khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Kì thị dân Nam? - Tác giả Nguyễn văn Tuấn



Chuyện một vài nhà hàng, quán ăn, taxi, dịch vụ, v.v. ngoài Bắc "chặt" khách dựa vào giọng nói (đặt biệt là giọng Nam kì) thì không có gì là bí mật. Nhưng đọc câu chuyện của bạn đọc Tô Thanh trong bài này tôi thấy y như trải nghiệm của tôi ở Hà Nội vài năm trước đây.

Câu chuyện ông Tô Thanh kể như sau: "Có lần đi công tác ra Hà Nội, tôi đi bộ đến một quán phở gần chợ Ngọc Hà thấy giá niêm yết 30 nghìn/ tô. Vào quán tôi gọi tô phở tái vì quán lúc đó đông khách nên tôi ngồi vào 1 bàn đã có 2 người đang ngồi ăn. Khi 2 người kia ăn xong gọi tính tiền thì người phục vụ bảo 2 tô/60 nghìn.


Nhưng đến lượt tôi gọi tính tiền thì bà chủ quán đến nói là 50 nghìn. Tôi thắc mắc nói bảng giá ghi 30 nghìn/ tô và 2 người cùng bàn với tôi cũng trả 30 nghìn sao tính tô của tôi đến 50 nghìn. Thấy tôi và một vài người khách có vẻ bất ngờ thì bà chủ quán nói tại vì bác là người miền Nam nên tôi làm tô có nhiều thịt."

Câu chuyện này rất giống như câu chuyện của tôi. Dạo đó, tôi ra công tác ngoài Bắc, và tôi đặc biệt yêu cầu phía đối tác cho tôi ở khu Phố Cổ. Tôi muốn ở đó 2 đêm để đối chiếu xem trải nghiệm của mình có giống như những gì ông thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nhạc sĩ Phạm Duy nói không. Đêm đầu, tôi lang thang trong khu gần Nhà Thờ Lớn, và phát hiện một quán miến tuy bình dân nhưng khá đông khách. Đi xa quen, hễ thấy chỗ nào đông khách là tôi biết chỗ đó ok. Tôi bèn ghé vào và kêu một tô miến gà, vừa ăn vừa nhìn các nam thanh nữ tú Hà thành xem sao.

Tô miến ngon, nhưng khi tính tiền thì không ... ngon mấy. Tôi ngồi gần chỗ cô tính tiền, nên thấy ai cũng trả giá 30 ngàn đồng một tô. Đến khi tôi trả tiền, cô ấy thản nhiên nói: "Ba nhăm"! Tôi ngạc nhiên hỏi sao ai cũng 30 ngàn, mà tôi thì 35 ngàn. Cô ấy nói "Cái bát của các nhiều thịt hơn". Tôi cãi lại là tôi đâu có kêu nhiều thịt. Bằng chất giọng Bắc kì ngọt ngào, cô ấy nói: "Ấy, bác ở trong Nam ra, chúng cháu phải chăm sóc bác chứ". Tôi phì cười trong bụng cái cách lí giải sao cũng được, mà nói theo dân Nam là "lẻo mép" này, nhưng cũng trả theo giá cô ấy hét.

Đó không phải là lần đầu tiên tôi bị "hét giá" ở ngoài Bắc. Vài lần khác, đi taxi tôi cũng bị như thế. Có hôm, đi từ Melia qua Đại học Quốc gia, trên đường đi tôi (như thường lệ) trò chuyện với anh tài xế vui tính, và thấy yên tâm. Đến gần cổng trường tôi thấy đồng hồ chỉ giá 120 ngàn gì đó, thì đột nhiên xe tắt máy. Tôi nói với anh ta là để tôi đi bộ cũng chẳng sao, và sẵn lúc tính tiền luôn. Anh ấy thản nhiên nói "Bác cho em 200 nghìn". Tôi cãi lại rằng đồng hồ chỉ giá 120 ngàn, sao đòi nhiều thế. Anh ta nói "Cái đồng hồ ấy hỏng rồi bác à". Tôi nhất định không trả 200 ngàn, và anh ta đột nhiên chuyển sang mặt du côn, bắt đầu nói tiếng Đan Mạch. Tôi cũng sẵn dịp đóng vai anh gấu Sài Gòn, mặt lạnh lùng, thỉnh thoảng dùng ngôn ngữ giang hồ, và còn thách anh ta muốn thì ra xe để giải quyết. Chắc có lẽ thấy anh Hai Sài Gòn này hơi khó ăn, và lúc đó thì anh bảo vệ gác cổng trường đang đi tới, anh tài xế xuống giọng "Bác cho em 150 nghìn cũng được ạ". Tôi rút bóp và cho anh ta 150 ngàn, nhưng kèm theo câu "Lần sao muốn xin thì nói cho đàng hoàng để tao cho. Mày bắt nạt bọn Việt kiều thì được, chứ đừng hòng chặt chém bọn tao nghen mậy." Điều đáng nói là cái giọng nói và khuôn mặt anh ta thay đổi từ hiền hoà sang hung dữ, rồi quay lại hiền hoà, cứ như là đóng kịch. Hay thiệt!

Tôi có cảm giác (và hi vọng là tôi sai) rằng có những người ngoài Bắc nghĩ rằng bọn trong Nam hái tiền trên cây. Từ cái suy nghĩ đó, họ thỉnh thoảng "chém" bọn trong Nam ra để bù lấp vào những lỗ lã trong ngày hay gì đó. Phải chi phẩm chất phục vụ tốt thì cũng còn thông cảm được, đằng này dịch vụ ngoài Bắc thì ... chán chết, mà đòi hét giá. Chẳng ra làm sao cả. Không phải trong dịch vụ, mà trong các "thương vụ giáo dục", cái giá của dân trong Nam cũng cao hơn so với đồng môn ngoài Bắc. Thành ra, dân trong Nam đã thiệt thòi về chính trị, kinh tế đã đành, mà trong sinh hoạt hàng ngày cũng bị thiệt thòi vì bị hiểu lầm là hái tiền trên cây.

Nhưng nói cho ngay, không phải quán nào hay dịch vụ nào cũng lưu manh như thế. Vẫn có những người tử tế ngoài đó. Sau này, tôi thường ra Bắc công tác, và hiếm khi nào bị chặt chém. Có lần tụi tôi (tôi và một đám nghiên cứu sinh Nam kì) kéo nhau đi nhậu một quán ven Hồ Tây (gần dinh thự bác Nông), chúng tôi để ý xem họ có tính thêm không, nhưng tuyệt nhiên không có. Nhưng năm ngoái thì anh bạn tôi, một doanh nhân có văn phòng ở Sài Gòn và Hà Nội, kéo một đoàn bác sĩ đi ăn tối tại một quán có tiếng ở Vịnh Hạ Long, khi cái bill tính tiền ra, anh mới tá hoả là bị chặt chém! Tôi nói đùa rằng vì anh nói giọng Bắc kì 54, nên họ biết là bọn Nam kì. Chỉ vài câu chuyện như thế này cũng đủ làm chùng lòng những người "con ở miền Nam ra thăm bác".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét