khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Lời xin lỗi muộn màng - Tác giả Trần Hoài Thư



Nhà văn Mường Mán



Mường Mán  xa xôi,
 
Có lẽ tôi với bạn là hai kẻ cùng giống nhau trên bước đường luân lạc. Hai đứa đều viết văn làm thơ, đều  gốc Huế, lớn lên ở Huế, đều bỏ Huế mà tha phương. Và cuối cùng cả hai đều xem Cần Thơ là quê nhà thứ hai. Cho dù phần tôi vì “Theo em bỏ núi về châu thổ/bỏ mán về kinh làm rễ xa/ Đồng bằng bỗng chốc mà thân thiết/Bởi có em là một tình nhân. .”. Còn bạn có lẽ  vì không còn nơi nào để dung thân  sau 30/4/75 !.
 
Nhưng tôi may mắn hơn bạn.  Ít ra tôi còn được bảo bọc, vỗ về bởi cõi lòng bao dung vô lượng của đất trời phương Nam  trong thời gian  3 năm trước khi  những cơn mưa đá tai nghiệt  đổ xuống miền Nam. Bởi ở đây, có một chỗ để tôi trở về, bên vợ, và thêm đứa con trai đầu lòng..Nhất là, cám ơn Đất Trời, cuối cùng tôi được có một người má miền Nam. Một người má mà vui nỗi vui của con, buồn nỗi buồn của con, lưng soi bóng cả đêm trên vách nhà, theo nhịp à ơi bà  ru cháu ngủ, năm canh chầy… Tôi nghĩ con tôi  là một người hạnh phúc nhất trần gian này, bởi có được một bà ngoại tuyệt vời như vậy.
 
Phương Nam.. Tôi đã bắt đầu làm quen với những chiếc xe lôi hay những chiếc xuồng tác ráng. Hay những cánh đồng mênh mông bạt ngàn. Hay những rừng tràm rừng đước. Tôi bắt đầu làm quen với những bãi đầm sình lún ngập đến cổ  người. Những hàng ô môi, những chòm bông điên điển, những lời kinh giảng vang vọng trong đêm trăng, những tấm lòng hiền như đất, trọng tình trọng nghĩa mà tôi đã gặp. Tôi cám ơn, rằng cuối cùng Ơn Trên đã cho tôi một cõi nương tựa sau những tháng ngày lênh đênh trôi nổi…  Cánh cửa đã mở ra như phương Nam đã mở ra, đón tôi như đón bạn. Có  mùi thơm khó có thể quên của bông lúa, hương cau, của mùi đất phù sa lan tỏa. Cánh cửa ấy đã được kết bằng  những chùm mận trỉu nặng trên cành,  rực đỏ giữa màu xanh của lá. Nơi nào, từ vườn sau, hay bên giòng kênh, hay trước nhà, hay cạnh bờ ao, hai bên đường quốc lộ, những vườn mận xumxuê trái quả,. Có trái màu đỏ, có trái màu  xanh, trái ửng hồng . Mời mọc ngọt lịm như đôi môi hồng muốn cắn , no đầy  trón trịa như  bầu ngực con gái thanh tân, bầu bình au au như đôi má  ửng hồng của người gái quê  quấn chiếc khăn sọc vằn chèo chiếc xuồng đưa người qua sông trong một ngày mùa hạ để bắt người khách không muốn về:
 
Qua sông mùa mận chín
Tháng nắng ngại đường xa
Em ra vườn sau nhà
Hái mời anh chùm mận
 
Bông mận rơi lấm tấm
Da mận hồng như môi
Ôi con mắt có đuôi
Má hồng đào ửng đỏ
 
Si em người em nhỏ
Ta ở mãi quên về
Trái  mận nào dậy thì
Ta giữ hoài không cắn…

 

Rồi sau 30/4/75, tôi vào trại tù khi thằng con mới hai tuổi. Cây mận trước sân nhà bông đã nở trắng, trắng như tóc của bà ngoại nó. Hết rồi những buổi chiều trong cái chái gần bếp, có chiếc bàn tròn bằng đá, quay quần nào con nào rễ, ăn uống nói cười rầm ran. Hết rồi má đứng đấy sẵn sàng mang ra tiếp trợ các món ăn thiếu hụt. Hết rồi, má dẫn cháu ngoại má qua đường cái, hay mỗi buổi sáng chờ chị gánh xôi, bánh bèo qua nhà để  mua quà cho cháu.
.
Vậy mà, thưa bạn,  tôi lại bỏ mà đi. Tự nguyện đi vào cõi chết.
 
Ngày ấy,  tôi dấu bạn về một chuyến vượt biển.

Một chũ tàu cảm kích hoàn cảnh của tôi, dành cho tôi một chỗ. Chỉ một chỗ. Chúng tôi không có tiền, chẳng có vàng. Và vợ tôi đã khuyên tôi nên chụp lấy cơ hội. Tôi đã sống trong sự giằng xé ghê gớm ấy. Ở lại hay ra đi. Ở lại thì ôm nhau mà chết. Mà ra đi thì tôi sợ đến một lần vĩnh viễn. Tôi đã thấy con thuyền ấy. Khoảng 20 thước bề dài. Thuyền ván mong manh, chỉ dành đi trên sông, sao lại có thể mang nó ra thử thách với biển sóng hãi hùng?
 
Cuối cùng, tôi chấp nhận đi. Em thà như hạt bụi. Con thì như hơi rượu cay. Vợ tôi luôn luôn khuyến khích tôi chụp lấy cơ hội. “Bíêt bao nhiêu người muốn đi, mà không được. Chẳng lẽ anh lại đi bán cà rem suốt đời?”
 
Vâng. Tôi chấp nhận. Tôi hèn nhát để chấp nhận. Ích kỷ để chấp nhận. Phải chi chúng tôi có dư dã tiền bạc. MM xem, gia tài của bọn mình còn có gì nữa để mà vàng với bạc. Chúng ta đã bị vắt cạn, khánh tận đến đồng bạc cuối cùng. Bởi  cái gọi là lịch sử. Giống như  đám đĩa vắt  trong rừng tràm khổ sai hả hê với đại tiệc. mà đám tù binh mang tặng không cho chúng. Dưới chân là đỉa trâu bám hút no nê, Trên người là vắt tha hồ hút máu.

Tặng miễn phí với  chiếc quần đùi bằng vải bao cát, đôi chân trần, chân không, không có gì để che chở. Tặng miễn phí giữa bãi đầm lầy ít bao giờ thấy bóng người, nơi mà đĩa lội như bánh canh, muổi kêu như sáo thổi. Và binh đoàn vắt phóng như pháo tập loạn cuồng.

Tặng miễn phí như tuổi trẻ chúng ta tặng cho lịch sử.
 
Và lần này, thêm một lần cho tận cùng bằng số.  Tôi trối với vợ,  hãy xem ngày anh ra đi, nếu không có tin tức gì thì kể như anh  sẽ ở một nơi nào đó, rất xa quê hương, nhưng cũng rất gần em và con… Vợ tôi cắn răng không dám nấc sợ cả nhà biết. Trời ơi, chúng tôi phải dấu cả nhà, ngay cả anh chị em, trừ bà má. Đó, có đau không.
 
Tôi đi khi con tôi ngủ như một thiên thần. Tôi đi, chỉ có một bộ đồ độc nhất. Vợ tôi đứng ở ngõ dõi mắt nhìn theo. Sau đó, nàng vào lại buồng chúng tôi, ôm gối mà khóc ngất, khóc chưa bao giờ khóc như vậy.
 
 oOo
 
Quả thật, tôi có lỗi, vì bắt bạn phải chờ. Sau này, vợ tôi kể lại, ngay ngày tôi trốn đi, buổi chiều bạn đến nhà nói chờ tôi để rủ  ra quán cóc lai rai như thường lệ… Vợ tôi đã dấu nói là có lẽ tôi đi bán cà rem xa nên  về trể.

Nhưng nếu bạn để ý, chắc sẽ thấy đôi mắt nàng khác thường. Đỏ hoe.  Trời ơi, trong một xã hội, một đất nước mà vợ chồng, anh em bạn hữu phải đóng kịch nhau để mà sống, thì sống như thế để làm gì?
 
Phải. Chúng tôi phải đóng kịch. Phải giả vờ vui khi cõi lòng tan nát, phải cố làm sao để hàng xóm láng diềng biết  việc tôi đào thoát  không phải có sự đồng lỏa của gia đình. Tôi phải chứng tỏ rằng tôi bỏ bê  phụ bạc vợ con.
 
Ờ, hành phương nam. Thưa em, thưa con. Đừng khóc nữa. Đừng sụt sùi nữa. Cái bi kịch này chúng ta sẽ ghi khắc trên đá hoa cương, làm bằng tưởng lục, giải thưởng cho bi kịch buồn bã nhất, bi hài nhất  của quả địa cầu này.Thử hỏi từ cổ chí kim có vở kịch nào như vở kịch này không.  Chỉ có hai diễn viên. Người chồng và người vợ. Không gian là cái bếp. Thời gian là buổi chiều. Nồi xoong, đập gõ ào ào, tiếng hét tiếng la tiếng khóc. Tôi chán cái nhà này quá rồi. Tôi sợ cái nơi này quá rồi.
 
Bạn Mường Mán ơi, vai vợ chồng tôi đóng xuất sắc lắm. 

Đến nổi thằng con trai 4 tuổi của tôi phải sợ hãi khóc òa. Và bà má vợ tôi phải sụt sùi nước mắt.
 
Chúng tôi đã đóng kịch. Khi chiếc nồi chiếc xoong được đập xuống ầm ầm, thì những âm thanh như nhát dao chém cứa cả buồng tim buồng phổi.
 

 
Bây giờ, mấy mươi năm sau, viết lại để giải thích tại sao bắt bạn phải chờ. Chắc bạn cũng sẽ rủa thầm tôi tại sao lại ích kỷ đi một mình không chịu rũ bạn đi cùng. Để chúng ta lại có  thêm một chặng đời chung nữa sau khi nhận Cần Thơ làm quê hương thứ hai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét