khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Như thế nào là tiếng Việt chuẩn? - Tác giả Trần Hồng Vân

 

Tuy có một số bất đồng nhưng nhìn chung các tài liệu nghiên cứu thống nhất tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường, ngành Mon-Khmer, họ Nam Á. Tiếng Việt đã trải qua hàng nghìn năm phát triển cùng với sự di dân của người Việt cổ từ khu vực miền núi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, sang đến Trung Lào ra phía Bắc, Thanh Hoá, Hoà Bình, Sơn La, Vĩnh Phú. Vì vậy, một nhánh của tiếng Việt cổ vẫn giữ đặc điểm tiếng của cư dân Katu, Bana, Khmer trong khi đó, có một bộ phận người Việt cổ di cư ra Bắc, tiếng Việt của họ tiếp xúc với cư dân nói ngôn ngữ thuộc họ Thái-Kađai (như tổ tiên của người Tày, người Nùng,...) dẫn đến việc tiếng Việt cổ dần mất đi nhiều nét Mon-Khmer vốn có trong nguồn gốc của mình để chuyển thành ngôn ngữ âm tiết tính như ngày nay.

Tiếng Việt đã có thanh điệu từ xưa hay sau này mới có?

Tiếng Việt cổ xuất phát từ nhóm Việt Mường là ngôn ngữ không thanh điệu, do giao thoa với tiếng Thái-Ka-đai và tiếng Hán mà dần dần phát triển có diện mạo như ngày nay, bao gồm 6 thanh điệu: thanh ngang, thanh huyền, thanh ngã, thanh hỏi, thanh sắc và thanh nặng. Cũng do ảnh hưởng của tiếng Hán, tiếng Việt cổ của người miền xuôi cũng dần khác so với tiếng Mường của cư dân ở các vùng miền núi như Hòa bình, Sơn la, Phú thọ và trở thành ngôn ngữ có ít điểm tương đồng nhất với các ngôn ngữ khác trong ngữ hệ Nam Á.

Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đã chấm dứt 1000 năm đô hộ phong kiến phương Bắc. Sự kiện lịch sử này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của tiếng Việt?

Khi nước An nam giành được độc lập, mang tên mới là Đại Cồ Việt, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói. Đây là một loại chữ được tạo ra theo nguyên tắc và trên cơ sở của tiếng Hán. Từ đó, chữ Nôm đã tồn tại và phát triển song song cùng chữ Hán.

Những diễn biến trong lịch sử tiếng Việt giúp giải thích tại sao tiếng Việt nghe vừa giống tiếng Lào, tiếng Campuchia, tiếng Thái nhưng cũng giống tiếng Trung.

Tiếng Việt cổ nghe như thế này:

Con blâu uấng nác krông cạnh bụi tle. ( Có nghĩa: Con trâu uống nước sông cạnh bụi tre)

Nói mlời phải giữ lấy mlời. (Có nghĩa: Nói lời phải giữ lấy lời)

Chữ quốc ngữ có từ bao giờ?

Học giả Đỗ Thông Minh (BBC phỏng vấn): Tiếng Việt rất phức tạp về âm, do vậy thời gian để La tin hóa rất khó khăn. Tiếng Việt có 6 dấu, nhiều nguyên âm đôi, nguyên âm ba, phụ âm đôi. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hàng ngày chúng ta nói thì sử dụng khoảng 7-8 ngàn âm, nhưng tổng số âm trong tiếng Việt lên tới 15 ngàn âm và có khoảng 5 ngàn âm chưa dùng. Có thể nói Việt nam có thể nghèo về các lĩnh vực nào chứ về âm thì chúng ta giàu bậc nhất thế giới. Tiếng Trung, tiếng Quảng đông có 6-7 dấu, và có 6-7 ngàn âm, tiếng Quan thoại có khoảng 3 ngàn âm. Tiếng Nhật là nghèo nhất về âm, chỉ có 120 âm. Chính vì hệ thống âm phức tạp như vậy và việc chuyển từ ký tự chữ Hán sang La tin bắt đầu từ thế kỷ 17 mà đến thế kỷ 20 mới gọi là gần như hoàn thành, là mất gần 300 năm.

Sự hình thành chữ quốc ngữ gắn liền với sự truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây vào thế kỉ thứ 17. Chữ quốc ngữ được xây dựng theo nguyên tắc ghi âm dùng chữ Latin, loại chữ được dùng phổ biến từ lâu ở châu Âu vào thời đó. Các giáo sĩ phương Tây áp dụng nguyên tắc này vào việc ghi âm tiếng Việt, tạo ra một thứ chữ thuận lợi hơn cho mục đích truyền đạo. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ chỉ được dùng hạn chế trong những kinh bổn đạo Thiên Chúa cho đến khi Việt nam trở thành thành thuộc địa của Pháp vào thế kỷ thứ 19. Chế độ thuộc địa Pháp đã dẫn đến việc bãi bỏ học hành, thi cử và thủ tục hành chính dùng chữ Hán. Các phong trào đấu tranh văn hoá có ý nghĩa chính trị như phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở đầu thế kỉ 20 cũng góp phần nâng cao tầm quan trọng của chữ quốc ngữ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vị thế của chữ quốc ngữ càng được khẳng định và đã góp phần đem lại ngôi vị “ngôn ngữ chính thức của quốc gia” cho tiếng Việt.

Tiếng Việt đã trải qua quá trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm để đến với những từ ngữ như chúng ta đang đọc ở đây. Ngôn ngữ nào cũng trải qua những thay đổi theo thời gian, đặc biệt là về mặt từ vựng, có những từ bị mất đi và ngược lại luôn có những từ mới được bổ sung. Trong tiếng Anh ước tính cứ 98 phút lại có 1 từ mới xuất hiện tức là mỗi ngày có khoảng 15 từ mới được bổ sung vào kho từ vựng tiếng Anh. Từ điển từ mới của Viện Ngôn ngữ học năm 2002 đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm. Tức là mỗi năm có khoảng 200 từ mới xuất hiện trong tiếng Việt.

Gần đây, với sự phát triển của teen ngữ,  ngôn ngữ của giới trẻ, và tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, số lượng từ mới trong tiếng Việt ngày càng tăng mạnh, có rất nhiều từ mới xuất hiện và được sử dụng rộng rãi, ví dụ: tinh vi, vi tính, vi diệu, cơm bụi, sang chảnh, thả thính, bánh bèo, …

Với người Việt ở nước ngoài, việc có thể theo kịp các từ ngữ mới có vẻ là bất khả thi vì chúng ta còn đang phải đối mặt với sự mai một của tiếng Việt do thiếu môi trường sử dụng. Đã bao giờ quý vị thấy lúng túng khi tìm một từ để diễn đạt hay chưa? Đã bao giờ quý vị thấy viết xuống một từ mà không chắc là chính tả có đúng không? Điều đó một phần là vì trong tiếng Việt có một số từ rất dễ bị dùng nhầm, dùng sai do cách phát âm gần giống nhau. Ví dụ: xán lạng hay sáng lạng, nhậm chức hay nhận chức, thăm quan hay tham quan, cọ sát hay cọ xát, chẩn đoán hay chuẩn đoán, và giả thiết hay giả thuyết? …

Một vấn đề nữa trong chủ đề tiếng Việt chuẩn đặt trong bối cảnh duy trì tiếng Việt khi ở nước ngoài là tiếng vùng miền. Chúng ta muốn con em chúng ta học tiếng Việt theo giọng miền Nam, miền Bắc hay miền Trung? Thực ra chúng ta không có nhiều sự lựa chọn khi ở nước ngoài do sự hạn chế số lượng người nói các giọng trong cộng đồng và trong giáo dục. Có khi ta muốn con học tiếng miền Nam mà cô giáo lại nói tiếng miền Bắc hay ngược lại.

Một điều thú vị về tiếng Việt là trên thực tế rất khó tìm thấy người nói tiếng Việt chuẩn như được dạy trong sách giáo khoa. Giọng miền Bắc (ví dụ giọng Hà nội), được coi là gần với tiếng Việt chuẩn nhất và được sử dụng nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông như TV và đài, thì vẫn có phát âm lệch chuẩn với 3 phụ âm tr, r, s. Ví dụ như người Hà nội nói Trời sau cơn mưa bỗng sáng rực thành chời xau cơn mưa bỗng xáng dực. Giọng miền Trung (ví dụ giọng Huế)  phân biệt được các âm này thì lại có sự thiếu chuẩn xác về thanh điệu, đặc biệt là thanh ngã và thanh hỏi. Giọng miền Nam mà giọng Sài gòn là đại diện, rất được mến mộ trong lĩnh vực nghệ thuật (nhất là ở hải ngoại) lại bao gồm nhiều biến thể của các phụ âm v, gi, d, … ví dụ từ vui vẻ thì được phát âm thành dzui dẻ .

Vì vậy có lẽ chúng ta cũng không nên “lăn tăn”” quá về việc con nên học tiếng Việt giọng gì bởi vì với chính sách giáo dục ngôn ngữ như hiện nay ở Úc, con vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ nhiều hơn là với thầy cô. Và việc con biết thêm một chút giọng vùng miền qua việc học ở trường Việt ngữ cuối tuần, nhìn từ khía cạnh tích cực, có thể nên được coi là một điểm cộng. Vả lại bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có giọng vùng miền (accent) khác nhau, ngay cả trong tiếng Anh, nếu chúng ta đang nghe quen giọng tiếng Anh Úc mà nghe sang tiếng Anh Luân đôn thì cũng thấy khác, mà càng khác nữa nếu ta nghe giọng tiếng Anh ở các vùng ở Anh như Liverpool hay Manchester.

Hãy thử nghe các giọng vùng miền khác nhau trong tiếng Việt của các phát thanh viên và MC  nổi tiếng trên audio của chương trình.

Rõ ràng là từ giọng miền Bắc của chú Ngạn hay của anh Sâm, anh Tự long, đến giọng Sài gòn của anh Trấn Thành, giọng phát thanh viên của đài truyền hình Huế, đến  giọng lơ lớ nửa Bắc nửa Nam của chị Kỳ Duyên, giọng nào chúng ta cũng thấy thuyết phục, thấy hay.

Chúng ta có thể nói với các giọng vùng miền khác nhau do các biến thể âm vị khác nhau, nhưng viết thì nên theo chuẩn.  Việt nam thì phải được viết là Việt nam, không phải là Dziệc Nam, vui vẻ là vui vẻ, không phải là dzui dzẻ, rau muống là rau muống,  không phải gau muống hay dau muống.

Ngoài ra trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài cũng hay gặp khó khăn với thanh ngã (ví dụ:  đỗ, dễ ngã, muỗi, cũ kỹ, bão, …) Việc này là do thanh ngã gồm hai thành phần, thang nặng và thanh sắc. Khi trẻ nói ngã thành ngá, hay đũa, thành đúa là do trẻ đã bỏ qua thanh nặng và chỉ phát âm thanh sắc. Vì vậy, muốn phát âm đúng thanh ngã, chúng ta có thể tập chia từ thành 2 âm tiết: âm tiết đầu có dấu nặng và âm tiết sau có dấu sắc. Ví dụ như đỗ = độ + ố, dễ = dệ + ế, cũ = cụ + ú, muỗi = muội + í, bão = bạo + ú. Tập cho trẻ nói nhanh tổ hợp 2 âm tiết với âm tiết thứ 2 được phát âm yếu hơn.

Một điều quan trọng nữa để giúp con nói tiếng Việt tốt là chúng ta cố gắng nói chậm, rõ ràng. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ của mình, trẻ em bao giờ cũng trải qua giai đoạn nghe, hiểu (tức là ngôn ngữ tiếp thu) rồi mới đến giai đoạn phát âm và nói (tức là ngôn ngữ biểu đạt). Trẻ em ở nước ngoài ít có  môi trường tiếp xúc với tiếng Việt nên khi ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ tiếp thu, các em cần phải được nghe các âm tiếng Việt rõ ràng, rành mạch thì đến giai đoạn phát triển ngôn ngữ biểu đạt các em mới phát âm đúng và nói tốt tiếng Việt.

Do đặc điểm địa lý và lịch sử, tiếng Việt của chúng ta được nói với rất nhiều giọng và có rất nhiều phương ngữ. Đối với việc duy trì tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài, cha mẹ vẫn là khuôn mẫu đầu tiên và quan trọng nhất cho các em nên chúng ta hoàn toàn có thể tự hào dạy con theo phương ngữ của mình. Quan trọng là khi viết, cần thống nhất cách viết theo chuẩn, không bị ảnh hưởng của tiếng vùng miền.

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét