Năm nay là lần đầu tiên tôi ghé Sài Gòn Nhỏ sau đại dịch. Có dịp đi đây đó, gặp bạn bè và bà con, và quan sát, nên ghi lại vài cảm nghĩ như là một kỉ niệm.
Phố xá Sài Gòn Nhỏ có vẻ mở rộng hơn so với mấy năm trước. Từ xa lộ 405 (?), quẹo vào đại lộ Brookhurst đi vào trung tâm Sài Gòn Nhỏ dễ dàng thấy dấu hiệu của người Việt khắp nơi. Hàng quán và phố xá tràn ngập các đại lộ chung quanh khu Phước Lộc Thọ. Tôi thấy hình như hàng quán nhiều hơn so với thời trước đại dịch. Có vài quán phở mới rất ngon, các chuỗi quán bánh mì, quán cà phê Trung Nguyên và nhiều tiệm chuyển hàng hoá về Việt Nam.
Có lẽ một phần là nhờ đầu tư từ các ‘đại gia’ ở Việt Nam sang, một phần là tăng trưởng tự nhiên của một cộng đồng năng động. Một số thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn đã sang tận nơi đây, và phong cách Việt sau này không thể lầm lẫn được. Họ (những người Việt định cư gần đây) đem lại một sinh khí mới cho thành phố được mệnh danh là “Thủ đô của người Việt tị nạn.”
Tới Sài Gòn Nhỏ người Việt thấu hiểu ngay câu “Chúng ta đi đem theo quê hương”. Nói đúng ra là đem theo văn hoá Việt Nam, đặc biệt là miền Nam thời trước 1975. Văn nghệ, báo chí, ẩm thực, cách ứng xử (thanh lịch cũng như thực dụng) thời trước 1975 đều được tái hiện ở Sài Gòn Nhỏ. Những thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975 đều được ‘phục dựng’ ở đây.
Tôi thích mấy quán cà phê rộng rãi, và món bánh mì baguette thiệt khó chê. Ở những quán này, tôi có dịp hội ngộ bạn bè, nghe những chuyện vui buồn trong năm, và nghe lén cả chuyện thời sự cộng đồng. Nghe những câu chuyện bên tách cà phê, tôi có cảm giác như chúng ta không chỉ đem theo quê hương sang bên này, mà chúng ta còn mang cả giận hờn, thậm chí hận thù, sang đây. Âu cũng là dư chấn của một cuộc chiến huynh đệ suốt 21 năm trời.
Vể ẩm thực, tôi nghĩ khó có nơi nào có những món ăn thuần Việt mà ngon như ở đây. Từ những món bình dân như phở, mì, bún, cơm đến những món ‘sang’ và Tây thì quả thật Sài Gòn Nhỏ hơn hẳn những nơi có đông người Việt trên thế giới. Có một món tôi không thể nào bỏ qua khi ghé Little Saigon: món cơm tấm. Món cơm tấm ở đây phải nói là ngon nhứt thế giới. Dĩa cơm tấm ‘phong phú’ và giàu chất dinh dưỡng, kèm theo một chén súp, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi nói câu đó ('cơm tấm ở Little Saigon ngon nhứt thế giới') cả 100 lần mà không sợ sai.
Ở đây, không có khái niệm ‘thực phẩm sạch’, bởi nó phải … sạch thì mới bán được. Món bánh mì thịt của Việt Nam đã được đồng hương nâng cấp và ‘công nghệ hoá’, làm cho nó hấp dẫn hơn đối với khách hàng nước ngoài. Một thói quen của tôi là trước khi ra phi trường tôi ghé đây mua một ổ bánh mì thịt để thưởng thức trên máy bay.
Mấy năm trước tôi thấy báo chí ở đây rất nhộn nhịp và phong phú, nhưng năm nay thì phải nói là đìu hiu. Chỉ còn vài tờ báo được bày bán ở các sạp trong siêu thị, và nội dung thì cũng không phong phú như xưa. Youtube cho ra đời nhiều ngôi sao tôi tạm gọi là ‘Nhà báo công chúng’, họ có khả năng thu hút một lượng khán giả khá lớn. Có người tuy không được đào tạo bài bản về báo chí, nhưng họ đọc nhiều, đọc rộng, có trí nhớ tốt, và năng lực phân tích rất tốt, hơn hẳn những người gọi là ‘chánh thống’. Họ dĩ nhiên là chủ quan, nhưng ngôn ngữ của họ phản ảnh suy nghĩ của những thường dân gốc Việt.
Đồng hương ở đây đang chuẩn bị cho ngày lễ kỉ niệm 50 năm người tị nạn định cư ở Sài Gòn Nhỏ. Tôi nghĩ đồng hương ở đây có nhiều lí do để ăn mừng 50 năm định cư và tạo dựng nên Sài Gòn Nhỏ. Từ một cách đồng trồng cam, người Việt đã biến thành một khu đô thị sầm uất, trù phú, một điểm đến của bất cứ đồng hương nào ghé thăn nước Mĩ. Người Việt ở đây đã để lại những dấu ấn tích cực không thể phai nhoà trong lịch sử định cư của người Việt ở Mĩ. Sài Gòn Nhỏ có sức thu hút rất lớn. Nói chuyện với các đồng hương sắp về hưu đang ở các tiểu bang khác, tôi thấy hầu hết đều muốn về sống ở Sài Gỏn Nhỏ sau khi nghỉ hưu. Chính tôi cũng nhiều lần có ý tưởng nghỉ hưu ở đây. Sài Gòn Nhỏ không hổ thẹn là 'thủ đô của người Việt tị nạn.'
Những người Việt qua định cư sau này (còn gọi là 'di dân kinh tế') có lẽ không hiểu hết những khó khăn của thế hệ người tị nạn đã tạo dựng nên khu trù phú này và đấu tranh để có cái địa danh "Little Saigon" chúng ta gọi ngày hôm nay. Những người qua định cư sau này có cái may mắn là họ có nhiều tiền, nhưng họ thiếu cái vốn văn hoá, lúc nào cũng nhìn thế hệ trước bằng con mắt khinh khỉnh và đầu óc bị tẩy não sau này, nên có lẽ vì thế mà họ khó hoà nhập với thế hệ trước.
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Little Sài Gòn, tôi được kí giả Mặc Lâm phỏng vấn về những kỉ niệm của tôi đối với Sài Gòn Nhỏ. Dù không phải là cư dân của Sài Gòn Nhỏ, tôi lúc nào cũng cảm thấy gắn bó với địa phương này vì có nhiều bà con và bạn bè ở đây. Anh ấy hỏi về những đóng góp của tôi cho chuyên ngành loãng xương trên thế giới, và tôi vui vẻ kể lại hành trình từ lúc ở Mĩ về Sydney là những cơ duyên ra sao. Cũng là một dịp để ôn lại quá khứ vui buồn ở xứ Cờ Hoa. Xin nói thêm rằng anh ấy nay đã nghỉ làm báo và nổi tiếng với trang youtube dạy nấu ăn (link: https://www.youtube.com/@MaclamsKitchen).
Vui nhứt là gặp bà con và bạn bè. Tôi quen khá nhiều bạn văn nghệ ở đây từ những ngày còn ở Mĩ nhiều năm trước. Năm nay quay lại thì thấy vắng nhiều người. Có người qua đời trong trận đại dịch, nhưng cũng có người ra đi vì tuổi già. Một thằng em họ tôi ra đi ở tuổi 64 làm tôi sốc. Chợt nhớ câu nói của một anh bạn rằng ở tuổi này gặp nhau ngày nào thì hãy tận hưởng hạnh ngộ ngày đó vì khó biết ngày sau sẽ ra sao.
Sài Gòn Nhỏ là niềm tự hào của người Việt ngoài nước và cả trong nước. Quá trình phát triển của Sài Gòn Nhỏ trong 50 năm qua là biểu tượng và minh chứng cho sức sống và năng lực vươn lên của người Việt trong môi trường tự do. Dù còn nhiều chuyện có vẻ 'messy', nhưng trong môi trường đó, người Việt sẽ làm cho các nước chung quanh hổ thẹn — một kí giả Mĩ viết như thế. Có lẽ Lý Quang Diệu đã thấy trước năng lực này nên ông ấy không muốn người Việt tị nạn sau 1975 định cư ở một hòn đảo gần Singapore.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét