khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

30 năm Diễn Đàn Praha - kỷ niệm làm báo sinh viên vì dân chủ ở Tiệp Khắc


Ba thập niên trước, toàn bộ Đông Âu rung động vì hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô quản trị lung lay và sụp đổ. Một nhóm sinh viên Việt Nam ở Tiệp Khắc (Czechoslovakia) đã tự lập ra một tờ báo là Diễn đàn Praha vì muốn đồng bào của họ học tập, lao động ở nước 'xã hội chủ nghĩa anh em' biết những gì xảy ra xung quanh họ.

Ông Lê Thanh Nhàn, người khởi xướng và là chủ bút đầu tiên của tờ Diễn Đàn Praha kể lại về quá trình lập ra tờ báo và điều gì xảy đến với ông sau đó.

Khi lập ra tờ Diễn Đàn, ông Lê Thanh Nhàn, cựu bộ đội ở chiến trường Campuchia đang là sinh viên Y khoa ở Praha. Hiện ông sống và làm việc ở Munich, Đức.

BBC News Tiếng Việt: Là người khởi xướng ra tờ Diễn Đàn Praha 30 năm trước ở Tiệp Khắc, xin ông cho biết ý tưởng mở tờ báo đó đến từ đâu?

Sau Cách mạng Nhung (11-12/1989) chúng tôi, những sinh viên ở Tiệp, có điều kiện tiếp xúc với báo chí trái luồng...Trước khi đi sang Tiệp du học, tôi đã có dịp nghe kể về nhân vật này, nọ, chuyện về ông Võ Văn Kiệt, Trần Độ, những ý tưởng của những người „tiến bộ“ và sau đó nghe nói tới các tác phẩm tạm gọi là „phản kháng“ của vài nhà văn Việt Nam. Tất cả đều là nghe lại từ bạn bè, người quen, ngay cả những tác phẩm mà tôi vừa nói tôi cũng chưa được cầm trên tay, được đọc đàng hoàng.

Sang Tiệp, tôi thấy một không khí khác hẳn, cởi mở, thoải mái, thoáng, đời sống cao hơn hẳn Việt Nam, dù Tiệp Khắc vẫn còn là nước cộng sản. Lúc đó tôi cảm thấy ít ra Việt Nam cần cởi mở hơn. Tôi tự hỏi: tại sao những người có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài không thấy được điều này. Bản thân tôi muốn có thông tin, tôi thèm khát có thông tin trung thực về thế giới, về Việt Nam, mà không phải những bài báo ca ngợi Đảng và nhà nước bằng những ngôn từ sáo rỗng, vì đó không phải là thông tin và cũng chẳng giúp ích gì cho việc mở mang kiến thức về xã hội và thế giới cho tôi.

Cuộc cách mạng Nhung và chuyển biến của thế giới cộng sản lúc đó gợi cho tôi ý nghĩ: nếu lúc đó tôi ở Việt Nam, tôi sẽ chẳng biết gì về tình hình của thế giới, có thể tôi chỉ nghe những tin như „bọn phản cách mạng đang…“. Lúc đó tôi muốn mang thông tin khách quan đến với người Việt ở Tiệp, những người lao động hầu như không biết tiếng, không thể đọc báo, đọc tin tức để hiểu những gì đang xảy ra. Vâng, chỉ là thông tin khách quan, chỉ là thông tin, không thiên vị phía nào.

BBC News Tiếng Việt: Sau 30 năm ông còn nhớ chi tiết về việc hình thành tờ báo và hoạt động của nhóm làm báo hay không?

Đã 30 năm, tôi xin kể lại tóm tắt một vài điểm mà tôi còn nhớ.

Lúc đó sinh viên ở Plzeň (Pilsen) bất ngờ phát hành tờ Điểm Tin Báo Chí (ĐTBC). Tôi có quen vài sinh viên tại đó, bạn bè đồng khóa hoặc đồng hương, bạn tương đối thân. Hay quá, tờ ĐTBC làm đúng tinh thần đó: chỉ điểm tin. Tôi không nhớ là tôi đã cộng tác với ĐTBC ra sao, có lẽ cũng không nhiều, rất khó vì thời đó chưa có email, Internet. Praha đông sinh viên hơn nhiều so với Plzeň, việc liên lạc, làm việc với nhau dễ hơn nhiều.

Tôi bắt đầu nói chuyện với bạn bè kêu gọi họ cộng tác thực hiện một tờ báo của Praha. Chỉ trong khóa của tôi thôi thì tôi đã quy tụ được một số bạn rất giỏi, nhanh nhẹn. Việc in ấn thì dường như ban đầu được „Obcanske Forum“ (tổ chức Diễn Đàn Công dân của người Tiệp) cho mượn máy Photocopy, máy loại công suất lớn. Dường như ban biên tập của tờ ĐTBC cũng nhờ tổ chức này và chỉ cho chúng tôi. Sau một anh khóa trên, đã tốt nghiệp bác sĩ và lấy vợ Tiệp, hướng dẫn chúng tôi gặp nhà báo Jáchym Topol, cũng là người trong tổ chức Hiến chương 77 cùng với tổng thống Václav Havel (Hiến chương 77 – tuyên bố đòi chuyển để dân chủ của trí thức Tiệp). Chúng tôi được họ cho sử dụng máy in để có thể in với số lượng lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Thế là chúng tôi đã có tờ báo. Cái tên Diễn Đàn có lẽ là gần với cái tên tổ chức Diễn Đàn Công Dân của Tiệp. Có lẽ thôi. Vấn đề chính là, chúng tôi muốn mở rộng mục đích hơn tờ ĐTBC, trên tờ báo của chúng tôi có mục diễn đàn, cho ban biên tập và bạn đọc tự do phát biểu ý kiến của mình. Ban biên tập ngày càng đông hơn. Độc giả đăng ký báo như đã nói ở trên cũng ngày càng đông hơn, chúng tôi phải tăng số lượng in ấn. Bạn đọc đăng ký báo thì chỉ cần gửi thư, cho địa chỉ, cần bao nhiêu tờ, không cần thiết phải gửi tiền vì chúng tôi không bán. Nhưng thường thì ai cũng gửi ủng hộ chúng tôi một ít. Nhờ vậy mà chúng tôi cũng có chút ít để nấu ăn chung, trang trải cho một số chi phí cần thiết cho dụng cụ văn phòng, bưu phí.

Ban đầu không có computer, chúng tôi phải gỏ máy chữ lạch cạch, in ra giấy, đánh dấu tiếng Việt bằng tay. Nghĩ lại thì thấy cực lắm. Cực ở chỗ chỉnh sửa, khi phát hiện chỗ sai. Rồi lại thêm phần cắt, dán lên bản giấy A4, canh làm sao cho vừa. Lúc có được computer thì việc viết lách, chỉnh sửa dễ dàng hơn…

Tòa soạn của chúng tôi là những gian phòng sinh hoạt chung của các ký túc xá sinh viên. Thường thì chúng tôi tập trung vào cuối tuần, mang bài vở đã viết đến, hoặc đã gỏ vào máy, hoặc còn trên giấy…

Sau khi mọi việc đã chạy thì chúng tôi còn tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ bạn đọc. Thật ra một vài buổi có không khí của một buổi „họp báo“ thì đúng hơn, vì cũng có báo chí đến dự, nhưng vì qui mô nhỏ và không có vẽ chuyên nghiệp nên gọi là Hội thảo thì hợp hơn. Và rồi lại có những cuộc biểu tình phản đối chính quyền Tiệp Khắc đuổi công nhân Việt Nam về nước, biểu tình trước sứ quán Việt Nam phản đối chuyện x, chuyện y, chuyện z.

BBC News Tiếng Việt: Phản ứng của Đại Sứ quán Việt Nam tại Praha, và người Việt Nam tại đó ra sao? Ông bị đối xử như thế nào?

Có lẽ là người Việt Nam, ai cũng có thể đoán được phản ứng của Đại Sứ quán Việt Nam tại Praha lúc đó ra sao. Vì là chủ bút nên tôi „được“ mời lên sứ quán nói chuyện. Gặp ai lúc đó thì tôi không nhớ, chỉ nhớ là tôi đơn thân độc mã ngồi nói chuyện với vài người. Họ kêu gọi tôi dừng hoạt động của tờ báo và lo học. Gia đình tôi ở Việt Nam cùng với vài gia đình khác, cũng được mời lên bộ nội vụ trong Sài gòn nói chuyện. Mẹ tôi sau đó gửi thư kể lại chuyện đó và khuyên tôi dừng mọi công việc liên quan tới tờ báo lại.

Ban biên tập sau đó quyết định bầu một chủ bút mới. Một phần là làm nhẹ gánh cho tôi, chuyện rất tốt, mặt khác, dân chủ mà, sau một thời gian tạo dựng ban đầu thì cũng cần có sự quyết định của tập thể về thành phần lãnh đạo chứ. Thế là một bạn sinh viên khác, trẻ hơn, cùng khóa với tôi làm chủ bút cho đến ngày tôi sang Đức xin tị nạn.

Sau này tôi mới biết do bạn bè ở Việt Nam kể lại. Báo chí Việt Nam đăng rầm rầm là chúng tôi làm báo chống Đảng và nhà nước. Khi sang Đức xin tị nạn thì báo Việt Nam cũng đưa tin và còn tường thuật rõ ràng là tôi đi với ai..., cứ như là tôi là một cái gì đó ghê gớm lắm. Tôi rất muốn có những bài báo đó, cũng như tìm lại được bài báo trên New York Times, coi như là một kỷ niệm, lâu lâu đọc lại, cho cho cái đọc cũng hay và rất vui đó chứ.

BBC News Tiếng Việt: Vì sao đa số các công dân Việt Nam du học, làm việc ở một nước châu Âu không dám hưởng quyền tự do nước sở tại đem lại?

Để trả lời câu hỏi này thì có lẽ ta phải xét ở hai thời kỳ: thời CNCS ở châu Âu sụp đổ và hiện tại.

Thời Cách mạng Nhung năm 1989-90 thì tất cả mọi thứ đều mới mẻ. Xã hội VN thì không cởi mở gì. Mặt khác điểm quan trọng là phần lớn những người được đi du học, được đi lao động ở nước ngoài đều là những thành phần ưu tiên, hoặc là người ở phía Bắc, tức là cũng thuộc thành phần ưu tiên hơn người ở phía Nam. Tôi cũng thuộc thành phần ưu tiên vì sau 1975, sau khi tốt nghiệp phổ thông cấp 2, thi đại học không đậu, tôi không thể ngồi nhà ăn bám gia đình, nên tôi tham gia thanh niên xung phong, sau đó 1979 lại đi bộ đội sang Campuchia.

Tổng cộng tôi bị mất 7 năm tuổi trẻ, chưa kể cái chuyện xém chết trên chiến trường Campuchia, giờ vẫn còn vết thương trên đùi. Sau một năm Đại học Y tôi lại là sinh viên tiên tiến...và vào năm thứ hai tôi được học bổng để đi du học. Trường hợp ưu tiên của tôi là như vậy, ba năm thanh niên xung phong, bốn năm bảo vệ tổ quốc. Và tôi vẫn đủ tiêu chuẩn nào đó để đi du học mà không phải lấy bớt phần của những bạn bè giỏi. Nhân đây nói thêm, đừng ai có ai nói là, “Đảng và nhà nước” đã cho tôi đi du học, nghe nó vô lý lắm, vì tôi phải đánh đổi xương máu, thời gian tuổi trẻ của mình; tiền thì của nhân dân, học bổng thì của nhà nước Tiệp tặng.

Ai thuộc diện ưu tiên do có công với cách mạng hoặc gia đình có vị trí cao trong chính quyền thì rất khó để mà đi đến quyết định làm một cái gì đó. Những người dám công khai tham gia làm báo với tôi, nếu tôi nhớ không lầm, thì hoặc là sinh viên ngoài Bắc hoặc học thật giỏi trong Nam và không bị dính líu gì với „chế độ cũ“, chứ không ai thuộc diện ưu tiên kiểu có công với cách mạng. Nếu đã là người thuộc diện có công hoặc thậm chí là có gốc gác thì họ phải có quyết định khó khăn, đó là họ có dám đứng về phía khác với gia đình họ hay không. Thật là không đơn giản.

Mặt khác rất quan trọng là, lúc đó không ai biết được chính quyền sẽ đối xử với họ ra sao. khi hết hợp đồng lao động, hết thời gian học nghề, tốt nghiệp đại học, hoặc thậm chí giữa chừng họ có thể bị đuổi về nước vì bất kỳ lý do gì. Chuyện gì sẽ xảy ra lúc họ về nước? Chuyện gì xảy ra khi họ không thể bắt đầu với cuộc sống ở Việt Nam, không bao giờ tìm được việc làm?

Còn thời nay thì đơn giản hơn. Hình thức „tham gia chính trị“ lại đa dạng hơn. Ai không dám lên tiếng công khai thì có thể ẩn danh tham gia mạng xã hội như Facebook, phát biểu quan điểm, chia xẻ tin tức, hình ảnh. Tôi cho rằng cũng không ít người đã lên tiếng. Nhưng mạng xã hội lại có nhược điểm, giống như chuyện toàn cầu hóa, sẽ có những người giỏi nổi bật lên, được nhiều người đọc, những người khác sẽ lu mờ và chúng ta hoàn toàn không biết tới.

BBC News Tiếng Việt: Ngày nay, ông đã sang sinh sống tại Đức, cuộc sống của ông ra sao, ông có được quyền về thăm quê hương tại Việt Nam hay không?

Tôi đến Đức bắt đầu bằng những công việc thấp nhất: quét dọn, phụ bếp. Sau khi được ở lại Đức với điều khoản 51 (tức là không phải diện tị nạn chính trị thật sự) tôi bắt đầu với công việc khác nhẹ nhàng hơn như chăm sóc người già tại nhà, người tàn tật, và khi thất nghiệp thì tôi được đi học khóa lập trình...có bằng của Microsoft, làm ở hãng chuyên làm software cho ngân hàng. Sau đó tôi làm cho một hãng bảo hiểm, được tăng lương lên ngoại hạng. Tưởng là đó là đỉnh cao của cuộc đời và tôi sẽ an tâm với tất cả những chế độ, quyền lợi sung túc của hãng kể cả cho sau này khi về già. Rồi tôi gặp một vấn đề cá nhân rất khó xử, nó liên quan đến vấn đề văn hóa, tâm lý, thói quen cư xử...tôi chuyển sang chạy taxi. Giờ tôi làm chủ một chiếc taxi...mua được nhà riêng...Phải kể dài dòng như vậy, không thì người đọc sẽ cho rằng một người Việt tị nạn như tôi không có cơ hội ở nước Đức này. Cơ hội thì có, nhưng có lẽ là ít hơn, nhỏ hơn so với bên Mỹ, và ngoài ra lại còn rất nhiều yếu tố phức tạp như văn hóa, thói quen, tập quán…

Sau khi được quốc tịch Đức tôi cũng gia đình về thăm gia đình vài lần. Lần đầu tiên mất khoảng 5 tiếng đồng hồ nói chuyện với một cơ quan gì đó ngoài Hà Nội. Họ hỏi lại chuyện cũ, tại sao hồi đó tôi làm báo, có mục đích gì...Cuối cùng họ cho tôi về khi tôi đồng ý hứa là sẽ không làm gì chống phá chính quyền Việt Nam. Tôi hứa với họ vì tôi chưa bao giờ có mục đích chống phá, hay lật đổ gì cả. Chúng tôi, với tờ báo Diễn Đàn Praha, chỉ phát biểu ý kiến và cảm nghĩ của mình, chúng tôi không lập tổ chức, thành lập đảng.

Khi mạng xã hội như Facebook bắt đầu đình đám thì tôi cũng tham gia, tôi cũng phát biểu, cũng chia sẻ tin tức mọi thứ như bao nhiêu người khác. Người trong nước nói còn mạnh hơn tôi, họ có tên tuổi, hình ảnh hẳn hoi. Lần cuối cùng tôi về Việt Nam là năm 2014. Tôi cũng không hiểu tại sao thì lại bị mời lên bộ phận quản lý xuất nhập cảnh trong TPHCM, hai lần, hai ngày liên tục, tổng cộng khoảng 5 tiếng đồng hồ. Tôi trả lời mọi câu hỏi, thậm chí cho họ xem một email account, nhưng vì họ không nhắc tới Facebook nên tôi không cho họ xem. Nếu họ nhắc thẳng thừng tới Facebook thì tôi dễ nói chuyện hơn. Cuối cùng thì họ cho tôi về nhưng tuyên bố rằng tôi sẽ nằm trong sổ đen, tức là tôi sẽ không được phép về VN nữa. Muốn về thì tôi phải gọi điện thoại cho họ theo số mà họ đưa để xin phép. Nếu không, lúc về tôi sẽ bị giữ lại ở phi trường, không được nhập cảnh, dù là tôi có visa hay không. Năm 2015, tức là một năm sau, mẹ tôi mất, tôi không về, gia đình tôi cũng ngăn cản không cho tôi về.

BBC News Tiếng Việt: Nhìn lại 30 năm qua, ông có nghĩ việc làm báo Diễn Đàn Praha của các ông là việc làm không có nhiều ý nghĩa và ảnh hưởng vì đa số người Việt tại CH Czech và Đông Âu và một phần không nhỏ tại Đức đến nay vẫn ít quan tâm đến các chủ đề như dân chủ, nhân quyền? Việc làm ăn, buôn bán và đọc cách trang web của chính quyền VN vẫn là thứ họ quan tâm hơn?

"Nhiều hay ít“ theo tôi đó là khái niệm mang tính tương đối. Tôi không nghĩ là tờ Diễn Đàn đã có ảnh hưởng lớn đến người Việt Đông Âu thời đó. Chúng tôi có nhiều hạn chế về tài chính, về nhân lực và thời gian. Nhưng nhìn bằng một góc nhìn khác thì tôi cho rằng tờ DĐ (cũng như các tờ báo khác ở Tiệp lúc đó) là một bước dũng cảm, tiếng nói, phong trào đầu tiên, nó gióng lên hồi trống, bảo với người Việt mọi nơi: „Đây chúng tôi những người sinh viên ở Tiệp Khắc mạnh dạn phát biểu ý kiến và cảm tưởng của mình đây“.

Trong lịch sử VN hay thế giới cũng vậy, có những tiếng nói không làm thay đổi được ai, chỉ vừa lên tiếng thì bị dập tắt, nhưng nó lại là một tấm gương, giúp những người khác can đảm hơn (hoặc cẩn thận hơn). Cụ thể là nếu không có tờ Điểm Tin Báo Chí trước đó thì tôi cũng đã không nghĩ ra chuyện làm tờ Diễn Đàn, vì lúc đó tôi không có gì trong tay cả, chỉ là một sinh viên (nghèo) sống bằng tiền học bổng, không là thành viên một tổ chức nào, không có liên hệ với một người Tiệp nào.

Người Việt Nam ở châu Âu ít quan tâm đến chính trị? Không chỉ ở Châu Âu, mà có thể nói là ở khắp nơi. Tôi không biết ở Mỹ thì sao. Đúng vậy, cái xã hội nghèo ở VN và cái chế độ chính trị đã tạo ra những con người chỉ muốn kiếm tiền thật nhiều, thật nhanh, bất chấp mọi sự và không quan tâm đến những vấn đề khác. Thế nhưng ta cứ thử so sánh với các nước tiến bộ thì ta thấy những người dân ở đó cũng không quan tâm lắm tới chính trị. Số lượng cử tri trong các kỳ bầu cử quan trọng nhiều nơi chỉ đạt tới 60%, trên 60% thì người ta bắt đầu cho rằng tỉ lệ đi bầu cao...Trong xã hội luôn luôn có một thiểu số tích cực hoạt động chính trị (chuyên nghiệp và cả không chuyên nghiệp), còn lại thì ở dạng thụ động. Điều quan trọng là có vận động được cái số thụ động đó tham gia một phong trào gì đó - khi cần - hay không thì mới là vấn đề.

Tóm lại tôi không nghĩ lại việc mình làm đã đạt được thành quả lớn đến đâu. Không cần thiết. Nhưng tôi luôn cho rằng mình đã làm đúng và không hối tiếc. Thời đại ngày nay mới chính là lúc cần cân nhắc cần làm làm gì cho có hiệu quả, khi mà thông tin nhiều đến mức bảo hòa, dư thừa.

BBC News Tiếng Việt: Sau 30 năm các nước Đông Âu chuyển đổi thành công sang thể chế dân chủ, văn minh và có đời sống cao hơn nhiều so với trước, còn người VN tiếp tục liều chết sang các nước đó kiếm sống, theo ông có phải văn hóa, xã hội VN, như một số ý kiến cho hay, đang đi theo một hướng khác, ngày càng xa lạ với các giá trị châu Âu?

Tôi thấy châu Âu là châu Âu, Việt Nam là Việt Nam. Mỗi nơi có một điều kiện chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau. Theo tôi dù sau khi được bỏ cấm vận, Việt Nam mở cửa kinh tế với thế giới, nhưng về chính trị vẫn là một nước XHCN, độc đảng. Việt Nam vẫn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề sức đè nặng của một cường quốc khổng lồ phía Bắc.

Tuy kinh tế đã khá hơn nhưng nền tảng vẫn không có gì chắc chắn, số người dân nghèo và quá nghèo vẫn còn chiếm tỉ lệ cao. Nghèo có nghĩa là học chỉ có thể kiếm sống cho hiện tại mà không có một bảo đảm xã hội gì cho tương lai. Việt Nam không đảm bảo được sự an sinh cho người dân.

Lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng. Miền Nam sau 1975 có nhiều người liều chết vượt biên, tạo ra một cái đà, một thói quen về sau. Và rồi Việt Nam lại xuất khẩu lao động đi Đông Âu, người Việt lại có cơ hội danh chính ngôn thuận hoặc qua các tổ chức này nọ để ở lại hoặc ra thế giới sống. Tất cả những yếu tố đó, bất an về chính trị, kinh tế, xã hội, có điều kiện ra đi… nên người Việt vẫn muốn ra đi, bất luận người giàu hay kẻ nghèo, có quyền chức hay thường dân.

Nhưng nhìn kỹ thì ta sẽ thấy dân các nước khác cũng di dân: người Mexico chạy sang Mỹ...dân Trung Đông cũng vượt biển, vượt biên sang châu Âu xin tị nạn chiến tranh, tị nạn tôn giáo, dân các nước Đông Âu cũng chạy sang Tây Âu, dù là với tỉ lệ nhỏ hơn.

Trước đây tôi phê phán những trường hợp di dân không có dính gì tới chính trị, không bị ngược đãi, thế nhưng họ vẫn đi, vì họ có tiền, có quyền lực. Giờ tôi tôi biết điều đó khó tránh khỏi, tôi chỉ tôn trọng những trường hợp ra đi vì lý do chính tri, tôi thông cảm những hoàn cảnh đi vì lý do kinh tế và coi thường những trường hợp thừa nước đục thả câu, ở đây tôi không nói tới những trường hợp di dân bình thường, hợp pháp. Và dù ở diện gì thì tôi cũng không thích những người lợi dụng và ăn bám xã hội của quốc gia sở tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét