khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

ĐẶC BIỆT: Sầu Trường Tháng Tư 2015 - Tác giả Hoàng Hải Thủy



  
75

Hai mươi năm sống ở Kỳ Hoa, tôi đã viết khoảng bốn, năm bài về Ngày 30 Tháng Tư 1975. Năm nay – 2015 – nếu tôi viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi sẽ chỉ viết lại những gì tôi đã viết. Viết lại với nỗi cảm khái đã nhạt, viết lại với những lời đã nhão, những ý đã mòn.

Đêm tha hương – 12 giờ đêm, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, – phòng vắng, đèn vàng, yên tĩnh năm chăm phần chăm, tôi mở computer đọc những bài viết của tôi về Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tôi trích một bài làm tôi cảm động khi tôi đọc đêm nay để gửi đến Bạn.

19-5

Ôi Người Bạn Đọc ở xa Tôi ngàn dậm, ở phần bên kia Trái Đất.  Người bạn Đọc ở Chín Phương Trời, Mười Phưng Đất; Người Bạn Đoc ở Quê Nhà, Người Bạn Đọc Sống Lưu Vong như tôi ở nơi chân trời, góc biển, nơi cuối bãi, đầu ghềnh hải ngoại thương ca….
Tôi gửi đến Bạn bài này.

Thơ tôi làm Tháng Tư năm 2010 ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Ngày Oan Trái
 
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái

Ta thắp hương lòng để nhớ thương.


Mất  nhau vẩy bút làm mưa gió


Cho đống xương tàn được nở hương…


Một đời ba, bốn phen dâu bể

Mười điều trông thấy chín đau thương

Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc

Trăm năm thân thế bóng tà dương

Nước mất, quân tan, thân chiến bại

Sống nhờ cơm áo ở tha phương

Vèo trông lá rụng đầy đường

Kỳ Hoa Ðất Trích đoạn trường thế thôi.

Huống chi ta đã không còn trẻ

Tự thưở tan hàng ở cố hương.

Tháng Tư..! Ta lặng nhìn sông núi

Sông núi người dưng trắng khói sương.

Quê ta xa mãi bên kia biển

Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.

Ta đau người lính vừa thua trận

Nát gió mưa nằm giữa sa trường

Vẫn nghe từ đáy hồn thương tích

Vẳng tiếng kèn truy điệu Thiên Ðường.

Ðất đá tim ta nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ Em khóc thương?
 
o O o

Tôi không viết bạn cũng thấy trong Thơ Tôi – Thơ Công Tử Hà Đông trên trang này – có Thơ Thanh Nam, Thơ Quang Dũng, Thơ Nguyễn Bá Trác, Thơ Nguyễn Bính.

o O o

Bài Thơ thứ hai tôi làm ở Kỳ Hoa, Tháng Tư 2010.
 
Sầu Trường..

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tha hương

Cúi đầu mà khóc

Nghẹn lời mà gọi

Kỳ Hoa mang mang… ơi người mất nước..

Rừng Phong cùng ta cạn mấy sầu trường.

Sầu trường..Sầu trường đau thương.

Ta biết thương  về đâu?

Ðông phương ngàn dậm thẳm

Mây nước một mầu sương

Tây phương trời đẹp lắm

Có người mất nước như điên, như cuồng…

Hỡi ơi… bạn tác ngoài trôi dạt

Chẳng đọc Thơ Ta cũng đoạn trường!

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái

Ta thắp hương lòng để nhớ thương.

Xa nửa địa cầu thương nhớ mãi

Xương có tàn xin hãy nở hương.
 
o O o

Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đã đến, đã qua đời ta kể từ ngày ta mất nước, ta không thể sống như loài ếch nhái nằm trong góc ao đêm mưa ì ộp gọi nhau, ta thương khóc dù ta biết ta có thương khóc bao nhiêu cũng chỉ là vô ích; nhưng sẽ chẳng còn lâu nữa  những Tháng Tư sẽ đến với những người Việt không biết gì về Tháng Tư; ngày Quên sẽ tới khi trên cõi đời này không còn người Việt nào đau nhói trái tim khi Tháng Tư trở lại. Khi trên cõi đời này không còn người Việt Nam nào ba mươi tuổi trong Ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Vì năm tháng sẽ qua, vì người sẽ quên, vì đời sẽ lãng, nên khi chúng ta còn sống, năm năm cứ đến Ngày Oan Trái, ta cứ thắp hương lòng để nhớ thương. Ai không nhớ mặc ai, còn ta, ta cứ một mình rơi nước mắt vào những sầu trường tha hương, thất quốc.. Bạn ơi.. Giờ này, Ngày 25 Tháng Tư, 1975…, quân ta đang chặn đánh quân Bắc Việt Cộng ở mặt trận Long Khánh, Xuân Lộc, anh em ta, đồng bào ta đang chết để cho chúng ta sống…

Ơi các bạn của tôi – quen biết hay không quen biết – ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca, trong đau thương, trong tủi cực, trong cô đơn, tuyệt vọng, tôi gửi những lời Thơ này đến các bạn:

Gửi thân lữ thứ trăm miền

Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn. THANH NAM

Sài Gòn ơi.. Ta đã mất Em trong cuộc đời…NAM LỘC

Sài Gòn Ðẹp Lắm, Sài Gòn ơi..! Y VÂN
 
Chín mười giờ một đêm năm 1978, 1979..Sài Gòn mưa rơi, thành phố tắt điện, tối đen, tôi – kẻ viết những dòng chữ này – trên xe đạp đi qua trước Chợ Ông Tạ. Trong bóng tối, giữa hai dẫy nhà đen, hai dòng người trên xe đạp, một dòng đi về Đông, một dòng đi về Tây; như những bóng ma lầm lũi đi trên đường Địa Ngục.

Trên xe đạp, tôi làm bài thơ:

Sắc Cỏ


Ở đấy mộ người đều cỏ trắng

Riêng mộ người yêu cỏ sắc xanh.

Đêm mưa, đèn tắt, thành xưa vắng

Thương nhớ Tình Ta chỉ một Anh.

Em đi mùa ấy mưa hay nắng?

Đời vắng Khanh Đời chỉ nhớ Khanh.

Lầu vàng, lều cỏ rồi yên lặng

Phố chợ, rừng hoang cũng vắng tanh.

Người yêu, người ghét cùng quên lãng

Chẳng còn Em cũng chẳng có Anh.

Mồ Em cỏ ấy vàng hay trắng?

Anh biết Mồ Anh cỏ sắc xanh.

Chuyện Tầu: Chiêu Quân sang đất Hồ, chết ở đất Hồ. Đất Hồ trời lạnh quanh năm, cỏ trên những nấm mồ mầu trắng, riêng cỏ trên mộ Chiêu Quân mầu xanh.

Tháng Tư mùa soài. Lúc 10 giờ một buổi sáng Tháng Tư năm 1976, hay 1977, tôi đứng trên đường Hai Bà Trưng, đoạn đường trước chợ Tân Định, bên cột ngừng Xe Buýt, nhìn sang chợ bên kia đường. Trời nắng vàng. Những trái soái vàng óng dưới nắng.

Thơ đến với tôi:


Mình Anh ăn miếng soài này

Năm năm soài chín nhớ ngày Em đi.

Phải cùng chăng, tiếc làm chi.

Năm năm soài chín, chợ thì vắng Em.

Tưởng Em xa nước Em thèm

Còn Anh soài đỏ, soài đen, quản gì.

Chúng ta vùi một cơn mê

Có bao giờ tỉnh? Còn gì là ta?

Hướng Dương Em có như hoa

Hồn Anh nắng đã chiều tà, Em ơi.

Mỗi nhà một lá cờ vàng. Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa có bao nhiêu lá cờ? Tôi không biết, tôi chắc không ai biết. Chỉ biết sau Ngày 30 Tháng Tư tất cả những lá cờ ấy – Quốc Kỳ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa – biến mất. Những đêm dài thao thức, tôi không là thi sĩ, Thơ đến với tôi:


Mất nhau trong cuộc biển dâu

Hồn Anh hoa muộn, lá sầu hoang sơ.

Tim Anh quằn quại bóng cờ

Tai Anh mán hú, mọi hờ quanh năm.

Trời bỏ ta, khóc đi Em.

Hoa tàn,  hương lạnh trên thềm tang thương.

Ô Giang vó ngựa ngập ngừng.

Cùng đường Hạng Vũ, đoan trường Ngu Cơ
 
*
 

Mưa Sài Gòn
 

Trời lại mưa, Anh lại nhớ thương.

Thương, thương gần, Nhớ, nhớ tha phương.

Thương gần, mái tóc thơm hương cũ

Nửa đoạn trường xanh, nửa trắng thương.

Nhớ xa, đôi mắt nâu không ngủ

Đêm lại đêm dài, lạnh viễn phương.

Em gần hãy mộng trang hồng sử

Chờ sớm mai trời rạng ánh dương.

Em xa hãy trọn sầu ly xứ

Còn nhớ thương, Em cứ nhớ thương.

Ngày mưa, tháng gió nên tâm sư

Người nhớ, người thương để vấn vương.

Năm năm cứ đến Mùa Ngâu rũ

Trời lại mưa, Anh lại nhó thương.
 
*
 
Anh bước ra

Không thấy phố

Không thấy nhà

Không thầy mưa sa

Trên mầu cờ  đỏ.

Chỉ thấy hồn tan

Dù không thấy gió.

Thầy mẹ già trong cửa héo hon

Anh thấy Em môi nhạt mầu son

Gốc cây Đói, Đời buồn đứng đợi.

Thấy chúng ta giữa lòng ngục tối

Còn vu vơ kêu gọi Thiên Đường.

Thấy cuộc đời những Khóc cùng Thương

Thấy con ta đầu đường, xó chợ.

Anh bước ra..

Không thấy cười, không thấy thở

Chỉ thấy người người nghẹn ngào, nức nở

Vợ thương chồng, con nhớ mong cha.

Muối nào bào dạ xót sa

Dao nào cắt trái tim ta đêm ngày!

Khóc trong giấc ngủ nào hay

Tỉnh ra mới biết gối này ẩm sương.

Anh nghe ở cuối đêm trường

Tiếng Em khóc ở mười phương vọng về.

Còn Em, trong mộng, trong mê

Có nghe má lạnh tái tê giọt sầu

Có nghe trên tóc phai mầu

Lệ Anh ướt nửa mái đầu không Em?
 
Theo đúng thông lệ: bọn Cộng vào thành phố nào, lập tức thành phố ấy có Chợ Trời – một tên khác là Chợ Vỉa Hè – dân thành phố bị Cộng chiếm đem đồ dùng trong nhà: bàn ủi, quạt máy, nồi cơm điện, bát đĩa, quần áo v..v… ra bầy bán ở vỉa hè. Trong Tháng Năm 1975 Sài Gòn thành một Chợ Trời lớn nhất thế kỷ. Ngàn xưa Sài Gòn không có, ngàn sau Sài Gòn cũng không có một Chợ Trời lớn như Chợ Trời Sài Gòn 1975.

CTHĐ bèn có Thơ:

Trời chiều đi dạo Chợ Trời

Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui.

Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi

Vỉa hè này những khóc cười bầy ra:

Lạc loài áo gấm, quần hoa..

Này trong khuê các, sao mà đến đây?

Chợ bầy những đọa cùng đầy

Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa.

Bán đồ toàn những người ta

Mua đồ thì rặt những ma cùng mường.

Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường?

Đầu Âm Phủ, cuối Thiên Đường là đây.
 
o O o
 
pacman

Tháng Năm 2015 Hoa Kỳ có trận đánh Box lớn. Nhờ có TiVi người ta ở khắp thế giới được xem trận đấu ngay lúc trận đấu đang diễn ra ở Mỹ. Lần thứ nhất một võ sĩ người Á Châu – người Phi-luật-tân – so găng ngang ngửa với võ sĩ Mỹ. Chuyện người ta đánh nhau cho người khác xem, người ta đánh nhau vì Tiền, làm tôi nhớ bài viết của ông Phan Khôi về chuyện Đá Gà và Đá Người.

Đá Gà với Đấu Võ
 
PHAN KHÔI viết Ngày 7 Tháng 8, năm 1928 tại Sài Gòn. Bài đăng trên Đông Pháp Thời Báo. Tác giả ký bút hiệu dưới những bài phiếm này là Tân Việt.
 
rooster
 
Đã lâu nay ở Sài Gòn đây chính phủ ra lịnh cấm đá gà. Cấm là phải. Vì trong cuộc đá gà, hay sinh sự rầy rà, huống chi cho hai con gà nó đá nhau, rập đầu, chẩy máu rồi người ta vỗ tay mừng rỡ và nhờ đó mà được tiền thì thật là xấu quá, cho nên cấm là phải.
 
Song le mấy người ưa đá gà mà bị cấm đi thì họ buồn lắm.
 
Tôi nói với mấy người đó rằng nếu buồn thì sao bữa mới rồi không đi coi đấu võ? Dẫu đấu võ là người ta đá người ta, song cũng chẳng khác đá gà là mấy. Coi đấu võ cũng như coi đá gà.
 
Bắt đầu hai võ sĩ ra trận hươu tay trước mặt vừa xây vòng vừa giữ miếng nhau, ngó hệt như hai con gà vô hồ nạp và soi nhau. Đánh nhau một chập, người giám thị gõ chuông cái “keng” ra dấu mãn một hiệp, ấy là như đá gà mà mãn hồ.
 
Đá gà mãn một hồ thì đem gà ra bồng nước: bên “đá người” cũng vậy. Mỗi một võ sĩ có hai “tay nước” chờ sẵn, võ sĩ ra thì ngồi sải tay chơn trên ghế, rồi họ vuốt ngực và bóp tay bóp chân cho. Nực cười họ lấy khăn ướt vắt nước vào miệng võ sĩ như người ta vắt nước vào họng gà vậy.
 
Bồng nước xong rồi thì thả vô lại. Nếu võ sĩ này đánh võ sĩ kia được một cái mạnh, thì bao nhiêu người ngồi coi vỗ tay cười reo lên, tỏ ra ý khoái lạc vô cùng. Nếu cái đánh mạnh đến nỗi võ sĩ trúng đòn bị sặc máu, hay hộc cơm thì người ta càng vỗ tay reo cười hơn nữa, tỏ vẻ khoái lạc cao độ, như là mừng cho một người đồng loại với mình bị hộc cơm hay sặc máu.
 
Bên đá gà có ăn thua về tiền bạc thì bên “đá người” cũng vậy. Song luôn luôn là những người tổ chức được ăn còn những người coi là thua.
 
Những người tổ chức nhờ sự sặc máu, hộc cơm của đồng bào mình mà được tiền, những người đi coi chịu bỏ tiền ra để thấy đồng loại mình bị đánh sặc máu, hộc cơm mà lấy làm khoái, cái tâm lý của loài người lạ thay. Vậy thì cho đá gà còn hơn.
 
Có người bảo:
 
“Nói làm vậy là nhà quê quá. Đồ gà nó ngu, nó chỉ biết đá nhau chí tử mà thôi; còn người ta khôn hơn: hai võ sĩ đánh nhau hộc máu, sặc cơm xong rồi thường ôm nhau, bắt tay nhau để tỏ tình thân ái, “ Nhân vi vạn vật chi linh” là ở đó.”
 
Ừ phải. Hèn chi chính phủ cấm đá gà mà không cấm “đá người.” Hèn chi chính phủ cho mở những trận đấu võ luôn luôn.
 
Tân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét