“Đời Hùng-vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hung-mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù-đổng, bộ Võ-ninh (nay là huyện Võ-giàng, tỉnh Bắc-ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự-nhiên người cao-lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc-sơn 朔 山 thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù-đổng, về sau phong là Phù-đổng Thiên-vương 扶 董 天 王.” (Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. Chương 1, Họ Hồng Bàng. Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.sachhayonline.com/tua-sach/viet-nam-su-luoc/quyen-i-phan-i-chuong-i/278)
Câu chuyện thần thoại nầy, mọi người chúng ta đều đã học hoặc nghe kể lại từ lúc còn ở bậc tiểu học. Chúng tôi xin mạo muội ghi ra đây những gì mà, một cách rất chủ quan, chúng tôi nghĩ và tin là những bài học để lại của tiền nhân.
Bài học đầu tiên của thần tích Phù Ðổng Thiên Vương là tinh thần toàn dân chống giặc. Ðiều nầy mới nghe qua có vẻ sai lầm vì câu chuyện là chiến công của một người, của cậu bé làng Phù Ðổng. Thật ra không phải như vậy. Phù Ðổng Thiên Vương là một hình tượng để diển tả cái sức mạnh vô địch của cả một dân tộc đồng tâm nhứt trí chống giặc. Thái độ nhất quyết chống giặc đó được thể hiện từ cấp lãnh đạo tối cao là vua Hùng đến đại khối nhân dân mà tượng trưng là dân làng Phù Ðổng. Ở cấp lãnh đạo, thái độ của vua Hùng là thái độ nhất định không đầu hàng, nhất định đánh tới cùng. Thái độ nầy dĩ nhiên là phải xuất phát từ một lòng tin mãnh liệt vào chiến thắng sau cùng của chính nghĩa của một cuộc chiến tranh tự vệ. Lòng tin nầy không phải là luôn luôn có ở cấp lãnh đạo. Lịch sử nước ta, cũng như những nước khác, không thiếu gì những trường hợp mà tinh thần chủ bại đã xuất phát từ cấp lãnh đạo. Mạc Ðăng Dung tự trói mình lên cửa ải để xin hàng. Thống chế Pétain của Pháp chịu khuất phục, ký hiệp ước đầu hàng nhục nhã với Hitler năm 1940. Gần đây, sự tan rã vào tháng 4 năm 1975 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), một quân đội anh hùng với các chiến công lừng danh như tái chiếm Quảng Trị, giữ vững An Lộc, làm sao có thể giải thích được nếu không công nhận tinh thần chủ bại đã xuất phát từ cấp lãnh đạo. Mới thua một trận Ban Mê Thuột đã vội rút bỏ cả vùng Cao Nguyên, khiến cho một vết thương xoàng biến thành một vết thương đánh trúng vào tử huyệt. VNCH thật sự đã sụp đổ từ quyết định rút bỏ vùng Cao Nguyên nầy của cấp lãnh đạo tối cao. Ngày nay những tài liệu của Ðảng CSVN đã phơi bày cho ta thấy rõ là họ không hề tin tưởng là có thể chiếm trọn Miền Nam nội trong bốn tháng đầu năm 1975. Ước tính lạc quan nhất của họ cũng phải là cuối năm 1976. Và khi họ vào tiếp thu các kho quân nhu, quân cụ, chắc họ phải bàng hoàng, kinh ngạc trước kho vũ khí khổng lồ mà QLVNCH chưa sử dụng tới.
Trở lại câu chuyện Phù Ðổng Thiên Vương, lòng tin vào chiến thắng sau cùng và quyết tâm chống giặc của vua Hùng đã được sứ giả loan truyền đi khắp nơi trong nước xuyên qua lời hịch cầu người tài ra dẹp giặc. Ta không thấy làm lạ khi thấy quyết tâm đó cũng là quyết tâm của nhân dân làng Phù Ðổng. Quyết tâm của dân làng, trước hết, được thể hiện qua thái độ hy sinh của bà mẹ quê, đã thắng được tình mẫu tử nhỏ bé để hy sinh cho đại cuộc. Quyết tâm đó còn được thể hiện thêm qua hành động cụ thể đóng góp tài lực và vật lực của toàn dân cho công cuộc kháng chiến. Ta phải nhìn thấy hành động đúc ngựa sắt cho cậu bé làng Phù Phù Ðổng là hình ảnh của công cuộc động viên tiềm lực kinh tế của cả nước để phục vụ cho cuộc chiến tranh tự vệ thiêng liêng. Chỉ có động viên được tiềm lực của cả nước mới có thể phá được thế giặc hung hản. Ðiều nầy dạy cho chúng ta bài học thứ hai không kém quan trọng. Quyết tâm của vua Hùng là một yếu tố cần nhưng chưa phải là đủ. Quyết tâm đó phải được nhân lên không phải mười lần, trăm lần, mà là vạn lần, triệu lần. Không phải một mình vua Hùng quyết lòng đánh giặc mà là mọi người dân trong một đạo, một châu, một huyện, một xả, một ấp, một xóm đều phải quyết lòng đánh giặc. Không phải chỉ có những trai tráng mới quyết tâm đánh giặc mà tất cả nam, phụ, lảo, ấu, tất cả mọi người đều phải có quyết tâm chống giặc và, tùy theo điều kiện tuổi tác, thể chất, kinh tế, xã hội, mọi người đều phải góp phần vào công cuộc chống giặc cứu nước. Tâm thức chống giặc cứu nước phải thấm vào mổi giai tầng trong xã hội, vào từng cá nhân, vào khắp các thôn xóm. Chỉ khi nào tâm thức nầy trở thành một nếp suy nghĩ, sinh hoạt của từng người dân thì mới có thể gọi là nhứt hô bá ứng được. Công cuộc cứu nước của người Việt chúng ta hiện nay chỉ mới ở vào giai đoạn xây dựng tâm thức nầy. Lòng tin vào khả năng có thể lật đổ được bạo quyền cộng sản hiện nay thật sự có được ở bao nhiêu người, kể cả trong nước lẩn hải ngoại. Chỉ khi nào mồi lửa đã có ở khắp nơi thì ta mới có thể tạo nên một đám cháy lớn được. Một khi đã xây dựng được tâm thức hy sinh diệt giặc trong toàn dân rồi thì chẳng mấy chốc ta sẽ có thể thay đổi được cán cân lực lượng. Hành động vươn vai trở thành người khổng lồ của Phù Ðổng Thiên Vương tượng trưng cho khả năng nầy. Sức mạnh của Phù Ðổng Thiên Vương đâu phải là sức mạnh của một cậu bé 6 tuổi nữa, nó là sức mạnh của cả một dân tộc đang sôi sục căm thù và quyết tâm diệt giặc, đang sẳn sàng hy sinh tất cả cho công cuộc kháng chiến và, quan trọng nhất, là đằng sau quyết tâm vô hình đó là cả khối tài lực vật lực cụ thể gần như là vô tận của toàn dân. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung khi kéo quân ra Bắc diệt quân Thanh, trong vòng một tuần lể, đã mộ được cả vạn quân ở Nghệ An, đâu có phải là chuyện hoang đường. Thời nhà Trần, nhờ huy động được toàn dân, toàn quân, nước ta đã ba lần phá tan quân Mông Cổ lúc bấy giờ đang thống trị gần hết cả thế giới.
Bài học Phù Ðổng nêu trên ta sẽ chưa học được trọn vẹn nếu ta chưa nhìn thấy điểm sau đây: sau khi phá tan quân giặc, cả người và ngựa đều biến mất. Khác hẳn với mọi anh hùng ca, thần tích Phù Ðổng là câu chuyện của một người anh hùng vô danh, không có khúc khải hoàn, không có chuyện vua ban thưởng, không có cưới công chúa gì cả. Tinh thần Phù Ðổng là xem việc xả thân vì nước là nhiệm vụ, không phải là một cơ hội để tiến thân, để tìm kiếm tiền tài hay danh vọng, không đòi hỏi được trả công, được đền bù, được ban thưởng. Chính vì thế mà hình tượng người anh hùng Phù Ðổng đã sống mãi trong lòng dân tộc, trở thành một vị trong “Tứ Bất Tử 四不 死” trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét