Dạo ấy, vào khoảng giữa năm 1968 đang vui bình thường tôi bỗng trở nên buồn, chiều chiều không còn hứng thú thả rong xe jeep ra khu phố chợ xã ngắm cái lèo tèo của những căn nhà đang có vẻ vội vã chuẩn bị rút vào đêm, thời chiến tranh người ta đi ngủ sớm với suy nghĩ mong manh là giấc ngủ có thể làm quên lo âu gì đó.
Trở nên buồn vì lúc ấy tôi đã ở lính được hơn 2 năm, chỉ còn không đầy hai năm nữa là được giải ngũ trở về nghề dạy học mà tôi yêu thích thì quân đội VNCH có lệnh đình chỉ giải ngũ vì mới ban hành luật tổng động viên. Hai năm mặc áo lính, đêm đêm vẫn nhìn thấy vùng sáng ánh đèn của Sài Gòn vì chỉ cách nhau hơn chục cây số đường chim bay. Buồn khi không được gỉai ngũ về với ngôi trường tỉnh lẻ có những “viên thuốc an thần” áo trắng ăn hàng và quay cóp của riêng tôi.
Trong tâm trạng ấy, tôi được ông đơn vị trưởng kêu lên, bảo biết tôi không có ý tiến thân bằng con đường lính tráng, nhưng ông lại bảo ở lính lâu dài phải kiếm lấy một ám số chuyên nghiệp thay vì mang ám số bộ binh tác chiến có ngày sẽ khổ. Rồi ông nói như ra lệnh “Chuẩn bị, ta cho chú mày đi học khóa Sĩ quan tiếp liệu 6 tháng”. Ít ngày sau tôi đi học khóa ấy tại trường Tiếp vận, cùng với tôi có hơn 40 sĩ quan cấp úy thuộc nhiều quân binh chủng trong đó tôi mang cấp thấp nhất, thiếu úy.
Chương trình học thuần về chuyên môn kỹ thuật tiếp vận nên chỉ học tại phòng và thật nhanh chóng nhiều người nhận ra lớp có hai người học giỏi - tôi và anh, Hải quân đại úy Ngụy Văn Thà. Chúng tôi cũng nhanh chóng thành bạn của nhau vì anh tính cẩn thận, chăm chỉ, ít nói và thư sinh, dáng hơi thon thả như con gái. Chúng tôi không xưng hô nhau theo cấp bậc mà là “Toa, moa”, giờ giải lao cặp chúng tôi xuống căng tin cũng ngồi riêng một bàn, chuyện các môn học là chính.
Kết thúc khóa học, điểm số tôi cao hơn anh một chút, theo cô nữ quân nhân ở văn phòng trường thì đương nhiên tôi đậu thủ khoa nhưng vài ngày sau cô này bảo ông chỉ huy trưởng muốn thủ khoa phải có cấp bậc cao hơn! Cuối cùng cũng cô này lại cho tôi hay, Thà được chọn thủ khoa nhưng anh nhất định từ chối nói điểm ai cao người ấy được. Thật ra với tôi chuyện ấy chẳng có nghĩa gì bởi tôi là lính trừ bị, còn với lính hiện dịch chọn binh nghiệp như Thà thì điều đó cũng đáng nói. Nhưng anh đã nói không với nó và nín thinh không hề nói gì với tôi. Tôi hiểu thêm anh là người trí thức tự trọng, và mãn khóa chúng tôi chia tay về đơn vị, bặt tin nhau từ đó nhưng hình ảnh con người hiền lành, giỏi ấy còn mãi trong tôi.
Cho đến một ngày, tin báo chí Sài Gòn cho biết Hạm trưởng Ngụy Văn Thà trong bộ quân phục cấp tá quân đội VNCH đã tử trận trong khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của VN. Còn nhớ bài báo có chi tiết Thà có thể ra lệnh rút lui nhưng lệnh của anh là mọi người lần lượt xuống ca nô đào thoát còn anh thì ở lại chìm theo tàu đúng quy định (?) của hải quân VNCH lúc đó.
Nay thì đã 40 năm, đảo Hoàng Sa còn đó, nhưng nói theo như vẫn nói, là vùng tạm bị chiếm. Sau Ngụy Văn Thà ít năm có nhiều người lính VN dưới màu áo Quân đội Nhân dân VN hy sinh tại đó vì Tổ quốc mình, Tổ quốc chúng ta. Họ được nhắc nhớ, tôn vinh là hoàn toàn chính xác, bởi ai đã mang thân bảo vệ tổ quốc mình người ấy đều là người yêu nước, có công với nước nhất là công ấy đóng bằng xương máu của chính họ.
Không phải người có nhãn quan chính trị, chỉ là một công dân bình thường, một người VN thuần túy…sáng nay chợt nhớ đến người bạn dễ mến năm xưa, tôi nghĩ người VN Ngụy Văn Thà đã bảo vệ Tổ quốc và chọn biển Đông làm nấm mồ, thì những người VN hôm nay cũng phải chọn Hoàng Sa làm đài tưởng niệm cho những người như vậy. Vấn đề không thể cứ nhìn lâu dài ở màu cờ sắc áo mà là ở chỗ “bán nước” hay “giữ nước”! Chỉ là và...phải là một tấm lòng biết ơn một cách công bằng, truyền thống của dân tộc đối với những ai vị quốc vong thân, phi vật thể nhưng tình nghĩa đó là vô giá và rất cần thiết!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét