khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Thảm Đỏ Cho Người Về- Tác giả Đinh Phụng Tiến


Chúng tôi nhận được tờ fax của anh Tân từ Mỹ báo rằng gia đình anh sẽ về Saigon để...thăm lại quê hương. Phi cơ sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 17 giờ 15 phút ngày thứ Năm tuần tới.

Tin ấy như một chấn động, loan truyền rất nhanh trong họ hàng. Thế là đã trên 16 năm gia đình anh Tân lìa xa quê hương. Anh Tân ra đi vào đêm 29 tháng Tư, trên một trong những chuyến bay cuối cùng từ nóc tòa đại sứ Mỹ ở đường Thống Nhất.

Trong họ hàng, có lẽ tôi là người gần gũi với anh nhiều nhất. Bởi, chúng tôi không những chỉ là anh em cột chèo với nhau, mà anh Tân còn là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi. Ngay khi còn phục vụ dưới cờ, anh Tân bao giờ cũng tỏ ra quan tâm tới tôi nhiều hơn cả. Bởi theo anh, thì tôi là một người chỉ huy cấp dưới luôn tôn trọng kỷ luật.

Vào khoảng đầu tháng Tư năm 75, anh Tân được phong cấp đại tá. Và do tình hình khẩn trương lúc ấy, anh được giao chức vụ trung đoàn trưởng bộ binh. Tôi là một trong những tiểu đoàn trưởng dưới quyền điều động trực tiếp của anh.

Anh Tân là một người ngay thẳng. “Máu nhà binh” trong người, nên nói một là một, hai là hai. Tôi qúy mến và cảm phục anh vì sự thẳng thắn ấy.

Chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất đón gia đình anh Tân trước giờ phi cơ hạ cánh khoảng bốn mươi phút.

Đó là một buổi chiều đầu mùa hạ. Thỉnh thoảng, lác đác có những cơn mưa nhỏ. Trời rất oi nồng khó chịu. Tôi bỗng nghe những tiếng reo hò cùng lúc với lời loan báo của trạm hàng không. Một chiếc phi cơ phản lực đang chuẩn bị đáp xuống phi đạo. Sau đó, chúng tôi thấy gia đình anh Tân, từ trong phòng kiếng, đang làm thủ tục với công an hải quan. Họ làm việc khá lâu. Anh Tân trong bộ đồ veste mầu xanh dương đậm, dáng mập nhưng nhanh nhẹn. Chị Tân mặc một bộ đồ đầm mầu đỏ tươi, với chiếc áo khoác ngoài mầu trắng mỏng. Còn một người nữa, mà tôi độ chừng là cháu Mai. Khi gia đình anh Tân ra đi thì cháu mười tuổi. Nay phải ngoài hai mươi. Đó là một thiếu nữ rất duyên dáng, khỏe mạnh. Vẫn trong cái gia đình ấy, tôi còn thấy một bé trai khoảng mười tuổi. Có lẽ đó là cháu Dick mà anh Tân thường nhắc tới trong mỗi lá thư gởi về. Dick sanh tại Mỹ. Và đây là lần đầu tiên trong đời, cháu về một nơi được gọi là quê hương. Khi mọi người trong gia đình anh Tân vừa thoát ra khỏi cổng số 3, lập tức anh bị bao vây bởi những người đi đón. Anh Tân đã nhanh chóng nhìn thấy tôi trong đám đông ấy. Anh giơ một bàn tay, nhoài người về phía tôi. Tôi nắm chặt tay anh. Và ngay sau đó, chị Tân nhẩy một bước rất dài về phía tôi, chị ôm lấy tôi mừng rỡ. Chúng tôi cùng lên xe. Đó là một chiếc xe microbus mà gia đình đã thuê của công ty du lịch thành phố. Những người còn lại, đi bằng xe Honda về nhà.

Gia đình anh Tân sẽ ở lại quê nhà ba tuần rồi lại trở về Mỹ, anh nói thế. Gia đình nhà vợ đã chuẩn bị sẵn cho những người trong gia đình anh Tân một căn phòng từ tuần trước. Những cô em vợ, đã chở bằng xe ba gác về, một bộ nệm Kim Đan mua ở Ngã Bẩy. Mọi người đều rất hào hứng, trong số ấy có lẽ cô Út là người hào hứng nhất. Vì, hình như qua những thư từ trước đây với chị Tân, cô Út vẫn nuôi một hy vọng rằng chị Tân sẽ mai mối cho cô một ông Việt kiều. Và như thế, việc đi Mỹ của cô đã trở nên nằm gọn trong tầm tay. Cô Út trước đây có quen với một cậu sinh viên đang học trường đại học bách khoa Phú Thọ. Mối tình của họ hết sức thơ mộng và, họ dự định năm tới sẽ tổ chức lễ kết hôn sau khi người con trai này ra trường. Thế nhưng, một khúc quanh rất gắt đã đưa con thuyền tình ái ấy rẽ ở một dòng sông. Vì, chẳng biết chị Tân đã hứa hẹn những gì mà cô Út thấy nẩy trong lòng một so sánh, và một ước mơ.

Hình như cái lần cuối cùng cô Út đến thăm người con trai nọ trong ký túc xá, thật sự đã đánh gục mối tình ấy, giống như một cú đấm bất ngờ đã đánh ngã đối thủ trên võ đài. Lần ấy, cô Út đã trả lại người yêu... "con đường học trò", trả lại những lời thề thốt, trả lại căn phòng đầy bụi mà sinh viên cứ tám người ở chung, ngủ trên những manh chiếu rách với những bữa ăn chỉ có "canh toàn quốc" và... "nước chấm đại dương". Chuyện ấy mau chóng lùi vào dĩ vãng để trở thành... một kỷ niệm. Và cô Út hướng về tương lai. Tương lai gặp một "Việt kiều yêu nước" về thăm quê hương...

Gia đình anh Tân chỉ ngủ một đêm trong căn nhà ấy, và trưa hôm sau, họ lên đường đi Đà Lạt về thăm bên nội như chương trình đã định sẵn. Tối đầu tiên anh Tân trở về, chúng tôi đã thức rất khuya quanh bàn ăn để hàn huyên về đủ thứ chuyện. Dù rất mệt, nhưng mọi người đều tỉnh như sáo. Những đứa con anh Tân không ăn uống gì cả. Có lẽ phần vì thức ăn lạ miệng, nhiều mỡ qúa. Chúng cũng không thể ngủ được, có lẽ do thay đổi múi giờ, mặc dù sau gần hai chục giờ bay rất mệt mỏi.

Khi tôi tiễn chân anh Tân và gia đình lên chiếc xe microbus thuê của công ty du lịch thành phố, anh Tân nói riêng với tôi: "Mình sẽ nói chuyện với nhau nhiều. Tôi biết cậu đã thiệt thòi nhiều qúa. Đó là một điều không may..." Tôi nói, “Vâng. Vâng. Cám ơn anh...”

Anh Tân ở Đà Lạt tới hơn một tuần lễ để thăm mọi người bên nội. Khi anh trở lại Sài Gòn, vẫn ở nơi căn phòng mà các cô em vợ đã dành sẵn. Thời gian ấy, anh chị cũng lại đi thăm họ hàng bên ngoại. Rồi thì anh bận tiếp khách khứa liên miên khiến tôi không thể nào gặp anh được. Anh Tân bận đến nỗi, tôi cứ nghĩ là cho đến ngày đi của anh, chưa chắc gì tôi đã có dịp được gặp anh một lần nữa. Phần tôi, quả thật cũng hết sức bận vì sinh kế hàng ngày. Nhà tôi không thể nào bỏ được một buổi chợ. Quanh năm, cứ mười hai giờ trong một ngày. Đủ bẩy ngày trong một tuần. Và ba mươi ngày trong một tháng như thế. Làm việc cật lực vẫn chưa đủ sống. Tôi cứ quay cuồng trong cái vòng gạo, củi, nước mắm... như thế mà quên mất cả sự có mặt của anh Tân, một biến cố rất lớn trong họ hàng, nếu như vào một buổi chiều nọ, anh chị Tân và các cháu không đến nhà tôi.

Chiều hôm ấy, tôi đang phụ với nhà tôi bán hàng ở ngoài chợ, thì đứa con gái lớn của tôi đạp xe trên mười cây số đến, hớt hải loan báo, "Bố ơi, bố về ngay. Nhà mình có Việt kiều tới thăm..." Chúng tôi vội vã dọn dẹp ngay hàng quán để trở về, gặp anh Tân. Đó là dịp hiếm có để chúng tôi có can đảm nghỉ một nửa ngày chợ.

Anh chị Tân và các cháu chờ chúng tôi hơi lâu nhưng không ai tỏ lộ sự buồn phiền. Anh nói ngay, "Chúng tôi không báo trước cho cô cậu được vì bận qúa. Chiều nay thấy có dịp là chúng tôi đến thăm cô cậu ngay, ngày mốt chúng tôi đi rồi."

Tôi bàng hoàng hỏi lại, "Ngày mốt anh đi? Tiếc qúa, chúng ta không có dịp nói chuyện với nhau nhiều hơn." Tôi hối nhà tôi làm cơm để mời anh chị và các cháu nhưng chị Tân gạt đi ngay, "Đừng. Đừng nhé. Chúng tôi mời cô cậu đi ăn chiều nay, mình khỏi phải làm, để thì giờ nói chuyện với nhau thích hơn." Đó là ý kiến hay, tôi nói thế.

Chúng tôi cùng lên chiếc xe microbus mà anh Tân vẫn thuê, đến một nhà hàng nổi ở trên sông Sài Gòn. Cái nhà hàng này, trước đây không xa lạ gì với chúng tôi. Ban đầu, nó ở trên bờ sông, nơi tụ tập tán dóc của những tay thủy thủ và khách giang hồ. Sau, có thêm một chiếc tầu cũ được sửa chữa thành nhà hàng. Sau 75, một thời gian dài nó được coi như một trong những tàn dư của văn hóa đồi trụy mà bị đóng cửa. Bây giờ nó được phục sinh.

Chúng tôi chọn một bàn có thể ngồi ngó ra sông. Mai và Dick rất khóai món tôm hùm. Chị Tân nói với chúng tôi: "Vui qúa cậu ạ. Gần hai chục năm tôi mới về, Saigon vui quá." Rồi chị nói tiếp, như thể mong chúng tôi cũng được chia sẻ với niềm vui của chị: "Đi đến đâu chúng tôi cũng được người ta tiếp đón ân cần. Người ta lại còn hứa sẽ trả lại căn nhà của chúng tôi ở Đà Lạt đấy..."

Chúng tôi cùng chia sẻ với chị Tân về niềm vui ấy. Xa nhau đã lâu, tôi thấy anh Tân chỉ đậm nét hơn chứ không thấy già hơn. Một con người của sương gió cũ, bây giờ trở nên một người lịch lãm, yêu đời. Còn chị Tân thì hình như trẻ hơn, đẹp hơn. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng hình như thời gian không phải là người bạn tốt với những người thiếu thốn.

Chị Tân hỏi chúng tôi về chuyện làm ăn, sinh sống. Nhà tôi cũng đã thành thật nói cho chị nghe về những nỗi vất vả trước đây mà gia đình chúng tôi đã chịu đựng. Đó là thời gian sau khi gia đình anh Tân đã ra đi. Đó là thời gian mà tôi ngồi trong khe núi đập đá ở Hoàng Liên Sơn thì những người còn lại trong gia đình chúng tôi đã bị lùa đi những nơi được gọi là "vùng kinh tế mới". Ở đó, mọi người đã phải bằng mọi cách, tự moi lấy lương thực từ dưới bùn đất với hai bàn tay không để sống sót. Đó là thời gian mà ở Campuchea, Pol Pot, con người cách mạng triệt để, đang chà đạp, khinh bỉ trí thức, khiến cho cả thế giới lên án. Những người cộng sản Việt Nam, hình như muốn rút tỉa kinh nghiệm ấy, trong những bước đi vừa học vừa làm của họ nên đã kín đáo hơn, khôn ngoan hơn. Họ đã xô đẩy đồng bào của họ vào nơi khốn cùng, điều mà chính họ, trong qúa khứ đã nhân danh để lôi kéo những người lao động. Một chủ nghĩa Mao Trạch Đông đã được du nhập vào tất cả những nơi mà những chiếc xe vận tải Hồng Kỳ lăn bánh tới. Khi nó tới Campuchea, nó nhuộm thêm mầu Campuchea, khi nó tới Việt Nam, nó nhuộm thêm mầu sắc Việt Nam. Những người cộng sản địa phương ấy đã làm những điều mà họ gọi là "vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn của mỗi nơi".

Anh Tân hỏi rằng, suốt mười năm tôi bị cầm giữ trong các trại giam, tôi đã phải làm những công việc gì, và ở đó chúng tôi đã sinh sống ra sao. Điều ấy, tôi trả lời anh rằng thật là khó nói một cách ngắn gọn được. Nhưng đại để là nó cũng giống như những nhà giam của những thế kỷ trước đó ở những nước Á Châu. Anh Tân không hiểu. Tất nhiên, anh đã không thể hiểu được, nếu chỉ nói ngắn gọn như thế. Hình như anh Tân tỏ ra quan tâm tới tôi nhưng anh ít quan tâm tới những năm tháng mà tôi đã bị cầm giữ cho nên tôi cũng không muốn nói thêm về điều này. Vả lại, hôm đó là ngày vui, ngày hội ngộ. Hơn thế, chúng tôi còn được gặp lại chị Tân, gặp cháu Mai và Dick. Mai và Dick không có cái qúa khứ ấy. Về thăm quê hương lần này, Mai và Dick cảm thấy vui và bỡ ngỡ khi được đặt chân tới một nơi xa xôi mà mẹ các cháu vẫn thường nhắc tới. Đối với Mai và Dick, cái gì cũng mới mẻ. Dick thích nhất là những chiếc thuyền con bơi trên sông, và những chiếc xe Cyclo chở khách trong thành phố.

Anh Tân nhắc lại những kỷ niệm của chúng tôi khi còn ở trong quân ngũ. Tôi cảm động vì những điều đó nhắc lại cho chúng tôi một tình cảm có thật, đó là tình đồng đội.

Tình đồng đội giữa tôi và anh, giữa tôi và những người bạn mà bây giờ, rất nhiều người đã không còn nữa. Họ đã ngã xuống từ bắc chí nam. Ở biển đông. Ở vùng xình lầy ngập nước. Ở rừng sâu. Ở những ngọn đồi không tên, không tuổi. Ở những lò vôi, những đồi chè... những người còn lại, trong đó tất nhiên có cả tôi và anh, rồi cũng sẽ không còn nữa. Mai và Dick sẽ lớn lên, cuộc đời của các cháu sẽ có những vấn đề mới đặt ra. Thời gian vẫn đi và, hình như thời gian, một lần nữa không phải là một người bạn tốt đối với chúng tôi.

Tôi nhớ, chiều ngày 28 tháng Tư. Trung Đoàn Trưởng của tôi đã chỉ thị cho chúng tôi phải giữ vững phòng tuyến. Trước đó, vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực, trong một lời hiệu triệu rất ngắn cũng đòi hỏi chúng tôi như thế. Chúng tôi đã chiến đấu trong một hoàn cảnh khó khăn mà, trước đó chưa bao giờ chúng tôi gặp phải. Đạn dược thiếu thốn. Tản thương hoàn toàn không có. Xăng dầu đã cạn. Lương thực dặm vá. Và, hoàn toàn không có sự yểm trợ nào của phi cơ hoặc pháo binh. Nhưng chỉ ít giờ sau đó, vị Tổng Tham Mưu Trưởng của chúng tôi đã ra đi, có lẽ trên một chuyến phi cơ trực thăng nào đó cùng với gia đình. Tổng Tham Mưu Trưởng mới lên thay, sau 24 giờ, chưa kịp đọc một lời hiệu triệu dù rất ngắn, cũng đã ra đi.

Cú điện thoại cuối cùng mà anh Tân, vị chỉ huy trực tiếp của tôi gọi, đã chỉ thị một cách hết sức cứng rắn, rằng bằng bất cứ giá nào chúng tôi cũng phải giữ vững phòng tuyến vì vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn là nơi chúng tôi phải giữ.

Ngay sau đó, tôi không còn liên lạc được với anh nữa. Mãi sau này tôi mới được biết rằng anh đã ra đi ngay sau khi gọi điện thoại cho tôi. Lá thư đầu tiên anh Tân gởi về từ Mỹ, có hỏi thăm tôi. Lúc ấy tôi đang ngồi đập đá ở tỉnh Hoàng Liên Sơn. Những ngày mùa đông giá rét, tôi nhớ đến anh nhiều. Một người anh em. Một người bạn. Một người đồng đội. Một cấp chỉ huy. Vậy mà hình bóng của anh cứ theo đuổi tôi suốt những chặng đường trong qúa khứ.

Mười năm sau tôi trở về như một câu chuyện hết sức hoang đường. Một gia đình tan nát. Một đất nước tiêu điều. Bạn bè, đồng đội không còn thấy nữa. Không còn ai. Tôi đã trở về trên con tầu xuyên Việt bắc nam. Con tầu cũ chạy trên đường ray, tà vẹt gỗ lắc lư đưa tôi trở về một thời trai trẻ lúc lên đường. Ôi, những sân ga như bóng mẹ già đang đứng ngóng đợi con về. Ngày xưa tôi đã lên đường với súng, đạn, ba lô và tình cảm của một người chiến sĩ. Con tầu ấy dừng lại ở mỗi sân ga. Ga xép, lửa đêm của những ngọn đèn hiu hắt trong bóng tối mù sương đang vây bủa những tiếng còi như hồi chuông chiêu hồn tử sĩ. Tiếng chuông ấy đang gọi hồn tôi. Một linh hồn cô quạnh bơ vơ với nỗi buồn đã chín.

Anh Tân lại hỏi tôi về cuộc sống. Thì đấy, cũng nhì nhằng như thế, tôi đã trả lời anh như vậy. Anh bảo rằng, tôi thật không may mà kẹt lại. Đáng lẽ tôi không phải trả bằng một cái giá qúa đắt như thế, nếu tôi khôn ngoan hơn. Chị Tân bảo tôi, cậu thấy không, chúng tôi bây giờ là những Việt kiều yêu nước... và đi đến đâu, người ta cũng đón tiếp chúng tôi nồng hậu. Người ta nói rằng, giờ hãy quên đi qúa khứ để xây dựng lại quê hương. Tôi nói với chị rằng, vâng thưa chị, quá khứ là qúa khứ. Rồi cũng phải quên. Mình không quên nó thì nó cũng quên mình.

Tôi nói với chị Tân như thế, nhưng làm sao tôi có thể quên cái cú điện thoại cuối cùng mà anh Tân đã gọi cho tôi. Làm sao tôi có thể quên những nấm mồ của người thân, của bạn bè đã nằm xuống. Làm sao tôi có thể quên một quê hương điêu tàn và giờ đây đã trở nên xác xơ nhiều lắm.

Cuộc chiến đã qua đi gần hai mươi năm. Nhưng dấu chân mà nó để lại vẫn còn hằn sâu trên mỗi chặng đường. Tôi vẫn gặp những người thương binh. Những người thương binh ở mỗi ga tầu từ bắc đến nam. Những người thương binh ấy, một thời đã là những anh hùng. Ngày trở về của tôi, khi rời trại giam Hỏa Lò, tôi lên tầu trong sân ga Hàng Cỏ, tôi đã gặp người thương binh ấy. Anh ta đưa chiếc nón cối ra. Tôi bỏ vào trong chiếc nón trống rỗng ấy một đồng. Đó là đồng bạc cuối cùng mà tôi có khi rời trại giam. Đó là đồng bạc tôi đã nhận lại của số tiền mà tôi ký gửi trước đó mười năm. Khi xuống tầu ở sân ga Bình Triệu, tôi đã gặp người thương binh đang đứng trên đôi nạng gỗ. Đây là đồng đội. Đây là chiến hữu của tôi. Tôi không còn gì để giúp anh nữa. Tôi ôm lấy anh, và nước mắt là qùa tặng để chia sẻ với nhau một niềm đau.

Có lẽ anh Tân đã đúng, khi bảo rằng đáng lẽ tôi đã không phải trả một cái giá đắt như thế, nếu tôi khôn ngoan hơn. Điều đó cho tôi hiểu rằng, đáng lẽ lúc ấy tôi nên yêu cầu những cấp chỉ huy dưới quyền và những đồng đội của tôi hãy giữ vững tuyến phòng thủ, và tôi theo anh. Sự khôn ngoan ấy chắc chắn sẽ tránh cho tôi mười năm tù đầy. Sự khôn ngoan ấy sẽ tránh cho tôi cảnh gia đình tan nát và ngày nay đỡ phải quay cuồng trong những lo toan gạo, củi, nước mắm... hàng ngày. Hơn thế, tôi cũng đã trở về. Tôi trở về trên tấm thảm đỏ dành cho những Việt kiều về thăm quê hương, và nghe bài ca hãy quên đi những niềm đau qúa khứ. Một qúa khứ lầm lỡ mà không có ai là người trách nhiệm.

Rồi anh chị và các cháu lại đi, sau ba tuần lễ về thăm nhà. Căn phòng dành cho anh đã được dọn lại như cũ như muốn xóa bỏ những dấu vết của ngày vui qua mau. Anh Tân đã về, mang theo một làn không khí mới. Anh đi, để lại những dư hương của miền đất lạ. Tấm nệm Kim Đan dành cho cô Út. Cô sẽ ru những giấc mơ nồng với một mối tình chưa đến để quên người tình học trò trong một ký túc xá nghèo nàn.

Từ đó, tôi thấy cô Út thường hay mặc chiếc quần soọc mà chị Tân để lại. Cô Út đang chuẩn bị lên đường để rồi sẽ về thăm quê hương trên những tấm thảm đỏ đã được dành sẵn.

Hôm gia đình anh Tân lên đường, vợ chồng tôi ra sân bay tiễn anh trong buổi sáng tinh mơ. Chúng tôi chia tay trong niềm vui. Khi anh chị quay trở vào phòng cách ly, bất chợt anh Tân ôm lấy tôi và anh nói nhỏ bên tai, "Tôi thông cảm với cậu. Cậu thật không may mà bị kẹt lại. Bằng ấy năm trời, lúc nào tôi cũng nghĩ tới cậu. Mình vẫn là anh em, vẫn là đồng đội." Tôi đáp, "Vâng. Vâng. Cám ơn anh. Chúc anh chị luôn luôn gặp nhiều may mắn." Khi ấy, chị Tân dúi vào tay tôi một bao thư. Tôi gấp chiếc bao thư ấy, nhét vào túi quần. Tôi vẫy chào anh chị. Chào cháu Mai và chào Dick.

Khi chúng tôi quay trở ra khỏi phòng đợi thì trời đã sáng rõ. Lại bắt đầu một buổi chợ đang chờ chúng tôi. Bầu trời đục báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Những cành cây lay động như múa vẫy. Gia đình anh Tân trong con tầu đã khuất ở chân mây. Như một vùng dĩ vãng đã khuất ở cuối chân trời. Những con tầu đến và đi. Những trạm hàng không. Những bến cảng của một mùa hè, tôi bị ấn xuống boong hàng hóa ngộp thở để đi ra miền Bắc. Những đoàn tầu trở về nam. Và qua những sân ga. Qua những sân ga. Những sân ga với những người thương binh đã bị bỏ quên...

Tôi chợt nhớ tới lá thư mà chị Tân vừa dúi vào tay. Tôi vội bóc ra để xem chị có ý dặn dò điều gì kín đáo. Bên trong chiếc bao thư ấy là một tờ giấy năm mươi đô la phẳng phiu. Không có gì khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét