“Nhỏ không học lớn đi làm báo”, học vấn thì “ba môn 9 điểm” (ba môn thi đại học cộng lại chỉ 9 điểm, trung bình một môn ba điểm), “đếm tầng”.
Chỉ trong khoảng ba năm gần đây, làng báo Việt Nam mới bị xã hội gán cho những cái tên như vậy. Của đáng tội, tuy không đúng với tất cả mọi tờ báo, mọi nhà báo, nhưng trên bình diện chung, nó lại … hợp lý quá thể.
Thời suy thoái của báo chí Việt Nam bắt đầu từ lúc nào và vì sao?
Từng một thời vàng son
Những nhà báo chân chính gạo cội đều có thể kể vanh vách trong suốt mấy chục năm từ 1975 cho đến cách đây mới độ năm bảy năm, làng báo Việt Nam đã từng có thể tự hào vì những tiếng nói phản biện xã hội khách quan và mạnh mẽ. Làng báo lúc đó có thể gọi là “trăm hoa đua nở”.
Báo Thanh Niên từng có loạt bài điều tra vạch mặt tập đoàn tội ác Năm Cam và những quan chức cỡ đại đứng sau bao che, cấu kết các hoạt động kinh doanh phi pháp.
Báo Tuổi Trẻ ghi dấu từ thời bao cấp với bài về chàng thủ khoa không được đi học Đại học vì lý lịch “xấu” (cha là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa), khởi đầu cho sự tham gia mạnh mẽ của báo chí góp phần thay đổi xã hội.
Lao động hùng cứ thị trường với sở trường phóng sự hay và lạ ở khắp mọi miền.
Pháp luật Tp HCM một mình một chợ với thành công biến lĩnh vực hàn lâm và khó hiểu như pháp luật thành diễn đàn sinh động, đa dạng và phong phú. Đó là tờ báo có những loạt bài viết tiên phong và hàng đầu cả nước trong việc giải thích và hỗ trợ hành chính công, chính quyền đô thị, giải oan, phản biện chính sách trong lĩnh vực hành chính công, điều tra, truy tố, xét xử.
Phụ nữ Tp HCM một thời cần sắc sảo có sắc sảo với những loạt bài chống tiêu cực, cần lãng mạn bay bổng có lãng mạn bay bổng, với những loạt phóng sự gia đình tinh tế.
Báo Đầu tư là cánh cửa lớn mở ra thế giới, một thử nghiệm phong cách làm báo tây ở ta với những bài viết ngắn gọn súc tích, dễ hiểu, giàu thông tin, luôn có dẫn chứng bằng con số. Một nét đặc biệt của họ là dùng rất nhiều biểu đồ, hầu như tin bài quan trọng nào cũng có biểu đồ và phân tích con số đi kèm. Đầu tư đã tạo ra một cách làm báo khoa học, giàu thông tin và khách quan cho cả làng báo tài chính và số liệu bấy giờ.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn uyên thâm và giàu kiến thức chuyên ngành dưới những ngòi bút sinh động, tờ tuần báo nội dung đậm đặc đến nỗi muốn đọc hết phải mất vài ngày.
Sài Gòn Tiếp thị là cẩm nang về tiêu dùng, cung cấp dồi dào thông tin và nhận định về thị trường và tiêu dùng, mà bất cứ ai muốn mua sắm đều cần đọc tham khảo.
Công an Tp HCM dẫn đầu về số lượng phát hành trong thị trường với con số có lúc lên tới vài triệu bản/kỳ, lương+ nhuận bút của người trong báo tính bằng cây vàng.
Ngoài những phóng sự nhanh nhạy và hấp dẫn từ về hoạt động tội phạm và của ngành công an, quá trình điều tra các vụ án lớn, Công an TP HCM còn bắt rất kịp nhu cầu được biết để tự bảo vệ của người dân bằng trang tin cuối, dày đặc các tin nhỏ cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới nhất.
Trong lứa tuổi thiếu niên có Mực tím, với bút nhóm Vòm me xanh một thời quy tụ các cây bút học trò trong trẻo và đa dạng, đặc biệt ngôi sao sáng chói Hoa học trò từng in không kịp bán ở các sạp báo, ai muốn đọc đều đặn thì không cách nào khác là phải đặt mua dài hạn.
Có thể nói báo chí “cách mạng” Việt Nam từng có một thời hoàng kim đáng tự hào.
Những cái tên kể trên đều là hàng đầu trong lĩnh vực và đối tượng bạn đọc của mình, không lẫn vào ai.
Một gia đình thành thị lúc đó phân bổ hẳn ngân sách đọc báo, gồm Thanh Niên/Tuổi Trẻ/Lao Động… cho đàn ông, Phụ nữ Tp HCM cho mẹ, vợ, con gái lớn. Trẻ con có Nhi đồng, Mực tím, Hoa học trò theo từng lứa tuổi. Sài gòn Tiếp thị cho cả gia đình. Còn bất cứ ai học luật, làm luật hoặc yêu thích, hay dính vào vụ việc muốn tìm hiểu luật thì không thể thiếu báo Pháp luật TP HCM. Doanh nhân thì phải có Đầu tư.
Cả đời chưa viết cái tin, đùng phát làm tổng biên tập
Cuối thời hoàng kim đó xuất hiện những dấu hiệu báo trước sự suy thoái từ nhiều phía, khi Thành ủy TP HCM đưa một người chưa từng làm báo là ông Phạm Đức Hải, đang là Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp HCM về giữ chức Tổng biên tập báo Tuổi trẻ. Ngay sau 5 năm giữ chức của ông Hải là một nhân vật khác, ông Tăng Hữu Phong, vốn là Phó Bí thư Thành Đoàn Tp HCM. Cả hai nhân vật này đều chưa từng một ngày làm báo, chưa hề biết làm báo là phải làm những gì.
Bấy giờ, cả làng báo xôn xao bàng hoàng. Những nhà báo già dặn với nghề không thể hình dung một người không có chút hiểu biết nào về chuyên môn lại có thể chỉ đạo cho họ phải thực hiện một phóng sự, một bài phỏng vấn, một bài bình luận… Đặc biệt nhất là, ông tổng biên tập quyền lực lại từ những nơi đặt thói quen chấp hành cấp trên làm tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất, về làm đầu não một nơi mà giá trị cốt lõi là tự do và phản biện.
Nghe đâu sau một thời gian làm tổng biên tập, đối đầu với những công việc chuyên môn cụ thể, ông Hải không chịu nổi mà phải than một câu công khai “Hồi làm thành ủy lương tôi vẫn vậy mà công việc khỏe hơn nhiều, giờ ở đây áp lực quá” (nói chơi vậy, chứ làm Tuyên giáo Thành ủy sao có thể so với những khoản phụ cấp hậu hĩ của Tuổi Trẻ-một tờ báo giàu).
Thế nhưng việc kiên trì cài cắm những nhân tố phi báo chí vào bộ máy lãnh đạo các tờ báo hàng đầu đã chứng tỏ tác dụng. Gần 10 năm lãnh đạo của hai ông Hải và Phong đã tuyệt đối thành công trong việc kéo tụt tờ báo vốn được đánh giá là nhật báo hàng đầu Việt Nam thành cái bóng già cỗi và nhợt nhạt của chính nó. Dưới sự nắm quyền của họ, sự phản kháng của những người làm chuyên môn dần mệt mỏi, bị bẻ gãy. Tờ báo chuyển hướng rõ rệt từ tiếng nói phản biện mạnh mẽ thành nhạt nhòa nhưng nhiều lúc lại cực đoan đến phản báo chí.
Ở tờ Pháp luật Tp HCM cũng vậy. Khoảng năm 2012, một trưởng phòng ở Sở Tư pháp TP HCM được đưa về làm phó Tổng biên tập báo. Đây thực chất là cuộc luân chuyển cán bộ, đảo vị trí và lĩnh vực công tác trước khi được nâng lên vị trí lãnh đạo mới. May mắn hơn so với Tuổi Trẻ, các vấn đề nội dung của báo Pháp luật Tp HCM nặng chuyên môn hơn, bộ máy lãnh đạo cũng gọn nhẹ hơn nên vị phó tổng mới nhanh chóng bộc lộ tất cả điểm yếu về mặt này trước đội ngũ tòa soạn. Kết thúc giống nhau là anh em làng báo nhanh chóng xem họ như người vô hình, và họ trở về nơi công tác cũ rồi lên chức.
Vài năm làm tổng biên tập, tiêu diệt xong tờ báo
Không thể bỏ qua tác động mạnh mẽ của làn sóng báo điện tử khiến lượng phát hành các báo giấy nói chung con số tụt giảm thê thảm, nhưng nhiều năm trời dưới sự lãnh đạo của những cá nhân ngồi nhầm ghế như vừa nói là một trong những nguyên nhân khiến các tờ báo tụt lùi, chậm trễ hẳn so với chính nó và so với thị trường.
Một cuộc họp giao ban trong tòa soạn thường diễn ra như thế này: phóng viên và các ban nêu các vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực họ phụ trách. Có những vấn đề nếu là người không có chuyên môn hoặc chuyên môn không đủ giỏi sẽ cực kỳ bối rối. Giả như PV vừa điều tra xong một vụ quan trọng và các nơi đang bắt đầu can thiệp, nhờ hoặc ép buộc dừng đăng, gỡ bài. Tiếp tục đăng hay dừng, gỡ hay để nguyên? Lấy lý do nào trả lời khi bị can thiệp mà không bị mất đi mối quan hệ? Nếu gặp những áp lực lớn hơn thì sẽ làm gì? Đó là những câu hỏi mà các nhà báo phụ trách lĩnh vực có thể trả lời lập tức, nhưng quyết định lại ở tổng biên tập. Nói cách khác, tổng biên tập chính là nhạc trưởng của một dàn nhạc lớn. Các nhạc công là người chơi giỏi nhất bản nhạc, nhưng nhạc trưởng phải là người giỏi hơn hết tất cả về sự phối hợp giữa chúng.
Vậy mà những tờ báo một thời đình đám Việt Nam đã phải đón những vị “nhạc trưởng” mà nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét