khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

TRẦN VĂN TOÀN: TRIẾT HỌC THÌ DÙNG LÀM GÌ?- Thục hiện phỏng vấn Lý Đợi




Trần Văn Toàn tại quê hương Phát Diệm, 2006.


Trần Văn Toàn sinh năm 1931 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Bảo vệ cao học về thần học Công giáo (1954) và tiến sĩ triết học (1960). Ông từng dạy luận lý học, triết học, lịch sử khoa học và thần học Công giáo tại: ĐH Huế và thỉnh giảng ĐH Sài Gòn, Đà Lạt trong các năm 1960-1965; ĐH Công giáo Lovanium / Kinshasa/ Congo, 1965-1973; ĐH Công giáo Lille (Pháp), 1973-1996. Ông cũng dành thời gian nghiên cứu K.Marx và các triết gia vô thần, cũng như nghiên cứu về triết lý và lịch sử khoa học (philosophie et histoire et des sciences). Nhân cuốn sách Hành trình vào triết học - cuốn “hành trình” đầu tiên do chính người Việt viết (?) - được tái bản sau 44 năm, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông, không chỉ về cuốn sách này.
 
Tại Việt Nam, ông được độc giả quan tâm nhiều nhất, có lẽ là cuốn sách mỏng Tìm hiểu triết học Karl Marx (Nam Sơn, Sài Gòn, 1967) – bởi tính khách quan của nó. Sau hơn 40 năm, đáng lẽ cuốn này nên được tái bản đầu tiên, nhưng thực tế thì chưa. Xin hỏi, là người học bài bản về thần học, lúc ấy ông viết cuốn này vì lý do gì?

Về vấn đề tư tưởng, thì năm 1954, sau khi học xong cử nhân triết học ở ĐH Công giáo Louvain (Bỉ), với tiểu-luận-văn về một triết gia duy linh, thì đất nước chia đôi, tôi thấy cần phải nghiên cứu về K.Marx, để hiểu cho đúng, một là vì miền Bắc đi theo chủ nghĩa Marx, hai là vì tôi cũng đã được mấy giáo sư ở Louvain chuyên môn về Marx chỉ dẫn cho. Vào thời đó nhóm sinh viên Việt Nam ở Louvain, trong đó có ông bạn Lý Chánh Trung, đã có học tập với nhau về tư tưởng của Emmanuel Mounier, có khuynh hướng xã hội, dân chủ, nhân bản. Về hai điểm này chúng tôi thấy gần Marx. Vẫn biết là ông vô thần, nhưng ở Âu châu người ta đã tách rời tôn giáo với chính trị, cho nên tôi không thấy vấn đề là nan giải. Trong khi soạn luận văn tiến sĩ, tôi có làm việc ít lâu ở Viện Nghiên cứu xã hội (Institut fuer Sozialforschung) tại Frankfurt (Đức). Từ đó trở đi tôi vẫn để ý tìm hiểu vấn đề xã hội, đồng thời chú trọng đến vận mệnh con người cá nhân, có nhân cách, cần được bảo vệ. Ngoài ra tôi cũng nghiên cứu chủ trương vô thần của Marx và của một số triết gia khác, như Feuerbach, Nietzsche, v.v..  Dĩ nhiên là vẫn giữ lập trường phê bình. Có một điều mà ít ai để ý là: chính Marx cũng luôn giữ lập trường phê bình như thế, vì phần lớn các bài vở hay sách vở ông viết, đều lấy đầu đề là “phê bình”.

Độc giả trẻ ngày nay chưa có dịp để đọc lại cuốn sách này quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Hành trình vào triết học – thì có những lý thú riêng của nó, bởi tính bao quát, tường minh và dễ tiếp cận hơn. Lý do của việc tái bản cuốn sách này thì ông đã viết trong “Lời nói đầu”; chỉ xin hỏi, theo ông, những cuốn sách tương tự như thế này sẽ giúp ích gì cho những độc giả trẻ thời nay?
Triết học thì dùng làm gì? Vấn đề không phải là để biết nhiều hệ thống tư tưởng Đông - Tây, vì giữa các môn phái có thể có nhiều cái khác nhau và mâu thuẫn nhau. Nhồi sọ như thế, ngoài mục đích dạy học, thì có lẽ là vô ích đối với cá nhân, mà còn có thể sa vào cái bệnh “ngộ chữ”. Có người rất uyên bác, biết nhiều, viết nhiều, dạy nhiều, ví dụ những người đọc hay là soạn tự điển triết học, nhưng khó mà biết họ tin cái gì là phải. Cho nên giáo sư triết học chưa chắc đã là triết gia, mà triết gia chưa chắc đã là giáo sư triết học. Vấn đề không phải là học lấy một giáo điều, hễ có bậc thượng trí anh minh sáng suốt nào lên tiếng thì mình phải theo. Vấn đề là xem người xưa suy nghĩ, đặt vấn đề nhân sinh như thế nào, lý sự làm sao, để rồi mình suy nghĩ lấy cho mình, lấy cái lý mà xét, mà phê bình, tự phê bình, để tìm ra cái phải điều trái. Đó là lối triết lý của người Âu châu, đã bắt đầu từ Hy Lạp thời thượng cổ: họ bắt đầu bằng những bài đối thoại của Platon, chứ không bắt đầu từ câu “Tử viết”.

Có tính chất “tiếp thị” trực tiếp hơn một chút, nếu phải nói riêng với độc giả trẻ của cuốn sách này, ngày hôm nay, ông sẽ nói như thế nào?

Có mấy đề tài đáng được suy nghĩ: 1) Ngày nay ta học nhiều về khoa học và kỹ thuật: khoa học là để làm chủ vũ trụ một cách lý thuyết, kỹ thuật là để làm chủ vũ trụ một cách thiết thực. Cho nên một đàng thì cần suy nghĩ về cái bản chất và cái lý sự trong khoa học, một đàng thì tìm xem kỹ thuật có ý nghĩa gì đối với con người cá nhân cũng như đối với xã hội. 2) Người ta sống là sống trong xã hội. Thầy Khổng dạy trong sách Trung dung rằng “nhân (chữ nhân và chữ nhị) giả nhân dã”, nghĩa là: có được sống với người khác, và có sống được với người khác, thì mới thành người. Cho nên cần suy nghĩ về cuộc sống chung giữa người ta với nhau, về bản chất của xã hội và về liên quan giữa cá nhân và xã hội. Đó là vấn đề đạo đức xã hội, bao trùm những suy nghĩ về lòng “nhân ái”, và về những định chế công bình.
 

Con người ta khác con vật là ở chỗ có văn hóa, mà văn hóa thì căn cứ vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ làm cho ta vượt ra ngoài cái cá nhân của ta mà thông tin, thông cảm, thông đồng với người khác. Nó còn làm cho ta vượt được ra ngoài giây phút hiện tại, để nhớ đến cái quá khứ không còn nữa, để nói về những cái bây giờ đang làm cho ta chú ý, và về cái tương lai chưa có mà ta đang dự tính. Cho nên thiết tưởng cần suy nghĩ về tiếng nói, về các loại lời nói, về các công dụng của nó, và về giới hạn của nó.


 ==========


Giáo sư Trần Văn Toàn từng dạy triết học tại các đại học ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt trong thập niên 1960, ở Kinshasa (Congo) trong những thập niên 1960 và 1970 và ở Lille (Pháp) những thập niên 1970-1990. Ông là tác giả của Tìm hiểu triết học của Karl Marx (Sài Gòn, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1965), (Sài Gòn, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1965), Xã hội và con người Hành trình vào triết học (Hà Nội, Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen tái bản, 2009), Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật (Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen, 2011).

Ông bảo vệ Cao học về Thần học Công giáo năm 1954 và Tiến sĩ Triết học năm 1960. Ông đã dành thời gian nghiên cứu Karl Marx và đã viết nên tác phẩm đặc sắc Tìm hiểu triết học Karl Marx, xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn. Ngoài ra, với lập trường phê bình ông cũng nghiên cứu chủ trương vô thần của Marx và của một số triết gia khác, như Feuerbach, Nietzsche, v.v… Ông cho rằng có một điều ít ai để ý là chính Marx cũng luôn giữ lập trường phê bình như thế, vì phần lớn các bài vở hay sách vở do Marx viết đều lấy đầu đề là “phê bình”.
 
Ông cũng nghiên cứu về triết lý và lịch sử khoa học (philosophie et histoire et des sciences). Trong thời gian dạy học tại Đại học Huế, ông viết Hành trình vào triết học như một hướng dẫn nhập môn triết học cho các lớp dự bị văn khoa mà ông phụ trách. Và mãi 44 năm sau, cuốn sách này mới được tái bản như là tựa sách đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Ban Tu thư Đại học Hoa Sen.
 
Trong tác phẩm này, dường như thấu hiểu nỗi e ngại của những người đang đứng trước ngưỡng cửa triết học, tác giả đã chọn cách viết giản dị, khúc chiết với nhiều dẫn chứng nôm na sinh động (khác hẳn với văn phong hàn lâm và hết sức tư biện trong cuốn Tìm hiểu triết học của Karl Marx) như để cầm tay chỉ cho người đọc thấy “ngôi đền triết học” nằm ngay trong tâm trí mình, và triết học không phải là cái gì diệu vợi cao siêu ngoài ý thức của con người nhìn thẳng vào thân phận mình.
 
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nhận định : “Hành trình vào triết học, được viết cách đây hơn 40 năm, vẫn nguyên vẹn là một trong những cuốn sách nhập môn triết học hay nhất không chỉ cho người đọc Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách cung cấp những tri thức văn hóa nền tảng, cần thiết cho mọi người”.
 
Năm 2010, ông đến thuyết trình tại Đại học Hoa Sen, gây một tiếng vang cho học giới lúc bấy giờ.
Ban Tu thư Đại học Hoa Sen sau đó vào năm 2011 đã xuất bản tác phẩm Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật của ông. Đây là thiên khảo luận được viết với một văn phong hết sức sáng sủa và dễ đọc, cung cấp cho độc giả một cái nhìn triết học mang tính phân tích và phê phán, không chỉ về “ý nghĩa của lao động và kỹ thuật”, mà còn khai mở một cách phong phú và bổ ích cho những ý tưởng khái quát về triết lý tổ chức đời sống xã hội. (Trần Hữu Quang)
 
Hồi tháng 7 năm 2014 giáo sư Trần Văn Toàn viết thư về cho biết, nguyện vọng của ông là được thấy tác phẩm Tìm hiểu triết học của Karl Marx của ông được tái bản, và một tuyển tập những bài tiểu luận về thần học căn bản được xuất bản tại Việt Nam. Ông còn tâm sự, “sau này được Chúa cho khỏe mạnh” thì sẽ viết tiếp về thần học và vô thần.

Tiếc thay, sức khỏe đã không cho phép ông chờ đợi để hi vọng nhìn thấy mơ ước của mình thành sự thực. Mặt khác, chúng ta, những độc giả, học trò của ông sẽ không còn cơ hội nào thưởng thức những trang sách triết khúc chiết, sâu xa mà trong sáng dí dỏm của ông nữa.
 
Giáo sư Antoine Trần Văn Toàn (sinh ngày 7.11.1931) đã từ trần ngày 13.9.2014 tạị Lille, thọ 83 tuổi. Lễ tang sẽ cử hành ngày 18.9.2014, lúc 14g30 tại nhà thờ Saint Gérard, Lambesart, sau đó là lễ an táng tại Nghĩa trang des Ormes, Lambersart.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét