khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Phụ bản ngày khói hương - Tác giả Trần Hạ Tháp








Chính bản

Ngày 21 tháng 9 năm Giáp Ngọ (tức 14/10/2014): giỗ kỵ ngài đầu tọa chi phái trong họ tộc. Từ đường: tại làng quê cách thành phố H hơn mười km quốc lộ 1A. Thời tiết: âm u, chưa mưa gió hay lụt bão như nhiều năm về trước.

Chú Dg: nam thành viên chi phái cư ngụ thành phố H, là hậu duệ đời thứ 9. Lịch trình dự trù tham dự: khởi hành lúc 6 giờ sáng. Sau khi hoàn tất cuộc lễ tại làng quê, trở về thành phố H lúc 6 giờ chiều cùng ngày. Phương tiện di chuyển: xe honda 50 phân khối đời 86.

Trang bị cá nhân: bị rết đeo vai đựng áo mưa, ống sáo trúc và thẻ hương. Ngoài ra, còn có phần hiện kim, hiện vật đóng góp vào quỹ chung theo lệ định (1 lon gạo cộng 5 chục ngàn đồng mỗi một nam thành viên đã lập gia đình).

Sinh hoạt: thường niên chiếu lệ. Dạng thức: theo nghi lễ cổ truyền đơn giản.

Ghi nhận đột xuất: một số phụ bản ngày có tính phức tạp, ngoài tiên liệu. Tất cả được đính kèm sau chính bản ngày, như nguyên thể phát sinh.
(hết phần chính bản).
 

Phụ bản (1):

Tờ giấy nhỏ để giữa bàn. Đồng bạc 1 trăm ngàn chồng lên, cả hai được dằn kỹ dưới một gói mì tôm chưa xé. Lấy lên đọc:

“…5 chục đóng giỗ kỵ 2 chục đổ xăng. Dư để phòng lỡ khi bể lốp dọc đường. Bì ny lông đựng gạo góp em để sẵn giỏ xe. Mắt kém đi sát lề chậm nghe. Rồi việc anh lo về, tối đèn pha chói mắt nguy hiểm lắm. Em ra chợ…”

Soát lại “xăng còn đủ.” Xe nổ máy ra ngõ và 10 phút sau dừng ở một sạp lẻ vệ đường. Hết 5 chục cho 5 tấm vé xổ số. Tờ 1 trăm còn nửa. Người bán, kẻ mua cùng tươi cười đặt niềm tin vào hy vọng…

Cuộc “dồn phiếu” đầu ngày, cật lực cho thứ dẫu rất “mong manh nhưng không hề lưu manh.” Khả năng hiện thực quá nhỏ nhưng xổ “ra số” vẫn cứ tốt hơn xổ ra “loại thiên đường không số.” Không hề ra mặt tiền, là loại thiên đường tít mù trong hẻm hóc, mệnh danh các “khu nhà ổ chuột.”
 
Phụ bản (2) :

Anh H thủ từ phân bua:

-Con cháu lớn lên làm ăn khó khăn đi xa cả. Tình hình đóng góp thường niên chiếu lệ có mấy mô?

Nghiệt vật giá ngày mỗi cao. Các chú coi lại mức đóng góp 5 chục ngàn, một lon gạo ra răng hè? Tui chộ ít ỏi quá. Đã đành “có chi cúng nấy” rồi “trước cúng sau cấp.” Nói lạy vong linh ngài, tiên tổ không đòi hỏi nhưng đó là phần lễ. Còn phần hội khi ngồi lại với nhau, năm có một lần chú bác con cháu…Đạm bạc quá!

Anh Thg xua tay:

-Phát sinh ra cái tiền bia bọt. Tụi mình lớn tuổi uống ăn chi mấy? Tụi trẻ đời ni lợi dụng giỗ kỵ đông người, uống vô say sưa toàn nói năng ba láp, tai nạn đầy đường. Vô ích! Cứ rứa mà đóng. Trừ ai có hoàn cảnh tật nguyền, ốm đau bệnh hoạn, người ngoại tỉnh ở xa không về, được miễn. Còn chú bác tới con cháu, hễ nam đã lập gia đình thì mức đó. Một lon gạo, 5 chục ngàn “nhứt nhứt đẳng phần” không thêm bớt. Đừng có đẻ chuyện ra!

“Bàn thượng” không còn ai nói thêm. Còn “bàn hạ” cứ tiu nghỉu nhìn nhau. Sau rốt, có đứa đứng lên:

-Thưa các bác, các chú. Như rứa, hơi buồn là giỗ kỵ thắp hương xong, ngồi mấy phút ai lo về nhà nấy. Mặt trời chưa tắt, từ đường đã “hương tàn bàn lạnh.” Đóng góp hơn tí cho ấm áp.

Chú Dg ở phố về, tỏ vẻ hiểu ý “bàn hạ”:

-Giỗ kỵ tức là “lễ hội gia tộc.” Đã có lễ cũng nên lưu tâm phần hội. Giả như cuộc lễ nào cũng chỉ để nhắc nhủ trách nhiệm, không có gì vui vẻ đính kèm như…kiểu văn nghệ chẳng hạn, sẽ khô khan thiếu nô nức trong tâm lý hướng về… Thưa các anh mình đã nghèo, nghèo thêm chút có sao? Riêng tôi đồng ý kể từ năm tới gắng tăng mức đóng góp thêm 2 chục, thành 7 chục ngàn. Phần gạo mỗi người một lon không thêm bớt. …Chưa hết, buộc phải hứa ngay từ bây giờ. Ai “rượu vào lời ra,” chi phái từ mặt. Thằng nào đại diện chịu trách nhiệm? Hay lâm sự đổ vấy cho tập thể là xong? Đừng học thói quỷ biện ngoài đời cứ “bãi lầy tập thể” lũ cá sấu ngoạm mồi xong, lặn mất…

“Bàn hạ” tất nhiên đồng ý. Đồng ý trong tự nguyện và chịu trách nhiệm rõ ràng. “Bàn thượng” đưa mắt nhau. Họ thành công khi đã ngầm chơi một trận “bóng chuyền” mỹ mãn.

Xưa nói “phép vua thua lệ làng” hoặc “quốc có quốc pháp, gia có gia quy” song phải chăng còn tùy vào mỗi khúc quanh lịch sử, mỗi đơn vị gia đình, gia tộc? Dù bị đánh lẫn vào những tạp chất ô trọc khác. Dù âm thầm nhưng không phải đã cáo chung, đã tàn lụi thứ “giềng mối” mà tiên tổ đã lưu truyền.

Học “một sàng khôn” phải đi mất “ngày đàng.” Nhưng đi quanh xóm “học lóm cha ông” lại là đường dẫn gần nhất tiếp cận những gì lung linh tồn tại đến ngày nay…
 
Phụ bản (3)

Các vị cao niên lo trần thiết bông chuối ở nội thất từ đường. Bọn thanh, tráng niên chừng mươi người tụ hợp cùng 5 con chó đi săn.

Thằng cháu lớn nhất tuổi 41, giải trình lý do:

-Trong khi chờ lễ cúng 2 giờ chiều…Xin chú bác cho tụi cháu về lót bụng tại nhà xong kiếm ít thịt hiếm, trước về cúng tiên tổ sau là vui vẻ trong ngày giỗ kỵ năm ni. Được nhiều ít, đôi ba con cũng là quý. Chồn cáo, chồn đèn thiếu chi…Chỉ chồn hương hiếm, bộ dái thơm mùi “xạ hương” làm thuốc to tiền lắm!

Các chú bác ở quê, khoan khoái gật gù. Họ gần như đều trải qua một thời trẻ trai như thế. Còn nói:

-Tụi bây giỏi chi mấy! Thời trước giỗ kỵ ngài, tụi tao săn về có khi mô dưới chục con không? Chồn mà “hon” thơm nói chi nữa.

Thằng cháu cười tươi:

-Chú bác mô cũng rành rồi. Chỉ chú ở “dưới phố” toàn nghe đi học, chưa biết thịt chồn “hon” cái chắc. Lần ni, cho chú biết!

Chú “dưới phố” chịu thua, không biết nói sao trước cái rộn ràng sôi nổi của hết thảy mọi người. Họ hào hứng. Họ vui lên thấy rõ…

Âm thanh sừng sực của 5 con chó bắt đầu vang lên từ đầu xóm. Những con chó rất được cưng quý ở làng quê. Chúng không hề là chó kiểng, chó Phú quốc, chó Fox xù, hoặc chó béc-giê hung hãn.
 
Không bao giờ là loại ngồi xế hộp, tắm biển và tiêu chuẩn được ăn theo “cấp tướng”… Chó quê quen ăn nhiều rau như chủ chúng.

Phụ bản (4) :

Chó ở làng quê đích thực là “kẻ bảo vệ” nương vườn, “nhà kiến tạo” thức ăn đặc sắc, “thành viên phụ” tích cực góp phần đáng nể vào lễ hội “tri ân tổ tiên chi phái.” Là loại luôn có mặt mọi hoàn cảnh, tuyệt đối đi theo chủ bất chấp đói rét, nắng mưa kể cả khi khổ chủ đã thành kẻ vong gia, vùi đời kinh tế “mới” với hai bàn tay trắng…

Đó là Vàng, Vện, là Ki là Mực, Vá. . . Những con chó thuần gốc Việt. Khỏi cần giải thích tại sao? khi mà đột ngột chúng bị đánh cướp đi, bị dã man bán vào lò thịt chó. Lòng dạ người dân quê quặn thắt. Họ nghẹn ngào ứa lệ.

Chúng được nuôi không phải để săn người, không ác hiểm như những con chó từ “lốt người thoái hóa.” Chúng là bạn tốt, là một loại “con em” các chủ nhân nơi ruộng đồng nghèo khổ… Đoàn chó 5 con của tụi săn chồn hôm nay tự do lăng xăng, chẳng dây buộc cổ. Chúng được nuôi ở mỗi một nhà, nhưng khi đem tụ tập sân từ đường lại không hề cắn xé lẫn nhau. Sao thế nhỉ?

Một cơ hội hết sức quý hiếm để chúng gặp mặt nhau chính thức.

Có cả thi đua dã ngoại hào hứng kèm với lợi ích đặc biệt (chúng rõ có phần cỗ tưởng thưởng cho riêng mình). Chó làng quê không chỉ làm vui lòng chủ nhân, mà còn nhiều hơn thế…Trưa vẫn âm u mây xám nhưng tất cả người và vật đều hí hửng lên đường…

Sự thật, ngày thường ở làng quê không ai nhốt chúng cả. Những con chó thuần Việt đích thực đều tự do từ một thuở ngàn xưa. Mới đây thôi, phong trào trộm chó chích thêm một vết thương tàn bạo vào cái tổ đã gần khô chất ngọt, tổ ong mật quê hương. Đừng nói gì người, đến chó cũng trở thành “tù nhân không tội nhân!”

Từ tư thế đang bảo vệ người, người lại quay ra bảo vệ chó. Ở đâu ra, từ khi nào, và cho ai mọc lên và thịnh hành loại “xực cẩu quán” vốn trước đây quá hiếm ở miền nam. Điều cho thấy trong lịch sử, qua lát cắt của “bi kịch chó,” đạo lý chính tông do tiên tổ truyền lưu đã và đang thương tổn ngậm ngùi…

Chắc giờ nầy chúng đang vô cùng khoái hoạt chạy vòng quanh chân núi. Thật “hãnh diện dùm” cho 5 con chó thân thương kia. Khi mà trong hoàn cảnh “chưa hề đủ tư duy,” chúng thiếu đi cái khái niệm lưu manh, phản phúc.

Ồ, đừng xúc phạm chó! Con người thường đem chúng ra nhằm rủa xả lũ phản quốc buôn dân, loài cợt nhả tổ tiên, thứ khi sư diệt tổ: “đồ chó,” “đồ chó má,” là “chó lợn không bằng”…

Phụ bản (5) :

4 giờ chiều. Nắng đột ngột lóe lên. Trận nồm đâu biết cuối thu?

Trời không còn trừu tượng xám. Bị rết ống sáo trúc thẻ hương hồi ức. Một mình đi cho đến hết mặt trời…

Nổi nửa người qua sóng lau tràn cồn bãi. Cọt kẹt bụi tre kêu ngầu dấu mắt u hoang…Đã lột vỏ bỏ đi đâu hồn rắn? Gởi. Gởi…Gởi lá xuyên không thư bay lạc cõi dương trần, vô nhận…

Hỡi phiên chiều. Kẻ lang thang về đứng bến thật hư? Soi bàu nước váng vàng ngây bóng ngó. Bì bõm…Bì bõm nhái cõng rêu chắp tay ngày bụi cỏ. Đã bái biệt hoàng hôn!

Lạy gió…

Phụ bản (6) :

Trường kỷ từ đường. Khói trầm hương. Chữ viết gốc rạ chen mặt sau tờ vàng mã :

“…nơi nào vắt áo bụi tre
nồm reo trong lá mây về cô thôn…
là nơi xin dựa gốc lòng
một tôi sáo thổi tay nâng điệu chiều
nơi nào miễu vắng tàn xiêu
đậu con cà cưỡng trong kêu có hồn
là chân khi lội ngang đồng
sóng lau còn dợn xanh tràn qua xưa…
nơi nào lột vỏ nang khô
xỏ chân tiểu tử cười mơ dặm hài
là nơi tìm mãi không ai. . ?
thuở trâu lăn vũng thời ngây cánh cò
nơi nào cau rụng tàu mo
dựng con ngựa kéo lo cò quanh sân
là đây cúi trước mộ phần
ngậm nghe sâu cạn mẹ phân chuyện hò
nơi nào nhạt nắng như tơ
vương lan là khói che mờ là sương
lạnh rồi bếp cũ người nhen
còn nguyên
đó đụn rơm buồn cõi con…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét