khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Những Lão Ngoan Đồng của thế kỷ 21






Năm 1973 khóa 1 mình thực tập ở xưởng cơ khí trường kỹ thuật Don Bosco (DB), 12 Trương Vĩnh Ký, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.  Sau 30/4/75 trường DB bị đóng cửa và chính quyền CSVN tịch thu với giấy "hiến" được ký kết trong đó tên trường DB vẫn giữ y như củ.  Nhưng đâu có giữ gì đâu! Tên mới lúc đó là trường Công Nhân Kỹ Thuật 4. Tên bây giờ là Trường đại học Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Mình.

Đổi đời rồi, y như: trường đại học Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức xuống cấp thê thảm thành trường mầm non Sơn Ca 9 







Nhưng, không sao! Một trăm năm mươi cựu sinh viên KHKTMĐ K1 sẽ là những Lão Ngoan Đồng của thế kỷ 21. Quí bạn nào chưa biết Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông là ai, xin mời đọc tiếp

Nếu một ai đó có hỏi : Kim Dung nổi bật nhất là gì ? Chắc chắn câu trả lời nhận được nhiều nhất chính là hai chữ : “thiền học”. Nhắc tời “thiền” thì không thể tách rời được “Phật giáo” bởi một lẽ đơn giản là khái niệm “thiền” khởi phát từ Phật Giáo. Có lẽ nếu như bạn không đọc tựa bài viết chắc bạn sẽ nghĩ tôi muốn nói về tác phẩm đậm chất Phật giáo từ đầu chí cuối của nhà văn Kim dung là “Thiên Long Bát Bộ”. Ấy vậy mà điều tôi tâm đắc nhất trong 14 bộ truyện của nhà văn Kim Dung lại không nằm trong bộ truyện này. Nó lại nằm trong "Xạ Điêu Tam Bộ Khúc" là ba bộ truyện được viết trong thời kỳ ông sáng tác sung mãn nhất: Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Các nhân vật trong 3 bộ truyện lừng danh này ắt hẳn ở Việt Nam từ trẻ nhỏ đến người già hiếm ai mà không biết tới.

Bạn đoán xem tôi sẽ viết gì về Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông đây ? Ngây ngô như con nít hoặc võ công trác tuyệt hay theo cách nói của bạn trẻ là “khìn khìn” ? Tôi muốn viết về chữ “danh” với con người này, một thứ mà con người này không tìm kiếm, không cố đạt nhưng lại là cái mà tôi tâm đắc nhất nơi con người này.

"Mọi người nghe vậy đều sững sờ, luận về võ công, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư đều tự biết còn thua Chu Bá Thông ba phần, sở dĩ chưa nhắc đến tên lão, chỉ là vì muốn chọc tức cho lão cuống lên để vui cười một phen. Ai ngờ Chu Bá Thông ngây thơ hồn nhiên, không so đo tính toán chút gì, tuy rất hiếu võ, song hoàn toàn không có ý tranh hùng dương danh, chẳng hề tính xếp mình vào hàng “Ngũ Tuyệt”.


Hoàng Dược Sư cười, nói:

- Lão Ngoan đồng ơi là Lão Ngoan đồng, huynh mới là bậc anh tài. Hoàng lão tà ta coi nhẹ cái danh, Nhất Đăng đại sư coi cái danh là hư ảo, chỉ có Chu huynh trong lòng không hề nghĩ đến chữ “Danh”, còn cao hơn bọn tiểu đệ một bậc. Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng, trong “Ngũ Tuyệt”, huynh đứng đầu!" (Trích Thần Điêu Hiệp Lữ, hồi 40, tác giả Kim Dung)

Thật thâm thúy khi Kim Dung gán cho tính cách của Chu Bá Thông là giống như trẻ nhỏ, biệt hiệu Lão Ngoan Đồng. Trẻ nhỏ thì không tranh nhau gì về danh lợi, chúng thường nhường nhịn, yêu quý nhau nhiều. Còn người lớn rồi lại vì cái lợi lộc, phú quý làm mờ mắt. Cái thuyết "chính danh" của Khổng học đề cao vị thế cái "danh", tuy là con đường đúng đắn, nhưng những kẻ quá trọng "danh-lợi" làm sai đi con đường đúng đắn của tiền nhân (Danh chính, ngôn thuận, sự tất thành. Danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành.). Ngày nay ai có "danh" tức có một địa vị nhất định trong xã hội, tự thế mà lợi lộc sẽ theo sau. Quan tham là thế nên cái khí tiết, danh dự, tự trọng không còn được đề cao. Như sự việc cách đây vài năm : ông Giám Đốc một Trung Tâm Văn Hóa đã làm một việc "rất có văn hoá" mà theo báo chí là đạo một tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Hồng. Cũng từ cái "danh" ra mà thôi. “Danh” này là “thực danh” hay “hư danh” đây ? “Tam lập” tức : lập đức, lập công, lập ngôn ở đâu, sao chỉ còn mỗi “lập danh trục lợi” thế này ?

Kim Dung đảo lộn mọi trật tự, Hoàng Dược Sư coi thường cái danh, Nhất Đăng xem cái danh như là hư ảo, đã được xem là thế ngoại cao nhân. Tức là ai cũng có một "chữ danh" ở trong lòng nhưng không đối diện với nó chỉ bỏ nó qua một bên mà thôi. Còn đáng phục hơn khi Chu Bá Thông thì khái niệm về "chữ danh" không có một chút dấu vết gì ở trong lòng, lòng trống tâm không. Con người như trở về thưở ban sơ còn làm trẻ nhỏ, vui đùa với nhau không tính toán chi lợi ích thiệt hơn. Nhờ thế mà lại là người cực kỳ xứng đáng đứng đầu Ngũ Tuyệt ở Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ 3. Võ công và nhân phẩm đều không có gì đáng chê trách nên không hiếm việc nhiều người yêu thích nhân vật này nhưng luôn gọi một cách gần như là yêu mến "Lão Ngoan Đồng".

Đối chiếu về Kitô giáo, Chúa Giêsu cũng từng khuyên con người bỏ đi "cái tôi-cái danh" của mình trong cách hành xử ở đời như trong việc chọn chỗ ngồi nơi tiệc cưới (Lc 14, 7). Không phải vì làm thế mà là "tự tôn" mình lên nhưng hãy làm với sự khiêm tốn hết lòng. Khiêm tốn và vô tư như trẻ thơ mới có thể dễ dàng tiến vào Thiên Quốc hưởng hạnh phúc đời đời (Lc 18, 15-17. Mt 19, 13-15. Mc 10, 13-16).  Nhờ đó con người sẽ quẳng đi những gánh nặng ơi trần thế mà mang lấy ách nhẹ nhàng êm ái của Thiên Chúa.

Có phải chăng vì thế mà đáng để thốt lên : "Lão Ngoan Đồng ơi, Lão Ngoan Đồng !" Lão ở đâu để ta học Lão mà dễ lên trời....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét