khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Một trường hợp mất gốc - Tác giả Gs Trần Anh Tuấn








Trong giai đoạn 1975-2015 tại Bắc Mỹ, giới phụ nữ gốc Việt viết sách không nhiều, nhưng cũng chẳng ít.

Về nghiên cứu, có tác phẩm của giới giáo sư đại học như Hue-Tam Ho Tai (1983, 1992, 2001) Kim N. B. Ninh (2002), Nguyễn-võ Thu-hương (2008), Lan P. Duong (2012), giới sinh hoạt cộng đồng như Ngô Thị Hiền (2001), giới văn học như Thụy Khuê (1996, 1998, 2002, 2005, 2012) và Lê Quỳnh Mai (2004)...

Giới phụ nữ viết hồi ký cũng thuộc nhiều thành phần khác nhau, hoạt động chính trị như Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (2001), Trần Thị Hoa tự Phấn (2002), cựu quân nhân VNCH như Cao Mỵ Nhân (1994), Nguyễn Thanh Nga (2001), văn thi sĩ nhà báo như Nhã Ca (1991), Nguyễn Huỳnh Mai (1995), giới giáo dục như Jackie Bong-Wright (2001), Lucy Nguyen-Hong-Nhiem (2004), công chức trong chính phủ Hoa Kỳ như Yung Krall (1995), Duong Van Mai Elliot (1999), hôn nhân dị chủng như Nguyễn Thị Thu Lâm (1989), Le Ly Hayslip (1989, 1993), Thanh Sung (1996, 1998), và nội trợ như Thu Tâm (1996), Huỳnh Thu Thảo (1999)...

Tất cả những tác giả nêu trên sẽ có mặt đầy đủ trong Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2015), một dự án dài hơi của tôi. Bài sau đây là một trích đoạn ngắn trong dự án.

Năm 2004 xuất hiện A Dragon Child: Reflections of a Daughter of Annam in America (Lincoln, iUnivers, Inc. xb, 2004, 151 tr.)


Nhìn bià sách là tôi thấy ngay tác giả của nó, Lucy Nguyen-Hong-Nhiem, khác người Việt chúng ta. Thứ nhất, đến thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn mơ màng những ngày “huy hoàng” khi thực dân Pháp cai trị Việt Nam. Tác giả sinh năm 1939 thì miền Trung khi ấy nhà cầm quyền Pháp định danh là Annam thì đúng rồi. Nhưng thời thế đã đổi thay. Sau 65 năm (2004-1939) từ khi tác giả sinh ra đời và nước Việt đã được độc lập hơn 59 năm (2004-1945) thì làm gì còn cái gọi là “Annam” nữa?

Thứ hai, tác giả tự xưng tên là Nguyen-Hong-Nhiem! Trong Việt ngữ, làm gì có cái tên lạ lùng với hai gạch nối và không có dấu như thế?  Đây rõ ràng là chi tiết cố tình của tác giả, vì ngay trong những trang kế tiếp, tên người Việt vẫn được Lucy Nguyen-Hong-Nhiem ghi đầy đủ dấu trong cả một danh sách dài những thân nhân của bà ta dù còn sống hay đã quá vãng. Như cha mẹ tác giả là Nguyễn Đức Thành Quách Thị Dậu, như các anh chị em là Nguyễn Thị Hồng Ái Huỳnh Kim Miên ở San Jose, Nguyễn Đức Mầu ở Long Beach, Nguyễn Đức Bửu Trần Lệ Nữ ở Randolph, Nguyễn Đức Ấn Nguyễn Ngọc Tú ở Việt Nam...

Nội dung sách này rất lạ, phổ lộ tính cách của một người phụ nữ Việt Nam có thể “thông minh và có trí nhớ tốt” như tác giả tự khoe, nhưng hoàn toàn là sản phẩm của nền giáo dục Pháp đến độ vong thân ngay trên quê hương mình.

Sách cũng là nơi Lucy Nguyen-Hong-Nhiem viết...bậy! Trong lịch sử hiện đại của Việt Nam đúng là có nhân vật tên Võ Văn Kiệt. Đó là một cán bộ cấp lãnh đạo của Cộng Sản Việt Nam, từng nắm vai trò Thủ Tướng nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sau ngày 30.4.1975, Võ Văn Kiệt từng làm bí thư thành ủy thành phố Sài Gòn đã đổi tên. Chính ông ta đã can đảm nói lên sự thật, là hàng năm mỗi dịp 30.4 đến thì có hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Chính Võ Văn Kiệt có lòng tốt cứu giúp nhiều người trong giới trí thức Sài Gòn cũ. Thời ông ta làm bí thư Sài Gòn, mỗi khi có thành viên nào của Hội Trí Thức Yêu Nước... Ngoài (trụ sở ở đường Nguyễn Thông, Quận Ba) vượt biển bị Công An bắt thì ông ta cho người tìm cách cứu ra. Cũng chính ông ta đã áp dụng chính sách cởi mở khiến dân Sài Gòn đỡ khổ dưới chế độ Cộng Sản.

Nhưng Võ Văn Kiệt chưa học hết bậc tiểu học! Vậy mà nơi trang 55, Lucy Nguyen-Hong-Nhiem đã nâng họ Võ lên thành “Dr. Võ Văn Kiệt,” và thêm chi tiết như thật, nguyên văn: “was knowledgeable and competent, but at the same time very caring and attentive to his students’ needs.” Đó là khi, theo Lucy Nguyen-Hong-Nhiem, Võ Văn Kiệt dạy bà ta. Còn ngoài xã hội, thì Võ Văn Kiệt, nguyên văn cũng nơi trang 55, “Twenty years after, I learned he became Prime Minister of North Vietnam.” Tôi ghi lại vài đoạn nguyên văn trong sách mà không dịch sang Việt ngữ vì lời lẽ của tác giả do sự hoang tưởng nên không có giá trị gì hết.

Tôi biết chắc chắn khi Lucy Nguyen-Hong-Nhiem học Ban Pháp Văn trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn hồi đầu thập niên 1960 thì bà ta chỉ có ông thầy tên là Nguyễn Văn Kiết mà thôi. Đúng không?!

Nguyễn Văn Kiết người miền Nam, thân hình còm hom, thường mặc complet trắng khi dạy học. Ông này tỏ ra khó khăn với học trò, nên sinh viên bảo nhau vào vấn đáp mà gặ̣p ông Kiết là luá rồi. Đúng không?!

Ông thầy này cũng chính là một cán bộ Cộng Sản nằm vùng. Nhưng chỉ sau biến cố Mậu Thân 1968 ông ta mới bỏ Sài Gòn vào bưng theo Việt Cộng cùng vài người nữa, như sinh viên Ban Việt Hán Trần Triệu Việt (tôi không nhớ rõ tên họ anh này là Việt hay Luật). Sinh viên Việt thì bị bom của pháo đài bay B-52 mà chết. Còn ông thầy Nguyễn Văn Kiết tôi có để ý nhưng không hề thấy tăm hơi. Có lẽ cũng đã theo anh sinh viên tên Việt lâu rồi.

Vì thế, khi Lucy Nguyen-Hong-Nhiem viết là “We all loved him. But one day, he did not come to class. Since we cared about him, we were worried...” là viết sai viết bậy vì nơi trang 56, tác giả cho biết bà ta đã tốt nghiệp trước đó năm (5) năm rồi, vì dạy môn Pháp Văn tại nữ trung học Lê Văn Duyệt từ tháng 9.1963 mà!

Trong thời gian dạy học tại trường Lê Văn Duyệt, tác giả kể lại chuyện dẫn học sinh đi thăm bệnh nhân tại một bệnh viện nhà binh. Tác giả không cho biết tên bệnh viện ấy, nhưng tác giả tả lại khi đến nơi thì thấy trên hành lang quanh bệnh viện là những quân nhân người Mỹ “mắt xanh tóc vàng” chừng 19, 20 tuổi ngồi trên xe lăn, người cụt chân kẻ cụt tay. Còn ngoài đồng trống gần đó, là hàng hàng lớp lớp những quan tài (lines and lines of coffins) phủ cờ VNCH bên cạnh là những nhóm phụ huynh và những cô dâu tuổi vị thành niên (teenage brides) đau buồn khóc lóc. Đây là đoạn văn chiếm nửa trang 59 với tiêu đề “Wounded Americans and Vietnamese Coffins.”

Tôi dám chắc hình ảnh tác giả kể lại trên đây là hoàn toàn bịa đặt. Nó không bao giờ xảy ra tại Việt Nam Cộng Hoà trước tháng Tư năm 1975. Trong thời chiến tranh, quân nhân Mỹ và Đồng Minh bị thương có bệnh viện riêng, quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có bệnh viện riêng. Làm gì có nhà thương hỗn hợp Việt Mỹ nào mà nơi này đông đảo những lính Mỹ bị thương ngồi xe lăn và nơi kia là hàng hàng lớp lớp những quan tài lính Việt?!

Tất cả những ai đã sống ở Sài Gòn và có mắt nhìn đều biết đều thấy như thế. Tại sao một kẻ đã lớn tuổi có chồng có con, lại có học chứ không phải vô học, mà tô vẽ ra chuyện như thế?

Xuất thân là giáo sư tốt nghiệp đại học sư phạm và hành nghề lâu đến 12 năm (1963-1975) như tự khoe trong sách, nhưng Lucy Nguyen-Hong-Nhiem tỏ ra ngây ngô về những chuyện trong ngành Giáo Dục. Như chuyện nữ hiệu trưởng trường trung học Lê Văn Duyệt ở Gia Định chán nản vì áp lực địa phương nên từ chức. Mà từ chức để nhận chân giáo sư tại trường nam trung học Hồ Ngọc Cẩn cũng ở Gia Định. Trong hệ thống giáo dục VNCH, khi nào hiệu trưởng có lỗi mới mất chức và trở lại làm giáo sư dạy lớp, chớ không ai tự ý từ chức hiệu trưởng một trường nữ trung học xuống làm giáo sư, lại là giáo sư ở một trường nam trung học bên cạnh. (Từ cổng trường Lê Văn Duyệt rẽ trái đi đến cuối đường nơi có Toà Tỉnh Trưởng Gia Định, rẽ phải qua chợ là trường Hồ Ngọc Cẩn ở trước mặt, phiá tay trái.) Rồi khi dạy học bị học sinh hỗn láo -cứ cho lời ghi trong sách là đúng đi- mà Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH vẫn không cho đổi trường thì rõ ra người cựu hiệu trưởng này bị mất chức hơn là từ chức.

Sự ngây ngô của tác giả khi ghi nhận sinh hoạt học đường thời Việt Nam Cộng Hoà trở thành sự xúc phạm cả một tập thể, khi tác giả viết rõ trên giấy trắng mực đen chi tiết trong ngày đầu tiên đến dạy ở trung học Hồ Ngọc Cẩn, người cựu hiệu trưởng nói trên thấy cả lớp mà bà ta phụ trách không ai chép bài học, học sinh nào cũng để tay trên đùi.  Khi hỏi thì một học sinh trong lớp mới nói, nguyên văn nơi trang 58: “We are keeping our hands underneath our desks so we can fondle our pricks.” Câu nói bẩn thỉu này -không nên dịch làm bẩn mắt độc giả- phản ánh toàn thể một lớp ở trung học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định sao? Ai có thể tin cả lớp (nguyên văn: “the class”) mất dạy đến thế?

Hay đây là phát biểu của một phần tử bất xứng trong giới giáo sư thời VNCH, vì xuẩn ngốc mà vô tình hay cố ý bêu riếu cả một tập thể, tập thể học sinh trường trung học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định nói riêng và tập thể học sinh nói chung, trước các độc giả Mỹ, vốn không hiểu biết gì về nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà?!

A Dragon Child: Reflections of a Daughter of Annam in America là một quyển sách mỏng 151 trang của một tác giả vô danh. Sách không đáng đọc vì vô giá trị. Sách đề giá bán US$15.95 nhưng tôi mua đại hạ giá chỉ có US$3.75 tại nhà sách trên mạng điện tử Powells.com có trụ sở tại Portland, Oregon. 

Giá trị của sách nếu có, là giá trị của một bằng chứng về bọn người mất gốc thời VNCH. Họ tuy cũng có da vàng mũi tẹt nhưng thuộc nền văn hoá chuối, như người Mỹ đã tượng hình một cách khinh bỉ. Vỏ chuối bên ngoài mầu vàng, nhưng trong ruột mầu trắng! Loại người này tuy được sinh ra ở Việt Nam nhưng chạy tiền hay cậy chức để xin cho họ và con cái vào học các trường do chính phủ Pháp mở ra ở Sài Gòn, Đà Lạt, và Nha Trang. 

Thực ra, đại đa số những người xuất thân trường Pháp vẫn là người Việt, vẫn có tư cách và khả năng như bất cứ một con dân đất Việt nào được cắp sách đến trường. Lên đại học, họ lại có lợi thế hơn các học sinh trường Việt là họ giỏi sinh ngữ hơn. Nhưng bên cạnh đó là một thiểu số mất gốc với não trạng nô lệ mà tác giả của sách này là một điển hình.

Trường hợp Lucy Nguyen-Hong-Nhiem không những đã mất gốc, mà vong thân mất gốc đến hai lần.

Lần thứ nhất, là khi còn ở nơi chôn nhau cắt rốn là Kontum đã mơ thành người Pháp. Nơi trang 33, tác giả cho biết thuộc nhóm học sinh trung học “All spoke Frenh and were proud of it.” Nơi trang 59, tác giả mơ ước có đôi mắt xanh. Và đây là tuyên ngôn của tác gia, nguyên văn nơi trang 36: “I... was so proud of being “French,” of “belonging” not only to the elite class in Vietnam but, as we imagined ourselves, part of French “civilization.”

Lần thứ hai, khi di tản sang Mỹ, tác giả viết rõ là đã hoàn toàn đắm mình vào xã hội Mỹ chứ không còn là người Việt. Nguyên văn lời của tác giả nơi trang 96: “... our forced but total immersion in American society...” Đến những người con của tác giả, cũng vậy, nguyên văn nơi trang 97: “... had also learned new ways of thinking and behaving.” Kết quả là gỉ? Là tác giả ly dị với người chồng Việt Nam -đã có với nhau năm mặt con- chỉ sau một năm đoàn tụ tại Hoa Kỳ!

Lucy Nguyen-Hong-Nhiem viết hồi ức bằng Anh ngữ nhằm độc giả là người Mỹ. Tối thiểu thì nhóm giáo sư ở đại học University of Massachusetts, Anherst, gồm Thomas Cassirer, Marie-Rose Carre, William Gugli, Ursula Chen, Nancy Lamb, Donald E. Gjertson, Nina M. Rose-Racine, Joseph C. Marshall, Gloria de Guevara, Ann QuinleyKenneth W. Burnham, Joel M. Halpern... và nhiều độc giả Mỹ khác nữa, đã hiểu đất nước và con người Việt Nam qua sự hoang tưởng vô trách nhiệm của một cá nhân trong nền văn hoá chuối.

Chắc tác giả nghĩ rằng không có người Việt nào tìm đọc, nên tự tung tự tác?

Bây giờ, nội dung của tập sách mỏng mà đầy những sự bất thường này bị hé lộ ra ánh sáng thì tôi không biết phản ứng của quí vị giáo sư và các cựu học sinh Lê Văn Duyệt thế nào, có ý kiến gì không, về một phần tử còn nợ tập thể học sinh Hồ Ngọc Cẩn nói riêng, và tập thể học sinh Việt Nam Cộng Hoà nói chung, một lời xin lỗi công khai?!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét