khktmd 2015
Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014
Nhạc Sĩ Thanh Bình --Nhà văn Nguyễn Đình Toàn
Thanh Bình khởi sự là một người viết văn. Trước cuộc chia đôi đất nước 1954, ông đã có truyện đăng hàng ngày trên các báo ở Hà Nội. Khi đó, chắc Thanh Bình còn mới ở tuổi 20. Các truyện ấy, sau khi di cư vào Nam, hình như ông cũng không cho xuất bản lại thành sách, vì không thấy ai nhắc tới. Mặc dầu vậy, những người quen biết Thanh Bình cho biết, nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng và hãng phim của bà, đã nhiều lần điều đình với ông để đưa một vài cuốn sách của ông lên màn bạc. Việc ấy chứng tỏ các truyện của ông đã có nhiều người đọc và còn nhớ.
Sau 54, tại miền Nam, người ta biết đến Thanh Bình như một người viết ca khúc nhiều hơn viết văn.
Các bài hát như “Lá Thư Về Làng”, “Những Nẻo Ðường Việt Nam” của ông đã được hầu hết các ban nhạc cũng như các ca sĩ danh tiếng thời ấy trình diễn. Bài “Mưa Qua Sông” của ông, cả về giai điệu lẫn ca từ, rất được tán thưởng. Thanh Bình cũng có phổ nhạc một số thơ. Bài thơ ông phổ nhạc được nhiều người biết đến nhất là bài “Kẻ Ở” của Quang Dũng.
Song nói chung, các ca khúc của Thanh Bình do chính ông viết cả nhạc lẫn lời vẫn là những bài được yêu thích hơn cả.
Nhạc Thanh Bình giản dị. Lời ca của ông rõ ràng, trong sáng, rất gần gũi với vẻ đẹp và tính trữ tình của ca dao:
Thấy em chẳng nói trông lên mắt hai hàng rơi
Ðã không thì thôi sao em tiếc nhớ chi hoài
“Ðã không thì thôi” lối nói ấy không rất Việt Nam sao?
Trong sinh hoạt âm nhạc của chúng ta, thỉnh thoảng lại thấy xảy ra hiện tượng: Không vì lý do nào cả, bỗng nhiên một ca khúc hay một tác giả nào đó, bị quên lãng, không thấy ai hát hay nhắc tới nữa. Sự việc có thể kéo dài hay chỉ trong một thời gian ngắn.
Thanh Bình không hẳn ở trong trường hợp ấy.
Nhưng, trong số các băng, đĩa nhạc được thu ở hải ngoại trong mấy chục năm rồi, hình như chỉ thấy có một bài, do Khánh Ly hát, đó là bài “Tình Lỡ”.
Nhớ lại những năm sau 54, bài “Lá Thư Về Làng” của Thanh Bình đã gây xúc động trong lòng bao người vừa rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam. Càng cảm nhận ra rằng mình được bao dung, yên ổn, trong vùng đất mới, người ta càng xót xa nhớ thương quê cũ.
Chính những tác phẩm nặng tính thời sự như vậy thường lại mang trong nó nỗi oan khiên: Bị thời sự bỏ rơi!
Sự việc gần như tự nhiên.
Chuyện xảy ra sau xóa bỏ những gì xảy ra trước.
Hôm nay xóa bỏ hôm qua.
Cái còn lại là kỷ niệm.
Tác phẩm là những gì thuộc về đời sống được biến thành kỷ niệm, nhờ những tác giả.
Bài “Lá Thư Về Làng” của Thanh Bình bây giờ nghe lại, không phải người ta không còn cảm nhận ra cái hay, cái đẹp của bài hát.
Nhưng biến cố 30 tháng 4/75 đã đẩy nó sâu thêm một tầng nữa vào quá khứ.
Thời thế đã thay đổi.
Cái quê hương người ta đứt ruột bỏ đi năm nào, nay đã có thể trở về, nhìn lại, cái đổi thay, cái thực tế, đã giải hoặc những ước mơ, “áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười” [hình như] cũng không còn nữa, hay nến có còn [sót] ở một nơi nào đấy, thì đời sống và chính những con người hiện thực đã cải chính hay xóa bỏ cái hình ảnh người ta mang theo trong kỷ niệm.
Thực tế không còn liên hệ với kỷ niệm là “kỷ niệm mất bóng” đã rất gần với ảo tưởng.
Nếu mọi thứ cứ diễn biến như thế, cuối cùng, chúng ta sẽ còn lại gì đây?
'Lá Thư Về Làng'
Từ miền Nam, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già khuya sớm lang thang
Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhưng rồi thương qua lắm bé thơ ơi!
Ruộng đồng yêu ơi!
Thôn làng ruộng đồng yêu ơi!
Đường về làng tôi
Lúa đồng rạt rào đón mời.
Và người yêu quê
Đau sầu từ ngày anh đi
Có sớm anh về
Mừng mừng ướt má hoen mi.
Nguyễn Ðình Toàn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét