm sau thời đại của ba
vị văn thần kiêm thi sĩ trên đây — thời các ông trước ta hơn hai trăm
năm xã hội ta chưa có những thi sĩ chuyên nghiệp, tức những người không
làm gì cả ngoài việc làm thơ — một nhóm người con cháu của ông Ngô Thời
Nhiệm — tên ông này được đặt cho một con đường ở Sài Gòn của ta — người
đời sau gọi nhóm các ông này là Ngô Gia Văn Phái; các ông này ở làng
Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông, đã chung sức viết ra tác phẩm lịch sử tiểu
thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam: Hoàng Lê Nhất Thống Chí.
Tôi đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dich của Ngô tất
Tố, những năm 1940, khi tôi tuổi đời mới tròn Một Bó. Ở vào số tuổi đó
tâm trí tôi chỉ có thể thấy là hay những truyện như Dế Mèn phiêu lưu ký, cao hơn nữa là những tiểu thuyết Trường Ðời, Giông Tố. Năm 1960 — hai mươi năm sau – năm 1960 tôi đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí lần thứ hai, bản dịch mới của một dịch giả tôi không nhớ tên, do Nhà Xuất bản Tự Do của Nhật báo Tự Do, Sài Gòn, ấn hành.
Trong lần đọc thứ hai này tôi thấy tác phẩm thật hấp dẫn, thật linh động. Tôi nghĩ đến chuyện những người viết HLNTC không
phải là những người viết tiểu thuyết chuyên nghiệp, họ không có qua một
kinh nghiệm nào về việc viết tiểu thuyết lịch sử..; vậy mà tại sao các
ông hoàn thành được bộ tiểu thuyết lịch sử giá trị đến như thế ?? Các
ông viết HLNTC vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 19 —
khoảng những năm 1830 — kể từ ngày ấy tới nay đã gần hai trăm năm trôi
qua, tôi không thấy văn học ta có quyển tiểu thuyết lịch sử thứ hai nào
xứng đáng gọi là tiểu thuyết lịch sử.
Rồi những mùa lá rụng theo nhau qua. Những người Việt Nam như tôi,
cùng thế hệ tôi, ra đời trong nửa đầu thế kỷ 20, trưởng thành vào những
năm giữa thế kỷ và suy tàn, già lão cùng với thế kỷ, không chỉ chứng
kiến một cuộc biển dâu, mà là phải sống qua đến những hai, ba cuộc biển
dâu. Cuộc biển dâu dữ dội nhất, tàn khốc nhất xẩy ra Tháng Tư 1975.
Những năm 1996, 1997, sống yên lành ở Rừng Phong, Virginia Ðất Tình
Nhân, những đêm êm vắng trong căn phòng ấm, đèn vàng, tôi đọc lại Hoàng Lê Nhất Thống Chí không
biết đây là lần thứ mấy trong đời, tôi vẫn thấy tác phẩm thật hay, và
lần này tôi thấy tôi cần phải viết ra, phải nói lên những cảm nghĩ của
tôi khi đọc tác phẩm này.
Một trong những thắc mắc của tôi khi đọc HLNTC là: tại sao triều đại Nguyễn Tây Sơn nổi lên nhanh, mạnh, anh hùng đến như thế mà lại suy tàn, thảm bại cũng nhanh đến như thế ?? Vua
Quang Trung thống lãnh quân dân đánh tan bọn Mãn Thanh đầu năm Kỷ Dậu
1789 — Ra quân từ Phú Xuân những ngày cuối năm Mậu Thân 1788, tiến vào
thành Thăng Long ngày Mồng Năm Tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789. Trước khi
xuất quân vua lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân. Vua Quang Trung làm vua chỉ
được có năm năm trời. Vua mất vào năm Quí Sửu 1793. Nguyễn Nhạc, cũng
xưng hoàng đế, đóng đô ở Qui Nhơn, cũng tạ thế trong năm Quí Sửu 1793.
Vua Quang Trung băng, con Vua là Quang Toản lên nối ngôi. Chưa đầy mười
năm sau — năm Nhâm Tuất 1802 — Vua Gia Long bắt sống Quang Toản, chấm
dứt triều đại Tây Sơn. Tính từ năm Vua Quang Trung lên ngôi năm Kỷ Dậu
1789 đến khi con vua là Quang Toản bị giết năm Nhâm Tuất 1802, Nhà Tây
Sơn chỉ trị nước được có 13 năm.
Chẳng cần phải có kinh nghiệm chính trị hay kinh nghiệm sống, em nhỏ
lên ba, cụ già chín bó cũng biết rằng không phải chỉ một mình Vua Quang
Trung anh minh, hùng lược, tài tuấn mà dân tộc ta có chiến thắng Ðống
Ða. Tất nhiên bên cạnh, đằng sau Vua phải có thật nhiều những vị văn
thần, dũng tướng giỏi, mạnh, những người tài cán thực hiện những sách
lược, mệnh lệnh của vị chủ soái. Những vị tướng văn, tường võ này tuy
không có năng lực và hùng lược như Vua nhưng cũng không phải là những
người tầm thường. Nhà Vua mất sớm nhưng còn những võ tướng Ngô Văn Sở,
Ðô Ðốc Long, những dũng tướng của trận Ðống Ða lịch sử, văn thần có Ngô
Thời Nhiệm, Phan Huy Ích vv. Và còn biết bao nhiêu người tài tuấn nữa??
Những vị này đi đâu hết, những vị này nghĩ gì, làm gì..? Tại sao các vị
còn đó mà các vị để cho cơ nghiệp nhà Tây Sơn quang vinh bị suy bại
thảm thê nhanh quá đến như thế ??
Và như vậy là trong những năm cuối thế kỷ 18 tình hình chính trị nước
ta được hình thành giống như thời Tam Quốc bên Trung Quốc: Vua Quang
Trung Nguyễn Huệ giữ đất từ Phú Xuân — Thừa Thiên — đến Ải Nam Quan —
lãnh địa Tây Sơn lớn và dài nhất — Vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc đóng đô ở
Bình Ðịnh — lãnh địa của Vua Thái Ðức nhỏ hẹp nhất, đã yếu lại bị hai
mặt nam bắc tấn công, nhà Tây Sơn Bình Ðịnh bị diệt sớm nhất. Vua Gia
Long Nguyễn Ánh xưng vương ở Gia Ðịnh. Vào thời này các ông Chúa nhà
Nguyễn mới chiếm cứ và bắt đầu khai thác phần đất phì nhiêu bên dòng Cửu
Long Giang.
Tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí – HLNTC -- cho tôi
thấy có thể Vua Gia Long thù hận Vua Quang Trung — cũng phải thôi. Hai
ông vua này từng cầm quân xung đột với nhau nhiều trận, Vua Gia Long
từng bị thảm bại nhiều lần — Nhưng các vua Minh Mạng, Tự Ðức tỏ ra có
thái độ khoan dung hơn với triều đại Quang Trung. Hoàng Lê Nhất Thống Chí có
nhiều trang tả chiến công oanh liệt của Vua Quang Trung mà không bị
triều đình Huế cấm dân lưu trữ hay làm khó dễ những người viết. Bộ tiểu
thuyết lịch sử số một của ta không một lần được khắc bản gỗ để in, những
bản truyền lại đời sau chỉ là những bản chép tay. Nhưng quả thật là
triều đình nhà Nguyễn đã không làm một hành động nào để tiêu hủy tác
phẩm này vì trong đó có những trang đề cao triều đại thù nghịch trước.
Tôi sẽ đăng những trang Hoàng Lê Nhất Thống Chí cùng với lời bình luận của tôi. Tập sách sẽ có tên là Trăm Năm Binh Lửa.
Tôi không làm việc này như việc phân tích lịch sử mà chỉ là viết ra
những cảm nghĩ, những nhận xét của tôi, của một người đọc rất thường khi
đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Mục đích của tôi chỉ là để giải trí cho quí vị bạn đọc và đem lại cho quý vị một dịp đọc lại Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tác phẩm tiểu thuyết lịch sử giá trị của văn học ta.
Mời bạn đọc những trang đầu của Trăm Năm Binh Lửa:
CHIẾN THẮNG ÐỐNG ÐA. Trích “Hoàng Lê Nhất Thống Chí.”
Bắc Bình Vương cho đắp đàn trên Núi
Bân, tế cáo Trời Ðất cùng các vị Thần Sông, Thần Núi, chế ra áo cổn, mũ
miện, lên ngôi hoàng đế; đổi năm thứ 11 niên hiêu Thái Ðức của Vua Tây
Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiêu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất
quân. Hôm ấy là ngày 25 Tháng Chạp năm Mậu Thân — 1788.
Vua đốc xuất đại binh thủy bộ ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An Vua cho vời vị cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp đến gập và hỏi:
– Quân Thanh sang chiếm nước ta, tôi đem binh ra chống cự. Mưu đánh và giữ, cơ được hay thua, tiên sinh nghĩ thế nào ?
Nguyễn Thiếp nói:
– Bây giờ trong nước trống không, lòng
người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu
hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh, nên giữ ra sao. Chúa công ra Bắc
chuyến này, không quá mười ngày giặc Thanh sẽ bị dẹp tan.
Vua rất mừng, liền sai Ðai tướng là Hám
Hổ Hầu kén lính ở Nghệ An, cứ ba xuất đinh thì lấy một người làm lính,
chưa mấy lúc đã được một vạn quân tinh nhuệ. Rồi Vua mở cuộc duyệt binh,
đem số thân quân ở Thuận Hóa. Quảng Nam chia làm bốn doanh tiền, hậu,
tả, hữu, số lính mới tuyển ở Nghệ An làm trung quân.
Vua Quang Trung cưỡi voi ra doanh, truyền cho mọi người nghe lệnh:
– Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện
ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao
ấy đều đã phân định rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai
trị. Người phương Bắc không phải cùng nòi giống dân ta, bụng dạ ắt khác.
Từ đời nhà Hán đến nay chúng đã nhiều phen tràn sang cướp bóc nước ta,
giết hại dân ta, vơ vét của cải; người mình ai cũng muốn đuổi chúng đi.
Ðời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, đời
Nguyên có Trần Hưng Ðạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các ngài không nỡ ngồi
nhìn bọn giặc phương Bắc làm điều tàn bạo nên đã thuận lòng người, dấy
nghĩa quân chống địch. Các ngài chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được
chúng về phương bắc. Ở các thời ấy Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên,
các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Ðinh tới nay dân ta không còn
quá khổ sở như thời bị nội thuộc trước đó. Mọi việc lợi, hại, được, mất
ấy là những chuyện cũ rành rành của những triều đại trước. Nay người
Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết
trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh. Vì vậy ta phải đem quân ra đánh
đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy
cùng ta đồng tâm, hiệp lực, dựng nên công lớn. Chớ có quen thói ăn ở hai
lòng, làm chuyện phản trắc, việc phát giác sẽ bị giết ngay tức khắc,
không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước.
Quân sĩ đều nói:
– Xin vâng lệnh. Không dám hai lòng.
Hôm sau Vua Quang Trung hạ lệnh tiến
quân. Các đạo quân đều nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi. Ðến núi Tam Ðiệp, Sở
và Lân ra đón, hai người mang gươm trên lưng mà chịu tội.
Vua Quang Trung nói:
– Các ngươi đem thân thờ ta, đã làm đến
chức tướng soái. Ta giao cho quản trị cả mười một thừa tuyên, lại cho
tùy tiện làm việc. Vậy mà giặc đến không đánh nổi một trận, mới nghe
tiếng đã chạy trước. Binh pháp dậy: “Quân thua, chém tướng.” Tội các
ngươi đáng chết vạn lần. Song ta nghĩ các ngươi đều là hạng võ dũng, chỉ
biết đánh, tài tùy cơ, ứng biến thì không có. Nên ta đã để Ngô thời
Nhiệm ở lại đấy làm việc với các ngươi, chính là lo về điều đó. Bắc Hà
mới yên, lòng người chưa phục. Thăng Long là nơi bị đánh cả bốn mặt,
không có sông núi để nương tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh
quả nhiên không thể chống nổi. Các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, quân
Thanh kéo sang, người trong kinh kỳ làm nội ứng, các ngươi làm sao mà
giữ thành được. Các ngươi biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của giặc, lui
về chặn giữ nơi hiểm yếu, trong thì kích thích lòng quân, ngoài thì làm
cho giặc kiêu căng; kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói ta đã đoán việc
lui quân về đây là do Ngô thời Nhiệm chủ mưu, sau hỏi Văn Tuyết thì quả
đúng như vậy.
Thời Nhiệm lậy hai lậy tạ ơn. Vua nói tiếp:
– Lần này ta xuất quân, phương lược
tiến đánh ta đã có sẵn. Chẳng qua mười ngày, có thể đuổi được giặc
Thanh. Nhưng ta nghĩ nước chúng lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua
trận, chúng ắt lấy làm thẹn mà mưu sự báo thù. Như thế thì việc binh đao
không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy.
Ðến lúc ấy chỉ có người khéo lời lẽ mới có thể dẹp được việc binh đao;
việc ấy không phải Ngô Thời Nhiệm thì không ai làm được. Chờ mười năm
nữa, cho ta được yên ổn nuôi dưỡng lực lượng; bấy giờù nước giầu, dân
mạnh, ta có sợ gì chúng.
Bọn Sở, Lân đều lậy tạ và nói:
– Chúa thượng thật là nhìn xa, chúng
tôi ngu muội không thể nghĩ tới chỗ đó. Hiện nay phương lược tiến đánh
ra sao xin Chúa thương chỉ rõ, chúng tôi nhất nhất tuân theo.
Vua sai mở tiệc khao quân, chia quân sĩ ra làm năm đạo. Hôm đó là ngày 30 Tháng Chạp. Vua nói riêng với các Tướng:
– Ta với các ông hãy tạm sửa lễ cúng
Tết trước, tối 30 Tết ta lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới ta vào
thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ông hãy nhớ lời ta.
Vua truyền lệnh : Ðai tư mã Sở, Nội hầu
Lân đốc xuất tiền quân làm tiên phong, Hám hổ hầu đốc xuất hậu quân làm
đốc chiến, Ðai đô đốc Lộ, Ðô đốc Tuyết đốc xuất tả quân; trong tả quân
có thủy quân vượt biển vào sông Lục Ðầu. Ðô đốc Tuyết sẽ hành quân ở
vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông, Ðô đốc Lộc kéo quân đi gấp lên
các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Báy chặn đường về của quân Thanh; Ðại
đô đốc Bảo, Ðô đốc Long đốc xuất hữu quân, trong đó có quân voi và quân
kỵ mã; Ðô đốc Long dẫn quân xuyên qua huyện Chương Ðức, đến thẳng làng
Nhân Mục, huyện Thanh Trì, đánh ngang vào đồn quân Thanh ở Ðiền Châu, Ðô
đốc Bảo dẫn quân voi, ngựa ra làng Ðại Áng, huyện Thanh Trì, tiếp ứng
cho cánh hữu.
Năm đạo quân vâng lệnh, đúng ngày gióng trống lên đường ra bắc.
Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh
trấn thủ ở đó chạy trước; khi quân đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh
đi tuần thám từ xa trông thấy bóng đã bỏ chạy. Vua Quang Trung thúc
quân đuổi theo, đến huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết bọn này, không
một tên nào chạy thoát. Vì vậy không có quân về báo tin, những đạo quân
Thanh đóng ở Hà Hồi, Ngọc Hồi đều không hay biết gì cả.
Nửa đêm ngày Mồng Ba Tháng Giêng năm Kỷ
Dậu — 1789 — Vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc. Vua
cho quân vây kín làng ấy rồi mới bắc loa truyền gọi. Tiếng quân lính
luân phiên nhau dạ ran, nghe như đông đến vài vạn người. Trong đồn lúc
ấy mới biết, ai nấy rụng rời, sợ hãi, liền xin ra hàng; lương thực, khí
giới trong đồn này bị quân Nam lấy hết.
Vua Quang Trung ra lệnh lấy 60 tấm ván,
ghép ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín; tất cả là
20 bức. Kén lính khỏe mạnh, mười người khiêng một bức, lưng dắt dao
ngắn, 20 binh sĩ khác theo sau mỗi bức, dàn hàng ngang thành trận chữ
“Nhất”, tiến đến đồn Ngọc Hồi. Vua cưỡi voi đốc tiến. Mờ sáng ngày Mồng
Năm quân đến đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh trong đồn nổ súng bắn ra, quân
tiên phong nấp sau những bức ván nên không ai bị trúng đạn. Thấy có gió
bắc, quân Thanh dùng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang
tấc không trông thấy gì. Quân Nam bắt đầu bị rối loạn. Nhưng chỉ trong
chốc lát trời trở gió nam, quân Thanh tự làm hại mình.
Vua Quang Trung hạ lênh đội khiêng ván
xông thẳng đến đồn. Khi đến nơi đội quân này bỏ ván, rút dao ngắn chém
giặc. Những binh sĩ theo sau nhất tề xông vào đánh.
Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán
loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Thái thú Ðiền Châu là Sầm Nghi Ðống tự
thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết, thây giặc nằm đầy đồng,
máu chẩy thành suối, quân Thanh đại bại.
Trước đó Vua Quang Trung đã phái một
toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo lên, mở cờ, gióng trống làm nghi binh
ở phía đông. Quân Thanh chạy về đến đó trông thấy cờ xí lại càng hoảng
sợ. Lại thấy quân voi từ Ðại Áng tới, quân Thanh hết hồn, hết vía bị dồn
chạy xuống Ðầøm Mực, làng Quỳnh Ðô. Quân Tây Sơn lùa voi giày đạp, quân
Thanh chết đến hàng vạn người trong đầm này.
Giữa trưa hôm ấy — Ngày Mồng Năm Tết Kỷ
Dậu — Vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long. Vua hẹn với tướng
sĩ sẽ ăn Tết trong thành Thăng Long ngày Mồng Bẩy Tết. Chiến thắng diễn
ra đúng như lời Vua nói trước.
Ngưng trích.
Lời bàn của Công Tử Hà Ðông :
Ðây là lần thứ hai Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long.
Lần thứ nhất Quân Tây Sơn ra Bắc là năm Bính Ngọ — 1786. Khi ấy Vua Tây
Sơn Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Bình — một tên khác của Vua Quang Trung
Nguyễn Huệ — đem quân ra đánh lấy đất Thuận Hóa, thủ phủ của đất này là
thành Phú Xuân, tức thủ đô Huế đời nhà Nguyễn Gia Long. Lần xuất quân
thứ nhất này Nguyễn Bình có các tướnng Nguyễn hữu Chỉnh, Võ văn Nhậm phụ
tá. Chỉnh là người Bắc Hà, có tài lược, mưu mô, lại biết rõ tình hình
chính trị Bắc Hà, nên khuyên Bình nhân thắng lợi tiến quân ra Thăng Long
diệt họ Trịnh. Bình làm theo lời khuyên của Chỉnh và thành công. Bọn
tướng lãnh của Chúa Trịnh, đa số chỉ quen tranh quyền vị, đánh giết lẫn
nhau, hà hiếp, bóc lột dân đen, thấy quân Tây Sơn kéo ra đều thi nhau bỏ
chạy. Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Tông, tự tử chết trên đường chạy trốn.
Chúa Trịnh bỏ chạy, Vua Lê vẫn ở kinh đô. Nguyễn Bình vào Thăng Long,
tôn trọng Vua Lê, nói:
– Thiên hạ là của Chúa Trịnh thì một thước đất tôi cũng lấy, thiên hạ của Vua Lê thì một thước đất tôi cũng không lấy.
Tuy nói một thước đất của Vua Lê ông cũng không lấy, nhưng Nguyễn Bình có lấy nàng công chúa Ngọc Hân của Vua Lê. Hoàng Lê Nhất Thống Chí không
cho ta biết khi tiến quân ra Bắc Vua Quang Trung, khi ấy mới là Nguyễn
Bình, bao nhiêu tuổi, trước khi lấy Công Chúa Ngọc Hân ông đã có vợ hay
chưa. Lịch sử ta, theo kiểu viết sử của Trung Quốc, thường không viết
gì về đời sống tình cảm vợ chồng của những nhân vật lịch sử.
Những cơn binh lửa, biển dâu trùng trùng nối tiếp nhau. Nguyễn hữu
Chỉnh đưa quân Tây Sơn ra bắc, ở lại không theo về nam, trở thành Quận
công, quyền nghiêng thiên hạ. Cuối cùng Chỉnh bị Tướng Tây Sơn Võ văn
Nhậm bắt sống, giết một cách thê thảm : phanh thây, mổ bụng, moi ruột
cho chó ăn. Trong HLNTC có nhiều người chết thê thảm, thê thảm nhất là
cái chết của Vua Quang Toản, con Vua Quang Trung, và cái chết của Bằng
quận công Nguyễn hữu Chỉnh.
Trong đoạn truyện trên đây tôi muốn các bạn cùng xét với tôi sự kiện :
– Ngày 29 Tết Vua Quang Trung đến Nghệ An, ra lệnh tuyển quân ở Nghệ An “cứ ba xuất đinh thì lấy một người lính, chưa mấy lúc đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ...” Tôi thắc mắc về chi tiết này.
Như trong truyện ta thấy Vua Quang Trung không ở Nghệ An lâu đến ba
ngày. Mà dù có ở lại đấy ba ngày chăng nũa quân Tây Sơn cũng không thể
có đủ thì giờ để tuyển nhập ngũ đến một vạn quân — 10.000 người --
Kể cả thời đại này, với cả trăm nhân viên hành chính chuyên về tuyển mộ
binh sĩ, với những dàn máy vi tính hỗ trợ, sợ cũng khó có thể tuyển mộ
được đến 10.000 người nhập ngũ trong ba ngày. Ðất Nghệ An lại không phải
là đất đai nhà Tây Sơn. Dân Nghệ An tất nhiên không tuân phục ngay mệnh
lệnh của những người xa lạ mới đến. Khi có giặc trai tráng địa phương,
nếu không cầm võ khí chống địch, thường bỏ trốn để giữ mạng sống. Dân
đất bị chiếm mới được tuyển vào lính, không được huấn luyện, không thể
nào là “quân tinh nhuệ” được.
Dã sử ghi về chuyến tiến quân ra Bắc đánh quân Tôn sĩ Nghị của Vua Quang Trung thêm chi tiết :
– Vua Quang Trung cho quân lính cứ ba người một tốp, khiêng võng
nhau đi — một người nằm võng, hai người khiêng, cứ thế thay đổi — thành
ra quân trẩy liên miên không lúc nào ngừng mà mọi người vẫn được thay
phiên nhau nghỉ. Do đó trong chuyến đi này quân Tây Sơn đã hành quân cực
kỳ thần tốc.
Tôi thấy :
– Trước hết quân lấy võng đâu mà khiêng nhau? Ðể có thể đánh thắng
200.000 quân Mãn Thanh thuộc loại chính quy, tức lính nhà nghề, quân Tây
Sơn ta phải có ít nhất là 100.000 người. Và phải có ít nhất là 20.000
cái võng.
Tôi nghi người sau chép sử phóng đại số quân Thanh sang Thăng Long.
Quân Thanh sang nước ta không thể nhiều đến số 50.000 người. Họ lấy gì
ăn? Họ không thể cướp gạo của dân Nam để ăn – họ có thể cướp gạo nhưng
dân Nam ở quanh Thăng Long thời ấy không nhiều, không đủ gạo để nuôi bọn
quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị có thể cho tải gạo từ bên Tầu sang, nhưng đường
quá xa, lính đi bộ, phải mất nhiều ngày quân tải lương mới từ
Vân Nam sang đến Thăng Long. Ði đường, quân tải lương phải ăn. Ðường xa
họ ăn gần hết số gạo họ mang theo. Số quân Nam của Vua Quang Trung cũng
được phóng đại.
Cứ cho là Vua Quang Trung đã tính trước, đã cho quân nhu dệt võng
trước — việc dệt một lúc 20.000 cái võng không phải việc dễ làm. Nhưnng
cứ cho là có sẵn võng đi — Việc người lính hành quân đi xa vạn dặm, phải
mang theo võ khí, lương thực, lại phải vừa đi vừa khiêng võng có người
nằm.. có phải là việc nên làm chăng, có lợi chăng ? Hay việc đó chỉ làm
cho cả ba người lính người nào cũng mất sức, thay vì họ được đi mà không
phải khiêng võng ??? Hành quân đến nơi họ còn phải chiến đấu nữa ! Phải
chăng chuyện lính khiêng võng nhau chỉ là một huyền thoại nhân dân thêm
vào chiến dịch này???
Và đây là những ngày tàn thê thảm quá đỗi của Nhà Tây Sơn oai hùng một thưở:
Ngày 18 tháng Sáu năm Nhâm Tuất — 1802 — Vua Gia Lonng tiến quân ra
Thăng Long, quân Tây Sơn tan vỡ. Vua Quang Toản bỏ thành cùng với em là
Quang Thùy và bọn Ðô đốc Tú qua sông Nhĩ Hà, chạy lên phía bắc.
Vài ngày sau Quang Thùy và vợ chồng Ðô đốc Tú cùnng tự thắt cổ chết.
Quang Toản và một số triều thần bị thổ hào Kinh Bắc bắt sống, đóng cũi
đưa đến nộp cho quân Gia Long.
Dẹp yên Bắc Hà Vua Gia Long ở lại thành Thăng Long một thời gian, hạ
chiếu kêu gọi nhân dân yên ổn làm ăn, chia đặt quan văn, quan võ cai trị
các trấn, lại mời nhiều quan chức cũ của nhà Lê ra làm việc, giảm bớt
thuế khóa.
Vài tháng sau Vua Gia Long trở về kinh đô Phú Xuân, tổ chức đại lễ tế
cáo trời đất cùng các vị tiên vương, Vua Quang Toản cùng nhiều người
khác theo Vua Quang Toản bị đem ra dùng cực hình giết chết trong lễ này…
Nhà Tây Sơn tuyệt diệt.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương…
Vua Gia Long vào thành Thăng Long năm 1802 thì năm 1802 — cũng năm
1802, ngay trong năm 1802 — Nguyễn Du chấm dứt cuộc bất hợp tác với nhà
cầm quyền, cuộc bất hợp tác kéo dài hơn mười mùa lá rụng dưới triều Vua
Tây Sơn, ra nhận quan chức của triều Vua mới…
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Mước còn trau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoan trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét