Sau những trận đánh trên đường phố ở Sài Gòn thời gian Tết Mậu Thân 1968, nhà thơ Thái Tú Hạp chào năm mới bằng những lời chúc cay đắng và châm biếm:
Chúc một năm nhiều súng đạn
Chúc một năm nhiều thêm thù hận đau thương
Năm mới chạy giặc lầm than
Nước mắt bà mẹ già nua nhỏ trên xác con
Đạn còn ghim trong buồng phổi
(Bài 'Lời chúc đầu năm mậu thân')
Ẩn chứa trong những dòng thơ là một thái độ mới trong giới nhà văn, trí thức ở Sài Gòn sau sự kiện Mậu Thân đau thương.
Từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Hai 1968, cuộc sống ở Sài Gòn bị đổ vỡ căn bản bởi những trận giao chiến và ở nhiều quận, tình hình nguy hiểm tới mức người ta không thể ra ngoài đường.
Nhiều người xem Tết Mậu Thân đã làm giới trí thức đô thị không còn sự tự mãn vì cuộc chiến đã được đưa tới tận nhà họ.
Theo Frances Fitzgerald trong cuốn sách Fire in the Lake (giải Pulitzer năm 1973), tầng lớp tinh hoa Sài Gòn không còn có thể “ung dung khi Rome bốc cháy”. Còn nhà nhân học Neil Jamieson thì nói: “Thái độ thay đổi, đặc biệt trong giới trung lưu thành thị, những người lần đầu tiên chứng kiến tận mặt thực tế chiến tranh.”
Nhưng Tết Mậu Thân có phải là cột mốc cho trí thức Việt Nam? Câu trả lời chung là không, mặc dù rõ ràng nhà văn và trí thức trở nên cay đắng hơn trong giọng điệu.
Nhà văn miền Nam tiếp tục phát triển hai chủ đề chính đã được quan tâm tại Sài Gòn từ cuối thập niên 1950: tinh thần hướng ngoại và chủ nghĩa hiện sinh.
Những chủ đề này vẫn tồn tại sau 1968, cho dù nhà văn tập trung hơn cho văn hóa ngoại vi của Mỹ (counterculture) và có thái độ nghi hoặc đối với giới chính trị.
Tinh thần hướng ngoại
Trí thức miền Nam giai đoạn 1954-1975 tìm kiếm kiến thức từ mọi thành phần trong xã hội, mọi tôn giáo và văn hóa.
Đặc biệt, nhiều người quan tâm đến tư tưởng, sự kiện chính trị và giá trị xã hội từ châu Âu và Mỹ.
Một ví dụ có thể tìm thấy trong tuyên ngôn của tạp chí Bách Khoa, số ra mắt tháng Giêng 1957. Nó nhấn mạnh bài vở “không cứ phải cao siêu, vì trải nghiệm của người lao động cũng quan trọng như lý thuyết của học giả”, và cũng không cần “chỉ nói về một tôn giáo, vì đạo đức của Phật giáo cũng đáng để ta tôn trọng như lòng nhân ái của Chúa Jesus”.
Số đầu tiên của Bách Khoa giới thiệu tác phẩm của Saint-Exupery, vai trò của nhạc Jazz trong nghệ thuật hiện đại, và một tiểu luận về lịch sử văn học Mỹ.
Những số về sau có điểm nhấn tương tự, như loạt bài về đạo Hồi ở Việt Nam, tiểu sử nhiều nhân vật văn hóa, khoa học phi cộng sản như Alexander Solzhenitsyn và Albert Einstein, về quan hệ Việt – Mỹ, kể cả thảo luận về những chính sách như chương trình Việt Nam hóa.
Chủ nghĩa hiện sinh
Đặc điểm thứ hai của trí thức miền Nam là nhiều người hâm mộ các chủ đề hiện sinh. Chúng được họ biết tới lần đầu qua tác phẩm của Emmanuel Mounier, người nhấn mạnh một hình thức hiện sinh Công giáo. Mounier bước vào thế giới quan của nhiều trí thức Việt Nam nhờ thời gian họ học thần học hoặc triết học trong các trường dòng, tu viện.
Đến cuối thập niên 1940, Mounier phải cạnh tranh với “chủ nghĩa hiện sinh vô thần” của Jean-Paul Sartre, cho rằng con người phải gắng tận dụng thời đang sống vì chẳng có đấng tối cao nào hiện hữu.
Triết lý của Sartre đã ảnh hưởng cả một thế hệ trí thức mới: một nhóm học giả trẻ học ở Tây phương cuối thập niên 1940, đầu 1950 để tránh sự bất trắc của xã hội Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp.
Một nhân vật quan trọng là triết gia Nguyễn Văn Trung, học ở châu Âu đầu thập niện 1950 khi ảnh hưởng của Sartre đang ở đỉnh cao. Nhiều người quay lại miền Nam từ giữa thập niên 1950, dạy ở đại học Sài Gòn, Đà Lạt, Huế.
Các đại học này lại xây dựng nhiều chương trình, xuất bản tạp chí học thuật đóng góp cho nỗ lực xây dựng quốc gia. Hiện sinh trở thành phần chính của các tạp chí như Bách Khoa và Đại Học.
Sau năm 1968, những chủ đề lớn này vẫn tồn tại, mặc dù từ giữa thập niên 1960, trí thức Việt Nam Cộng Hòa quan tâm nhiều hơn văn hóa đại chúng Mỹ, và bớt quan tâm những diễn biến tương tự của văn hóa cao cấp Pháp.
Trong cuối thập niên 1960, các ấn phẩm trí thức ở Sài Gòn in nhiều bài báo liên quan văn hóa Mỹ, như Malcolm X, tổ chức Báo Đen, hippy, và dân quyền.
Cần thấy rằng dù có sự chuyển hướng từ châu Âu sang Mỹ, nhưng mối quan tâm về những giá trị bên ngoài và tinh thần hiện sinh vẫn không giảm trong giới trí thức. Họ ngày càng chịu ảnh hưởng bởi những chủ đề hiện sinh trong tiểu thuyết của William Faulkner, âm nhạc Bob Dylan, và bớt lấy cảm hứng từ Albert Camus hay Jean-Paul Sartre.
Sống giữa thời loạn
Vì sao tinh thần hướng ngoại và hiện sinh tồn tại ở miền Nam lâu như vậy, từ cuối thập niên 1950 đến khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975?
Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là hai chủ đề này phản ánh một bản sắc chung được nhiều trí thức nuôi dưỡng lúc đó. Việc đánh giá và ngả theo những xu hướng văn hóa châu Âu và Mỹ khơi gọi hình ảnh miền Nam như một nơi cởi mở, tự do, đối lập với miền Bắc mà theo nhiều trí thức miền Nam là xã hội khép kín.
Tương tự, chủ nghĩa hiện sinh đem lại cho trí thức phương tiện đương đầu với hoàn cảnh thời chiến. Người Việt phải tìm ra ý nghĩa giữa thời đại bạo lực. Chính ý này là chủ đề lớn trong văn của Sartre, Camus và những nhà hiện sinh khác.
Đây có thể là lý do vì sao những chủ đề này, tuy cũng rất rõ rệt trước Tết Mậu Thân, lại chỉ trở nên mãnh liệt sau Tết: vì những tư tưởng đó là phương tiện đương đầu với một xã hội bất trắc, hiểm nguy và đôi khi bạo lực, một xã hội đã tồn tại trước Tết và còn tiếp tục sau đó.
Ngoài ra, hai chủ đề này đem đến cho trí thức Việt Nam ngôn từ phù hợp dùng để chỉ trích những sự kiện chính trị, văn hóa của thời đại họ.
Giới trí thức dùng ngôn từ này không chỉ để phê phán trí thức miền Bắc mà còn cả các chính thể của Việt Nam Cộng Hòa và những diễn biến chính trị ở nước ngoài.
Sự tự do phê phán nền chính trị và xã hội của họ và của nước ngoài là một chủ đề trung tâm trong tư tưởng của giới trí thức Sài Gòn trong cuộc chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét