khktmd 2015
Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013
Siêu bão Haiyan do biến đổi khí hậu gây ra? "Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu": thời tiết trời đất thay đổi bất thường làm "em" Hải Yến nổi cơn điên, "quậy" quá chừng !
Giữa lúc một cơn bão nhiệt đới khác nữa đang ập vào Philippines chỉ vài ngày sau khi bão Haiyan tàn phá một số nơi trong khu vực, Ủy viên đặc trách vấn đề biến đổi khí hậu Philippines đã dùng những lời lẽ hùng hồn để kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiện tượng nhà kính. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA đã tiếp xúc với các nhà khoa học khí tượng và giới hoạch định chính sách để tìm hiểu xem phải chăng những sự tàn phá do bão Haiyan gây ra mới đây là dấu hiệu mới nhất của hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.
Các nhà khoa học nói bão Haiyan là một trong những cơn bão mạnh nhất từng ập vào bờ từ trước tới nay.
Câu hỏi được đặt ra tại đây là liệu có phải biến đổi khí hậu do con người gây ra, là nguyên nhân gây ra cơn bão này? Ông Bob Ward thuộc Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu tại Trường Kinh tế London, nhận xét:
"Chắc chắn là có chứng cớ gián tiếp mạnh mẽ ủng hộ lập luận này bởi vì chúng ta biết rằng sức mạnh của các loại bão, như bão nhiệt đới xuất hiện ở Nam Thái bình dương -tức tropical cyclones, bão ở Đại Tây Dương -Hurricane, và bão ở Tây-Bắc Thái bình dương – gọi là typhoon, phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ của bề mặt nước biển. Nhiệt độ có chức năng tương tự như nhiên liệu. Nước rất ấm ở Thái Bình Dương vào thời điểm này, và nhiệt độ ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, chính những vùng nước biển rất ấm này là nhiên liệu làm tăng cường độ của cơn bão."
Thi thể các nạn nhân thiệt mạng vì bão Haiyan tại thành phố Tacloban.Thi thể các nạn nhân thiệt mạng vì bão Haiyan tại thành phố Tacloban. Ông Ward nói cường độ của các cơn bão dường như đang tăng.
" Mô hình nghiên cứu của chúng tôi không mấy rõ ràng vào lúc này, nhưng điều chúng ta có thể dự kiến là sẽ có ít bão hơn trong tương lai, nhưng những trận bão xảy ra sẽ mạnh hơn nhiều, so với những trận bão chúng ta được chứng kiến bây giờ."
Tại khu vực lâm nạn ở Philippines, ở những nơi như thành phố Tacloban, cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy có nghĩa là chính quyền và các cơ quan cứu trợ phải chật vật xoay sở để phân phối thực phẩm và nước uống.
Ông Benedict Dempsey thuộc Tổ chức Cứu trợ Nhi Đồng - Save the Children, cho biết các dự báo chính xác đã cho phép một số nhân viên cứu trợ được phái tới hiện trường trước khi cơn bão ập vào bờ.
"Ít nhất 6 người đã đi về hướng đi của bão để có thể chuẩn bị cho kế hoạch ứng phó với hậu quả bão tại Tacloban và các địa điểm bị tác động khác ở Philippines."
Và theo lời ông Dempsey, các cơ quan cứu trợ sẽ phải tìm cách thích ứng với tình trạng là những thiên tai như thế này sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
"Từ năm 2002 tới năm 2011, trung bình mỗi năm có hơn 260 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cho nên chúng ta đang chứng kiến xu hướng này xảy ra trên thực tế, và chúng ta chắc chắn phải chuẩn bị để có thể ứng phó trong tương lai. "
Ông Benny Peiser, giám đốc của Quỹ Chính sách Tăng nhiệt Địa cầu – một tổ chức có thái độ hoài nghi về lập luận cho rằng con người đã gây ra biến đổi khí hậu - nói chúng ta nên tập trung vào công tác chuẩn bị ứng phó với thảm họa thay vì tìm cách cắt giảm khí thải gây hiện tượng nhà kính.
"Chúng ta cần giúp các nước không may mắn tăng cường khả năng chịu đựng để có thể đối phó tốt hơn trước các cơn bão, dù gì cũng sẽ xảy ra. Đây là trận bão nhiệt đới thứ 20 đã đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Vì vậy, bão sẽ xảy ra bất kể là chúng ta có quyết định như thế nào về khí carbon."
Tại các cuộc thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Ba Lan, đại diện Philippine đã mạnh mẽ kêu gọi một thỏa thuận nhằm cắt giảm khí thải gây hiện tượng nhà kính. Khoa học gia Bob Ward nói các đại biểu tham gia hội thảo nên chú ý tới lời kêu gọi đó.
"Tôi nghĩ rằng cơn bão Haiyan sẽ khiến cho nhiều người tập trung chú ý tới sự kiện là nếu chúng ta cứ tranh cãi và trì hoãn nỗ lực đạt được một thỏa thuận, chúng ta sẽ phải chứng kiến ngày càng nhiều các sự kiện như thế này, và con người sẽ phải trả một giá rất đắt."
Nhưng các nhà quan sát tại các cuộc thảo luận ở Warsơva nói có lẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể đạt được một thỏa thuận để cắt giảm lượng khí thải gây hiện tượng nhà kính.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét