khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Mắm tôm, ‘sát thủ’ dễ thương - Tac giả Mặc Lâm






Đi xa, ghé vào một quán nhỏ xứ người lại gặp người Việt mình giúp việc trong quán, ai lại không vui?

Niềm vui ấy chúng tôi cùng chia sẻ với nhau trong những ngày trôi dạt. Mấy anh em tứ xứ người từ Mỹ sang, kẻ từ Việt Nam bỏ chạy, bạn Sài Gòn, anh Hà Nội, em Nghệ An, đủ cả... lại có cả văn thi sĩ bọt bèo muôn nơi tụ lại, con mắt nheo nheo nhìn nắng xứ Thái như muốn thu cả cái nóng tương tự Sài Gòn cho đỡ nhớ. Tiếng gì thì tiếng khi giọng nói đậm chất Nghệ cất lên thì ôi thôi ai trong chúng tôi cũng trố mắt. Ba cô gái từ Thanh Hóa sang đây làm công kéo chúng tôi ra khỏi giấc mơ Hà Nội lẫn Sài Gòn. Giọng nói như chim non chưa cứng lưỡi, vừa nhanh vừa líu ríu như sợ người nghe không kịp... nghe. Vừa lạ bởi không thể hiểu hết, vừa quen bởi biết đích xác trên thế giới này không nơi nào có cái ngữ âm thân thương đến thế.

Ba cô Thanh Hóa cùng làm công trong một quán ăn tương đối sạch sẽ, ngăn nắp tại vùng ngoại ô Bangkok. Bàn được dọn ra, món ăn Thái được trình bày trên một tờ menu đầy chữ... Thái. Dĩ nhiên có thêm hình ảnh cho biết nó là món gì, nhưng nhìn hoài cũng chịu, không biết mùi vị nó ra sao, thôi thì các cô cứ giới thiệu đi cho lành.

Các chú các anh thử món này món kia không món nào vừa ý, chỉ tới khi mấy con mực tươi hấp lên chấm nước mắm ớt thì bàn tiệc mới lao xao sinh động hẳn lên. Mùi mực tươi xốc vào tận mũi làm người ăn nhớ tới vỉa hè Sài Gòn với những chú khô mực chấm tương ớt bên ly xây chừng Bình Chánh hay Hóc Môn. Con mực tươi có phần hấp dẫn hơn bởi cái thân hình trắng trơn của nó. Sang trọng hơn hẳn mấy con ốc miệt vườn và nhất là cái sừng sựt khi ăn vào làm cho miệng ai cũng cảm thấy lâng lâng sảng khoái.

Chưa. Bài viết này sẽ không được viết nếu hôm ấy không xuất hiện thêm một “kỷ vật” đi kèm với chú mực tươi chong nuột nà của xứ Thái.

Đang ngon trớn, một chú em trong bàn len lén đề nghị, vợ em vừa mang sang một hũ mắm, các anh có “hứng thú” không?

Sét đánh không bằng! Chú mày chơi ác cũng vừa thôi, thử hỏi trong cả cái bàn này từ Nam ra Bắc ai lại không ưa mắm? Cái hồn cốt làm cho ẩm thực Việt Nam đậm đà lại đang ở xứ người thì tại sao lại không mang ra?

Cậu em lăng xăng mượn bàn của chủ quán, pha pha chế chế như một tín đồ trung thành với món mắm. À quên hỏi chú mắm gì thế? Mắm tôm anh à...

Lặng xuống một chút rồi cả bàn nhao nhao. Mắm tôm Bắc à, hết biết. Ngon nhé, nước miếng tươm ra đầu lưỡi rồi này! Nhanh lên chấm với mực tươi hấp gừng thì còn gì bằng. Cô gái Thanh Hóa “ăn rau má phá đường tàu” nhanh nhanh làm món mực hấp gừng đi nào...

Một tiếng mắm tôm Bắc thôi mà cả bàn như ngồi không yên đủ biết sức mạnh của nó đến cỡ nào.

Đấy. Người Thái cũng là vua về mắm. Ra chợ Thái bất cứ lớn nhỏ gì cũng thấy mắm đủ loại bày bán. Mắm từ cá, tôm hay các loài bò sát khác khi trở thành mắm đều có hương vị đặc biệt nhưng thú thật mắm của Thái không thể cạnh tranh với mắm Việt, nhất là mắm tôm vì cái mùi ngang tàng của nó. Mắm gì mà nồng nàn đến làm cho người ta sợ hãi. Sợ rồi lại tò mò ghé lại, lấy ngón tay chấm thử một chút, từ từ đưa lưỡi ra chạm cái màu “tím cả chiều hoang” ấy và... mê. Ôi, cái mê man khó cưỡng của chị nhà quê một lần ra phố, như anh lái đò có dịp chở cô tiểu thơ đài các con ông bá hộ dọc một khoảng sông dài thật dài.

Chị nhà quê về nhà kể lại cho chồng những thi vị phố xá làm sao thì mức quyến rũ của mắm tôm đối với khẩu vị người ta cũng y như thế. Chị có thể nói huyên thuyên về con người, về độ sầm uất của chợ búa cũng như mắm tôm với độ “thơm” quái lạ và cái vị ngọt khó phân tích bằng lưỡi chỉ biết nó ngon bằng sự suy ngẫm hết sức vô lý của cảm quan từng người. Anh chèo đò sẽ nhớ chiếc lưng mềm oặt của cô tiểu thư còn người thưởng thức món mắm tôm sẽ không ngần ngại nhớ hoài lớp bọt sôi lên trong chén mắm khi được đánh lên với chanh, với ớt, với đường cùng một tí bột ngọt, nước dùng...
Và hôm ấy cả bàn chúng tôi kẻ làm anh lái đò người mơ về nơi đô hội qua chén mắm tôm mang từ Nghệ An sang xứ Thái.

Ôi, giữa đất Thái, nếm mắm tôm, nhớ... Sài Gòn quá thể.

Ba người phụ nữ khốn khó xứ Thanh nhìn chúng tôi trố mắt. Họ không thể hiểu tại sao một chén mắm tôm lại có thể làm cho cả bàn vừa ăn vừa hít hà quá khứ. Người này kể về thịt chó, người kia lại nói tới vị đậm của mắm tôm khi bỏ vào món giả cầy. Người khác cho rằng bữa cơm đơn sơ nhưng có mắm tôm và cà pháo thì không khác gì trái cóc được uống với Chivas 23, người nữa thì lặng lẽ kể kỷ niệm của mắm tôm và đậu phụ!

Mắm tôm, xứng đáng được đối xử như thế bởi nó được sinh ra từ bàn tay của các bà mẹ quê xứ Bắc, nơi mà sự thiếu thốn lương thực gần như nỗi ám ảnh của người dân. Mắm tôm đồng hành cùng miền Bắc như thứ gia vị chữa cháy trong những mùa đông dằng dặc rét. Mắm tôm giúp chống lại những cơn rét đậm rét hại, chỉ cần nó và một ít cơm nguội thì người cha có thể ra đồng cắm người xuống ruộng...

Lạ lắm. Hôm ấy chính mắm tôm làm cho con mực Thái Lan đậm đà không thể tả bởi hương vị đậm đặc của nó kiểm soát hầu như toàn bộ vị giác người ta. Chưa nói tới mùi mắm khi tiếp xúc với hải sản phần nào tiết giảm mùi tanh của chúng và có thể không cần phải có chiếc mũi thật thính người ta cũng nhận ra hương vị mắm tôm bay thoang thoảng khắp bàn. Nó làm chủ và hoàn toàn kéo người ăn về một phía: Phía của quê nhà.

Đấy! đừng nghe tới mắm mà chê. Một lúc nào đó đang lang thang nước ngoài chợt trong không khí thoảng qua một hương vị nào đó của mắm, bất cứ loại mắm gì, cũng đủ làm người xa nhà bâng khuâng tự hỏi: Không biết giờ này con mắm thân thương ngày xưa có nhận ra mình hay không?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét