khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Cốm Hai Lu - Tác giả Nguyễn văn Uông



Ở vùng quê An Thuận, hạ lưu sông Bồ, Thừa Thiên, Huế, người dân nơi đây, ngòai nghề chính nông nghiệp, còn nghề phụ làm bún và làm cốm. Cốm An Thuận khác hẳn cốm Hà Nội. Cốm Hà Nội chế biến từ hạt nếp non còn thơm mùi sữa, có màu xanh lá mạ non. Tui đã thưởng thức cốm bắc từng hạt rời hay đã ép thành bánh, gói trong lá sen. Thơm-dẻo-ngọt ngọt-bùi bùi mùi nếp non! Một lần thưởng thức để nhớ đời về món ngon Hà Nội.

Cốm An Thụân ở Huế thì khác.  Có hai lọai: Cốm bắp và cốm nếp. Cả hai đều được chế biến từ những hạt bắp nếp và lúa nếp già mẩy hạt. Bắp và nếp được rang vừa đủ lửa để nở bung. Sau khi sàng sẩy mày trấu sạch sẽ, nguyên liệu được ngào nước đường xên với gừng. Cốm nếp màu trắng, đuợc ép lên khuôn, cắt thành từng miếng hình khối chữ nhật ăn vừa miệng. Cốm bắp màu vàng, được vắt thành từng vắt tròn hình cầu cỡ bằng quả cam lớn. Mỗi buổi sáng, từ An Thuận các o gánh cốm tủa ra các làng xung quanh hay vào Dinh rao bán. Một đặc trưng không lẫn vào đâu được của các o bán cốm là hai đầu quang gióng gánh hai lu cốm tròn bóng nhẫy màu men cánh gián đậm đen.

Cần dài dòng một chút về cái lu để các bạn ngọai đạo mắm ruốc cảm nhận đầy đủ hơn.

Lu là vật gia dụng bằng đất nung phổ biến trong sinh họat gia đình ngày xưa, bên cạnh các đồ dùng bằng tre và gỗ. Họ hàng nhà lu có nhiều lọai. Cái lu mấy o dùng đựng cốm có đáy và miệng nhỏ bằng nhau, giữa phình ra tròn trịa trông rất dễ nhìn. Miệng lu vừa đủ để một cánh tay thọc sâu vào lòng lu, được giém bằng một nùi rơm bện chặt cứng. Từ công dụng trong việc bán cốm, lọai lu này mặc nhiên được gọi là lu cốm. Nhà nông ưa dùng lu cốm để bảo quản giống bắp, đậu, kê, mè… “Chị” lu cốm là lu mành. Lu mành có đáy và miệng rộng hơn, tuy giữa phình to ra phía trên nhiều hơn phía dưới, nhưng dáng vóc nghiêng về hình trụ hơn là hình cầu như của lu cốm. “Chị” của lu mành không còn gọi là lu mà là mái. Mái thường dùng để chứa nước. Lu mành trung gian giữa “chị mái” và “em lu cốm” được dùng tùy theo từng nhà chủ. Chủ nhà đất ruộng nhiều, lu mành được sử dụng để cất giống má như lu cốm. Nhà chủ ít người, lu mành dùng chứa nước như mái. Cao to hơn mái thì gọi là vại, là chạn. Tui không biết vại, chạn các nhà khác sử dụng như thế nào. Riêng nhà tui, mạ tui góa bụa, mỗi năm làm một hai sào lúa, không đủ thóc để quây thành bồ. Thôi để trong vại, trong chạn cũng được! Đàn em lu cốm thì vô số, nào là chum, ghè, vò, thẩu, hụ, tỉn,… nào là vịm, tìm, âu, chậu, … Họ hàng đất nung trong nhà còn có nồi, niêu, trách, mẻ, om, ấm..., nhiều nữa tui không nhớ hết. Chị em tui có lần tranh nhau cạo cơm nguội tráng trách cá kho cháy. Tráng mãi…tráng mãi, tranh nhau làm bể cái trách đất cũ kỹ, đen xỉn khói tro. Chiều mạ về phải đổ hô cho con mèo là thủ phạm.

Trở lại việc mấy o bán cốm, khi còn nhỏ, trông thấy mấy o bán cốm qua làng, bằng cách nào tui cũng vòi cho được một cục cốm. Làm chi mà được ăn cốm nếp! Thứ đó chỉ dành cho người lớn và trẻ con nhà giàu. Một vắt cốm bắp bẻ chia cho ba chị em cũng đã quá lắm rồi! Ăn hết cốm còn thòm thèm liếm tay cho sạch những vết đường bám sót lại. Lớn lên một chút, tui thuộc các bài hò của các mạ ru con hát về o bán cốm. Khi là học trò ở Huế, hàng tuần về quê đi ngang qua quê cốm, chuyện nhảm với các bạn vùng quê cốm, tui mới nghiệm ra cái tinh nghịch dễ thương của những câu hò:


“Ơi o bán cốm hai lu.
Cho tui xin gởi con cu về cùng.
Cu tui cu ấp, cu bồng.
Chớ bỏ vô lồng mà ốm cu tui

Đừng thấy o bán cốm, tuy đi chân đất nhưng dáng người dong dỏng cao, chắc nịch, tròn trịa, căng đầy sức sống tuổi thanh xuân mà cứ nghĩ đến hai lu của o bán cốm phổng phao dưới lớp vải áo dài đen chân quê mộc mạc ấy. Cái tinh nghịch của gã trai làng là không gởi cái gì xa vời, nặng nhọc mà chỉ xin gởi con cu. Ở Huế thì ai cũng biết giống chim cu. Có hai lọai chim cu gần gũi với vùng quê ruộng lúa. Đó là cu cườm và cu ngói. Mùa lúa chín, cu từ rừng về ruộng kiếm ăn, sinh sản. Người dân quê nuôi cu cườm vì thích nghe tiếng gáy của chúng. Gã thanh niên mê o bán cốm, lêu lổng suốt ngày với chiếc lồng chim chờ o về để chọc ghẹo. Không biết thái độ của o thế nào, gã còn sàm sỡ dặn dò o bán cốm chăm sóc chim không để nó ốm (gầy). Chim mà không được bỏ vô lồng, chỉ nhờ o ấp, o bồng thôi. Quả là khó quá!

Ở nông thôn miền Trung, con trai được gọi tên mụ là thằng Cu. Cái của quí của đứa con trai trong Nam gọi là con chim thì ở miền Trung gọi là con cu. Nếu hiểu được như thế thì không tài nào o bán cốm còn mặt mũi để nhìn gã thanh nhiên sàm sỡ, có cách chọc ghẹo trắng trợn, lố bịch ấy. Thế mà bạn tôi, người làng An Thuận còn chua thêm là, mấy lần chọc ghẹo không thành, gã mua giấy mực viết bài thơ gởi o bán cốm. Ngặt nỗi trình độ văn hóa mới qua lớp bình dân học vụ xóa mù, gã viết sai chính tả chữ độc địa nhất của câu cuối. Rứa mới chết chứ!

Mấy lần tỏ tình bằng nhiều cách không thành, gã kiên trì đeo bám. Đường của o bán cốm từ Dinh về An Thuận qua làng Hương Cần. Dọc đường có một bãi tha ma trên trảng rừng đồi. Gã xách lồng chim cu ra ngồi trên lăng đợi mãi, nhưng đâu biết o đã về đường khác. Gã chờ đến khuya sương lạnh, ngủ thiếp đi một lúc, tỉnh dậy ngộ ra câu hò:

“Con cu làm tổ trên rừng
Ba bữa lúa chín nhớ chừng về ăn
Con cu làm tổ trên lăng
Ơi o bán cốm khuya trăng chưa về”.

Câu hò phảng phất tâm trạng đợi chờ vô vọng, mòn mỏi được dân làng đưa vào các bài hò ru con. Bài hò đến tai o bán cốm gợi nhiều trắc ẩn. Một lần, trên đường về, o bán cốm gánh hai lu cốm hết hàng qua nơi gã si tình chờ đợi. Chần chừ một lúc, o đặt quang gióng bên bờ ruộng, xăm xăm vào lăng, đánh thức gã dậy nói vui hòa giải.

Rứa là hai người đến được với nhau.

Gần hai năm sau, trong làng An Thuận, có một gã đàn ông chiều chiều nựng con trai cưng mấy tháng tuổi trước hiên nhà, gã chờ vợ đi chợ xa bán cốm chưa về. Là con nhà thúi hái khó nuôi, thằng con trai phải tập gọi cha là cậu, gọi mẹ là dì như để gian dối với ma quỷ rằng đây chỉ là cháu chắt họ ngọai, không phải là con cái nhà. Gã nghêu ngao hát ru:

“Cu ky, cu kỹ, cu kỳ
Bắt về nấu cháo cho dì mi ăn”

Cháo chim cu ngon tuyệt, nhưng tàn nhẫn quá chim cu hí! Tội cũng tại chim cu ngon thịt nên phải mang nghiệp chết thơm trong nồi. Thật đúng là tội nghiệp!

Những chiều nông nhàn, vắng chợ, đôi vợ chồng trẻ ẵm con, đưa võng trước hiên nhà. Hai người cùng nghe tiếng chim cu gáy, nhìn đôi chim cu bay lượn ngòai thinh không. Anh chồng cầm đưa tao võng nhìn chị vợ hôn yêu vào của quí của con, à ơ ru thằng Cu vào giấc mơ tương lai sáng ngời, chập chờn giấc nồng trong tay mẹ:


“À ơ….
Con cu bay thấp, liệng cao
Bay qua cửa khuyết, à ơ…bay vào cửa khâu”.



Nắng nghiêng hắt bóng hàng cau sau vườn chồm qua mái tranh, vẽ những đốm dài trên sân như những chiếc lọng đen. Cánh đồng làng ngoài bãi trơ gốc rạ vụ mùa đã gặt xong. Gió nồm nam mát rượi từ sông cái thổi vào xao xác hàng tre, ru hai mẹ con dập dình theo nhịp võng kĩu kịt. Anh chồng tay đưa võng, mắt không rời o bán cốm ngày nào giờ ngủ yên theo nhịp võng dùng dằng dưới tay anh…

Nhưng… Đó là chuyện của mấy chục năm trước.

Thằng Cu nay đã thành đạt ở một nơi văn minh rất xa, bên kia biển lớn, ở đó không có cửa khuyết, cửa khâu. Cốm An Thuận không cạnh tranh được với mùi vị hiện đại của vô số loại bánh kẹo nhan nhản trên thị trường, không còn thấy rao bán trên các nẻo đường quê. Gánh cốm hai lu của o bán cốm An Thuận đã chết hẳn trong không gian vật lý và không gian tâm linh nguời xứ Huế. Cu cườm chỉ còn lại vài tiếng gáy dật dờ trong chiếc lồng sơn son của mấy ông già chơi chim cảnh thành phố. Trong quán đặc sản đồng quê, giá trị của chim cu chỉ còn là miếng thịt thơm mắc tiền. Về vùng quê miền Trung, tui vẫn còn nghe các mạ gọi con là Cu Lợi, Cu Tuấn, Cu Phan, Cu Trần, … Những đứa sinh vào thời khó khăn, bao cấp còn tên Cu Bột, Cu Mì, Cu Bắp… Nhà nhiều con thì Cu Anh, Cu Em, Cu Lớn, Cu Nhỏ… Nhưng mỗi sáng, mỗi chiều cố lắng nghe tiếng cu cừơm gáy trên đọt cây cao. Ít lắm… Không còn!…Tui vào nhà người thân là một lão nông tri điền, xin xem vài chiếc lu mành, lu cốm... Chủ nhà trừng mắt nhìn lại. Tui sượng sùng, nổi gai góc từ đầu xuống chân trứơc ánh mắt rê ngược của chủ nhà:

- Ủa! Mi có chạm không đấy! Chi cũng không hỏi mà chỉ hỏi mấy cái đồ đất nung tầm bậy, tầm bạ nớ!… Quăng hết rồi!... Buổi ni thiếu chi đồ nhôm, đồ nhựa, ai còn dùng chi đồ làng Độộc Độộc lu, mái, hụ, ghè…

Thôi rồi! Tui nhỡ…Thì ra có một làng Độộc Độộc* nào đó. Ờ!…Ngày trước tôi cũng có lần nghe mạ tui nói làng Độộc Độộc. Tui ngớ ra như trời trồng…Ký ức tôi lại xoay về hai từ “làng Độộc Độộc”

* Độộc Độộc: tên bình dân, gọi một làng có nghề truyền thống đất nung. Tên thật của làng này là Phước Tích, huyện Phong Điền, tỉnh Thùa Thiên Huế, một làng cổ nổi tiếng, nay trở thành làng du lịch




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét