khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

"Về Giúp Nước"- Tác giả Phạm Minh Tâm



Nhân một dịp trao-đổi qua “e-mail” giữa các thân-hữu với nhau, người viết được đọc một bài mang cái tên mà theo ngôn-ngữ bên nhà hiện nay thì rất ư là “nổi cộm”. Đó là.. Đi tìm nhân cách đã mất của người Việt…của tác-giả Trần Thành Nam. Và nếu không lầm thì bài này viết cũng đã lâu, bây giờ được khơi lại vì cái đầu đề của nó vẫn được người chuyển cho là “vấn-đề” lớn, qua lời giới-thiệu rằng…Bài Đi tìm nhân cách đã mất của người Việt của Trần Thành Nam đi rất sát với thực trạng tinh thần của người Việt, không có tính cách bịa đặt láo lếu để bênh vực phía này hay phía khác….có động lực đưa chúng ta đến sự thông cảm với những người đi tìm nhân cách đã mất của người Việt…và kết-luận…Nhân cách đã mất vì chế độ

Vì thấy cả tác-giả lẫn người chuyển đặt nặng một vấn-đề phải nói là tổng-quát thật đao to búa lớn vào trong một hiện-tượng cá-biệt hơi có tính chủ-quan nên bản-thân thấy bất-ổn. Thành vậy, bài viết này không nhắm bình-luận về nội-dung câu chuyện được kể mà chỉ là nhờ qua ý tình của tác-giả để trình-bày chút cảm-nghĩ từ cái tư-duy gọi là nhân cách đã mất của người Việt…mà điều chính là muốn cùng chia sẻ chút tâm-tư với người chuyển bài cùng thân-hữu trong nhóm. Âu cũng là xem như để học hỏi thêm, như có tác-giả nào đó đã nói …tận cùng suy-tư sẽ tìm ra chân-lý… Cùng một trật, người viết tự xét không có khả-năng dùng lại cái tựa quá to-tát và bao-quát nên chỉ thu lại trong giới-hạn dựa theo cách nhìn của từng người khi trăn-trở về hai chữ “nhân cách”. Đây cũng là dịp cho bản-thân người viết xét lại xem mình đã có nhân-cách hay chưa và vẫn còn hay đã mất.

Sự tình câu chuyện dẫn đến việc tác-giả phải Đi tìm nhân cách đã mất của người Việt cũng nhẹ-nhàng và cũng không hẳn là chỉ xảy ra ở Việt-Nam dưới chế-độ cộng-sản hiện nay, nếu không muốn nói là sẽ có ở bất cứ mảnh đất nghèo nào trên thế-giới nơi mà dân-trí không nhô cao hơn được nhu-cầu miếng cơm manh áo.

Theo bài viết, tác-giả là con một cán bộ tập kết và là một người cộng sản kiên cường, đang tại chức. Vì học giỏi nên không – được hay bị cũng thế thôi – đi bộ-đội chiến-đấu (chắc là “chống Mỹ cứu nước”), mà là du-học Đông Âu rồi về nước với thiện-chí cống-hiến tài-học cho đất nước, dĩ nhiên là đất nước “đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã-hội”…Rồi chỉ vì một lần… tôi và mẹ tôi ra Bắc bằng tàu liên vận. Hai mẹ con ngồi ở khoang ghế cứng….dễ hiểu hơn là chuyến xe lửa Thống-nhất ở toa hành-khách hạng bình-dân dành cho người nghèo…và đã có một chuyện rất nhỏ xảy ra trong chuyến đi Bắc đó làm tôi quyết định dứt khoát quay trở lại Đông Âu. Đó là một cô bé nghèo mang rổ rép khô lên tầu bán. Song vì là toa hạng bét nên có cảnh xô-bồ chen lấn làm đổ rổ tép của cô bé. Một số bạn hàng cũng buôn thúng bán mẹt như cô đã xúm lại, chia nhau hốt số tép trên sàn đem đi…Và thế là …từ hôm đó, ngay lúc đó, một điều gì lớn lao đã đổ vỡ trong tôi. Tôi đã mất niềm tin vào nhân cách người Việt…không còn muốn trở về nước làm việc để “cống hiến cho đất nước” nữa…Vậy thì trách ai đây khi mới chỉ là chút bóng tối tham-lam của mấy con người lao-động mà thâm-tâm con người trí-thức đã quay ngoắt lại với bổn-phận, đã mất ánh sáng của mình.
Theo từ-điển Hán Việt của Đào Duy Anh định-nghĩa, nhân-cách là phẩm-cách của người – cái tính cách riêng của một người – cái tư-cách tự-chủ độc-lập của người ta ở trên pháp-luật (personnalité), tức là không thể-hiện giống nhau, không “uniforme”. Cũng theo Đào Duy Anh thì muốn cho nhân-cách phát-triển(développement de la personnalité) là phải nhờ giáo-dục và học-vấn. Song theo thiển-ý, cũng chưa chắc gì sau khi được giáo-dục, có học-vấn đầy mình, hoặc con dòng cháu giống mà một nhân-cách khả dĩ thành-hình đâu.

Nếu đem đối-chiếu từ một chuyện rất nhỏ nơi một nhúm nhỏ cùng khổ và chắc chắn là thuộc thành-phần thiếu học-vấn, chỉ quẩn-quanh với mục-đích cơm áo để sinh-tồn (survive) với một tâm-sự trí-thức ăn-học để sống cùng (co-alive) anh em trên đất nước…thì biết nói sao đây. Lại còn thêm vào “lý-tưởng cộng sản” nơi một người kiên cường, đang tại chức mà còn khuyên tôi nên trở lại “học tiếp” thì đúng ra đổ vỡ phải xảy đến từ đâu? Nhân-cách phải tìm từ đâu. Và điều quan-trọng là có nhân-cách không đã rồi mới biết mất hay còn. Lại càng không có cái nào để ghép chung-chung thành nhân-cách của người Việt.
 
Thành-thật thú-nhận, từ lâu lắm rồi, có lẽ vì trước sau đã được lớn lên trên Quê-hương với sức học bắt ngưồn từ những bài Việt-sử, bài Đức-dục, bài Công-dân Giáo-dục đơn-giản của nền giáo-dục Miền Nam dạy cho biết bổn-phận mình trên căn-bản mỗi người đều là con nợ của xã-hội, là con dân của Đất Nước, phải có bổn-phận phục-vụ anh em và trả nợ Đất Nước mà tôi rất dị-ứng với kiểu tự xưng là “về giúp nước” hay “cống-hiến cho đất nước”. Nghe sao hách-dịch và kênh-kiệu, nói dễ hiểu và chính-xác là “chảnh”. Những chữ này từ lâu chỉ là một thành-ngữ dùng riêng trong thành-phần những người Việt-Nam mệnh-danh là giới trí-thức khoa-bảng với bằng cấp của nước ngoài đem về. Bởi vậy khi lấy nó làm đầu đề, người viết đã phải đặt trong ngoặc kép vì đi mượn chữ nghĩa.

Những nét chung-chung làm nên nhân-cách của mỗi người Việt-Nam tôi là biết nghĩ đến bao thế-hệ ông, cha, anh… đã đổ máu xuống mảnh sơn-hà chữ S cho hai chữ Việt-Nam góp mặt trên trường Quốc-tế và phải biết âu-lo, biết ray-rứt và quay-quắt với thảm-hoạ diệt-vong; chứ không bình-thản chờ hồi đầu với thân-phận nô-lệ người Tàu phương bắc. Cùng trong tâm-thức ấy, mỗi người chúng tôi thể-hiện bằng những cách khác nhau mà thành tư-cách con người. Tư-cách này, anh và tôi có hay chưa?

Suy cho cùng, cái mất nhân-cách nhất của tôi, của rất nhiều anh em tôi trong nước cũng như ngoài nước là ích-kỷ, cầu-an, vô-cảm… đem cộng lại thành chữ “hèn”. Vì hèn thành ra lười, không chịu làm mà chỉ nói cho qua ngày đoạn tháng. Trong nước thì là những tội-đồ nô-lệ, ngồi chờ được sai khiến bằng chính-sách. Ngoài nước thì tự-mãn với cơm no, áo ấm, tiện-nghi đem lại từ một thời mới đến đổ công sức nên bây giờ toạ-hưởng kỳ-thành. Tôi nghĩ mất nhân-cách, thiếu tư-cách là chỉ lo hưởng-thụ vật-chất như các cụ xưa đã nghiêm-khắc chửi là quân vô-lại – chẳng giống cái loại nào cả – và tệ hơn nữa là phường giá áo túi cơm – thân xác lớn lên chỉ là cái giá, cái mắc để treo những bộ quần áo và cái bị chứa cơm và thậm-chí chứa cả sơn-hào hải-vị. Đó cũng là nguyên tắc đạo-đức đòi hỏi con người vượt qua lằn ranh xấu và tốt.

Câu văn cuối cùng… Mọi người! Hãy trả lại rổ tép khô cho tôi… trong bài viết …Đi tìm nhân cách đã mất của người Việt…làm tôi nghĩ đến bài viết của anh bạn Nguyễn Văn Lục, mới gửi cho, có đoạn…Phần không nhỏ, người ta đã dẫm đạp lên lằn ranh tốt-xấu ấy. Tuy nhiên, còn có điều quan trọng hơn cả chuyện xấu tốt là biết nhận lỗi, biết xấu hổ, biết sám hối, biết ăn năn, chữ được dùng tùy theo ý thức đạo đức hay tôn giáo hoặc hoàn cảnh riêng của mỗi người. Rất nhiều người, có thể là đa số tuyệt đối, đã không làm được điều xem ra dễ dàng này! Thật đáng tiếc. Tiếc cho họ đã lầm lỗi, nhưng tiếc hơn nữa họ đã không biết nhận trách nhiệm… Trong cái lô-gic ấy, để xóa đi cái mặc cảm về tội “tổ tông” ấy, thay vì im lặng với tư cách người thua cuộc – nhận thức được vì sao thua, “tôi làm tôi mất nước”– thường người ta làm ngược lại. Họ làm đủ cách để biện minh cho sự hiện hữu tốt đẹp mà ai cũng cần có….

Kẻ không có tư cách sẽ tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác, ngay cả quy chụp người khác. Cộng đồng người Việt khắp nơi đang rơi vào tình trạng bát nháo tranh chấp, bôi nhọ nhau, chụp đủ thứ mũ cho nhau đến đáng xấu hổ. Đó là thứ lục bình cùng rác rưởi, xác súc vật chết, ngay cả xác người bị lật ván thiên trồi lên mặt nước, rác củi mục, đủ thứ rác nổi lên cùng trôi trên dòng nước lũ…

Tôi muốn góp thêm vào nhận-xét của anh Nguyễn Văn Lục một điều là Giáo-dục Miền Nam trong suốt hai mươi năm là nền giáo-dục khai-phóng, phổ-cập dựa trên nền-tảng văn-hoá dân-tộc. Báo-chí, truyền-thông cũng phải có văn-phong chững-chạc và tề-chỉnh. Càng mang mục-đích tuyên-tuyền thì càng phải nhã-nhặn, lịch-sự mới đi vào lòng người chứ đâu có như bây giờ, chửi nhau như chó cắn mèo quào bằng cách ăn nói thô-lỗ, không thiếu cả tục-tằn.…cứ giống như anh Nguyễn Văn Lục viết là để giải-toả bớt mặc-cảm nào đó.

           
Và khi đặt thắc-mắc về trách-nhiệm của ai là cái “mọi người” phải trả rổ tép khô cho tác-giả, tôi nghĩ về Hồng-kông hiện nay, một Hồng-kông trong khí-thế sôi-sục của tập-thể cùng góp lại để đòi “rổ tép khô” chung của họ. Nhân-cách của họ là đấy, là cùng nhau nỗ-lực đào giếng để tránh khát.
         
Vào trưa Thứ Bảy 17-8-2019, ở thành-phố Melbourne – Úc-châu thuộc Tiểu-bang Victoria, có cuộc biểu-tình của Cộng-đồng người Hoa dân-chủ (Democratic Chinese Community in Victoria) diễn ra trước khu Thư-viện Tiểu-bang (State Library) để chống lại cuộc biểu-tình do Bắc-kinh huy-động lên án phong-trào đòi dân-chủ của Hồng-kông. Một số sắc-tộc khác đến đồng-hành cùng họ, như Tây-tạng, Tân-cương, Ô-nhĩ (Uyghur) và Cộng-đồng Người Việt Tự-do tại Victoria.
         
Giữa quang-cảnh buổi biểu-tình, một nhóm người Việt cùng nhau đặt câu hỏi…Làm sao để Việt-Nam được như Hồng-kông…Câu trả lời được góp lại từ cách mỗi người sôi-nổi phát-biểu. Nếu người Việt-Nam bớt chia rẽ, bớt phân-hoá vì đầu óc độc-tôn phe nhóm, để nghĩ cho đại-cuộc, cho tương-lai chung của Đất nước. Người thì bảo dân Hồng-kông có ý-thức hơn về tự-do, dân-chủ với một thế-kỷ lịch-sử tuy là thuộc-địa của nước Anh nhưng bản-sắc dân-tộc của họ còn, nên bây giờ họ kết-hợp lại thành chung ý-thức về tự-chủ nên đòi tự-do.

Cái ý-thức này không phải từ trên trời rơi xuống, lại càng không phải cứ ngồi trước máy “computer” chửi nhà cầm quyền cộng-sản Việt-Nam và Bắc-kinh hay chửi nhau là có, mà phải do tâm-ý vun trồng và duy-trì bằng mọi khả-năng và trong mọi dịp. Đặc-biệt là ở hải-ngoại, phải làm sao tan-biến đi tâm-lý hay ghen ăn ghét ở. Thấy tập-thể, tổ-chức nào tích-cực đấu-tranh hay phục-vụ công-cuộc chung thì nếu không hỗ-trợ cũng đừng triệt-hạ kiểu như leo giây giật giải, biết mình không được thì cố sức tìm cách kéo chân kẻ khác, kéo nhau cho tuột xuống hết.

Hồng-kông được như vậy vì người Hồng-kông chỉ lo làm đúng nhân-cách mình. Hồng-kông không có các ngòi bút cong quẹo, quanh năm suốt tháng hùng-cứ trên mạng với đủ loại câu hỏi gây nghi kỵ trong dư-luận chỉ mang tính cách phá-hoại. Cụ-thể như nếu là Việt-Nam thì sẽ có rất nhiều bài, không phải là viết mà là vét, vơ-vét hết mọi thứ lụn-vụn đâu đó cho thành câu hỏi…Hoàng Chí Phong là ai…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét