khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Những thắc mắc của thính giả đài RFA Vietnamese về chuyến máy bay C130 bị cướp ở phi trường Tân Sơn Nhất vào tháng 11 năm 1979, được ông Trương văn Ẩm trả lời




http://svkhktmdk1.blogspot.com/2015/01/truong-van-am-nguoi-chi-huy-cuop-may.html


Thưa quý thính giả, câu chuyện một nhóm người cướp máy bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất vượt thoát tìm tự do cách nay 36 năm được nhiều người nhắc đến trong tuần qua. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái dành thời gian trả lời một số thắc mắc của quý thính giả cùng độc giả. Thính giả Tran Uc ở Mỹ Tho nói rằng “bài báo không nói rõ phi công Tiêu Khánh Nha có đi được trên chuyến bay đó không?”. Xin được thưa cùng quý vị, trong câu chuyện, Hòa Ái có đề cập đến chi tiết kế hoạch ban đầu phải có phi công Tiêu Khánh Nha phụ trách lái chiếc C130 và cả gia đình vợ con của ông Tiêu Khánh Nha phải được đi cùng, và cũng có chi tiết phi hành đoàn bất đắc dĩ 13 người bao gồm 2 trẻ em cũng được nhắc đến. Đây là lời kể của ông Trương Văn Ẩm:

“Đáng lẽ ông Tiêu Khánh Nha chun hàng rào nhưng ông ta lại không chun. Ông chở vợ con trên chiếc Honda ra hướng Hàng không Việt Nam. Ông chạy thẳng xuống, khi tới thì dựng chiếc Honda vào bên gốc ụ. Hai tay ôm 2 đứa con. Bà vợ ôm 2 túi xách nhỏ chạy thẳng lên máy bay. Lên máy bay, ông Tiêu Khánh Nha ngồi ghế chánh. Sơn ngồi ghế phụ. Còn cái ghế ‘co-pilot’ của người thợ máy trên không ngồi thì là bộ đội Tạo ngồi (người bộ đội canh giữ máy bay trên mặt đất). Tôi nắm cổ anh ta kéo đứng lên và nói ‘anh Tạo, tôi đưa anh đi anh đi tìm tự do, anh không được chống cự’. Anh Tạo hết hồn, khúm núm đứng lên. Sau đó, tôi ngồi vào ghế co-pilot. Máy bay có 4 cái cần ga. Một mình tay ông Nha nắm không hết nên chúng tôi phải phụ đẩy ga lên, quẹo ra đường ‘taxi way’ để ra đường bay chánh khoảng nửa cây số, phải quẹo ra đó rồi mới cất cánh. Đường ‘taxi way’ hồi xưa rộng và dài lắm. Chiếc máy bay vừa lái thẳng là ông Nha nói ‘tống ga’. Vừa tống ga ngang Ga Hàng không Việt Nam, chỗ Đài Kiểm Soát là cất cánh lên liền”.

Lời kể vừa rồi của ông Ẩm cũng giải thích luôn cho câu hỏi thứ 3 trong 5 câu hỏi của một thính giả không muốn nêu tên thắc mắc làm thế nào chiếc C130 có đủ lực cất cánh.

Thính giả tên Tước ở Tân Sơn Nhất cũng tham gia trả lời thắc mắc này, cho biết chiếc C130 do hãng Lockheed Martin chế tạo và sản xuất cho quân đội Mỹ, chuyên chở khoảng 120 binh sĩ với quân trang quân dụng, thuộc loại “Short Take Off and Landing” (STOL), chỉ cần phi đạo ngắn, gồ ghề, lên-xuống để thả và tải quân.

Về thắc mắc làm thế nào xăng được đổ đầy của vị thính giả không nêu tên, ông Ẩm cũng cho biết đã chỉnh đồng hồ xăng lại theo ý muốn và yêu cầu được đổ xăng. Ông Trương Văn Ẩm nói thêm chi tiết:

“Ngày thứ Hai trục trặc, phái đoàn tới coi phim, chúng tôi không làm gì được. Chiếc máy bay đưa vào sửa chữa thì không cần đổ xăng nhiều, chỉ đủ xăng để quay máy thử thôi. Bắt đầu qua ngày thứ Ba, tôi lên máy bay bàn với Sơn và một Thiếu úy bộ đội, tôi nói ‘bây giờ phải đổ xăng’. Tôi thuộc ban kỹ thuật, tôi ra ghi chép hư hỏng, tôi viết phương án sửa như thế nào thì họ phải làm theo phương án của ban kỹ thuật đưa ra. Tôi nói ‘bây giờ đồng hồ xăng bị hư mà thời Mỹ thì chúng tôi lấy đồng hồ mới thay vô mà bây giờ mình không có đồng hồ mới. Đồng hồ xăng bị chết thì không biết đúng hay sai.

Chỉ có cách đổ xăng cho đầy rồi dùng thước đo bao nhiêu feet thì bao nhiêu gallon rồi chỉnh đồng hồ theo thôi’. Tôi nói ‘báo các anh biết vậy, chiều vô họp ban cuối ngày thì tôi sẽ báo cáo xin đổ xăng’. Máy bay kể như xong 95%, còn 5% nữa là giao cho bên tác chiến. Chiều họp, tôi nói với ông thủ trưởng Thanh rằng trường hợp máy bay bị hư đồng hồ xăng nên cần phải đổ xăng để điều chỉnh đồng hồ chứ không có máy móc để điều chỉnh. Không biết lời nói của tôi xui khiến sao mà ông Thanh bằng lòng. Ông ấy làm một cái lệnh cho xin đổ xăng vào chiều thứ Ba. Chiều thứ Ba xin đổ xăng, tôi tưởng thứ Tư tới thì lúc đó tôi mới nói với Hải, người đi chung chuyến qua Mỹ với tôi, rằng phải vặn mấy ống dầu cho hở ra để dầu bị rỉ (leak) cho có lí do giữ máy bay lại”.

Và thính giả tên Balem ở Hòa Kỳ chia sẻ khi chiếc C130 cất cánh ở Tân Sơn Nhất, thì bản thân ông lúc đó đang làm việc ở sân bay Biên Hòa. Ông Balem cho biết thời gian đó các phi công bộ đội không trong tư thế sẵn sàng, xe cộ cũng không có sẵn như bây giờ. Chiếc C130 cất cánh, khoảng gần nửa đồng giờ đồng hồ sau đó, phi cơ chiến đấu ở Biên Hòa mới bay lên, nhưng lại bay về hướng Thái Lan vì họ nghĩ hướng đó là gần nhất trong khi Nhóm ông Ẩm lại bay về hướng biển Vũng Tàu.

Quý vị nào còn những thắc mắc khác liên quan đến câu chuyện kể “Cướp máy bay quân sự để vượt biên” có thể gửi về đài những câu hỏi của quý vị và ông Trương Văn Ẩm sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét