khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Nam Tính, Nữ Tính, Androgynous? Người viết: Trangđài Glassey-Trầnguyễn



Chuyện bên hàng cá: Ai đi chợ?

Sáng Chúa Nhật, tôi đi chợ như thường lệ.  Hàng tôm cá nhộn nhịp, nhấp nhô những cái vai và cái đầu.  Phía trong là những nhân viên người Mễ thoăn thoắt bắt cá, chiên cá, chặt cá, kẻ chào người gọi, tiếng đặng tiếng được, Anh-Việt-Bồ-Ðào-Nha lẫn lộn.
- Qua bên này, mấy ông khổ quá!
Một bác ngoài năm mươi đứng chờ mua cá phàn nàn.  Ở Việt Nam, theo bác thì sướng!  Vợ đi chợ, vợ nấu cơm, vợ dọn cơm, vợ rửa chén.  Vậy là gọn.  Bên này phiền phức!  “Cả tuần đi làm, cuối tuần còn phải đi chợ!  Mệt quá!”
Câu hỏi mà người Việt hải ngoại vẫn không trả lời được, là liệu ở thời đại thông tin và kỹ thuật này, việc nhà có còn là chuyện đàn bà không?  Câu trả lời sẽ rất khác cho từng quốc gia, từng văn hóa trong một thiên niên kỷ mà giới tính trong giai đoạn chuyển tiếp, một thứ “gender in transition.”

Ðánh Vợ = Không Ly Dị

Sau khi phàn nàn về chuyện chợ búa, ông quay sang “nhận định” chuyện gia đình:
- Tôi viết cái bài cho lớp English 100 của tôi, lý luận chặt chẽ lắm!  Ngày trước Mỹ nó cũng như mình thôi!  Vợ ở nhà, chứ làm gì có ra đường!  Ðàn bà ra đường sinh ra lắm chuyện!
Và để kết luận, người đàn ông trung tuần này quả quyết về nguyên nhân tối hậu của nạn ly dị, “Tại ở Việt Nam đàn ông đánh vợ nên mới không ly dị.  Ở đây không dám đánh, nó ly dị đầy ra.  Bực chịu không nổi!”  Nếu có ai hoạt động trong lãnh vực chống bạo hành trong gia đình, chắc sẽ xin mời ông ấy đi “tĩnh huấn” vài hôm vì cái nhìn quá bạo động như vậy.  Không ai lấy việc đánh vợ làm nền tảng cho việc tránh đổ vỡ trong gia đình, nhất là lại không ngại ngùng phát biểu giữa chợ cuối tuần nghẹt kín người.

Nữ tính

J. thấp người, với bề ngang hơi quá cỡ.  “Hồi đó đi lính, người ta nam hóa mình.”  Mười sáu tuổi, J. sanh đứa con trai đầu lòng, rồi chưa kịp thấy mặt nó, đã ký gửi cho dịch vụ con nuôi.  Mười bảy năm sau, trong một lần lướt sóng trên mạng, cô tình cờ gặp lại con.  Chàng thanh niên ấy cũng giống cô ở chiều cao và bề ngang.  Gặp nhau ư?  “Khoan hẵng!”
Nếp sống trong quân đội không mấy êm ả như J. tưởng.  “Ai cũng biết quy luật, nhưng ngó lơ khi thấy đồng đội phạm luật vì mình cũng làm chuyện của mình.”  Cái thai của cô cũng trong một lần rượu chè quá đà mà ra.  Nhưng điều mà J. cảm thấy phẫn nộ nhất là “người ta đề cao nam tính, và bắt tôi phải tuột bỏ hết những gì là nữ tính.”  Cô không thích nấu ăn, giặt giũ, hay giữ gìn nhà cửa.  May vá thì miễn bàn.  Và đi đứng thì như quả banh lăn long lốc, cồng cộc như con gà trụi.  Và để gặp con lần đầu tiên sau bao nhiêu năm phân tán, J. vẫn còn cần chinh phục cái nữ tính của mình trước khi đối diện với cái hiện thực “làm mẹ” quá xa lạ này.
Ðể đáp ứng nhu cầu quân lực để cầm súng thời đệ nhị thế chiến, phụ nữ Mỹ được khuyến khích đầu ngũ để phục vụ quê hương.  Và chương trình thu nhận nữ quân nhân, cũng như phong trào nữ quyền tại Mỹ đòi hỏi quyền bầu cử và các quyền dân sự khác, đã làm cho vai trò của người phụ nữ trãi rộng trên nhiều bình diện khác nhau.  Cái vấn nạn mà phụ nữ đương đại vẫn đối diện từng ngày, là làm sao dung hòa công việc và gia đình, nhất là những công việc chuyên ngành đòi hỏi những chuyến công du xa hay những sinh hoạt cuối tuần.  Liệu những chọn lựa kia có đưa đến một đời sống tốt đẹp cho sinh hoạt gia đình và vấn đề nuôi dạy con cái không?

Lấy chồng ư?  Chi mà vội!

Bạn bè đồng lứa trong những buổi gặp gỡ hay vui đùa với nhau thường cắp đôi đứa này với đứa kia, hay hỏi chuyện đứa nào đã ra trường, đã có vợ có chồng.  Thời nay, người ta không gấp gì chuyện lập gia đình.  Các nữ tài tử Hollywood lắm cô sanh con đầu lòng ở tuổi ngoài bốn mươi.  Còn thanh niên thiếu nữ Việt ở Mỹ thì tự hỏi, “Sao lại phải cột chân sớm?”
Một nhiếp ảnh gia trẻ tại Little Sàigòn về Việt Nam hai tháng trời, để săn ảnh.  Nhưng cái mà anh “bắt” được qua lăn kính của mình vượt quá dự tính của anh.  Khi gặp những cô gái đôi mươi bán vé số, hay cảnh một cô dâu Việt Nam đang lên xe hoa với một chú rể Ðài Loan, anh mong là mình sẽ đến hỏi cưới những cô gái ấy ngay – để họ không phải khổ.  Anh cưới được mấy vợ, lo được mấy người đây?

Nữ hóa sự bần cùng

“Feminization of poverty” là một thực trạng được ghi nhận trên toàn cầu về tình trạng nghèo đói của phụ nữ.  Thống kê ghi nhận 70% dân số thế giới sống trong nghèo đói là phụ nữ (Gary Ferraro, 2004 tr. 258), và con số này chỉ tăng chứ không giảm.
Sự chênh lệch về ngạch lương ở Mỹ dựa theo giới tính vẫn còn nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ da màu.  Không nói đến số ít những phụ nữ đạt được thành tựu mỹ mãn trong công việc, như làm CEO hay giám đốc điều hành, phụ nữ ở Mỹ nói chung vẫn nằm trong gọng kềm của cái mà người ta gọi là “gender stratification,” hay nôm na sự giai cấp hóa theo giới tính.
Trong tất cả các nền văn hóa thế giới, từ thời hoang sơ khi con ngừơi còn sống nhờ vào hoa thú từ thiên nhiên, cho đến nền nông nghiệp cơ khí hóa, phụ nữ ngày càng bị phân biệt đối xử trong việc phân chia lao động.  Khi con người còn sống trong xã hội quần tụ, nhặt quả và săn thú, thì sự đối xử bình quyền trải đều trong tương quan xã hội và gia đình.  Mọi người cùng thu nhặt thức ăn, và cùng chia nhau tất cả.  Một khi xã hội nông canh hình thành, vai trò của người phụ nữ bắt đầu bị coi thường và những công việc của họ bị đánh giá là kém quan trọng và không có giá trị kinh tế.
Nguyễn Cao Hiệp, người khởi xướng Ðại Hội Nữ Nghệ Sĩ Việt Mỹ lần đầu tiên tại Hoa Kỳ trong năm 2004, phải khổ sở vì người ta cứ hỏi anh tại sao trong khi là một “mày râu” mà lại có ý tưởng tổ chức đại hội cho “nữ nghệ sĩ.”  Ái da, việc gì cần làm thì làm, tại sao phải đặt câu hỏi về giới tính ở đây?  Có lẽ cũng cần hỏi, vì tiếng nói và sự đóng góp của phụ nữ trong xã hội ngày nay vẫn chưa được nhìn nhận thỏa đáng.  Một số bạn trẻ nhận thấy giới văn sĩ, họa sĩ Việt Nam hải ngoại nhìn chung vẫn còn là diễn đàn của phái nam.

“Equity”

Cái chữ equity này, chúng ta nghe quen trong giới địa ốc hay dịch vụ tài chánh.  Nhưng trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, hình như không thấy người ta nhắc đến chữ này trong tương quan nam nữ.  Chúng ta có bàng quang không về một trong những vấn đề khá mấu chốt mà thế giới đang quan tâm?
Chuyện bình quyền dựa trên giới tính chỉ là một trong nhiều cái bình quyền mà xã hội dân chủ đòi hỏi và mong đạt đến.  Tuy nhiên, từ tâm lý đến thể chất, nam nữ vốn khác biệt nhau.  Nam nữ tương quyền chắc vẫn hay hơn là bình quyền.  Vì như vậy, mỗi phái đều có cái quyền được khai triển trọn vẹn sở trường của họ mà không thấy bị áp lực xã hội phải “phô trương nam tính” hay “che giấu nữ tính.”  Mỗi giới tính sẽ có cái đất dụng võ riêng.
Những câu ca dao tục ngữ vẫn cho chúng ta những bằng chứng về “nữ quyền” ở Việt Nam.  “Lệnh ông không bằng cồng bà.”  “Vợ muốn là trời muốn.”  Người ta vẫn nói, ở nhà thì bố có uy, nhưng mẹ nắm tất cả mọi quyết định.  Tuy nhiên, để áp dụng thuyết nam nữ tương quyền, nếu vợ chồng cùng vâng lời nhau, thì thế giới sẽ đi vào một giấc tiềm sinh êm ái.

Black Racoon phản ánh sau khi đọc bài viết:

Lệnh ông không bằng cồng bà.
Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Có bà Triệu Tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân
(Ca dao)

Cồng và lệnh là 2 loại nhạc khí của người Bách Việt (Yueh) phương Nam. Bài ca dao trên cho thấy người VN thời bà Triệu cách nay 1,800 năm đã xử dụng cái cồng rất rộng rãi. Cái lệnh thì tôi không biết (hay là chiêng?). Cồng, ngày nay rất quen thuộc trong bộ sưu tập của thế giới qua cái tên Gong. Gong tìm thấy nhiều ở VN, Mã Lai, Philippines và Indonesia.

Nhưng vấn đề là tại sao lại cồng của bà mà lệnh của ông? Tiếng cồng rất trầm ấm và vang xa. Tiếng lệnh có lẽ là oang oang, chát chúa, tục ngữ VN: giọng như lệnh vỡ.
Câu trả lời “cồng của bà lệnh của ông” tuy vậy là một nghiên cứu biên khảo rất dài thuộc phạm vi triết học. Triết học lưỡng nghi hoặc âm dương yin yang. Có một điều khá hiển nhiên là người Hoa không có cồng. Họ chỉ có phèng la 鑼. TQ khi nghiên cưú cồng thì hoặc là dùng chữ Gong, hoặc là dùng chữ 鑼,锣 (simplified) để thay thế một cách miễn cưỡng. Cái phèng la thì ai cũng biết khi xem đám múa lân. Tiếng của nó ồn ào, chèn chẹt, đâm ngang.

Tóm tắt:

Nói đi cũng phải nói lại. Từ “lệnh ông không bằng cồng bà” đến pháp lý hóa xã hội vấn đề gia đình và nam nữ có một khoảng cách khá dài. Dù gì thì người phụ nữ và trẻ em tại Mỹ chẳng hạn vẫn được bảo vệ rất kỹ lưỡng và an toàn. Điều lợi trước mắt khi người phụ nữ đi làm việc là họ khá vững tâm trước mấy chuyện bờm sờm của các nam đồng nghiệp và chủ nhân nào hơi bị… dê cụ.

Nếu để ý, quý vị sẽ thấy người phụ nữ Mỹ không chỉ có tính cách mạnh mẽ cười to đi nhanh, họ cũng còn nhiều nét duyên dáng khác. Vơí điều kiện các anh đàn ông phải là những gentlemen tối thiểu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét