khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Tiếng Việt Đa Dạng - Tác giả Ts Nguyễn hữu Phước



Dẫn nhập

Buổi hội ngộ hiếm có

Vào đầu thập niên 1990, Tiến Sĩ Lê Văn, lúc đó là Cố Vấn cho Bộ Giáo Dục California, có tổ chức một buổi hội thảo về “Những chuyện vui trên đường hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ (HK)”. Diễn giả gồm nhiều giáo chức Việt Nam cư ngụ rải rác nhiều nơi ở HK và Canada. Tôi được tham dự với tư cách một thuyết trình viên. Sau một ngày hội thảo, chia xẻ những mẩu chuyện vui với các hội thảo viên, chúng tôi có dịp dùng cơm tối chung do ban tổ chức khoản đãi. Tôi ngồi cạnh Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa. Thật là một buổi hội ngộ hiếm có của một số đồng nghiệp cũ.

Câu chuyện trong bàn ăn là những chuyện hàn huyên xen lẫn với nhiều chuyện vui trên đường định cư. Tôi kể ra một số những tiếng lái, câu lái và những lối nói lái gọi là góp phần trong một buổi tiệc hiếm có. Lẽ dĩ nhiên là có một vài tiếng lái và một vài câu lái không được thanh tao lắm. Nhưng các đồng nghiệp trong bàn có vẻ vui vẻ vì câu chuyện nói lái. Điều đặc biệt là GS Hòa có vẻ cũng thích những câu nói lái. Ông lấy bút, giấy ra, bảo tôi “bớt ga xăng” để ông ghi chép. Tôi nói với ông là còn nhiều câu khác mà tôi có nghe đến, có vẻ kém lịch sự hơn vì trắng trợn hơn. Ông nói không sao, chúng ta đang học hỏi, chia xẻ những chuyện vui, ghi lại những gì mình biết là điều tốt trong việc lượm lặt những mẩu chuyện do dân chúng truyền khẩu. Tôi nổi hứng hứa liều: GS khỏi ghi chép, tôi sẽ viết thành một bài gởi đến GS để đăng báo nào cũng được. Ông nói gởi đến cho Ông hay gởi cho báo nào cũng chẳng sao, miễn là nhớ ghi lại và phổ biến để góp phần cho vui.

Rồi thời gian trôi qua, cuộc sống quá bận rộn, và rồi tháng nầy chầy tháng khác, năm nọ kéo năm kia, và nghề nghiệp lại không dính dáng gì tới khung cảnh nghiên cứu, tôi đành tự nhủ là khi nào rảnh rổi sẽ viết. Rồi tôi lại nghe nói GS về California. Cùng với một số giáo sư khác như GS Lê Văn, GS Nguyễn Khắc Hoạch v.v., ông mở Viện Việt Học. Và sau đó tôi đọc tin GS Hòa qua đời. Tôi cầm tờ báo có cáo phó, ngẩn ngơ. Món nợ tinh thần nầy làm sao trả được.

Cách đây vài năm (2000), tôi về hưu, rời vùng South Pasadena, và định cư ở Orange County. Giờ đây tôi có một số giờ nhàn rổi nên tôi cố gắng viết lại bài “nói lái” nầy và giao nó cho GS Lê Văn*, cố vấn của Viện Việt Học. Người anh khả kính nầy đã là “xếp” của tôi, và nhà tôi, trong nhiều năm ở Đại Học Sư Phạm Saigon. Hơn nữa, Tiến Sĩ Nguyễn thị Bảo Xuyến (bà Lê Văn) lại là Phó Viện Trưởng Viện Việt Học. Như vậy tôi đã có dịp làm tròn lời hứa với GS Hòa một cách gián tiếp, và cũng để góp chút xíu những điều lượm lặt nói lên sự phong phú và tính cách đa dạng của tiếng Việt.
(*Gs Lê Văn qua đời vào cuối năm 2009, khi chúng tôi edit lại bài nầy để gởi đến Web NKLT)
Nói lái và văn tiếng lái

Không biết văn nói lái hoặc việc dùng tiếng lái trong văn nói và văn viết có từ bao giờ. Riêng tôi, tôi đã nghe, bắt chước và dùng nói lái từ lúc còn học tiểu học vào thập niên 1940. Sau nầy đọc sách mới biết rằng lối nói lái đã được dùng từ lâu hơn tôi tưởng. Người ta nói lái để chơi chữ, để bông đùa giữa bạn bè với nhau, để châm biếm vô hại một sự việc gì đó cho vui, hoặc châm biếm một người khác mà không dám nói trực tiếp. Ngay cả trong việc đặt tên hiệu hoạêc thương hiệu cũng có dùng tiếng lái như trường hợp của nhà thơ Thế Lử với tên thật là Nguyễn Thứ Lể. Thế Lử là tiếng lái của Thứ Lể.

Tôi xin thưa trước: Những chuyện cười thì phải có người nói và người nghe. Người nói phải có tài nói chuyện vui. Phải lựa chuyện cho đúng với thành phần thính hay khán giả thì câu chuyện mới được thưởng thức. Còn nến viết chuyện cười để cho thiên hạ đọc thì chưa chắc tất cả người đọc đều cười và đôi khi còn nghe chê là chuyện cười nầy hay chuyện cười kia “dở ẹt”. Nhưng cũng câu chuyện dở ẹt đó mà do một người có tài kể, và kể đúng lúc, đúng trường hợp thì lại là chuyện hay.
Cũng y vậy, đã gọi là “nói lái” thì phải nói đúng chuyện, đúng lúc, đúng nơi, đúng với thành phần thính giả thì may ra mới được thưởng thức. Nhưng vì đây là bài sưu khảo nên tôi phải viết tất cả những chuyện gì mà tôi có thể ghi lại theo trí nhớ, hoặc ghi ra từ những tài liệu khác. Đọc bài nói lái chắc chắn là dể nhàm chán hơn là nghe nói lái. Xin quý vị chịu khó đọc hết để thấy nhiều dạng khác nhau của việc nói lái.

Nói lái trong một số sách vở

Từ đoạn nầy trở về sau, “chữ” (còn gọi là “từ” hay “nhóm chữ” (cụm từ)”, hoặc câu thơ nào có thể viết tiếng lái ra, tôi sẽ viết. Nếu cảm thấy bất tiện vì tiếng lái có vẻ quá “tả chân” hay gọi là không được thanh tao, tôi xin miễn viết ra để gọi là tôn trọng cả những người cho rằng không nên viết những từ có vẻ… quá trớn. Tôi chỉ tô đậm, hoặc gạch dưới những từ có thể hiểu theo nghĩa lái, hoặc không gạch dưới gì cả.

Nói lái tiếng Pháp
Ông Lãng Nhân, trong quyển Chơi Chữ (5) có nhắc chuyện nói lái bằng tiếng Pháp. Chuyện rằng, có một cặp vợ Việt, chồng Pháp vào hàng tranh sơn mài. Vì chủ nhân nói thách quá nên vợ rỉ tai chồng: “très chaud, très chaud (nghĩa đen: nóng quá, nóng quá). Chồng lật đật chọn tranh, trả tiền nhanh để ra ngoài cho bà vợ được mát hơn. Vợ trách chồng khi ra khỏi cửa “ Đã bảo đắt quá mà còn mua”. Chồng nói là có thấy vợ kêu đắt đâu. Vợ bảo có nói rồi “très chaud” là “trop cher” (mắc quá). Bà ấy đã nói lái theo kiểu VN, chắc chắn là “bố” của anh chồng cũng không hiểu được.

Nói lái cho vui về nguồn gốc của một người

Ông Nguyễn Ngọc Huy, trong quyển Tên Họ Người Việt Nam (8), có thuật câu chuyện đại khái như sau:
Ngày xưa có nhiều người VN từ miền Trung tiếp tục vào Nam lập nghiệp. Dân Nam, vì không biết rõ địa lý miền Trung, gọi chung những người mới vào sau là “người Huế”. Có nhiều người Huế làm nghề thầy lang lưu động. Một thầy lang nọ tuy còn trẻ, nhưng mát tay đã chữa lành cho một phú hộ. Ông phú hộ cảm ơn thầy lang bằng cách gã con cho thầy. Ông lại giúp vốn cho mở tiệm thuốc bắc. Chú rể nhờ cha vợ đặt tên cho hiệu thuốc của mình. Ông cha vợ đặt tên tiệm là “Thế Hoằng Dược Phòng”. Ông giải thích cho rể đại ý là nó làm việc cứu người nên đời mở rộng ra (thế = đời; hoằng = rộng). Chú rể rất hài lòng.

Khi có người khác hỏi ý nghĩa của hai chữ đó, ông cười và nói : Rể tôi là người Huế, tôi đặt hiệu tiệm Thế Hoằng là để nhắc cho nó nhớ gốc gác nó là Thằng Huế. (Trong trường hợp nầy nguyên âm “o” trong chữ “hoằng” đã được thay thế bằng nguyên âm “u” trong chữ “Huế”. Đây chỉ là đọc cho thuận tai mà thôi, chớ lúc nói lái không ai nghĩ đến việc thay đổi nguyên âm hay phụ âm, hoặc thay đổi “dấu” gì cả.

Nói lái vì tục cữ tên
Cũng trong quyển sách trên, GS Huy còn nhắc đến một câu chuyện “nói lái” khác do tục cữ tên mà có. Ngày xưa, thời chữ nho còn thịnh, dân Việt có tục cữ tên hay còn gọi là kỵ húy. Thí sinh của các kỳ thi trước năm 1920 là những nạn nhân đầu tiên. Nếu bài làm không tránh những tên cấm kỵ thì chẳng những bị đánh rớt mà còn có thể bị các biện pháp chế tài khác. Nạn nhơn thứ hai là những người cầm bút. Và nạn nhân thứ ba là các gánh hát. Tục cữ tên ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng. Theo GS Huy thì dân chúng đã phản ứng lại bằng cách dùng tiếng lái.

Số là vào những thập niên 1940-50 có những đoàn hát bội lưu động đi hát ở các miền thuộc “Lục Tỉnh”. Trước khi đến một vùng nào thì bầu gánh phải lấy danh sách của các chức sắc nơi đó để khi hát, những diễn viên phải tránh tên trong danh sách đó hay đọc trại đi. Thí dụ tên của ông cai tổng là Nguyên thì khi hát, tất cả những chữ “nguyên” đều được đổi ra “ngươn” vì tên Nguyên phải cữ để tỏ sự kính trọng.

Có một gánh hát đến một làng nọ để hát trong dịp lễ “kỳ yên.” Các vị hương chức trong xã họp bàn về việc cữ tên. Hội đồng xã đồng ý là để cho tuồng hát được hay, miễn cho đoàn hát khỏi cữ tên các chức sắc, trừ tên hai anh em của hai vị hào mục tên Hòa và tên Hóa. Hai ông nầy rất hách dịch, nhứt định là đoàn hát phải cữ tên của hai ông. Những người trong gánh đồng ý.

Nhưng để chơi xỏ hai ông này, họ thêm một màn diễu. Trong màn nầy có hai người đối đáp, một người đóng vai lính. Người kia hỏi là trong quân ngũ, lính được ăn món gì thường xuyên. Anh lính đáp: “Hoặc ăn cà, hoặc ăn cá.” “Những người lanh trí hiểu đó là câu nói lái để móc họng ông Hòa và ông Hóa đều ôm bụng cười, trong khi hai ông này giận muốn hộc máu mà không làm gì được gánh hát.” (8) (Xin thưa thêm cho rõ nghĩa: hoặc ăn cà = Hòa ăn c.t; hoặc ăn cá = Hóa ăn c.t.)


Tiếng lái có nghĩa riêng

Trong một video mà ông Nam Lộc và cô Nguyễn cao Kỳ Duyên là MC (rất tiếc không nhớ video tên gì), ông Nam Lộc phỏng vấn ca sĩ Chế Linh. Ông có hỏi ca sĩ rằng hồi ở Saigòn, những người ngưỡng mộ có gọi đùa ca sĩ Chế Linh là ca sĩ “Lính Chê”, ca sĩ Chế Linh có giận không?” Ca sĩ Chế Linh trả lời là ông được miễn dịch (lính chê) vì là thuộc sắc tộc thiểu số Chàm, và không phiền hà gì với tên riêng đó. Tôi chắc là ông Nam Lộc cũng thừa biết là từ “lính chê” là tiếng lái của Chế Linh. Tiếng lái nầy lại trùng hợp với tình trạng quân dịch của ca sĩ Chế Linh.

Nói lái đơn giản về người, thú vật và những chuyện hằng ngày

Trong video Vân Sơn số 3, trong hài kịch Ông Ninh Ông Nang (12) (không thấy để tên tác giả) có một phần đối đáp sau đây giữa các hài kịch viên toàn là câu lái, rất đơn giản và rất dể hiểu về thú vật (cá, chim, chó, mèo), về người (bà già, ông già, trẻ em, cô dâu, chú rể ) và các điều khác.
Con cá đối nằm trên cối đá;
Mèo đuôi cụt nằm mụt đuôi kèo
Chim mỏ kiến nằm trên miếng cỏ;
Chim vàng long đá tại vòng lang
Chim sáo sọc chê anh sóc sạo;
Con chó què chân bị cái quần che
Cô bé mập ú là nhờ mụ ấp;
Thằng nhỏ ốm tong vác cái ống tôm
Chiều chiều cụ Mão lên rừng cạo mũ;
Sáng sớm bà Hạt đi bán bạt hà
Cô nàng dâu hứa đi mua dưa hấu;
Chàng rể bảnh trai ngồi tại bãi tranh
Người mặc áo xanh chính là anh sáu;
Miếng thịt băm nát trong bụng bác năm
Anh chàng sức môi ngồi ăn xôi mức ;
Cô gái mồm to lặn lội mò tôm
Nhờ cái búa đỏ chẻ thành bó đủa;
Cái nồi cơm thiêu lại dám kêu thơm
Tấm hình lộng kiến ai đem liệng cống;
Cô gái muốn chồng ngó cái mống chuồn.”

Đến đây đã hết những câu lái trong Video Vân Sơn, nhưng câu chót làm tôi liên tưởng đến câu lái khác cùng ý nghĩa: “Mống chuồng mọc giữa đồng chòi. Cái mống mọc ở giữa đồng bình thường như chuyện “muốn chồng” thì “đòi chồng” phải không quý vị ?

Các nhà văn (hiện đã già, hoặc đã ra đi rồi) viết lái

Trong quyển “Hơn Nửa Đời Hư” (13) ông Vuơng Hồng Sển dùng tiếng lái nhiều lần. Thí dụ “bất quá là bá quốc” (trang 465); “ủ tờ” (tiếng lái của từ ở tù, trang 477); và “mống chuồng” (tiếng lái của “muốn chồng” trang 519) v.v... Ngoài ra, ở một đoạn khác, để nhắc lại kỷ niệm chuyến Đông du thăm Đài Loan và Nhật của ông cùng vài người bạn Pháp, cũng trong sách nầy, ông có ghi lại chuyện ở khách sạn Nhật. Ông và người bạn Pháp không quen mặc áo kimono đã để sẵn trong tủ cho khách trọ. Ông có dùng hai tiếng lái, với vẻ đùa cợt mà tôi xin miễn “thông dịch”, như đã hứa; trừ gạch dưới hai tiếng lái là do tôi thêm, nguyên văn câu ông viết như sau:

“Đến cái áo kimono màu sặc sỡ, mỗi phòng trọ đều có treo sẵn cho khách mượn, Meken và tôi chưa quen, vừa xỏ tay vào, tấm thân bồ tượng áo che không khuất, trống trước trống sau, đứa “lù coi” đứa “lắc cọ”, áo nhột nhột, cảnh thật buồn cười” (trang 590).

Công Tử Hà Đông (CTHĐ), báo Người Việt (1), dùng tựa đề “Saigòn Tạp Pín Lù” (tên một cuốn sách của ông Vương Hồng Sển), để phê bình nội dung của cuốn “Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam” của ông Sển. Bài báo nầy đã kể ra nhiều tiếng lái. Có tiếng từ sách của ông Sển, đã được tác giả bài báo trích dẫn như “xe u mê”:
“Xe u mê: tiếng lóng để gọi xe thổ mộ, vì sàn xe bằng gỗ cứng, khách ngồi bệt trên sàn, ê ẩm bàn trôn, nhứt là khách phụ nữ đều phải ê mu, nói lái cho bớt tục.”

Có nhiều tiếng lái khác, và những tiếng đặc biệt được dùng thời tác giả CTHĐ sống ở Saigòn. Ông đặt câu hỏi cho chính ông là:
“Tại sao tôi không ghi lại với lời giải thích những tiếng, những thành ngữ sinh động, rung rinh âm thanh, lung linh màu sắc trong tiếng nói của dân tộc tôi, trong thời đại tôi?”

Ý kiến của ông rất hay vì những từ mà ông kể ra rất độc đáo, vì có tính cách rất là Sàigòn. Trong số những tiếng đặc biệt đó, có một số là tiếng lái như: liệng cống, dấm sủ, chai hia, chà đồ nhôm. Xin được trích dẫn sau đây cụm từ lái chà đồ nhôm, một thành ngữ lái có tính cách lịch sử, tả cảnh nghèo đói của dân Sàigòn, sau khi được phỏng dái (giải phóng), phải đem bán bất cứ vật gì có thể chôm (lấy) được trong nhà.
“Chà đồ nhôm: chôm đồ nhà, tiếng Sàigòn những năm sau 1975, ... Thời ấy Sàigòn có câu phong dao:
Đi đâu bỏ con ở nhà?
Hỏi em em nói: Đi chà đồ nhôm
Đi đâu tay xách, nách ôm?
Hỏi em em nói đi chôm đồ nhà.” (1)

Giai thoại về nói lái của Trạng Quỳnh

Trong một số sách khác, tôi nhớ là có đọc một số chuyện vui liên quan đến “Trạng Quỳnh”. Ông hay nghịch ngợm, chọc phá nhiều vị chức sắc trong triều, kể cả con vua và vua nữa. Đại ý chuyện truyền rằng một hôm nghe công chúa đi dạo ngoài thành. Trạng Quỳnh đứng đón công chúa ở gần bên một cây cầu. Khi công chúa đi ngang qua cầu thấy ông Trạng nhà ta lấy chân đá nước văng tung tóe. Công chúa hỏi ông đang làm gì đó? Ông trả lời là ông đá bèo cho vui.

Nhà thơ Hồ Xuân Hương nói lái
Tôi cũng nhớ có đọc nhiều lần trong các sách nào đó, thơ của Hồ Xuân Hương (HXH). Nữ sĩ họ Hồ nầy là vua về thơ lái. Thơ lái của bà được ghi lại trong nhiều sách vở về văn chương Việt Nam. Gần đây đọc quyển “100 Năm Phát Triển Tiếng Việt” (9), tác giả Phụng Nghi có ghi lại bài thơ “Kiếp Tu Hành” của nữ sĩ họ Hồ:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền tình cũng muốn về tây trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Ngoài ra tôi còn nhớ vài câu sau đây của HXH: (nhưng không nhớ tựa bài thơ)
Đang cơn nắng cực chửa mưa hè
Rủ chị em ra tát nước khe…
Hoặc:
Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.

Các nhà thơ khác dùng tiếng lái
Theo sách vừa dẫn (9) thi sĩ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy ở Huế có bài thơ như sau:
Nực cổi chi ra nổi cực lòng,
Dòng châu lai láng dĩa dầu chong
Khó đi tìm hiểu nhau khi đó,
Công khó nhờ ai biết có không

Ông Huy Phương (3) trong bài “Nói Lái Mà Chơi” cũng có ghi một bài thơ nói lái nổi tiếng khác của thi sĩ Nguyễn Khoa Vy:
Cầu đạo nên chi phải cạo đầu
Dầu lai dưa muối cũng dài lâu
Na bường bát tới nương bà vãi
Dầu sãi không tu cũng giải sầu

(Ông Huy Phương chú thích: Na bường bát tới = mang bình bát tới, nói giọng Huế)Ngoài ra trong bài “Nói Lái Mà Chơi” còn có một bài thơ rất hay tựa đề “Trông Trời” mà Ông Huy Phương nói không biết tác giả là ai.

“Cô kia sao cứ trông trời
Để tôi xin nguyện làm trời cô trông
Trông trời sướng lắm phải không
Trời mà trông lại còn mong nỗi gì!

Đọc xong bài trên, các bạn có tìm thấy ý nghĩa của tiếng lái không? Nếu không xin các bạn đọc câu chú thích của ông Huy Phương. Ông có ghi rõ là bài thơ nầy muốn nói lái phải đọc theo giọng Bắc hai chữ “trông trời” = “chông chời”.

Nói lái bằng câu đối

Trong sách Miền Đất Hứa (10) anh Trà Lũ (tôi gọi anh vì Trà Lũ là bạn dạy học cùng trường với tôi trước 1975) có ghi câu đối sau đây, câu đối vừa chơi chữ cách đối vừa chơi chữ bằng cách dùng tiếng lái:
“Gái Củ Chi, chỉ cu, hỏi củ chi”.

Khi nghe câu đối trên, anh Trà Lũ đã kêu cứu “xin các cụ giúp tôi với”? Quý bạn thừa hiểu là từ Củ Chi đầu là một địa danh gần Saigòn; củ chi thứ hai ở cuối là câu hỏi (củ nầy là củ chi vậy?) Còn từ chỉ cu vừa là một động từ, vừa là tiếng lái của cả hai từ cùng âm “củ chi”.

Cũng trong sách đó, ở một đoạn sau, Trà Lũ có nói rằng một số đọc giả viết thư “gà” cho anh 2 câu như sau gọi là đối lại với câu trên:
“Trai Thủ Đức thức đủ xin thủ đức” và
“Trai Bắc cực, bú c., than Bắc cực” .

Anh Trà Lũ cho là câu đối sau nghe “khiếp quá, nhưng phải viết ra trình cho các cụ chấm cho”. Hai câu nầy đại khái, không được chỉnh lắm về phương diện đối. Hơn nữa chắc bạn tôi vì tính tình xề xòa nên không để ý rằng tiếng lái của “Bắc cực” là “bức c.” chớ không như ông đọc giả nào đó đã viết. Và nếu dùng từ “bức” thì chắc không có gì “khiếp quá” mà chỉ hơi hơi táo bạo tí thôi. Chỉ ghi nhận cho vui chớ nào dám chỉ trích bạn mình, vì tôi cũng bí như bạn.

Mười năm qua rồi, trên con đường học hỏi về lái tiếu lâm, chưa tìm thấy câu nào hay hơn câu Củ Chi mà bạn đã kể.
Gần đây đọc bài của Ông Nguyễn Đại Hùng (7) thấy câu Củ Chi được ghi như sau: “Đến Củ Chi, chỉ cu anh, hỏi củ chi.” và câu sau ghi là:
“Về Cù Mông, còng mu em, đòi Cù Mông”.

Giai thoại về nói lái để hẹn hò qua câu đối
Gần đây hơn, vào mấy tháng đầu năm 2002, kể cả tháng bảy, đọc trong báo hằng ngày tôi thường thấy những tiếng lái, nhưng chỉ là những tiếng rời rạc, cũng vui, nhưng không lồng trong câu chuyện nào đặc biệt, nên tôi không ghi chép.

Tuy nhiên, trong một buổi tiệc sinh nhật tôi có nghe câu đối có tiếng lái. Câu chuyện rằng ở miền đồng quê sông Hậu nhân có buổi gặp gỡ của các thân hào trong làng, rồi trong câu chuyện qua lại, người ta nói về thời sự, đồng án, và văn chương.
Có một chàng nọ, trong câu chuyện về văn chương với một cô, đã nói:
Nguyệt Lão xe tơ, chỉ vàng tốt mối
Nàng đã trả lời là:
Đế Thích nhấp chén rượu trắng tái môi.

Mới nghe qua, tưởng là chuyện câu đối với các điển tích. Nhưng thực sự Nguyệt Lão và Đế Thích chẳng “ăn nhậu” (liên quan) gì đến hai người nầy. Họ chỉ hẹn ngày gặp nhau mà thôi. Chàng hẹn nàng tối mốt (tốt mối). Nàng không chịu, bảo là tối mai (tái môi.)


Nói lái qua câu hò đối đáp giữa trái gái

Miền đồng bằng sông Cửu long, vào mùa cấy các thợ cấy nam nữ vừa làm việc vừa vui đùa qua chuyện tiếu lâm, hoặc qua những câu hò đối đáp giữa hai nhóm nam nữ. Ông Nam San (6) có ghi lại một số câu hò có tính cách rất “tả chân” sau đây, trong đó có luôn cả câu có tiếng lái.
Phe Nam:
Thấy em gò má ửng hồng
Phải chi em đừng mắc cở thì anh bồng em hun.
Hoặc:
Nước Tân Ba chảy ra Trà Cú
Em cấy khum lòi vú anh muốn hun
Phe nữ đáp:
….
Phú Điền có chị Tám Hai
Thuyền quyên hò mí, đối trai anh hung.

Tân Ba, Trà Cú, Phú Điền là những địa danh ở vùng đồng bằng Cửu Long. Mới đọc câu chót ít ai để ý đến tiếng lái vì gái thuyền quyên mà đối “trai anh hùng” thì rất là thuận tai và thuận nghĩa. Nhưng “đối trai” nói lái là đái trôi, vừa có nghĩa đen rõ ràng, khỏi giải thích, vừa có nghĩa bóng là phe nữ có cách hò thắng phe nam một cách dễ dàng. (Ông Nam San chú thích rằng: “Hò mí hay hò mép là hò đối đáp, thách thức, vòng vo xuôi ngược, nói lái úp mở nói lên cái ẩn dụ của mình, miễn xuống câu ăn vận, đúng điệu là được.)

Giai thoại về học sinh “Văn Bình”

Trong chuyện chơi chữ của các học sinh và những nhà nho mà tôi đã đọc, thì chuyện sau đây (tôi nhớ không được rõ ràng về chi tiết và tên tuổi) nói lên sự đùa cợt bằng tiếng lái. Chuyện rằng có một nhà nho nọ văn hay, chữ tốt, thi đậu cao, nhưng không chịu ra làm quan mà chỉ về vườn vui thú việc dạy học. Có một anh học trò nọ rất hay chữ và tự cao về tài của mình. Anh ta tên là Văn Bình. Anh đi tìm nhà nho nọ để thi thố tài đối đáp của mình.

Trong lúc đi trên các con đường quê quanh co, anh ta gặp một ông câu cá, anh ta hỏi thăm lối đi. Ông câu hỏi tìm gặp nhà nho làm gì? Anh sinh viên đáp là để đối đáp văn chương. Ngư ông nói nếu anh sinh viên đối được câu đối của ông thì ông sẽ dẫn đến nhà của nhà nho. Ông giao điều kiện là khi ra câu đối, ông chỉ nói ra từng chữ một và anh sinh viên phải đối lại từng chữ một. Anh sinh viên bằng lòng. Những chữ của câu đối là:
“Võ trắc đáo nam cô”.
Anh sinh viên đối từng chữ là:
“Văn bình lai bắc cụ”

Vì khi đối là đối từng chữ một nên anh sinh viên không thể biết nội dung của cả câu. Khi xong, ngư ông bảo anh sinh viên đọc cả hai câu xem nghĩa là gì và giải thích cho ông nghe. Đọc lại, thấy câu đầu vô nghĩa. Nhưng đọc câu thư hai xong, Văn Bình vốn rất thông minh, biết ông câu dùng lối chơi chữ lái để nhạo anh ta. Anh ta cũng nhận ngay ra rằng chính ông câu là nhà nho mà anh đang tìm. Tôi không nhớ đoạn kết của câu chuyện nầy ra sao, và cũng không nhớ đã đọc ở sách nào.

Giai thoại Mã Qui – Qui Mã

Phần cuối của việc trích dẫn sách, có hai tiếng lái đã thành giai thoại rất hay. Trong giai phẩm Xuân Nhâm Ngọ Người Việt, Công Tử Hà Đông (1) có viết bài Mã Qui và Qui Mã . Năm Ngọ nói chuyện mã là đúng quá rồi. Tác giả cho biết là hai từ nầy và câu chuyện liên hệ là do một “cây cười nhân dân nào đó ở Hà Nội” viết ra để làm chuyện tiếu lâm.

Chuyện đại ý là vào đầu thập niên 1980, kinh tế VN xuống dốc phi mã, thê thảm. Người cầm đầu đảng và nhà nước vì lo lắng quá nên đến đền Ngọc Sơn ăn chay xin thần linh báo mộng giúp biện pháp cứu nước. Hai người đều được thần báo mộng. Người đầu thấy con ngựa và con rùa, người kia thì thấy con rùa và con ngựa. Tuy vô thần, nhưng tin mộng và tin .. thầy giải mộng. Hai người bèn nhờ thầy giải thích hộ.
Thầy giảng rằng rùa là qui, ngựa là mã. Ông đầu thấy rùa và ngựa tức thấy qui mã, ông sau thấy ngựa và rùa tức thấy mã qui. Vậy theo điềm mộng thì thần có ý cho hai ông biết là: “muốn cứu vãn nước nhà hai ông phải qua Mĩ xin Mĩ (a) nó giúp, bao giờ Mĩ (a) nó qua nước mình thì tình hình nước mình mới khá được”.
Tác giả bài báo cũng có viết rằng là chuyện tiếu lâm (nói lái) nầy đã ra đời từ những năm đầu của thập niên 1980, khi chưa có dấu hiệu nào cho biết rằng Mỹ sẽ bang giao với VN. Tác giả bài báo đó viết tiếp là: “Hai mươi năm sau, chuyện mã qui qui mã thành sự thật.” Chú thích ( a) do tôi thêm: các từ Mĩ nầy dùng “ ĩ ” vì tiếng lái của qui mã = qua mĩ, và mã qui = mĩ qua).

Với những trích dẫn vừa qua, chúng ta thấy văn chương, văn thơ, trong sách báo hay video đều có nói lái, rải rác đó đây từ Bắc chí Nam, từ quốc nội đến hải ngoại.

Những lối nói lái qua tiếu lâm
truyền khẩu, hoặc được ghi chép lại.

Phần tiếp theo đây tôi sẽ ghi thêm những tiếng lái hay câu lái do tôi học hỏi hay lượm lặt trên con đường “tiếu lâm lái”. Ngoài ra nơi nào cần, tôi sẽ trích dẫn sách.

Nói lái trong câu đố
Lúc tôi còn nhỏ, tôi biết được những tiếng lái đầu tiên qua các câu đố. Thí dụ các câu đố sau đây:
a) – Ông cố ngoài Huế ông cố ai? (xuất vật)
b) – Ông đánh cái chen, bà bảo đừng? (xuất vật dụng) Hoặc c) – Ghe chày chìm giữa biển đông, cái nốc nó mất cái công nó còn. (xuất vật) .
Câu a) là “cái ô”; vì cố ai = cái ô. Câu b) là cái “chân đèn”; vì “chen…đừng = chưng đèn. Câu c) là “con còng”, vì “công còn = con còng.

Nói lái tên thú vật

Các câu sau đây nói lái về thú vật, thức ăn, địa danh, hay nói đùa cho vui:
Con óc con nhện , con ếch con nhọng;
Con cò con sóc, con cóc con sò;
Con công con rùa, con cua con rồng;
Con cáo con bò, con cò con báo.

Hoặc:
Con cá đối nằm trên cối đá;
Ông cò Lửa đứng ở cửa lò.
Bên trên trong phần trích dẫn video đã có rất nhiều tiếng lái về thú vật.

Nói lái về các loại canh

Về thức ăn, trong bữa cơm của VN thường có ba món chánh: món mặn, món xào và món canh. Sau đây là câu lái đùa về canh:
“Anh Câu Bành đánh lộn với anh Kí Banh, ông Cai Cảnh làm biên bản, giải lên ông Cai Khoanh để thụ lý.”
Các câu trên thật ra là tên của bốn loại canh: canh bầu, canh bí, canh cải và canh khoai.

Nói lái về các địa danh

Về địa danh chúng ta có một số câu sau đây:
Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ;
Chợ Đồng Tranh năm canh đành trông
Hoặc: Ra Thủ Đức năm năm thức đủ
Về Giồng Trôm tháng tháng dòm trông (4)
Hay các câu sau:
Đi chợ Búng coi chừng chúng bợ
Đến Hạ Long rát cổ họng la
Lên Bắc cạn, nghèo đành bán c. t
Vào Ba Thê cuộc sống bê tha
Vượt sông Đuống, xuống Đông lên bắc
Trèo Đèo Ngang trong lúc đang nghèo

Ngoài ra còn có câu sau đây liên quan đến địa danh và nói lái, và có thể dùng câu nầy làm vế đầu của câu đối. Vị nào đối hay xin ban cho một câu đối để chuyện thêm phong phú:
“Nếu chịu Bà Chở , Bà Chở sẽ chở xuống Chợ Bà Chiểu”

“Chở” vừa là tên của một bà, vừa có nghĩa là đem đi bằng một phương tiện giao thông (chuyên chở ). “Chịu Bà Chở” cũng có hai nghĩa: Thích bà có tên Chở hoặc, “đồng ý cho bà đó chở đi”. Tiếng lái của chịu Bà Chở là chợ Bà Chiểu một địa danh rất quen thuộc ở vùng Sàigòn.

Vùng Đồng Nai Cửu Long có hai câu đối rất độc đáo, và nổi danh sau đây để chỉ một chàng trai người Hốc Môn, và một cô gái người Gò Công đang tình tự:

Trai Hốc Môn miệng hôn tay móc,
Gái Gò Công chân gồng cẳng co.

Giai thoại nói lái về con Rồng Air VN
Trước năm 1975, hàng không Air VN có dấu hiệu con rồng uốn khúc. Có một thời gian, không biết các cô tiếp viên phi hành có tư cách hống hách với khách hàng thế nào mà các vị viết báo đã cho Air VN một cái nick name (tên riêng hay biệt danh) để đời là Air rồng lộn. Các cô tiếp viên hống hách cũng bị gọi là các cô rồng lộn. Tưởng một thời gian ngắn rồi mọi sự kiện sẽ bị quên lãng. Nhưng khốn nỗi cứ 12 năm thì có một năm thìn, tức năm con rồng, cái nick name nầy lại được viết ra trên báo xuân, thành ra có thể nói đây là tiếng lái được các báo nhắc đến nhiều nhất, một tiếng lái để đời.

Những câu nói lái khác liên hệ đến con rồng.
Ông Đại Ngu (2) có ghi hai câu đối sau đây:
“Con Tiên Cháu Rồng, Lộn xuống hồng trần sung sướng nhỉ.
Mộng hùm thơ Rắn, Sai đâu con tạo đở đần cho”

(Tác giả Đại Ngu có chú thích là chữ lái của “rắn sai” là “Rái săn”, đọc theo giọng Hà Nội âm R thành âm D.
Ông cũng có ghi thêm về giai thoại Tú Mỡ đùa thi sĩ Ngọc Hồ như sau: “Tú Mỡ viết bài thơ trào phúng có hai câu khá tục, chắc đã làm nữ sĩ Ngọc-Hồ phải căm giận:
Hồ tù ngán nổi con rồng lộn
Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo”
(Tôi tò mò: Có lẽ bút hiệu Đại Ngu cũng là tiếng lái?)

Nói lái để tuyên truyền

Tôi nhớ, có một hôm, theo thường lệ, tôi chỉ đọc lướt qua những tựa của các bài báo. Có một tựa có tên đại khái là: “Không phải thầy tu nhưng rất thù Tây”. Vì chưa đọc bài báo, nên không biết nội dung ra sao. Nhưng vì méo mó nghề nghiệp, tôi nhận ngay chữ thầy tu là tiếng lái của thù tây hay ngược lại. Chữ này làm tôi nhớ đến chữ thầy tăng vì đó là tiếng lái của chữ thằng tây. Số là trong thời kháng chiến chống Pháp giữa thập niên 1940, người ta truyền miệng trong dân chúng hai câu sau đây:

Chừng nào lúa mọc trên chì,
Voi đi trên giấy, rồi đời thầy tăng

Nói lái để cho mật thám không biết. Họ đồn đó là hai câu sấm “Trạng Trình”. Hai câu sấm nầy được truyền miệng giống như ý sấm đã bắt đầu linh nghiệm vì lúa đã mọc trên chì: Pháp cho sản xuất tiền đồng xu và cắc bạc có hình cây lúa; và cho lưu hành giấy bạc một trăm đồng có hình con voi (hình trang 126. Ai có tờ giấy “con voi” trong túi là dân khá giả vì $100.00 đồng lúc đó bằng 5 tháng lương của thầy giáo.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét