khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Nghệ Thuật Lãnh Đạo Một Quốc Gia - Tác giả Nguyễn Quốc Khải



Hơn 2,000 năm trước đây ở phương Tây cũng đã có một nhà hiền triết và cũng là một chánh khách lỗi lạc cũng ưu tư về việc vận hành của một quốc gia. Vào thời đó La Mã đã là một nước văn minh và đã thiết lập được một chế độ Cộng Hòa. Chánh khách La Mã đó là Marcus Tullius Cicero. Ông đã đưa ra một số nguyên tắc về lãnh đạo quốc gia, cân bằng về quyền lực, bạn và thù, thuyết phục và thỏa hiệp.

Trong suốt cuộc đời, Ông Marcus Tullius Cicero đã chứng kiến những năm huy hoàng của nước La Mã dưới chế độ Cộng Hòa. Ông cũng đã nhìn thấy nước La Mã bành trướng để trở thành một đế quốc rộng lớn trải rộng qua Địa Trung Hải xuống tận Bắc Phi và Trung Đông. Ông trông thấy tận mắt sự xụp đổ của chế độ Cộng Hòa để nhường chỗ cho những chế độ độc tài tham nhũng, lạm dụng, áp bức, tiêu diệt các đối lập chính trị, ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Binh sĩ trung thành với tướng lãnh thay vì đối với đất nước. Những phe cánh chánh trị chống đối lẫn nhau, không ai nghe ai, kinh tế trì trệ, và nạn thất nghiệp là một đe dọa cho sự ổn định. Một khi dành được quyền hành những kẻ độc tài không dễ nhả ra.

Cha mẹ của Marcus Tullius Cicero đã tạo điều kiện cho ông và người em trai được có một nền giáo dục tốt đẹp. Sau khi phục vụ trong quân đội một thời gian ngắn, Ông Cicero học luật và trở thành luật sư. Sau khi hành nghề luật sư một thời gian ông qua học tại Hy Lạp và Rhodes (một hòn đảo ở Địa Trung Hải thuộc Hy Lạp). Khi trở về nước, ông dần dần thăng tiến và giữ chức vụ quan tòa cao nhất của nước Cộng Hòa La Mã Cổ (ancient Roman Republic). Trong thời gian này ông được mời nhưng từ chối hợp tác với liên minh chính trị bộ ba Pompey, Crassus và Julius Caesar điều hành La Mã ở hậu trường, trái với hiến pháp. [4]

Marcus Tullius Cicero không phải là một chính trị gia (politician) mà là một chánh khách (stateman) đại tài của La Mã, một loại người hiếm hoi trong xã hội xưa và lại càng hiếm hoi trong xã hội văn minh ngày nay. Cicero là một người bảo thủ ôn hòa. Ông viết rất nhiều về vấn đề làm thế nào để điều hành một quốc gia. Tư tưởng của ông vượt qua giới hạn của thời gian lẫn không gian, vẫn còn giá trị đến bây giờ. Việc sử dụng và lạm dụng quyền hành thay đổi rất ít trong 2,000 năm vừa qua. Ông chủ trương làm việc với các đảng phái để phục vụ quyền lợi của đất nước và dân tộc. [5]
Marcus Tullius Cicero đưa ra một số nguyên tắc để điều hành đất nước hơn 2,000 năm trước. Nay vẫn còn áp dụng được không những cho một nước tiền tiến và dân chủ như Hoa Kỳ mà còn cho cả một nước độc tài, thối nát và chậm tiến như CSVN.

1. Luật Tự Nhiên (natural law)

Luật Tự nhiên bảo đảm tự do cho mọi người và giới hạn cách điều hành của chính quyền. Vũ trụ tuân lệnh của Thượng Đế cũng như biển cả và đất tuân lệnh của vũ trụ. Do đó nhân loại phải tuân theo luật tối thượng này. Nó áp dụng cho mọi người ở tất cả mọi nơi và mọi thời gian. Quy luật của chánh quyền là phải phù hợp với công lý và luật tự nhiên căn bản.

2. Cân Bằng Về Quyền Lực (balance of power)

Đối với Cicero, một chánh quyền tốt nhất là một chánh quyền bao gồm những tính chất tốt đẹp nhất của chế độ quân chủ (monarchy), chế độ quý tộc (aristocracy), và chế độ dân chủ (democracy), giống như trường hợp của nước Cộng Hòa La Mã. Khi chánh quyền chỉ theo một trong ba chế độ này để cai trị, nó thường thoái hóa thành một chánh quyền suy đồi – vua trở thành bạo chúa, chế độ quý tộc trở thành một thứ chánh quyền mà quyền hành tập trung vào một thiểu số phe phái, và chế độ dân chủ biến thành một chế độ hỗn loạn vô chánh phủ. Một chánh quyền hợp lý phải được xây dựng trên nền tảng kiểm chế và cân bằng (checks and balances). Chúng ta phải coi chừng những lãnh tụ đòi ngưng thi hành hiến pháp vì lý do an ninh hoặc muốn thi hành một điều gì nhanh chóng.

3. Lãnh đạo (leadership)

Những nhà lãnh đạo phải có cá tính đặc biệt và liêm chính. Những người muốn cầm quyền một nước phải thật can đảm, tài năng, và quyết tâm. Những người lãnh đạo thật sự luôn luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân và phe phái.

4. Bạn và thù (friends and enemies)

Cicero nhiều bạn nhưng cũng lắm kẻ thù khi ông chèo lên cái thang chính trị. Những người lãnh đạo sẽ thất bại nếu như thiếu tôn trọng bạn và đồng minh. Không bao giờ được sao lãng những người ủng hộ mình và quan trọng hơn nữa là luôn luôn phải biết chắc chắn kẻ thù đang làm gì. Đừng sợ sệt phải dang tay với tới người chống đối mình. Kiêu căng và cứng đầu là những xa xỉ phẩm mà chúng ta có thể có.

5. Thuyết phục (persuasion)

Trong thời đại xa xưa chưa có thông tin điện tử, chưa có máy đánh chữ và máy in, chưa có phương tiện truyền thông đại chúng, khả năng nói và thuyết phục được những đám đông nhỏ hay lớn rất cần thiết. Nhưng đối với Cicero, một nhà hùng biện không phải chỉ là một người đọc diễn văn hùng hồn mà còn là một chánh khách có khả năng diễn tả được sức mạnh của một ý tưởng cho công chúng dựa trên kiến thức và khôn ngoan. Một nhà hùng biện thật sự có thể thuyết phục những người nghe đồng ý với mình không phải vì nghệ thuật biết dùng lời nói, mặc dù quan trọng, nhưng là vì họ hiểu biết những điều gì họ nói và quan tâm sâu sa đến đất nước. Những người điều hành một nước phải là những người tài giỏi, thông minh và lanh lợi nhất nước. Nếu những nhà lãnh đạo không có kiến thức đầy đủ về những điều mình nói, bài diễn văn của mình sẽ chỉ gồm những từ ngữ rỗng tuếch và hành động của họ sẽ sai lầm một cách nguy hiểm.

6. Thỏa hiệp (compromise)

Đối với Cicero, chính trị là một nghệ thuật của điều có thể làm được, không phải là trận địa của những gì tuyệt đối. [6] Ông kiên quyết tin vào những giá trị truyền thống và uy thế tối cao của pháp luật. Nhưng ông cũng biết rằng để có thể làm được việc, những phe phái khác nhau trong một quốc gia phải sẵn sàng làm việc với nhau. Một chánh trị gia thỉnh thoảng phải dẹp sự kiêu hãnh của mình để làm một việc tốt.

Cicero nói rằng trong chính trị, hoàn cảnh luôn luôn biến đổi, nếu giữ một lập trường bất di bất dịch là thiếu trách nhiệm. Có những lúc cần phãi giữ lập trường, nhưng kiên quyết từ chối nhượng bộ là một dấu hiệu của yếu đuối, không phải sức mạnh.

7. Tiền và quyền lực (money and power)

Mọi quốc gia đều cần lợi tức để hoạt động. Nhưng Cicero tuyên bố rằng mục đích chính của một chánh quyền là bảo đảm cho tất cả mọi cá nhân được giữ những gì thuộc về họ và không phân phối lại của cải. Mặt khác, ông lên án việc tập trung của cải vào tay của một số ít người. Ông khẳng định rằng một quốc gia có bổn phận cung cấp dịch vụ căn bản và an ninh cho công dân.
Thuế là một thứ phiền hà nhưng rất cần thiết để tài trợ một đội quân lớn. Những chính trị gia phải cố gắng tránh đánh thuế tài sản như tổ tiên của chúng ta đã làm vì ngân quỹ quốc gia trống rỗng và chiến tranh liên miên. Nếu tuyệt đối cần thiết phải đánh thuế, tạo thêm gánh nặng cho người dân, những người lãnh đạo chính quyền phải làm cho mọi người hiểu rằng sự an toàn của họ tùy thuộc vào việc thực hiện thứ thuế này.

Cicero không phản đối việc giảm thuế cho người nghèo, nhưng ông báo động về trường hợp các chính trị gia đi quá xa và lên án bản chất tham lam của những người phục vụ trong chính quyền để chỉ phục vụ chính họ. Ông nói thêm rằng trong khi bảo vệ quyền của những cá nhân, chúng ta phải đoan chắc rằng những gì chúng ta đang làm cũng sẽ đem lại ích lợi hoặc ít nhất không làm hại cho đất nước.

8. Di dân (immigration)

Cicero tin rằng một quốc gia đón mời người ngoài hội nhập thành công dân sẽ trở thành mạnh mẽ hơn. Những công dân mới mang đến năng lực mới và sáng kiến mới. Đế quốc La Mã đã ban quyền công dân cho những người đồng minh tài ba và can đảm nhất và cho những người bạn đã bảo vệ sự an toàn cho La Mã. Những cộng đồng ở Phi Châu, Sicily, Sardinia, và nhiều tỉnh khác đóng thuế cho La Mã cũng được cấp quyền công dân.

9. Chiến tranh (war)

Phát động một cuộc chiến tranh để gìn giữ đất nước, yểm trợ đồng minh, hay bảo vệ danh dự được chấp nhận hoàn toàn. Cicero đồng ý với triết lý này. Nhưng ông cũng nói thêm rằng có những cuộc chiến tranh không thể bào chữa được thí dụ như chiến tranh vì sự tham lam.

10. Tham nhũng (corruption)

Vào cuối thời của Đế Quốc La Mã, tình trạng lạm quyền và tham nhũng lan tràn nhiều nơi. Đối với một người chân thật như Cicero, tham nhũng là một bệnh ung thư phá hoại ngay trung tâm của quốc gia. Hơn 2,000 năm trước, quả thật La Mã là một đế quốc văn minh. Họ đã có tòa án độc lập, đã có công tố viện, đã có bồi thẩm đoàn, đã có luật sư.
Đóng vai trò một ủy viên công tố, Cicero đã lên án Gaius Verres, cựu thống đốc của đảo Sicily, về tội tham nhũng khủng khiếp, ăn chơi xa đọa và bê trễ trách nhiệm. Ông còn cảnh cáo bồi thẩm đoàn nếu không kết án can phạm. Ông đe dọa sẽ buộc tội những kẻ toan tính hối lộ bồi thẩm viên và những kẻ nhận hối lộ.

11. Chế độ chuyên chế (tyranny)

Cicero sống vào giai đoạn những tự do và chế độ Cộng Hòa La Mã đã biến mất. Dân quyền và các đại diện do dân bầu lên đã được thay thế bằng những người dùng binh lực để đoạt lấy quyền hành và làm giầu cho chính họ. Đối với Cicero, chính quyền nằm trong tay một lãnh tụ, kể cả một người có khả năng như Julius Caesar, sẽ đưa đến đại họa, vì quyền hành tuyệt đối sẽ làm hư hỏng ngay cả người tài ba nhất. Cicero chống lại mọi hình thức chuyên chế dù là một người, một nhóm người, hay một tập đoàn vô kỷ luật.

Cách hay nhất để cho một người có thể tạo ra và duy trì quyền hành đối với những người khác là bằng sự mến chuộng chân thật. Cách cai trì tồi tệ nhất là bằng sự sợ hãi. Học giả Ennius đã nói “Người ta căm thù người mà họ sợ - và đối với người họ sợ, họ muốn thấy kẻ đó chết.”
Cicero nhận định rằng không có một quyền lực nào có thể chống lại sự căm thù của cả một dân tộc. Julius Caesar cai trị bằng binh lực, bị một nhóm nghị sĩ ám sát chết lúc 55 tuổi. 7/ Đó là một cái giá một kẻ độc tài tàn bạo phải trả.

Kết luận

Những nguyên tắc lãnh đạo một quốc gia mà Ông Cicero nêu lên ở trên rất quen thuộc với mọi người ờ thế kỷ 21 này. Nhưng một điều chúng ta mới học được là Ông Cicero đã đề cập đến những nguyên tắc này trên 2,000 về trước. Chúng vẫn có thể áp dụng được cho tới bây giờ để điều hành một quốc gia. Đó là những nguyên tắc có một giá trị vĩnh cửu bao gồm tự do, dân chủ, quyền lợi tối thượng của quốc gia, trong sạch trong chánh quyền, cân bằng quyền lực, khả năng lãnh đạo, thỏa hiệp, và công bằng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét