khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

TRẦN MỘNG TÚ: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4


 
Thanh Bình cho tôi được phép trả lời những câu hỏi chung về ngày 30/4 trong một đoạn ngắn nghe.
 
Tôi di tản vì chiến tranh (bằng phương tiện của hãng The Associated Press) vào ngày 21/4/1975. Bây giờ là 30/4/2012. Ba mươi bảy năm rồi.
 
So với thời gian tôi ở quê nhà từ Bắc vào Nam(1954) rồi sang Mỹ, tôi đã sống cái phần đời ở quê người dài hơn cái phần đời ở quê nhà. Nghĩ lại, “giật mình, mình lại thương mình xót xa.”
 
Nhớ ngày hốt hoảng ra đi, hãng không cho mang theo gì cả, vào phi trường lúc đó như đi đón người thân ở xa về. Hai tay dắt cha mẹ già, trong chiếc túi nhỏ đeo trên vai có một cái áo dài của mình, hai bộ quần áo của cha mẹ, cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm, và vài bài thơ viết tay của mình quơ vội trong ngăn kéo. Bao nhiêu hình ảnh thời con gái, hình gia đình, hình đám cưới, đám tang trong phút đó đã bị quên mất đến lạnh lùng, bị xuống hàng thứ yếu, không nhớ tới.
 
Ngày tháng quê người, đôi khi nghĩ lại, ngậm ngùi, ân hận, thấy tiếc những gì mình bỏ lại. Nhưng bây giờ lớn tuổi, lòng chùng xuống, tiếc nuối cũng phai mờ.
 
Với tôi chỉ có quê nhà bao giờ cũng là một ám ảnh khôn nguôi. Các con đã trưởng thành, không phải lo đời sống tất bật hàng ngày nhiều, chuyện gì cũng thấy nhẹ đi, nhưng hình như tình quê hương lại mỗi ngày một nặng hơn. Nhất là mỗi năm đến ngày Quốc Hận 30 tháng Tư.
 
Gửi Thanh Bình bài thơ mới viết sáng ngày thứ Hai, 30 tháng Tư.
 
Tháng Tư sừng sững đứng
 
Tôi thức dậy trong đêm
gió đập ngoài cửa sổ
đồng hồ một giờ sáng
đêm đã bước qua ngày
con số 30 gãy
Tháng tư từ từ rơi
nốt giọt thời gian cuối
 
Tôi căng mắt nhìn đêm
đêm như những thước phim
quay rã rời từng khúc
kín mít căn buồng nhỏ
đoàn người như con rối
chạy đâm sầm vào nhau
âm thanh của phim câm
trùng trùng cơn phẫn nộ
máu chảy trong bóng đêm
bầm một màu đen tím
lửa cháy trong bóng đêm
lan ra từng con hẻm
lửa ghé vào căn nhà
thằng bé như ngọn đuốc
 
Tôi căng mắt nhìn đêm
bỗng nghe tiếng súng nổ
từng tiếng một lạnh lùng
như có ai đang đếm
mỗi viên đạn bay ra
có cả mẹ cả cha
ngã chồng lên con trẻ
 
họ chọn chết như thế
giữa một ngày tháng tư
 
Tôi căng mắt nhìn đêm
đêm như cánh buồm đen
kéo người ta ra biển
biển nhận họ chìm lỉm
biển hắt họ lên bờ
họ tan như ốc vỡ
sóng như giải khăn sô
 
Tôi căng mắt nhìn đêm
Tháng Tư sừng sững đứng
với tất cả oan khiên.
 
Tôi có về thăm họ hàng, đất nước đôi ba lần. Những lần đầu về, nước mắt ướt đầm vai áo người thân, rồi những lần kế tiếp sau này, nước mắt không chảy trên mặt nữa, không phải mượn vai ai nữa.
 
Nhìn quê hương thay đổi rất lạ lùng, chỉ nghe một nỗi buồn khô, đến rời rã trong lòng.
 
Vết thương tháng Tư trên da thịt của tất cả người dân hiền lương hai miền Nam Bắc không bao giờ lành được.
 
Văn chương chỉ như một lớp dầu gió mỏng xoa dịu ngoài da.
 
Thêm một bài viết tản mạn để chia sẻ với Thanh Bình, như thể chúng ta vừa cùng nhau nhắp thêm một ngụm đắng tháng Tư.
 
Ngụm cà phê tháng tư
 
Ta ngồi một mình
ly cà phê cạn
lòng như tháng tư
đứt ra từng đoạn.
 
Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường 20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn màu cà phê đen đặc, sóng sánh sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay sao!
 
Tháng tư, tháng tư, tháng tư năm đó! Đứt ra từng đoạn: đoạn cha, đoạn mẹ, đoạn vợ, đoạn chồng, đoạn con, đoạn anh, chị, em, đoạn bạn hữu. Mỗi đoạn đứt một chỗ, rơi một nơi, đoạn mất đi ngút ngàn biệt tích, không để lại dấu vết, đoạn còn sót lại ngơ ngẩn, mù loà.
 
Tháng tư của ba mươi bảy năm sau, ngụm nước mắt không bao giờ cạn được.
 
Tôi ngồi trong quán một mình. Ngó những khuôn mặt lạ, họ không phải bạn bè, nhưng vẫn thấy thân thuộc, vì đó là những khuôn mặt của dân bản xứ tôi gặp thường ngày. Cách ăn mặc và lối cư xử của họ na ná giống nhau. Mình nhìn mấy chục năm, mình quen với cách kéo ghế, cách chụm đầu vào nhau nói khe khẽ, cách nghiêng mình xin lỗi của họ khi phải đi qua mặt ai, nên bỗng trở thành gần gũi.
 
Tự ngậm ngùi tưởng tượng, nếu bây giờ mình ngồi ở trong một quán cà phê ở Việt Nam, ngắm những người ngồi chung quanh, chắc chắn mình sẽ thấy thất lạc lắm, vì cách ăn mặc và cư xử rất khác mình. Họ cũng sẽ chẳng để mắt nhìn đến mình, một kẻ thường thường trên mọi phương diện. Mình thất lạc ngay chính trên quê mình.
 
Ngồi một mình với ly cà phê Starbucks trong một ngày của tháng tư, quê người; tôi chỉ nhìn ra mình là người lạ với chính mình. Cúi nhìn mấy ngón tay đang cầm ly, những ngón tay gầy đã bắt đầu xanh xao gân lá, biết mình ở đây lâu lắm rồi. Đôi vai bỗng trĩu nặng như có bàn tay ai vô hình ấn xuống ghế. Thôi, đã đến đây rồi, thì ngồi xuống đây, còn đi đâu được nữa. Ngồi đây mà hồn như thác đổ, tiếng nước ầm ầm vọng tới từ một ký ức xa xôi, rồi bỗng oà ra khi chạm vào tảng đá cuối cùng, tảng đá tháng tư.
 
Tháng tư ở đây là mùa xuân, chim chóc rủ nhau bay vào thành phố, hoa đào nở hồng trên mỗi con đường, nắng mới lách mình vào những khung cửa mở, trong vườn nhà ai hoa táo, hoa lê trắng xoá. Những người Việt di tản như tôi, tháng tư không ít thì nhiều quay đầu nhìn lại quá khứ, nhớ lại những giọt nắng quê nhà năm đó hoà vào máu và nước mắt. Hoa nắng quê người chỉ làm gợi thêm nỗi xót xa.
 
Anh ạ tháng tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà thăm thẳm sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương[*]
 
Chung quanh tôi, một vài bàn nhỏ có người ngồi trước tách cà phê và cái laptop.
 
Họ im lặng làm việc, học hay sáng tác. Có người với một tờ báo mở trước mặt, hay hai người bạn thì thào nho nhỏ. Quán tĩnh mịch, nghe được cả tiếng gõ khe khẽ của những ngón tay chạm trên bàn phím, thậm chí cả tiếng thở của người ngồi ở bàn gần mình.
 
Tôi ngồi với ly cà phê cạn. Tôi biết, những trang mạng của người Việt khắp nơi trên thế giới, vào mỗi tháng tư họ cũng trao đổi cho nhau trên khung hình nhỏ: những tấm hình đang bốc lửa, những khẩu súng đang nhả đạn. Tiếng người đang khóc, đang la vang, đang chạy hoảng loạn, đang giẫm lên nhau. Tiếng súng nổ, tiếng kêu thất thanh... Tất cả hiện ra trên khung hình nhỏ.
 
Trong một tiệm cà phê ở Mỹ. Tôi ngồi đó, ngửa mặt uống ngụm cà phê đen cuối cùng. Bỗng dưng má tôi ươn ướt. Nước mắt ứa ra từ hai con mắt, bờ mi đã bắt đầu sụp xuống như hai chiếc lá cuốn khô. Nước mắt của một người di tản vì chiến tranh lâu quá rồi, xót xa cho phận mình, phận người, phận quê hương đất nước.
 
Ba mươi bảy năm rồi, mà thỉnh thoảng vẫn đọc được ở trên mạng, lẫn vào những bài vở giải trí, kiến thức hay nghệ thuật, những lời nhắn với nội dung thật buồn:
 
Một hài cốt với tên họ, ngày sinh và số quân đầy đủ của một quân nhân VNCH, ai đó vừa tìm được bên đường. Mong có thân nhân đến nhận. Nào ai biết thân nhân của bộ xương đó còn sống hay đã chết? Tin đó đến từ Việt Nam và đã chuyển đi nhiều lần.
 
Tin những người ở Mỹ về bốc mộ, một hố chôn tập thể của binh sĩ VNCH trong một sân trường hay bên cạnh một con mương.
 
Tin cả trăm bộ xương tìm thấy ở ven biển miền Trung không biết của bên này hay bên kia.
Rồi còn cả những tin như sĩ quan H.O. qua đời ở Mỹ không có thân nhân, được những người trong cộng đồng phụ nhau mai táng.
 
Lời nhắn về một vị tá Hải Quân, có con ở Cali. Xác nằm trong bệnh viện Texas hai tuần rồi. Cha qua đời, con ở đâu chưa đến nhận.
 
Những dòng chữ như thế, thực sự là một “Tin Buồn” với ý nghĩa đúng nhất của nó.
 
Tháng Tư là tháng tôi sợ đọc, sợ xem hình trên mạng. Sợ nhìn lại những hình ảnh và đọc lại những bài viết kinh hoàng của những nạn nhân vượt biển; hình ảnh nghĩa trang quân đội bị đập phá trong tủi nhục; những câu chuyện thương tâm của tù nhân và nhà tù cải tạo; sợ phải xem lại những hình ảnh của một thành phố mình đã sống và lớn lên bị tàn phá bởi chiến tranh; sợ những bức hình và tên tuổi, binh nghiệp của các tướng lãnh tự sát vào ngày cuối cùng, tôi sợ mỗi khi đọc thêm một danh sách tự vận của các cấp tá, cấp uý, các hạ sĩ quan. Họ tự sát riêng lẻ hay có khi cùng với vợ con. Những bức hình im lìm đó là những tiếng gào thét phẫn nộ của những anh hùng VNCH. Tôi không nhớ là mình đã đọc được câu này ở đâu: “Thật đáng thương cho một đất nước nào có quá nhiều anh hùng” vì anh hùng đồng nghĩa với hy sinh và cái chết.
 
Đau đớn nhất là bao giờ khi xem hình, khi đọc những bài viết xong, cuối cùng mình nhận thức rất rõ rệt: đó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.Người giết và người bị giết đều mang họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần.
 
Ba mươi bảy năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có Tự Do cho Việt Nam. Ngư dân Việt bị tầu Trung Quốc bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm thầm mất dần từng mảnh cho Trung Quốc...
 
Tháng tư, cà phê đắng, đắng thêm khi pha vào những giọt nước mắt, vì nước mắt bao giờ cũng có muối ở trong. Nỗi đau tháng tư với một số đông người Việt ở thế hệ bạn hữu tôi là một vết thương không thành sẹo được, nó lên da non, rồi ngưng lại ở đó. Nhìn xuống vẫn thấy màu hồng, vẫn thấy như còn rơm rớm máu.
 
Tôi cúi xuống nhìn chiếc ly không, tự lấy tay áo lau thầm những giọt nước mắt mình. Đứng dậy, trở về một nơi tôi gọi là nhà, tiếp tục sống với trái tim di tản.
 
Vạt nắng tháng tư chỉ bay xiên vào trong quán này một năm một lần, nhưng khi tôi đến đây, dù bất cứ tháng nào trong năm, hồn tôi, tháng tư có thể đến bất chợt ghé xuống và rơi cùng những giọt cà phê.
 
Anh ạ tháng tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi nẻo về.[*]
 
Trần Mộng Tú
Tháng 4/2012
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét