Sinh ngày 18 tháng 8 năm 1928 tại Bến Tre, ông Đoàn Bá Cang tốt nghiệp Luật tại Paris University năm 1953-1954 và bắt đầu làm việc ở Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1954.
Đầu tiên ông làm Tham vụ trong Tòa Đại Sứ VNCH tại Paris từ 1964-1965.
Năm 1965 ông Cang phụ trách khu vực Âu Châu và Phi Châu của Bộ Ngoại giao.
Ông làm Tham vụ trong Tòa Đại Sứ VNCH tại Tokyo từ 1965-1967, làm Phó Đại sứ tại Paris 1968-1970.
Sau đó ông Cang trở về nước làm Bộ trưởng Bộ Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc trong năm 1967-1968.
Năm 1970-1972 ông Cang làm Công sứ rồi Đại sứ của VNCH tại Nhật, trước khi được cử sang làm Đại sứ tại Wellington New Zealand.
Cuối năm 1974 ông Cang được bổ nhiệm làm Đại sứ của VNCH tại Canberra.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi cách đây bốn năm với SBS Việt ngữ, ông Cang nhớ lại sau khi Hiệp định Paris được ký kết tháng Giêng năm 1973, Tổng thống Thiệu đã triệu tập tất cả các đại diện ngoại giao của VNCH về họp.
"Tôi nhớ là hình như vào đầu tháng 2 năm 1973, thì lúc đó cuộc họp tại Dinh Độc Lập buồn lắm nếu như những ai đã đọc cái văn bản Hiệp định Paris.
"Sau khi họp xong tôi đi thăm Phó Thủ tướng Trần Văn Hương, ổng khóc, ổng kêu tôi bằng cháu, ổng nói cháu biết không, hết rồi, mất rồi..."
Ông Cang từng ở trong phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris năm 1968-1969.
"Lúc đó tôi cũng gặp tụi CIA định kỳ để trao đổi tin tức. Có một lần năm 69 họ mời tôi đi ăn trưa và nói hồi nào giờ ông hợp tác với chúng tôi rất tốt, nhưng sao hai ba tháng nay ông thường vắng mặt?"
"Tôi nói các ông qua để giúp bảo vệ cái mảnh đất đó, nhiệm vụ của tôi là phải hợp tác với ông, nhưng tôi thấy bây giờ tình hình khác rồi."
"Tết Mậu Thân chúng tôi không có thua. Mùa Hè lửa đỏ chúng tôi không có thua. Trên mặt quân sự không có thua. Vậy mà bây giờ ông sửa soạn ông đi, thì làm sao tôi có thể ngồi nói chuyện với ông hoài được?"
Ông Cang nhớ lại lời chống chế của đại diện CIA rằng người Mỹ đâu có đi, lúc đó làm cho ông nổi giận.
"Không phải ông đi mà ông chạy... You are running away!" ông Cang kể với SBS Việt ngữ.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, chính phủ Úc Gough Witlam lúc đó đã thiết lập bang giao với Hà Nội, không cho ông Cang tị nạn mà chỉ được lưu lại 6 tháng.
Tháng 11 năm 1975 là lúc hết hạn ông Cang phải rời Úc thì cũng là lúc Thủ tướng Witlam bị Toàn quyền Sir John Kerr cách chức.
"Bữa đó tôi mua tờ báo Australian tôi đọc thấy 'Witlam dismissed'. Chuyện gì lạ vậy? Tôi chạy đi mua tờ báo khác thấy cũng tựa lớn 'Dismissed', chuyện thiệt rồi. Tôi cười, vậy là Trời cho tui ở lại đây rồi," ông Cang nhớ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét