khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Nghề Tay Trái - Tác giả Ts Nguyễn Minh Hiệp

 

Tôi học Lý Hóa là ngành chính nhưng làm việc thư viện và nghề tay trái là dạy Tiếng Anh. Năm 1976 tôi được ĐHTH Huế chỉ định dạy Tiếng Anh không chuyên cho hai Lớp Văn và Toán. Khi đó đại sư phụ của tôi là Thomas Melia đã cuốn gói về nước và những sư phụ tài năng lại “ngồi chơi xơi nước”. Các thầy thường gặp nhau tại quán cà phê và hỏi nhau “How are you?” có nghĩa là “Đã được đi dạy lại chưa?”. Các thầy chờ xét lý lịch! Vì dạy Tiếng Anh nên các thầy có dính dáng nhiều đến Mỹ.
​Khi chuyển công tác vào ĐHTH TP HCM, tôi đãm nhận việc dạy Tiếng Anh cho cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Hồi đó một đơn vị chỉ được ghi danh học một người. Lớp học tối đa 40 người. Đăng ký học phải có giấy giới thiệu cơ quan và khi đóng tiền học thì phải mượn sổ lương từ Phòng Tài vụ đến để chứng minh mình thực sự là cán bộ nhà nước. Nhu cầu học cao nhưng nhà trường chỉ mở một lớp. Khi tôi để nghị mở thêm lớp thì Ông Khoa trưởng Ngoại ngữ nói rằng “Ta chỉ phát triển ngôn ngữ của Lê Nin thôi, tiếng Anh như thế là đủ rồi”.
​Trong lớp tôi dạy hồi đó có Thầy Khởi là Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến Trúc, là con rễ của Ông Trường Chinh. Ông nói với tôi rằng:
- Trường Kiến trúc có nhu cầu bồi dưỡng Tiếng Anh cho giảng viên, nhưng chỉ có mình tôi được đi học. Thầy có cách nào giúp nhà trường.
- Học chui. Tôi đề nghị.
Thế là sau đó, trường ĐH Kiến trúc mời tôi về dạy Tiếng Anh cho toàn thể giảng viên và cán bộ nhà trường. Hai năm sau, tình thế thay đổi Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy chính thức cho sinh viên. Tôi tiếp tục giúp ĐH Kiến trúc xây dựng chương trình giảng dạy nầy. Hồi đó Đại học toàn quốc giảng dạy theo quy chế “chuyển giai đoạn”: sinh viên thi đậu vào ĐH, học xong 2 năm thì phải thi chuyển giai đoạn, thi đậu mới tiếp tục học để tốt nghiệp còn hỏng thì phải ra khỏi trường. Đối với Trường ĐH Kiến trúc, hai môn thi chuyển giai đoạn là “Kiến trúc” cho khối Kiến trúc và “Sức bền vật liệu” cho khối Xây dựng và môn thứ hai là Tiếng Anh. Hồi đó tôi dạy Tiếng Anh cho cả hai khối Kiến trúc và Xây dựng.
Tiếng Anh trở thành môn “hot” cho sinh viên trong giai đoạn này. Không biết từ bao giờ sinh viên đã gọi tôi là “đệ nhị sát thủ”; đệ nhất là Thầy Quang dạy Toán.
Năm nọ có 6 sinh viên Campuchia sang học. Biết tôi là sát thủ nên Thầy Hiệu trưởng đã dặn dò tôi rằng:
- Sáu cậu Campuchia này là nạn nhân của Pôn Pốt. Chúng được quy hoạch sau này sẽ lãnh đạo đất nước Campuchia. Thầy cố gắng đừng cho chúng rớt.
- Như thế thì phải phụ đạo, tụi nó kém lắm.
Sau đó tôi mang về nhà dạy phụ đạo một tuần 3 buổi tối. Sáu cậu đậu hết, sau nầy làm đến chức vụ gì bên Campuchia tôi không biết.
Trong xóm thấy tôi dạy Tiếng Anh nên cho con em đến học ở nhà. Thế là nhà tôi cũng trở thành một lớp học. Cũng vui! Trong số học trò dạy ở nhà tôi có một học sinh đặc biệt: chỉ có một thầy một trò. Hồi đó ban đêm cúp điện một tuần 3 lần. Nhưng học trò nầy có nhu cầu phải học gấp Tiếng Anh cho nên thường xuyên ban đêm 1 thầy 1 trò với 1 ngọn đèn dầu. Trò nầy là học sinh giỏi chuyên toán Trường Lê Hồng Phong được cử đi thi Toán Quốc tế. Tôi có nhiệm vụ trang bị cho trò nầy vốn Tiếng Anh đủ để đi dự thi. Trò đi thi và đoạt được giải. Trò nầy về sau trở thành một đại gia sáng lập công ty IES nổi tiếng ở Việt Nam. Bây giờ cả gia đình đang định cư ở Canada.
Tôi dạy Tiếng Anh cho lớp Cao học đầu tiên của ĐH Kiến trúc, hầu hết sinh viên là Giám đốc Sở Xây dựng của các tỉnh thành Phía Nam, nhưng tôi không quan tâm điều đó. Cho đến hôm tôi chuẩn bị đi Mỹ lần thứ hai vào năm 1996. Rất ưu tư là tôi chuẩn bị tái thiết ngôi nhà mà sắp đi rồi vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Tôi tâm sự điều này với vị Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kiến Trúc, bà ta nói rằng:
- Tại sao Thầy không nói học trò của Thầy Ký giấy phép cho.
- Học trò tôi là ai?
- Tuấn, học trò đang học với Thầy đó. Hắn là Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM. Còn vợ chồng Trang Bảo Sơn là Kiến trúc sư trưởng đều đang học với Thầy.
Có tiếng nói của học trò, giấy phép xây dựng được làm theo cách đặt biệt. Thay vì từ Phòng Xây dựng Quận Phú Nhuận khảo sát chuyển hồ sơ lên Sở duyệt. Thì bây giờ ngược lại, Sở khảo sát xong ra lệnh Phòng tiến hành làm thủ tục. Bốn ngày sau có giấy phép.
Trong quá trình dạy học của tôi, thời gian dạy Tiếng Anh ở ĐH Kiến Trúc là tôi thích nhất. Tôi đã cố gắng thể hiện đúng phong cách giảng dạy của các vị Thầy mà tôi đã từng học thời sinh viên ở Viện ĐH Huế. Học hành thi cử đàng hoàng đánh giá được khả năng và thiện chí học của sinh viên. Tôi có thể và có quyền làm đúng những gì mình muốn làm không bị một áp lực nào hết. Mặc dù có mang tiếng sát thủ.
Các bạn sinh viên học Tiếng Anh đã 12 năm rồi ở Trung học. Bắt đầu học với tôi, tôi hỏi trình độ các bạn ra sao thì tất cả cười một cách rất dễ thương. Tôi hiểu nụ cười đó cho nên đã nói với các bạn rằng:
“Tôi là người đã làm việc gì thì phải đạt được hiệu quả. Tôi sẽ giúp các bạn đạt được hiệu quả trong việc học tập Tiếng Anh. Hiệu quả ở đây không phải là chỉ để đối phó với kỳ thi chuyển giai đoạn mà giúp cho các bạn thăng tiến nghề nghiệp về sau vì Tiếng Anh quá cần thiết và quan trọng. Học tập Tiếng Anh là tạo nên phản xạ. Do đó TẬP nhiều hơn HỌC và phải tập THƯỜNG XUYÊN. Tôi có cách giúp các bạn thực hiện điều này bằng cách cho các bạn bài tập rất nhiều. Bắt đầu từ hôm nay các bạn phải chia đều thời gian để ngày nào cũng bỏ thời gian để làm bài tập để tạo sự THƯỜNG XUYÊN dần dần đi đến THÓI QUEN hàng ngày. Phương pháp của tôi là THIỆN CHÍ BẮT BUỘC dần dần tạo nên THÓI QUEN và sẽ trở thành NIỀM VUI (Tức là đạt đạo).
THIỆN CHÍ BẮT BUỘC là các bạn phải làm bài tập hàng ngày vì nhiều quá không làm hết một lúc. Phải viết ra cẩn thận, gạch dưới bằng thước để tỏ ra có thiện chí học. Bài tập làm được thì làm, làm không được thì chép lại của bạn giỏi hơn. Tôi chỉ yêu cầu khi chép của bạn thì phải biết mình chép cái gì. Đó là cách tôi khuyến khích các bạn học nhóm (Học thầy không tày học bạn). Bài tập các bạn làm tôi không chấm. Tôi chỉ xem qua và đánh giá THIỆN CHÍ học của các bạn như thế nào. Nếu đạt yêu cầu thì được 1 điểm. Cuối học kỳ phải đạt được số điểm theo yêu cầu của tôi mới được dự thi cuối khóa. Các bạn làm tốt thì được cộng thêm 1 điểm thi cuối học kỳ. Các bạn nộp bài cho tôi mà không biết có điểm hay không là do THIỆN CHÍ học của các bạn. Các bạn sẽ bị ÂM THẦM LOẠI nếu thiếu Thiện chí. Cái THIỆN CHÍ BẮT BUỘC của tôi tự nhiên sẽ giúp các bạn có THÓI QUEN và dần dần chính các bạn sẽ tự tìm thấy NIỀM VUI.”.
Phương pháp giảng dạy của tôi có hiệu quả trong thời gian tôi hợp tác với Trường ĐH Kiến trúc. Tôi kể vài chuyện minh họa:
Cuối năm 1994, tôi trở lại trường ĐH Kiến trúc sau hai năm du học Hoa Kỳ. Một sinh viên đã học Tiếng Anh với tôi mấy năm trước đã tìm tôi tâm sự:
– Thầy ơi, nhờ động viên của thầy, hiện em đang học thêm Cử nhân Tiếng Anh tại chức tại ĐH Xã hội-Nhân văn. Nhưng niềm vui nhất của em xin được chia sẻ với thầy là em vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Thành phố xanh” của SONY. Nếu không có thầy dạy dỗ và động viên học tiếng Anh thì em sẽ không bao giờ nghĩ tới chứ đừng nói là tham gia cuộc thi mà từ bài viết cho đến lúc ra bảo vệ trước hội đồng đều phải dùng tiếng Anh.
Một lần khác tôi đang đi vào quán bia Hoa Viên với bạn thì bất chợt gặp một thanh niên to cao vồn và chào hỏi rồi ôm chầm tôi và nói:
– Thầy Hiệp. Trên chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam lần này tự nhiên em có linh tính gặp thầy và quả nhiên em được gặp thầy. Thầy có nhận ra em không, em là sinh viên Kiến trúc hồi trước học Tiếng Anh với thầy nè.
Rồi em day qua một người đứng tuổi bên cạnh và nói:
– Em xin giới thiệu với thầy đây là ba em cũng là thầy giáo dạy Lý ở Quãng Ngãi. Em về nước để đưa ba em sang dự lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của em tại MIT. Ba ơi đây là thầy Hiệp mà con từng nói với ba là người đã tạo nguồn cảm hứng cho con học Tiếng Anh. Cám ơn thầy, nhờ thầy mà em có được ngày hôm nay.
Tôi đã rất xúc động và hạnh phúc. Đấy cũng là đề tài mà tôi thường kể cho thế hệ sinh viên của tôi sau này nhằm động viên cho họ trong việc học tập Tiếng Anh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét