khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thư gửi bạn 2010 -- Bài viết của thầy Phạm Tiết

Thư gửi bạn 2010 

California Feb. 07, 2010 

Bạn thân, tôi đã nghỉ dạy buổi tối từ mùa tựu trường khóa mùa Thu năm 1988 và từ đó đến nay chỉ còn đi làm cho một vài công ty gần nhà. Tôi đã nghỉ dạy vì không còn cảm thấy hứng thú nữa, cái hứng thú của những năm đầu giống như khi còn dạy học ở VN mang qua đây. Tôi không còn tìm thấy được cái tình thày trò, tình huynh đệ như trong trường học ở VN. Lắm lúc không muốn đi làm nữa, nhưng không biết nghỉ rồi làm gì cho hết ngày?

Bạn hỏi tôi về cảm tưởng sau khi dẫn Mẹ tôi về thăm VN lần đầu và có ý định về nữa hay không. Tôi cũng muốn về VN chơi thăm lại một số họ hàng xa và bạn bè thời niên thiếu, nhưng thú thực càng ngày tôi cảm thấy mình xa lạ với con người và đời sống ở VN. Tất cả đều thay đổi (đương nhiên!) Tâm trạng của những người xa quê hương là muốn về “tìm lại chốn cũ” vì trong tâm tưởng vẫn còn vương vấn những kỷ niệm của một mảnh đời đã qua. “Khi Tôi Về” thì tất cả không còn như trong đầu tôi ấp ủ bao nhiêu năm. 

Cuối năm 1993, tôi có đưa Mẹ tôi về thăm ngôi nhà cũ ở hẻm 694 Võ Di Nguy, Phú Nhuận dưới cổng xe lửa số 10 gần trường Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức. Đứng trước cổng nhà mà lòng bồi hồi rung cảm. Bao nhiêu kỷ niệm xa xưa dồn dập trở về, phân vân không biết mình nên làm gì. Sau cùng tôi quyết định xin phép người chủ mới vào thăm lại căn nhà mà mình đã sống với Thày, Mẹ, với anh chị em suốt thời niên thiếu, quãng đời thanh niên tươi đẹp với người thân và bạn bè. Người chủ mới cũng thông cảm và để tôi được tự do đi từ sau ra trước. Tôi đã được nhìn lại chỗ đặt cái divan nơi tôi ngủ, phòng khách, góc nhà nơi dành riêng cho tôi làm chỗ sọan bài, nhà bếp, và nhiều kỷ niệm, nhất là chỗ để cái ghế trước sân nhà nơi tôi thường ngồi đấu láo với vài người bạn hàng xóm. Sau 19 năm, cái ghế đó chắc đã vỡ mục, người bạn hàng xóm thì đã ra người thiên cổ và một số người khác cũng phiêu bạt một góc trời nào đó. Cây ổi xá lị không còn nữa, nhưng vết rạn nứt nền xi măng trước sân nhà vẫn còn, nơi tôi đã hàng năm vào dịp gần Tết là đặt nồi nấu bánh chưng... Bao nhiêu kỷ niệm lôi kéo tôi về dĩ vãng với bận rộn của những ngày gần Tết, dọn dẹp nhà cửa, đánh bóng bộ lư hương trên bàn thờ… Đó là bổn phận duy nhất của người con trai trong gia đình, nhưng bằng mọi cách tôi vẫn dành riêng cho mình một buổi chiều 30 Tết: sau khi xong bổn phận, lái xe đi vòng vòng Saigon, Gia Định để xem sinh họat ngày cuối năm và cũng là để lòng mình giao cảm với đất trời trong giờ phút thiêng liêng.

Tất cả thật gần gũi mà cũng thật xa lạ. Tôi muốn tìm lại những gì thân thuộc của một thời đã qua nhưng chỉ là nhạt nhòa những hình ảnh cũ. 

Lững thững đi dọc theo con đường Võ Di Nguy dẫn từ nhà ra trường Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức, đếm bước chân đi mà nghĩ lại những ngày cuối cùng của mùa Hạ tháng Tư năm một ngàn chín trăm bẩy mươi lăm, tôi vẫn còn đủ bình tĩnh (hay là tôi không có sự lưa chọn nào khác?) xách cặp vào trường làm việc trong khi thủ đô yêu dấu Saigon đang quằn quại lên cơn sốt trước sức tấn công của Bắc quân. Lúc băng ngang qua đường Võ Di Nguy thì mắt chạm phải người lính dù, anh chỉ liếc mắt nhìn tôi, chúng tôi gật đầu chào nhau rồi anh quay về đúng tư thế sẵn sàng chiến đấu của một ngươi lính nhà nghề. Gương mặt anh xạm đen, đầy nét phong trần và trông anh bình thản như chờ đợi chuyện sẽ phải đến cho anh cũng như số phận của bao con dân miền Nam. Anh đang làm đúng chức năng cao cả của người trai trong thời lọan là bảo vệ đất nước và đồng bào, trong đó có tôi. Lúc đó không hiểu sao tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ khi so sánh mình với người lính dù… 

Ngày cuối cùng của muà Hạ tháng Tư năm 1975, tôi ra đi bất ngờ và vội vã với chùm chià khóa văn phòng trong túi để rồi tháng 12 năm 1993, tôi trở về cũng với chùm chìa khoá đó đi thăm lại ngôi trường nơi tôi đã dạy học 3 năm. Văn phòng nơi tôi làm việc vẫn vậy, không có gì thay đổi nhưng cũ kỹ và dơ bẩn hơn vì không được bảo trì. Sân trường vắng lặng, tôi cầm chùm chià khóa trong tay, tần ngần mấy lần định tra chià khoá mở cửa văn phòng nhưng không hiểu sao có gì ngăn cản. Đứng trước cửa văn phòng nhìn ra sân, cây xoài, thư viện, văn phòng Khoa Trưởng, phòng Bảo Trì, giảng đường, câu lạc bộ... 

Tất cả vẫn còn ...nhưng đều xa lạ. Tôi muốn nói với tất cả là tôi đã trở về nhưng chỉ có im lặng bao trùm, cảm thấy lạc lõng, tôi lững thững ra về... 

Bạn thân, không hiểu sao, mấy năm sau này, cứ mỗi lần Tết đến là tôi lại nhớ lại bài thơ tựa đề “Ông Đồ” của nhà thơ Nguyễn Đình Liên mà mình học trong môn Việt Văn hồi lớp Đệ Thầt (lớp 6 sau này). Bài thơ mà tôi nhớ mãi và có lẽ khó có một người học sinh nào miền Nam không nhớ:

“Mỗi năm hoa đào nở, 
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tầu giấy đỏ, 
Bên phố đông người qua… …. 
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ gìa, 
Những người muôn năm cũ, 
Hồn ở đâu bây giờ” 

Mỗi khi nghĩ lại bài thơ này, tôi liên tưởng tới các người thân đã quá vãng, hồn của họ bây giờ phiêu bạt nơi nao? 

Such a beautiful poem and it has touched my heart since I was a very young boy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét